Tình hình Kinh tế - Xã hội Tỉnh Thanh Hóa Tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018

Đăng ngày 29 - 05 - 2018
100%

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 1.1. Nông nghiệp a. Sản xuất vụ chiêm xuân Vụ chiêm xuân 2017 - 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, không có các đợt rét kéo dài; các địa phương thực hiện đúng lịch thời vụ, chủ động giống, nguồn nước tưới; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Riêng đối với cây lúa, từ đầu vụ gieo trồng đến nay thời tiết thuận lợi, giai đoạn lúa mới cấy nền nhiệt độ ấm hơn nhiều năm nên nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt; giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông có nhiều đợt mưa rào trên diện rộng nên phát triển tốt;

bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều giống mới năng suất cao vào gieo trồng, kết hợp với việc chăm sóc của bà con nông dân nên phát triển khá đồng đều; đặc biệt ít xảy ra sâu bệnh trên diện rộng. Nếu từ nay đến khi kết thúc vụ thu hoạch, thời tiết thuận lợi, không có sâu bệnh trên diện rộng, khả năng các loại cây trồng đạt năng suất cao, riêng năng suất lúa ước đạt 65 tạ/ha, bằng với vụ chiêm xuân năm 2016 - 2017.      
b. Chăn nuôi
Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm thường xuyên. Kết quả tiêm phòng đợt I năm 2018 tính đến ngày 09/5/2018 như sau: vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 1.730.000 liều, đạt 45,6% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 310.250 liều, đạt 83,9% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 222.300 liều, đạt 76,1% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng 177.100 liều, đạt 60,6% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 178.060 liều, đạt 36,6% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 145.000 liều đạt 29,8% diện tiêm.
Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2018, tổng đàn trâu 181,9 nghìn con, giảm 5,9% so với cùng kỳ, giảm 9,4% so với 01/10/2017; đàn bò 237,9 nghìn con, giảm 2,0% so với cùng kỳ, giảm 6,3% so với 01/10/2017; đàn lợn 717,4 nghìn con, giảm 13,1% so với cùng kỳ, giảm 12,7% so với 01/10/2016; gia cầm 16,8 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ, giảm 8,6% so với 01/10/2017. Trong tổng số 717,4 nghìn con lợn tại thời điểm 01/4/2018, đàn lợn chăn nuôi ở hộ gia đình 458,6 nghìn con, giảm 12,9% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở gia trại 100,1 nghìn con, giảm 28,3% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở trang trại 141,4 nghìn con, giảm 2,3% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở doanh nghiệp, hợp tác xã 17,3 nghìn con, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến đàn gia súc giảm là do giá cả không ổn định; giá trâu, bò có xu hướng giảm, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là giá lợn hơi trong năm 2017 xuống thấp ở mức kỷ lục, các đối tượng nuôi (nhất là chăn nuôi gia trại và chăn nuôi hộ gia đình) bị thua lỗ nhiều, không còn vốn để duy trì đàn, chờ tăng giá để tái đàn. Nhìn chung, chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế đạt thấp.
1.2. Lâm nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 17/5/2018, toàn tỉnh đã sản xuất được 17 triệu cây giống các loại, trong đó 6,3 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn phục vụ trồng rừng; trồng được 4.234 ha rừng trồng tập trung, đạt 42,34% kế hoạch.
Công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, không xảy ra cháy rừng; an ninh rừng được giữ vững. 
1.3. Thuỷ sản
Tháng Năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 14.005 tấn, tăng 1,6% so tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 4.214 tấn, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 6,9% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác 9.791 tấn, tăng 2,1% so tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng thuỷ sản sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 69.308 tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 21.690 tấn, tăng 6,7%, sản lượng khai thác 47.618 tấn, tăng 7,0%, riêng khai thác xa bờ 23.259 tấn, tăng 7,1% so cùng kỳ.
Từ ngày 18-20/4/2018, trên diện tích 62 ha nuôi ngao ở huyện Quảng Xương có gần 100 tấn ngao chết trên phạm vi hơn 47 ha; trong đó 2,6 ha nuôi ngao ở xã Quảng Thạch bị chết 100%; xã Quảng Nham có 45 ha ngao nuôi bị chết hơn 70%. Ngay sau đó, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ xuống kiểm tra, chuẩn đoán, xác định nguyên nhân. Ngày 9/5, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tượng ngao chết là do tảo nở hoa (thủy triều đỏ) gây ra.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng Năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức vận hành thương mại; ngày 01/5, nhà máy đã xuất xưởng thành công lô sản phẩm lọc dầu đầu tiên với 5.000 m3 xăng RON 92; ngày 8/5, xuất xưởng thành công lô sản phẩm lọc dầu thứ hai với 7.000 m3 xăng RON 95. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức vận hành thương mại sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành công nghiệp, tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách nhà nước và là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. 
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 5/2018 tăng 4,87% so với tháng trước, tăng 14,61% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,65% so với tháng trước, tăng 15,37% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,00% so với tháng trước, tăng 13,96% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,82% so với tháng trước, tăng 20,82% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,84% so với tháng trước, tăng 15,79% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 10,09% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 9,16%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,88%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 12,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,33% so cùng kỳ. 
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2018 dự kiến tăng 4,35% so với tháng trước, tăng 16,47% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,95% so với cùng kỳ. 
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/5/2018 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,44% so với thời điểm 01/4/2018; giảm 8,05% so với cùng thời điểm năm trước. 
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2018 tăng 0,58% so với thời điểm 01/4/2018; giảm 3,20% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,15% so với thời điểm 01/4/2018; giảm 1,49% so với cùng thời điểm năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,66% so với thời điểm 01/4/2018; giảm 11,89% so với cùng thời điểm năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,63% so với thời điểm 01/4/2018; tăng 0,50% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 12,21% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,96%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 31,74%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,11% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư 
Tháng Năm, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 5/2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 514,5 tỷ đồng, bằng 8,2% kế hoạch năm và tăng 30,6% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 243,6 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 144 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 126,9 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.427,6 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch năm và tăng 37,7% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.138,3 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 690,2 tỷ đồng, tăng 26,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 599,1 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tháng Năm, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.338 tỷ đồng, tăng 61,1% so với cùng kỳ; trong đó thu tiền sử dụng đất tăng 81,9% so với cùng kỳ, thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất tăng 6,1%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu gấp 3,6 lần; tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.271 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; trong đó chi thường xuyên tăng 1,8% so với cùng kỳ. Lũy kế  5 tháng đầu năm  2018, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 5.281 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 10.550 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. 
5. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
5.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 5/2018 ước đạt 7.608 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh: Doanh thu bán lẻ tăng 1,2% và 12,2%; khách sạn nhà hàng tăng 3,9% và 11,1%; du lịch lữ hành tăng 3,0% và 10,3%; dịch vụ tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 12,0% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 38.100 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 32.331 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
5.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Chịu tác động của việc tăng giá xăng, dầu và nhu cầu sử dụng mặt hàng may mặc, mũ nón dịp đầu hè 2018 tăng, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2018 tăng 0,02% so với tháng trước. Có hai nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng là: nhóm hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,72%; nhóm giao thông tăng 1,02%. Năm nhóm hàng hóa chỉ số giá ổn định không tăng là: nhóm hàng đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm hàng hóa khác. Bốn nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, giảm 0,22% (lương thực giảm 0,63%, thực phẩm giảm 0,20%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,11%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02%; nhóm văn hóa, giả trí và du lịch giảm 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2018 tăng 1,07% so với tháng 12/2017 và  tăng 2,41% so với tháng 4/2017; bình quân 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,13% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. 
Chỉ số giá vàng tháng 4/2018 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 6,75% so với cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 0,29% so với cùng kỳ.
5.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, số lượng khách tham gia giao thông tăng mạnh; các tuyến xe khách, xe buýt tăng chuyến, đảm bảo tuyến đáp ứng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau các ngày nghỉ lễ. Dự ước tháng 5/2018, vận chuyển hàng hoá đạt 4,5 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 226,5 triệu tấn.km; tăng 1,0% về tấn, tăng 1,1% về tấn.km so với tháng trước; tăng 7,2% về tấn, tăng 1,2% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 3,6 triệu người, luân chuyển hành khách 216,1 triệu người.km; tăng 1,1% về hành khách, tăng 1,5% về hành khách.km so với tháng trước; tăng 12,3% về hành khách, tăng 12,2% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 831 nghìn tấn, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ; trong đó Cảng Nghi Sơn đạt 814 nghìn tấn, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 15,3% so với cùng kỳ. 
Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2018, vận chuyển hàng hoá đạt 22,7 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 1.136,5 triệu tấn.km, tăng 7,2% về tấn, tăng 1,4% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 18,6 triệu người, luân chuyển hành khách 1.099,7 triệu người.km, tăng 12,4% về hành khách, tăng 12,4% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 4.072 nghìn tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ; Cảng Nghi Sơn 3.994 nghìn tấn, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
5.4. Hoạt động lưu trú - du lịch lữ hành
Tháng 5/2018, thời tiết nắng nóng, lượng khách du lịch biển tăng mạnh, lượng khách khách sạn phục vụ ước đạt 524,6 nghìn lượt khách, tăng 3,6% so với tháng trước, tăng 6,9% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 867,4 nghìn ngày khách, tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 6,8% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn đạt 172,4 tỷ đồng, tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 7,8% so với cùng kỳ.  Lũy kế 5 tháng đầu năm lượng khách khách sạn phục vụ đạt 2.487 nghìn lượt khách, tăng 6,9% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 4.110 nghìn ngày khách, tăng 7,7% so với cùng kỳ; doanh thu khách sạn đạt 810,7 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ.  
Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 3,0% so tháng trước, tăng 10,3% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 4.913 lượt khách, tăng 1,6% so tháng trước, tăng 6,9% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 15.335 ngày khách, tăng 2,2% so tháng trước, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm, doanh thu du lịch lữ hành đạt 45,9 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 23.202 lượt khách, tăng 5,7% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 71.711 ngày khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
6. Một số tình hình xã hội
6.1. Thiếu đói trong nông dân
Tính đến ngày 10/5 toàn tỉnh có 169 hộ tương ứng với 621 nhân khẩu thuộc huyện Lang Chánh thiếu đói. Tỷ lệ hộ thiếu đói 0,018%, giảm 0,022% so với tháng trước và tăng 0,018% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh phát sinh 991 lượt hộ tương ứng với 3.503 nhân khẩu thiếu đói; tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,02%, tăng 0,01% so với cùng kỳ. Hiện nay, đang mùa giáp hạt, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có phương án cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu đói. 
Thực hiện Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 09/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan, phân bổ gạo từ nguồn dự  trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2018, tổng số gạo hỗ trợ 387.450 kg; số tháng hỗ trợ không quá 3 tháng cho 5 huyện: Yên Định, Thạch Thành, Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa và Hội viên hội người mù; số hộ được hỗ trợ gạo là 5.475 hộ tương ứng với 21.130 nhân khẩu; mức hỗ trợ gạo là 15 kg/người/tháng. 
6.2. Y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 11/5/2018 trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn phát sinh; công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; thực hiện tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên, một số bệnh nhỏ lẻ vẫn phát sinh: 13 người mắc bệnh chân tay miệng, 101 người mắc sởi, 26 người bị sốt xuất huyết, 14 người viêm não vi rút. Mùa hè là thời điểm nhiều bệnh nguy hiểm dễ bùng phát và thành dịch, ngành Y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động hướng dẫn nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.
Sáng ngày 14/4/2018, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh tổ chức lễ phát động tháng hành động vì ATTP năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Tháng hành động vì ATTP năm 2018 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
6.3. Giáo dục
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra từ ngày 24-27/6, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 68 điểm thi tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, với hơn 1.600 phòng thi, đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm thi. Dự kiến sẽ có gần 3.300 cán bộ, giáo viên được điều động làm nhiệm vụ coi thi. Năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 38.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 33.500 thí sinh là học sinh lớp 12 của các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh và gần 5.000 thí sinh tự do.
Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thi khảo sát học sinh khối 12 THPT quốc gia 2018, toàn tỉnh có 186.730 thí sinh tham dự. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; kết quả bài thi đạt khá, giỏi chiếm 8,17%; trung bình chiếm 33,53%; yếu, kém chiếm 58,31%.
Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) dành cho học sinh THPT dưới 20 tuổi của tất cả các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Thanh Hóa có 2 em dự thi, kết quả 1 em đạt HCV và 1 em đạt HCĐ.
6.4. Văn hoá - Thể dục thể thao
Ngành Văn hóa, Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự kiện chính trị, ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức biểu diễn phục vụ các sự kiện quan trọng, lễ hội, nhân dân tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; mặt khác, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì; đã tổ chức Giải Bóng bàn - Cầu lông - Quần vợt hè Sầm Sơn - Cúp Bia Thanh Hoa năm 2018; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII năm 2018; ban hành kế hoạch, điều lệ giải Futsal Cup Delta Thanh Hóa. Thể thao thành tích cao được tăng cường luyện tập, chuẩn bị tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế theo kế hoạch. Tính từ đầu năm đến thời điểm 11/5/2018, thể thao thành tích cao tham gia thi đấu 14 giải quốc gia, quốc tế đạt 89 huy chương, gồm 34 HCV, 32 HCB, 23 HCĐ. Câu lạc bộ FLC Thanh Hóa tham dự Giải vô địch quốc gia Nuti café V.League 2018, sau 7 vòng đấu, được 9 điểm, xếp thứ 7/14 đội tham dự.
6.5. Tai nạn giao thông
Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 4/2018 (tính từ ngày 16/3 đến ngày 15/4), toàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 37,2%; làm chết 8 người, giảm 38,5%; bị thương 20 người, giảm 39,4% so với cùng kỳ. Bốn tháng đầu năm 2018 trên địa bản tỉnh xảy ra 187 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 15,8%, làm chết 47 người, giảm 19,0%; bị thương 157 người, giảm 17,8% với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 4, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động, thanh tra giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện, xử phạt 6.094 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.207 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 476 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước 648,1 triệu đồng; lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính 86 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 551,2 triệu đồng.
6.6. Thiệt hại do thiên tai
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ chiều đến đêm ngày 8/5 và đêm ngày 9/5, trên địa bàn một số huyện, như: Thường Xuân, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thọ Xuân... xảy ra mưa lớn, một số huyện có giông lốc kèm theo mưa đá. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, mưa lớn, giông lốc kèm theo mưa đá đã làm cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Thống kê sơ bộ ban đầu, đã có 489,13 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Trong đó, lúa 140,2 ha; ngô, mía và các loại cây rau màu 347,33 ha; cây ăn quả 1,6 ha. Ngoài ra, còn có 10.128 cây lâm nghiệp, cây bóng mát bị gãy, đổ. Sau khi xảy ra mưa lớn, giông lốc kèm theo mưa đá, UBND các huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các xã khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cử đoàn công tác đi kiểm tra thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục tại các địa phương. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 2 đợt thiên tai, làm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản khoảng 28,14 tỷ đồng.
6.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Môi trường: Tháng 4/2018, trên địa bàn tỉnh xảy 8 vụ vi phạm về môi trường (TP Thanh Hóa 2 vụ, Hậu Lộc, Đông Sơn, Như Thanh, Như Xuân, Vĩnh Lộc, Yên Định mỗi địa phương 1 vụ), xử phạt hành chính 58,45 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 34 vụ vi phạm môi trường, xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm 1,084 tỷ đồng. 
Cháy nổ: Tháng 4/2018, 3 vụ cháy (TP Sầm Sơn, Nga Sơn, Thường Xuân mỗi địa phương 1 vụ), thiệt hại 10 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, thiệt hại 395 triệu đồng.
 

<

Tin mới nhất

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 01/4/2024(19/03/2024 1:37 SA)

Công đoàn Cục Thống kê Thanh Hóa tổ chức tọa đàm kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1984...(11/03/2024 3:06 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02 năm 2024(27/02/2024 2:34 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2024(27/02/2024 2:20 CH)

Quyết định ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền kiến thức...(30/01/2024 3:14 CH)

    °
    1323 người đang online