Tăng cường công tác tiêm phòng vác xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2010.

(Thanh Hoa Portal) - Ngày 19/10/2010, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND về tăng cường công tác tiêm phòng vác xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2010.


Sau hơn một tháng thực hiện Kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 28/12/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác tiêm phòng đợt 2 cho đàn gia súc, gia cầm, phần lớn các huyện đã triển khai thực hiện tốt, chất lượng, tiến độ tiêm phòng đạt khá so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện thiếu quan tâm, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng nên kết quả đạt thấp so với kế hoạch, nếu không kịp thời chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng thì nguy cơ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn rất lớn. 

Để kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo tiêm phòng vác xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) thống kê, nắm chắc số lượng, tình hình, diễn biến của đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo UBND các xã củng cố BCĐ tiêm phòng xã; thành lập Đội tiêm phòng xã, các Tổ tiêm phòng ở thôn, bản; thống kê đầy đủ số lượng gia súc, gia cầm cần tiêm của xã, để có kế hoạch tiêm phòng hàng ngày và cả đợt, thông báo trước cho các hộ nuôi để họ chủ động nhốt, bắt giữ gia súc, gia cầm phục vụ tiêm phòng. Phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ vác xin, trang thiết bị và lực lượng tham gia công tác tiêm phòng trên địa bàn huyện. Tổ chức triển khai tiêm phòng triệt để, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2010. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý các bệnh lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, đóng dấu lợn, tụ huyết trùng trâu bò, Niucatsơn, dịch tả vịt, cúm gia cầm. Riêng bệnh “tai xanh”, khuyến khích các trang trại, các hộ chăn nuôi đẩy mạnh tiêm phòng vác xin phòng bệnh tai xanh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan chuyên môn về thú y. Huyện nào không thực hiện triệt để công tác tiêm phòng, để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quản lý; Chủ tịch UBND huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, giám sát, phối hợp với UBND các huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm kế hoạch tiêm phòng của UBND tỉnh; bố trí người, phương tiện, vật tư, dụng cụ, vác xin, hoá chất, các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho công tác tiêm phòng đảm bảo tiến độ, thời gian và qui trình kỹ thuật; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; thường xuyên tổng hợp, báo cáo kết quả tiêm phòng của các huyện về UBND tỉnh.

Đề nghị đồng chí Bí thư cấp uỷ các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên, cùng với các cấp chính quyền tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Các đồng chí uỷ viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, xuống địa bàn được phân công để chỉ đạo, nắm bắt thông tin, tình hình, kịp thời báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo.

Các hộ, các chủ trại chăn nuôi chủ động phối hợp tốt với các đơn vị chuyên môn, chính quyền sở tại, cán bộ thú y để thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vác xin cho vật nuôi của mình theo qui định của pháp luật.