Xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh thanh hóa quý iii và dự báo quý iv năm 2017

Đăng ngày 28 - 09 - 2017
100%

Trong những năm qua, doanh nghiệp ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tạo lập được cơ sở sản xuất khá ổn định, nhiều nhà máy trang bị dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại với công suất lớn nên sản phẩm luôn được đổi mới mẫu mã và chất lượng nâng lên, đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo uy tín cho doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước

Những thành tựu đạt được của doanh nghiệp công nghiệp thể hiện ở quy mô sản xuất không ngừng mở rộng, doanh thu, lợi nhuận, nghĩa vụ với nhà nước đều tăng lên qua các năm, thu nhập người lao động ngày càng ổn định và nâng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Nhằm cung cấp thông tin thống kê về dự báo tình hình kinh tế phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu và người dùng tin, Cục Thống kê Thanh Hóa đã và đang thực hiện cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo Phương án điều tra ngành công nghiệp hằng tháng kèm theo Quyết định số 144/QĐ- TCTK ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống. 
Đây là cuộc điều tra chọn mẫu về xu hướng SXKD quý của doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh, với cỡ mẫu 127 doanh nghiệp, chiếm 12% tổng số doanh nghiệp công nghiệp ngành chế biến, chế tạo toàn tỉnh, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố. Trong tổng số mẫu điều tra có 9 doanh nghiệp nhà nước (chiếm 7,1%), 106 doanh nghiệp ngoài nhà nước (chiếm 83,5%), 12 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 9,4%) và ở 22/24 ngành công nghiệp cấp 2. 
Những thông tin chủ yếu thu thập từ các doanh nghiệp để phản ánh về xu hướng SXKD gồm: Đánh giá của doanh nghiệp về xu hướng tổng quan tình hình SXKD; xu hướng về khối lượng sản xuất; biến động về số lượng đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu; xu hướng về tồn kho thành phẩm, nguyên vật liệu; chi phí sản xuất, giá bán bình quân cho một sản phẩm; biến động về quy mô lao động, các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp; tỷ lệ sử dụng công suất máy móc thiết bị hiện có; tỷ lệ các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của các doanh nghiệp.

Tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2017 so với quý II/2017, có 34,1% doanh nghiệp có kết quả SXKD tốt lên, 37,3% doanh nghiệp giữ ổn định và 28,6% khó khăn hơn, chỉ số cân bằng dương 5,5%; quý IV/2017 được dự báo khả quan hơn so với quý III/2017 khi có tới 53,2% doanh nghiệp lạc quan cho rằng tình hình SXKD của DN tốt lên, 13,5% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 33,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định, chỉ số cân bằng dương cao hơn nhiều so với quý trước (39,7%). Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ lệ dự báo về sản xuất kinh doanh tốt nhất, tiếp đến là khu vực ngoài nhà nước, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước dự báo quý IV có khả quan hơn song vẫn ở thấp.
Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2017, có 66,7% doanh nghiệp cho rằng, khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 54,8% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 46,8% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp; 33,3% cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 24,6% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 22,2% không tuyển được lao động theo yêu cầu và 18,3% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là những yếu tố quan trọng.

 

 

Về khối lượng sản xuất: Có 37,3% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2017 tăng lên, 33,3% giữ ổn định và 29,4% đánh giá khối lượng sản xuất giảm đi, chỉ số cân bằng dương 7,9%. Dự báo quý IV/2017 có tới 52,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên, 33,3% giữ ổn định, trong khi chỉ có 14,3% dự báo khối lượng SX giảm đi, chỉ số cân bằng dương 38,1% cao hơn nhiều so với chỉ số cân bằng quý III.
Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo về khối lượng sản xuất IV/2017 tăng so với quý III/2017 của cả 3 khu vực doanh nghiệp đều dự báo tăng khá cao, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là khả quan nhất với 58,3%, tiếp đến là khu vực ngoài nhà nước là 52,4%, khu vực Nhà nước thấp nhất với 44,4%.
Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp 2 có dự báo khả quan về khối lượng sản xuất quý IV/2017 tăng so với quý III/2017 đó là ngành sản xuất thuốc lá tăng sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán, sản xuất may, giầy da xuất khẩu tăng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu vào cuối năm; sản xuất giấy bìa các loại, chế biến thực phẩm,…
Về đơn đặt hàng và đơn đặt hàng xuất khẩu mới: So với quý II, quý III/2017 có 36,8% số doanh nghiệp khẳng định số lượng đơn hàng mới tăng lên và 41,6% giữ ổn định, chỉ có 21,6% giảm đi; về đơn đặt hàng xuất khẩu mới có 42,4% số doanh nghiệp khẳng định số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng lên, 27,3% giữ ổn định và 30,3% giảm đi, có 73,2% số doanh nghiệp không áp dụng xuất khẩu. Cùng xu hướng đó, tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới khả quan hơn ở quý IV/2017 có 46,8% số doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới tăng lên và 37,9% giữ ổn định, chỉ có 15,3% giảm đi; về đơn đặt hàng xuất khẩu mới có 55,9% số doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng lên, có 29,4% giữ ổn định và 14,7% giảm đi. 
Những ngành có tỷ lệ dự báo cao về triển vọng đơn hàng mới quý IV/2017 tăng lên so với quý III/2017 gồm: Ngành sản xuất thuốc lá, ngành may trang phục và ngành giầy da, sản xuất  kim loại đúc sẵn, lắp ráp xe ô tô tải, sản xuất giường, tủ, bàn ghế và ngành sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc thiết bị,…Các doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất kinh doanh ở ngành may mặc, giầy da và các doanh nghiệp ngoài nhà nước sản xuất đá ốp lát.
 Về tồn kho thành phẩm và nguyên vật liệu: Quý III/2017 so quý II về tồn kho thành phẩm có 30,2% doanh nghiệp đánh giá tăng, có 23,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 46,0% doanh nghiệp đánh giá giảm khối lượng thành phẩm tồn kho, chỉ số cân bằng âm 15,8% cho thấy dấu hiệu tích cực trong khâu tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong quý III tăng lên so quý II, chỉ số tồn kho giảm. Bên cạnh đó, tồn kho nguyên vật liệu (NVL) quý III so với quý II có chỉ số cân bằng âm 19,8% thể hiện sức sản xuất tăng lên tương ứng với tình sình sản xuất sản phẩm của các doanh nghiệp trong quý.
 Cùng với đó, dự báo quý IV so với quý III chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm âm 26,2% và chỉ số cân bằng tồn kho nguyên vật liệu âm 24,6%, cho thấy sức tiêu thụ tập trung vào quý IV tăng cao hơn quý III, chủ yếu nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, các sản phẩm phục vụ cho đầu tư, xây dựng cơ bản vào cuối năm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tiêu thụ nội địa chuẩn bị cho dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, có một số ngành tỷ lệ các doanh nghiệp dự báo tồn kho thành phẩm vẫn còn cao ảnh hưởng đến chỉ số tồn kho chung như: ngành sản xuất bia và mạnh nha, sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp ô tô tải.
Về chi phí sản xuất và giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm: Có 16,7% doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý III so với quý II tăng lên, có 75,4% giữ nguyên và 7,9% doanh nghiệp đánh giá giảm chi phí sản suất. Dự báo quý IV so với quý III tương đối ổn định, có 16,7% doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất tăng lên, có 76,2% giữ nguyên và 7,1% doanh nghiệp đánh giá giảm chi phí sản suất. Chỉ số cân bằng về chi phí sản xuất bình quân trên một đơn vị sản phẩm chính của các doanh nghiệp quý III so quý II và dự báo quý IV so quý III là gần nhau, trên dưới 9%, cho thấy chi phí sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện tại khá ổn định, không có biến động lớn ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp.
 Về dự báo xu hướng biến động giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của các doanh nghiệp tương đối ổn định, có trên 80% doanh nghiệp giữ nguyên giá bán, có trên 2% doanh nghiệp giảm giá bán và 16,7% doanh nghiệp tăng giá bán so với quý trước. Nhìn chung, chi phí sản xuất và giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm chính ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở cả quý III và quý IV đều ổn định.
Về biến động lao động quý III so với quý II, có 12,7% doanh nghiệp khẳng định quy mô lao động tăng lên, có 73,8% giữ nguyên và 13,5% đánh giá giảm đi; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước ổn định nhất, không tăng, giảm, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tỷ lệ giảm cao hơn tỷ lệ tăng, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, đây là khu vực thu hút lao động lớn ở các lĩnh vực may, giầy da tại các nhà máy mới thành lập ở các huyện Yên Định, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thạch Thành, Ngọc Lặc,… Xu hướng biến động lao động có chiều hướng tăng lên ở quý IV so với quý III. 
Về sử dụng công suất máy móc, thiết bị: Tỷ lệ sử dụng công suất máy móc, thiết bị bình quân quý III của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 78,2% công suất; chia theo tỷ lệ sử dụng máy móc thiết bị trong sản xuất có 9,5% doanh nghiệp sử dụng dưới 50% công suất, 9,5% sử dụng từ 50% đến dưới 70%, 38,1% sử dụng từ 70% đến dưới 90% và 42,9% sử dụng từ 90% đến 100%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có hệ số sử dụng công suất bình quân cao nhất với 83,9%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước với 77,9% và khu vực ngoài nhà nước với 77,5%. Những ngành có hệ số sử dụng công suất máy móc thiết bị bình quân cao (trên 80%) gồm: ngành chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất bia, thuốc lá, sản xuất trang phục, sản xuất giầy da, sản xuất giấy, bìa các loại, sản xuất xi măng và các sản phẩm kim loại đúc sẵn.
Đánh giá tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quý III/2017 so quý trước và dự báo quý IV so quý III. Về chỉ số cân bằng tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá và dự báo ở các chỉ tiêu khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng và đơn hàng xuất khẩu mới luôn dương, trong đó, quý IV cao hơn nhiều so với tỷ lệ quý III, cho thấy tình hình sản xuất quý III của các doanh nghiệp khá hơn quý trước và dự báo quý IV là quý có các chỉ số khả quan hơn nhất trong năm; chỉ số cân bằng chỉ tiêu thành phẩm và nguyên vật liệu tồn kho luôn âm trên 15%, cho thấy sức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tăng, chỉ số tồn kho giảm. Tuy nhiên, chỉ số cân bằng về chi phí sản xuất và giá bán bình quân trên một đơn vij sản phẩm chính luôn dương, cho thấy các chi phí đầu vào cho sản xuất như điện, xăng, dầu, chi phí nhân công tăng trong những quý trước đã ảnh hưởng đến chi phí giá thành và giá bán sản phẩm bình quân của các doanh nghiệp trong những quý tiếp theo; bên cạnh đó chỉ số cân bằng về thu hút lao động quý III so quý II âm, thể hiện nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn trong sản xuất phải cắt giảm lao động, cùng với việc sử dụng công suất máy móc, thiết bị hiện có của các doanh nghiệp không cao làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung. Nhìn chung, qua kết quả điều tra đánh giá về xu hướng sản xuất kinh doanh của sản xuất công nghiệp các quý cuối năm 2017 trên địa bàn đang có xu hướng phục hồi và phát triển tốt hơn so với các quý đầu năm.
Những tháng cuối năm 2017, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách thuế, lãi suất, kích cầu tiêu dùng nhằm tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng; trên địa bàn tỉnh ta tác động lớn của khu vực FDI đang chuyển biến mạnh cả về đầu tư và sản xuất kinh doanh của nhiều lĩnh vực liên quan, đặc biệt là Dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đang gấp rút cho việc chạy thử trong quý IV/2017 để tiến tới chạy thương mại trong năm 2018, đây sẽ là những tác động lớn đến sự hồi phục của khu vực doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo./. 
 
 
 

 

 

 

<

Tin mới nhất

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác ngành Thống kê Thanh Hóa đã tổ chức...(22/04/2024 3:50 CH)

https://doanhnghiep2024.gso.gov.vn/(09/04/2024 2:39 CH)

Toàn ngành Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2024 vào ngày 1/4/2024(01/04/2024 2:04 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024(29/03/2024 4:19 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 và quý I năm 2024(29/03/2024 4:09 CH)

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

    °
    2048 người đang online