Giải pháp nào tránh trùng, sót thông tin thống kê trong kỷ nguyên 4.0?

Đăng ngày 05 - 09 - 2018
100%

(HQ Online)- Chia sẻ các kết quả đạt được sau 2 năm triển khai Luật Thống kê 2015, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ đã nâng cao chất lượng thống kê, đặc biệt là việc kết nối thông tin với các bộ, ngành.

Chất lượng từng bước được nâng lên

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Thống kê. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để củng cố hoạt động thống kê trong tình hình mới. Khi xây dựng Luật Thống kê, mục đích quan trọng nhất được hướng tới là nâng cao chất lượng thông tin và hiệu quả công tác thống kê, nhằm phục vụ tốt nhất yêu cầu cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, các tổ chức xã hội và các đối tượng dùng tin khác.

Chính vì vậy, Luật Thống kê đã có nhiều điểm mới như: Quy định phân tích và dự báo thống kê; Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê Bộ, ngành; Hình thức thu thập dữ liệu qua hồ sơ hành chính; Chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, tổ chức;  Ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu công việc của hoạt động thống kê…góp phần từng bước nâng cao chất lượng thông tin thống kê.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả  đạt được cũng tồn tại một số mặt hạn chế, như ý thức chấp hành Luật Thống kê dù đã được cải thiện song vẫn tồn tại việc cung cấp thiếu, cung cấp sai thông tin từ phía đơn vị, tổ chức, người dân đến việc làm bừa, làm ẩu của chính đội ngũ những người làm công tác thu thập thông tin; sự  quan tâm đến công tác thống kê của nhiều Bộ, ngành đã được nâng lên song ở một số Bộ, ngành vẫn còn lơi lỏng, dẫn đến công tác thống kê phục vụ việc chỉ đạo của chính Bộ, ngành đó không như mong muốn; việc sử dụng đa dạng nguồn dữ liệu còn gặp khó khăn bởi những vướng mắc trong quá trình hợp nhất, chuẩn hóa dữ liệu…

Hoàn thiện hành lang pháp lý

TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, theo quy định, đến thời điểm tháng 7/2018, các văn bản pháp lý của Luật Thống kê trước đây hết hiệu lực và được thay thế bằng các văn bản mới của Luật Thống kê 2015.
Để chuẩn bị cho bước thay đổi này, ngành Thống kê đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới Luật, cụ thể: Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị định như Nghị định số 94/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê; Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê; Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Cách đây chưa lâu, ngày 20/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2018/NĐ-CP quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành nhiều Quyết định: Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 về Chương trình điều tra thống kê quốc gia; Quyết định số 11/2018/QĐ-TTg ngày 1/3/2018 về Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam; Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam…

Những văn bản pháp lý dưới Luật được ban hành kịp thời là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành thống kê triển khai công tác thống kê toàn diện, đồng bộ, hệ thống, bài bản, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành đất nước.

Ngoài ra, việc ban hành kịp thời các văn bản pháp lý này đã cung cấp những quy định, nguyên tắc, yêu cầu, chế tài cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức, cách ứng xử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong việc chấp hành Luật Thống kê.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hướng tới Chính phủ điện tử

TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết: Trước đây, ngành thống kê là một trong những ngành có nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin mạnh, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng trong quá trình tổng hợp, xử lý dữ liệu thống kê. Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang lấn sâu mạnh mẽ vào mọi mặt của đời sống xã hội thì công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Trong Luật Thống kê 2015, có một chương riêng cho lĩnh vực này, điều này cho thấy tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê. Thực thi Luật, những năm gần đây, ngành thống kê đã có nhiều động thái cụ thể để thực hiện tiến trình này.

Cụ thể, ngành đã từng bước áp dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ trong tổng hợp, xử lý dữ liệu điều tra, dữ liệu báo cáo, mà trong cả khâu thu thập dữ liệu ban đầu (sử dụng máy tính bảng – CAPI và điều tra trực tuyến – webform trong một số cuộc điều tra và tới đây là trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, hiện đang tổ chức điều tra tổng duyệt năm 2018).

Để việc ứng dụng công nghệ thông tin bài bản, hiệu quả, ngành thống kê đã xây dựng Đề án riêng về công nghệ thông tin. Và mới đây, ngày 10/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 501/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông trong hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề  án là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin – truyền thông và các phương pháp khoa học dữ liệu để nâng cao chất lượng hoạt động thống kê Nhà nước, hướng đến hệ thống thông tin quốc gia tích hợp và hiện đại trong giai đoạn 2020 – 2025.

TS. Lâm cũng cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thống kê là xu hướng của thế giới. Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử thì một trong những yếu tố then chốt là sự chia sẻ phối hợp thông tin dữ liệu hành chính giữa các Bộ, ngành và việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin tại mỗi Bộ, ngành đó.

Do vậy, trong thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã chủ động ký kết hợp tác với các Bộ, ngành như: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thuế, Bưu điện Việt Nam…về chia sẻ thông tin. Mặc dù mức độ hợp tác của các bộ ngành còn khác nhau nhưng kết quả đem lại thực sự hiệu quả. Điển hình là việc chia sẻ thông tin giữa Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế.

Cụ thể, trong Tổng điều tra kinh tế 2017, để tiến hành điều tra hiệu quả, ngành thống kê đã phối hợp trao đổi thông tin với Tổng cục Thuế trong việc rà soát doanh nghiệp nhằm tránh trùng, sót; đổi mới điều tra doanh nghiệp theo hướng sử dụng tối đa các thông tin về tài chính doanh nghiệp đã có từ Tổng cục Thuế. Nhờ vậy đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng điều tra.

TS. Lâm nhận định: Việc chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành nếu được thực hiện ráo riết, bài bản thì đây sẽ là nền tảng căn bản để tạo nên thành công của Chính phủ điện tử.

<

Tin mới nhất

Thông báo triệu tập thí sinh dự thi tuyển, xét tuyển công chức Tổng cục Thống kê năm 2023 tại cụm...(10/03/2023 2:52 CH)

Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/5/2022: Về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước(08/06/2022 8:10 SA)

Tổng cục Thống kê thông báo tuyển dụng công chức năm 2022(01/06/2022 9:45 SA)

Tổng cục Thống kê trúng cử vào Hội đồng điều hành Viện Thống kê châu Á – Thái Bình Dương(26/05/2022 8:36 SA)

Thư chúc mừng năm mới của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương(28/01/2021 2:12 CH)

Tổng cục Thống kê khai mạc Hội nghị tập huấn Tổng điều tra kinh tế năm 2021 (12/01/2021 1:44 CH)

    °
    653 người đang online