Tình hình kinh tế - xã hội Quý 1 năm 2016

Đăng ngày 22 - 03 - 2016
100%

Quí I năm 2016, với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm, nên tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý I/2016 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 8,01% (1) so với cùng kỳ (sơ bộ quý I/2015 tăng 7,90% (2) so với cùng kỳ); trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,01%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,51%; các ngành dịch vụ tăng 6,32%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 6,00%. Trong 8,01% tăng trưởng của quý I/2016, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,43 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 1,90 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,33 điểm phần trăm. Cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng; dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 17,36%, giảm 1,19%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 44,93%, tăng 1,29%; các ngành dịch vụ chiếm 32,21%, tăng 0,01%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,50%, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1 Nông nghiệp

a. Kết quả sản xuất vụ Đông

Sản xuất vụ Đông 2015 - 2016 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, các đợt mưa lớn trong tháng 9/2015 đã gây ngập lụt diện tích một số loại cây đã gieo trồng; đặc biệt, đợt rét đậm, rét hại diễn ra từ ngày 22/01/2016 đến ngày 03/02/2016 đã làm cho diện tích rau xanh đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng. Tổng diện tích gieo trồng 49.089 ha, đạt 96,3% kế hoạch, giảm 1,9% so với vụ Đông 2014 - 2015; trong đó, diện tích ngô 20.138 ha, đạt 89,5% kế hoạch, giảm 5,2%; diện tích khoai lang 4.069 ha, giảm 10,3%; diện tích lạc 1.468 ha, đạt 97,9% kế hoạch, giảm 5,6%; diện tích đậu tương 2.702 ha, đạt 90,1% kế hoạch, giảm 9,1%; diện tích rau các loại 16.772 ha, giảm 0,9%; diện tích ớt cay 2.026 ha, gấp 2,6 lần… Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính so cùng kỳ như sau: Ngô 46,6 tạ/ha, giảm 0,9%, sản lượng 93,8 nghìn tấn, giảm 6,1%; lạc 20,5  tạ/ha, giảm 1,5%, sản lượng 3.016 tấn, giảm 7,0%; đậu tương 15,5 tạ/ha, tăng 0,4%, sản lượng 4.192 tấn, giảm 8,7%; khoai lang 71,9 tạ/ha, tăng 1,5%, sản lượng 29,3 nghìn tấn, giảm 9,0%; rau các loại 126,7 tạ/ha, giảm 6,5%, sản lượng 212,5 nghìn tấn, giảm 7,3%.

b. Tiến độ sản xuất vụ Chiêm Xuân

Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17/3/2016, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ Chiêm Xuân, diện tích lúa đã cấy 120.116 ha, đạt 102,7% kế hoạch; 12.810 ha ngô, đạt 67,4% kế hoạch; 5.955 ha lạc, đạt 66,2% kế hoạch; 401,8 ha đậu tương, vượt 0,5% kế hoạch; 2.349 ha khoai lang; 14.925 ha rau, đậu các loại… 
Các nhà máy sản xuất chế biến đường đã thu mua được 1.116,7 nghìn tấn mía nguyên liệu, đạt 65,2% kế hoạch; trong đó Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã thu mua được 530 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 428 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống 158,7 nghìn tấn. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn thu mua, chế biến được 217,6 nghìn tấn, vượt 12,4% sản lượng dự kiến; trong đó Nhà máy sắn Bá Thước thu mua, chế biến được 63,6 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân 65 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Ngọc Lặc 89 nghìn tấn.

c. Chăn nuôi

Điều tra chăn nuôi kỳ 01/01/2016 được chọn mẫu điều tra ở các hộ chăn nuôi lợn và gia cầm của 9/27 huyện (Hoằng Hoá, Quảng Xương, Yên Định, Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Bá Thước) và điều tra toàn bộ các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tổng hợp suy rộng như sau: Tại thời điểm 01/01/2016, toàn tỉnh có 900,4 nghìn con lợn, tăng 0,1% so với thời điểm 01/10/2015; 18,4 triệu con gia cầm, tăng 0,9 % so với thời điểm 01/10/2015.
Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên, nên không có dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, ngày 04/3/2016, tại thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương có 04 con bò của 03 hộ gia đình bị mắc bệnh lở mồm long móng. Ngay khi phát hiện bệnh, Chi cục Thú y đã phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Trong đợt rét đậm, rét hại diễn ra từ ngày 22/01/2016 đến ngày 03/02/2016 trên địa bàn toàn tỉnh đã làm chết 1.007 con trâu, bò; 532 con dê; 82 con lợn và 1.375 con gia cầm. 
Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1 năm 2016 cho đàn gia súc, gia cầm; tính đến ngày 17/3/2016 đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm; cụ thể: Vắc xin H5N1 cho gia cầm 906.500 liều, đạt 9,8% kế hoạch; vắc xin dại cho chó mèo 270.170 liều, đạt  83,9% kế hoạch; vắc xin tụ huyết trùng 109.825 liều, đạt 46,6% kế hoạch; vắc xin lở mồm long móng 112.725 liều, đạt 47,8% kế hoạch; vắc xin dịch tả lợn 131.950 liều, đạt 35,1% kế hoạch; vắc xin tụ dấu lợn 130.625 liều, đạt 34,7% kế hoạch. 

2.2 Lâm nghiệp

Phục vụ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Bính Thân 2016” và triển hai kế hoạch trồng rừng vụ Xuân năm 2016; Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đã chuẩn bị hiện trường, cây giống, vật tư, nhân lực bảo đảm phục vụ Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng vụ Xuân năm 2016; toàn tỉnh đã sản xuất được 20,5 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 9,8 triệu cây đã được kiểm tra cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, đủ tiêu chuẩn xuất vườn, đáp ứng nhu cầu Tết trồng cây và triển khai trồng rừng theo kế hoạch. Dự ước quí I/2016 trồng được 1,25 triệu cây phân tán, tăng 12,8% so cùng kỳ; trồng rừng tập trung 650 ha, đạt 6,5% kế hoạch, tăng 7,4% so cùng kỳ; khoanh nuôi tái sinh 7,6 nghìn ha, đạt 100%, tăng 8,6% so cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 44,2 nghìn ha, đạt 100,0% kế hoạch, giảm 5,6% so cùng kỳ. Khai thác lâm sản: Gỗ 96.173 m3, tăng 45,9% so cùng kỳ; tre luồng 12.284 nghìn cây, giảm 1,6%; nguyên liệu giấy 17.804 tấn, giảm 1,2%; củi 335 nghìn ste, giảm 9,0% so cùng kỳ… Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 458,8 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Các ngành chức năng, phối hợp với các địa phương và các Ban quản lý dự án vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và thực hiện nghiêm túc việc cấm khai thác gỗ trái phép.  

2.3 Thủy sản

Những tháng đầu năm 2016, do chịu ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh kèm theo mưa gió, rét đậm; ven biển và ngoài khơi có gió cấp 6, cấp 7, biển động mạnh đã ảnh hưởng đến khai thác thủy sản trên biển của ngư dân. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, thời tiết thuận lợi; sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, nhiều địa phương tổ chức ra quân đánh bắt sớm, nên sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản quý I/2016 tăng khá so cùng kỳ. Giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá so sánh 2010 quý I/2016 ước đạt 1.101,3 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản ước đạt 37,8 nghìn tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 13,4 nghìn tấn, tăng 10,9%; sản lượng khai thác 24,4 nghìn tấn, tăng 6,6%; riêng khai thác xa bờ 9,3 nghìn tấn, tăng 8,9% so cùng kỳ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất và ương nuôi ấu trùng giống tôm sú nước lợ với tổng số 20 cặp tôm bố mẹ sinh sản, đã xuất bán được 5 triệu PL 5; các trại sản xuất giống thuỷ sản nước ngọt tiếp tục cho sinh sản nhân tạo các đối tượng cá truyền thống (mè, trôi, trắm, chép…), sản lượng ước đạt 350 triệu con cá bột.

3. Công nghiệp

Quí I/2016, sản xuất công nghiệp tương đối ổn định; các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh như: giày da, may mặc, xi măng, bia, thuốc lá... sản xuất và tiêu thụ đạt khá; bên cạnh đó, một số doanh nghiệp mới đi vào sản xuất kinh doanh từ cuối năm 2015 (may Pacific Ngọc Lặc, may S&H Vina Thạch Thành...) đã làm tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp; đặc biệt, khu vực doanh nghiệp Nhà nước, với việc gia tăng sản lượng của các sản phẩm: xi măng, thuốc lá, bia, điện sản xuất... đã làm cho khu vực này có tốc độ tăng giá trị sản xuất khá cao so với các khu vực còn lại. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh 2010 quý I/2016 ước đạt 14.171,4 tỷ đồng, đạt 22,7% kế hoạch năm, tăng 10,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh nghiệp Nhà nước 2.449,9 tỷ đồng, tăng 19,1%; khu vực ngoài Nhà nước 6.497,1 tỷ đồng, tăng 9,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 5.224,4 tỷ đồng, tăng 8,2%.  
Các sản phẩm chủ yếu quý I/2016 tăng so với cùng kỳ có: Thuốc lá bao 27,1 triệu bao, tăng 50,9%; bia các loại 10,6 triệu lít, tăng 37,5%; sữa tươi đóng hộp 3,2 triệu lít, tăng 17,1%; thủy sản đông lạnh 8,5 nghìn tấn, tăng 26,6%; quần áo may sẵn 25,5 triệu sản phẩm, tăng 16,6%; giày thể thao xuất khẩu 13,7 triệu đôi, tăng 13,2%; xi măng 2,0 triệu tấn, tăng 6,7%; gạch lát nền Vicenza 1,5 triệu m2, tăng 17,6%; tinh bột sắn 23,4 nghìn tấn, tăng 24,5%; bao bì các loại 23,9 triệu bao, tăng 24,5%; cát xây dựng 3,2 triệu m3, tăng 8,0%; đá khai thác 3,6 triệu m3, tăng 12,9%; đá ốp lát xây dựng 5,4 triệu m2, tăng 61,2%; đá phụ gia xi măng 159,2 nghìn tấn, tăng 19,6%; điện sản xuất 973,3 triệu kwh, tăng 58,4%; nước máy sản xuất 8,7 triệu m3, tăng 18,2%; ô tô tải 941 chiếc, tăng 39,6%… Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ như: Đường kết tinh giảm 9,8%; phân bón các loại giảm 5,6%; gạo ngô xay xát giảm 3,5%; tinh bột men thực phẩm giảm 34,1%... 
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý I/2016 cơ bản ổn định, giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chưa có bước đột phá, ngoài một số sản phẩm chủ lực có khối lượng sản xuất và tiêu thụ tăng, nhiều sản phẩm còn lại sản xuất, tiêu thụ giảm, đặc biệt là sản phẩm đường; mặt khác, quý I/2016 không có thêm sản phẩm mới; một số dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất tiến độ thực hiện chậm.  

4. Đầu tư

Kế hoạch giao vốn đầu tư  năm 2016 từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ được thực hiện sớm, tạo điều kiện cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Quí I, nguồn vốn chủ yếu tập trung đẩy nhanh tiến độ cho các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp như: Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; dự án Nhà máy xi măng Long Sơn; dự án Cảng tổng hợp Quốc tế Khu kinh tế Nghi Sơn; dự án đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hoá, Khu Trung tâm hành chính mới thành phố Thanh Hoá; Nhà máy sản xuất và lắp đặt linh kiện điện thoại; Nhà máy sản xuất dầu ăn và các sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn… Quí I/2016, tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt 26.812,3 tỷ đồng, đạt 21,4% kế hoạch năm, tăng 22,6% so với cùng kỳ; trong đó, các đơn vị địa phương quản lý 2.435,6 tỷ đồng, tăng 24,0% so cùng kỳ; các đơn vị Trung ương quản  lý 2.667,7 tỷ đồng, tăng 24,4%; vốn đầu tư nước ngoài 14.388,7 tỷ đồng, tăng 27,2%; vốn khu vực ngoài nhà nước 7.320,2 tỷ đồng, tăng 13,5% cùng kỳ. 

5. Giao thông vận tải

Quí I/2016, các tuyến xe buýt, xe khách đảm bảo chuyến, tuyến phục vụ nhân dân đi lại trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân, không để xảy ra tình trạng xe khách tăng giá vé, nhồi nhét hành khách. Cảng Hàng không Thọ Xuân hiện có 3 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đang khai thác đường bay Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa - Buôn Ma Thuột, mỗi ngày tại sân bay có khoảng 4 - 6 lượt chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Dự ước quí I/2016, vận chuyển hàng hoá đạt 11,6 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 668,4 triệu tấn.km, tăng 7,9% về tấn, tăng 4,8% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 9,2 triệu người, luân chuyển hành khách 537,4 triệu người.km, tăng 19,5% về hành khách, tăng 21,1% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 1.341 nghìn tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 1.257 nghìn tấn, giảm 3,7%; cảng Lễ Môn 84 nghìn tấn, giảm 18,1% so cùng kỳ.

6. Thương mại, giá cả và du lịch

6.1 Giá tiêu dùng

Trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, do thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, một số loại rau bị chết hoặc sinh trưởng chậm, giá rau xanh, cà chua tăng mạnh; giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tăng cao; song do nguồn cung hàng hóa dồi dào, nên giá cả thị trường trước, trong và sau Tết nhìn chung ổn định, không có tình trạng sốt giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2016 tăng 0,67% so với tháng trước (nếu loại trừ giá dịch vụ y tế tăng đầu tháng Ba, thì chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba giảm 0,68% so với tháng trước). Có 3 nhóm hàng hóa giá tăng so với tháng trước (nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 47,22%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,20%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%). Bốn nhóm hàng hóa giá cả ổn định (nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình;  nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục). Bốn nhóm hàng hóa giá cả giảm (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,76%; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 1,73%;  nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm 0,18%; nhóm giao thông giảm 2,92%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2016 tăng 1,80% so với tháng 12/2015 và tăng 2,02% so với cùng tháng năm trước. 
Chỉ số giá vàng tháng 3/2016 tăng 7,68% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ giảm 0,05% so với tháng trước, tăng 4,55% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng quí I/2016 tăng 1,28% so với cùng kỳ, nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,94% so với cùng kỳ, nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm nhiều nhất so với cùng kỳ là nhóm giao thông giảm 7,19%.

6.2 Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ

Ngành Công Thương và các đơn vị đã cung ứng đầy đủ lượng hàng hoá phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Bính Thân; trước, trong và sau Tết không để xảy ra tình trạng khan hàng, hiếm hàng; hàng hoá cung ứng đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định. Quí I/2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.421 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó kinh tế Nhà nước 663 tỷ đồng, giảm 14,8%; kinh tế tập thể 12 tỷ đồng, tăng 21,8%; kinh tế cá thể 9.970 tỷ đồng, tăng 19,3%; kinh tế tư nhân 6.672 tỷ đồng, tăng 16,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 103 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 15,8%; khách sạn nhà hàng tăng 19,8%; du lịch lữ hành tăng 18,0%; dịch vụ tăng 18,1% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016; đã tập trung kiểm tra một số lĩnh vực như: Hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; vật tư nông nghiệp. Từ ngày 02/3 - 09/3/2016, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện và xử lý 61vụ, tổng số tiền thu nộp 223 triệu đồng, trong đó thu phạt vi phạm hành chính 175 triệu đồng, hàng hóa chờ bán và tiêu hủy trị giá 47 triệu đồng. Chi cục Quản lý thị trường tiếp tục theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm VSATTP, các mặt hàng khác như: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc tân dược, thuốc lá nhập ngoại, vật tư nông nghiệp, sữa... trên địa bàn tỉnh.

6.3 Hoạt động khách sạn - du lịch lữ hành

Quí I/2016, hoạt động du lịch gắn với các lễ hội đầu Xuân Bính Thân 2016 diễn ra sôi động, ước tính số lượt khách phục vụ của khách sạn đạt 1.228 nghìn lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 1.979 nghìn ngày khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 20,4 tỷ đồng, tăng 18,0% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 10.853 lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 32.892 ngày khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

6.4 Xuất, nhập khẩu

Quí I/2016, toàn tỉnh có 106 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu hàng hóa, đến 42 thị trường với 47 mặt hàng; giá cả một số mặt hàng xuất khẩu tăng từ 3,8% đến 15,0% so với cùng kỳ, nên giá trị xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng khá so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ ước đạt 368,1 triệu USD, đạt 22,7% kế hoạch năm, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch 329 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tiểu ngạch 9,5 triệu USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng khá so với cùng kỳ gồm: Chả cá Surimi 311 tấn, tăng 54,7%; tăm hồ cứng từ tinh bột ngô 108 nghìn USD, tăng 8,0%; dăm gỗ 54,1 nghìn m3, tăng 27,9%; ba lô du lịch 367 nghìn cái, tăng 48,6%; hàng may mặc 23,3 triệu sản phẩm, tăng 42,1 %; giầy thể thao các loại 14,6 triệu đôi, tăng 45,6%...
Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu quí I/2016, ước đạt 303,7 triệu USD, gấp 2,4 lần  so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế tư nhân 34,6 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 269,1 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 0,4 triệu USD, vải may mặc 44,4 triệu USD, phụ liệu hàng may mặc 38,4 triệu USD, phụ liệu giầy dép 64,9 triệu USD, máy móc thiết bị và phụ tùng khác 142,9 triệu USD.

7. Tài chính - ngân hàng

7.1 Tài chính 

Quí I/2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 2.451 tỷ đồng, đạt 22,1% dự toán tỉnh giao, bằng 82,7% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất 1.901 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán, tăng 15,1% so cùng kỳ. Các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn tăng so với cùng kỳ có: thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương tăng 2,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,6%; thuế CTN và DVNQD tăng 0,4%; thu thuế thu nhập cá nhân tăng 71,3%... Tổng chi ngân sách ước đạt 5.516 tỷ đồng, đạt 24,8% dự toán, tăng 9,5% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 24,4% dự toán, tăng 39,4%; chi thường xuyên đạt 23,6% dự toán; tăng 3,5% so cùng kỳ.

7.2 Ngân hàng

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đến 31/3/2016 ước đạt 53.100 tỷ đồng, tăng 9,0% so với 31/12/2015. Tổng dư nợ ước đạt 63.500 tỷ đồng, tăng 3,0% so với 31/12/2015. Trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 49% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng VND chiếm 98% tổng dư nợ.
Tình hình đầu tư tín dụng trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, chính sách của Chính phủ như sau:
- Chương trình hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ: Tính đến ngày 29/2/2016, các ngân hàng thương mại nhận được 43 hồ sơ vay vốn và đã ký kết 23 hợp đồng tín dụng cho vay vốn để đóng mới, nâng cấp 23 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay trên 292 tỷ đồng; đến thời điểm hiện tại đã giải ngân được gần 123 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 65% - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới nâng cấp tàu, tài sản đảm bảo là chính con tàu đang đầu tư. 
- Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn đến 29/02/2016 theo Nghị quyết 30a là 872,2 tỷ đồng, với 22.350 khách hàng. Tính đến 29/02/2016, dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ sản xuất kinh doanh công nghệ cao trên địa bàn đạt 28.794 tỷ đồng, chiếm 55,66% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay lĩnh vực nông nghiệp đạt 18.686 tỷ đồng, chiếm 36,12% tổng dư nợ; cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 675 tỷ đồng, chiếm 1,31% tổng dư nợ; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 8.194 tỷ đồng, chiếm 15,84% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 1.239 tỷ, chiếm 2,4% tổng dư nợ; điều chỉnh giảm lãi suất cho 9.737 khách hàng, với dư nợ 36.748 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 157 khách hàng, với dư nợ 1.443 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 1.079 khách hàng, với số tiền 71,8 tỷ đồng.
- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP là 65,4 tỷ đồng cho 69 khách hàng cá nhân và 01 khách hàng doanh nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay có 3.395 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, tăng 87 doanh nghiệp so với cuối năm 2015, dư nợ đạt 25.898 tỷ đồng, chiếm 41,4% so với tổng dư nợ, tăng 3,9% so với cuối năm 2015.

8. Các vấn đề xã hội

8.1 Đời sống dân cư

Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh quý I/2016 nhìn chung ổn định. Trước Tết Nguyên đán Bính Thân; UBND tỉnh đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội rà soát, nắm chắc tình hình đời sống nhân dân kịp thời xử lý, cứu trợ đối với các trường hợp cần thiết. Đồng thời cùng với các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm quyên góp tiền, hàng, thăm hỏi, động viên, tặng quà các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn miền núi, biên giới và hải đảo…
Giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền các địa phương kiểm tra, nắm chắc tình hình đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, vùng bị thiên tai để có phương án cứu trợ kịp thời, bảo đảm không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói trong dịp Tết; cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã và đang hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà các hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình khó khăn như: 
- UBND tỉnh đã thực hiện phân bổ 934,155 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các hộ nghèo của 11 huyện, thị xã, thành phố và hội viên Hội Người mù tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và hỗ trợ 700,38 tấn gạo trong 3 tháng cho các hộ nghèo ở các thôn, bản khu vực biên giới chưa tự túc được lương thực theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Các địa phương, đơn vị đã hoàn thành việc cấp gạo hỗ trợ cho các đối tượng xong trước Tết, đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn quy định. Toàn tỉnh đã hoàn thành trước Tết việc thanh toán tiền trợ cấp 2 tháng đầu năm 2016 cho trên 82 nghìn đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 260 tỷ đồng và gần 200 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí gần 90 tỷ đồng.  
- Thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang đóng quân trên các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo... trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân gồm 207.526 xuất quà của Chủ tịch nước và của tỉnh cho người có công, gia đình chính sách, với tổng kinh phí trên 33,7 tỷ đồng, bao gồm: mức 400 nghìn đồng cho 2.555 đối tượng, với số tiền 1,022 tỷ đồng; mức quà 200 nghìn đồng cho 101.022 đối tượng, với số tiền 20,204 tỷ đồng; mức 120 nghìn đồng cho 103.949 đối tượng, với số tiền 12,474 tỷ đồng; đã tổ chức trao quà của Chủ tịch nước và của tỉnh cho 43.894 cụ cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên) với tổng kinh phí trên 8,7 tỷ đồng.
- Ngoài quà của Chủ tịch nước và của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 46 nghìn xuất quà cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng.  
Những hoạt động hướng về người có công, người nghèo, gia đình chính sách đã thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng ngày càng phát huy và có sức lan tỏa sâu rộng; bằng nhiều việc làm thiết thực, toàn xã hội đang chung tay góp sức chăm lo để mọi người, mọi nhà đều đón Tết no đủ.
Tính đến ngày 10/3/2016, toàn tỉnh có 62 hộ tương ứng với 257 nhân khẩu thuộc huyện Quan Hóa thiếu đói. Tỷ lệ hộ thiếu đói 0,01%, tăng 0,01% so với tháng trước và giảm 0,04% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hộ thiếu đói bình quân quý I/2016 là 0,005%, giảm 0,025% so với cùng kỳ. Tháng tiếp theo, do chưa thu hoạch lúa, màu lương thực nên một bộ phận dân cư vẫn còn khó khăn, tỷ lệ thiếu đói có xu hướng tăng; các địa phương cần tiếp tục động viên nhân dân phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống.
Toàn tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao quân đợt I năm 2016, với 4.300 thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự; chất lượng thanh niên nhập ngũ ngày một nâng lên. Cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thăm hỏi, động viên, gặp mặt, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Lễ giao quân ở các địa phương diễn ra trong không khí trang trọng, đúng quy định của Bộ Quốc phòng, bảo đảm chỉ tiêu và an toàn.  

8.2 Y tế

Theo báo cáo của ngành Y tế, quý I/2016 trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, công tác khám chữa bệnh đảm bảo được yêu cầu. Ngành Y tế đã duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ ở tất cả các tuyến; tổ chức cứu trợ, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các bệnh nhân phải điều trị trong những ngày Tết; tăng cường công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, phương tiện ứng trực cấp cứu, xử lý kịp thời để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các trường hợp bị tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm… cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Trong 9 ngày nghỉ Tết, toàn tỉnh có 13.319 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; 9.239 bệnh nhân phải nhập viện; 4.966 trường hợp cấp cứu tai nạn; 162 trường hợp ngộ độc thức ăn; 1.040 ca đẻ và mổ đẻ; nhìn chung, các bệnh viện ở tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tốt việc đón tiếp, khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân; nhiều bệnh nhận đến viện trong tình trạng nguy kịch đã được cứu sống. Tuy nhiên, trong quý I/2016, một số bệnh nhỏ lẻ vẫn phát sinh: 182 người mắc thủy đậu, 689 người mắc bệnh lao, 49 người mắc bệnh chân tay miệng phải nhập viện.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; qua kiểm tra 86 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt 20 cơ sở vi phạm, với số tiền phạt 67 triệu đồng; đang chờ xử lý 5 cơ sở vi phạm. 

8.3 Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II, năm học 2015 - 2016. Giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư, tuyển chọn; nhiều quỹ khuyến học của các cấp, các nhà hảo tâm, dòng họ được mở rộng và phát triển đã cổ vũ, động viên phong trào học tập trong tỉnh ngày một sâu rộng. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2015 - 2016, học sinh Thanh Hóa đoạt 58 giải; gồm 6 giải Nhất, 18 giải Nhì, 17 giải Ba và 17 giải Khuyến khích; tham dự vòng 2 cuộc thi để chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olimpic quốc tế, Thanh Hóa có 14 học sinh, gồm: Toán 8 em, Sinh 3 em, Lý 1 em, Hóa 1 em và Tin học 1 em.
Nhân dịp đầu xuân Bính Thân, tối ngày 12/02/2016 (tức mùng 5 Tết Bính Thân), Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tổ chức chương trình “Tết khuyến học” xứ Thanh và trao học bổng Doãn Tới cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; gồm 48 suất học bổng cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng; đồng thời, ban tổ chức trao biển tượng trưng cho Hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố, trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để các địa phương trao học bổng cho hơn 2.600 học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng; tặng hoa chúc mừng 3 nhà giáo được phong tặng chức danh Phó Giáo sư trong năm 2015.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến cuối tháng 2/2016, toàn tỉnh có 1.143/2.154 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 53,06%, tăng 39 trường so với cuối năm 2015; trong đó: Mầm non 318 trường; Tiểu học 539 trường; THCS 266 trường; THPT 20 trường.

8.4 Văn hoá - Thể dục thể thao

Quý I/2016, ngành Văn hoá - Thông tin phối hợp với các đơn vị, UBND thành phố Thanh Hoá và các địa phương đã tập trung tuyên truyền, chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao vui tươi, lành mạnh như: băng zôn, cờ hoa, ánh sáng, hội chợ hoa xuân, bắn pháo hoa, lễ hội thư pháp và tặng chữ đầu xuân; mở các phòng đọc sách, hội báo xuân; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân, mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016. 
- Ngày 07/02/2016 (tức 29 Tết - Đêm giao thừa): Tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp đón giao thừa tại quảng trường Lam Sơn TP Thanh Hóa, Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Sầm Sơn, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC và tổ chức bắn pháo bông tại thị xã Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, huyện Ngọc Lặc; Chương trình dạ hội, chương trình nghệ thuật tổng hợp với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, ca ngợi Đảng quang vinh, mừng Xuân mới Bính Thân 2016, mừng đất nước, quê hương đổi mới, ca ngợi vẻ đẹp đất và người xứ Thanh; cùng với đông đảo nhân dân náo nức bước vào xuân mới bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu mang theo niềm tin một năm mới với nhiều thắng lợi mới.
 - Từ ngày 10-11/02/2016 (mùng 3, 4 Tết): Tổ chức Hội vật mừng Đảng, mừng Xuân Bính Thân 2016 tại xã Hoằng Phong, Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa. 
- Ngày 11/02/2016: Tổ chức Lễ hội Thư pháp và cho chữ ngày Xuân 2016 tại Thư viện tỉnh; Hội diễn các Câu lạc bộ Vovinam toàn tỉnh lần thứ 3 năm 2016 tại Tượng đài Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa.
- UBND TP Thanh Hóa tổ chức, phục vụ nhân dân tham quan du lịch hang Mắt Rồng, đồi C4, động Tiên Sơn (khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng); đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, lễ hội ở các cấp đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi mừng năm mới Bính Thân 2016, chào mừng 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 69 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947) đã tạo đà mới, sức vươn mới trong mọi tầng lớp nhân dân trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân các dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Tại giải vô địch các Câu lạc bộ Pencak Silat toàn quốc năm 2016 diễn ra từ ngày 02-09/3/2016 tại nhà thi đấu tỉnh Tuyên Quang; đoàn Thanh Hoá tham dự gồm 17 vận động viên, đã xuất sắc giành được 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng; xếp thứ nhì toàn đoàn. 
Đội bóng đá FLC Thanh Hóa tham gia giải vô địch quốc gia V-league 2016, sau 3 vòng đấu được 9 điểm, xếp thứ 2/14 đội tham dự.

8.5  Bảo vệ môi trường, cháy nổ

Môi trường: Chi cục Bảo vệ Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ Môi trường đến các tổ chức, cá nhân; đồng thời tiến hành kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hoạt động, hành vi của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường; qua kiểm tra trong tháng Hai, phát hiện 9 vụ vi phạm (TP Thanh Hóa 4 vụ, Tĩnh Gia 2 vụ; Bá Thước, Thiệu Hóa và Nông Cống mỗi đơn vị 1 vụ), xử phạt 79,2 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2016 phát hiện 45 vụ vi phạm môi trường, giảm 2 vụ so với cùng kỳ; xử phạt 1.256 triệu đồng. 
Tình hình cháy, nổ: Trong tháng Hai, xảy ra 16 vụ cháy (TP Thanh Hóa 4 vụ, TX Bỉm Sơn 3 vụ, Hoằng Hóa 3 vụ; TX Sầm Sơn, Yên Định, Tĩnh Gia, Bá Thước, Thường Xuân, Quảng Xương mỗi đơn vị 1 vụ), thiệt hại về tài sản khoảng 20 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2016 xảy ra 30 vụ cháy nổ, giảm 3 vụ so với cùng kỳ.

8.6 An toàn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tháng 02/2016 (tính từ ngày 16/01/2016 đến 15/02/2016), toàn tỉnh xảy ra 98 vụ tai nạn, tăng 47 vụ so tháng trước, tăng 51 vụ so với cùng kỳ; làm chết 22 người, tăng 10 người so tháng trước, giảm 2 người so với cùng kỳ; bị thương 105 người, tăng 57 người so tháng trước, tăng 66 người so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 149 vụ tai nạn, tăng 40 vụ so với cùng kỳ; làm chết 34 người, giảm 11 người so với cùng kỳ; bị thương 153 người, tăng 49 người so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và va chạm giao thông chủ yếu do các phương tiện vi phạm đi không đúng phần đường,  không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ quy định, vượt sai quy định trong khi điều khiển các phương tiện giao thông. 
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra, Cơ động tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 5.116 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 802 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 240 trường hợp, gửi thông báo về nơi cư trú đến 845 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tổng số tiền phạt vi phạm thu được 4,9 tỷ đồng. Đường thuỷ, tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 10 trường hợp, phạt tiền 8,5 triệu đồng./. 

 

(1), (2) Số liệu Cục Thống kê Thanh Hóa tính toán theo phương pháp mới; đã trình và đang chờ Tổng cục Thống kê xem xét, thẩm định, công bố.

<

Tin mới nhất

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác ngành Thống kê Thanh Hóa đã tổ chức...(22/04/2024 3:50 CH)

https://doanhnghiep2024.gso.gov.vn/(09/04/2024 2:39 CH)

Toàn ngành Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2024 vào ngày 1/4/2024(01/04/2024 2:04 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024(29/03/2024 4:19 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 và quý I năm 2024(29/03/2024 4:09 CH)

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

    °
    1594 người đang online