Kết quả điều tra chăn nuôi 1/4/2017

Thực hiện phương án điều tra chăn nuôi Ban hành theo Quyết định số 882/QĐ-TCTK ngày 28/8/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để thu thập thông tin về toàn bộ số lượng đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi khác tại thời điểm điều tra; sản lượng sản phẩm xuất chuồng (giết, bán ) trong kỳ điều tra ở các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Kỳ điều tra 01/4/2017, Cục Thống kê Thanh Hóa đã tiến hành điều tra toàn bộ trang trại chăn nuôi lợn và trang trại chăn nuôi gia cầm đủ tiêu chí theo Thông tư 27 ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là trang trại chăn nuôi); Doanh nghiệp và HTX có chăn nuôi lợn và gia cầm; Gia trại chăn nuôi lợn và gia trại chăn nuôi gia cầm ở những huyện có dưới 20 gia trại từng loại; Hộ chăn nuôi lợn và hộ chăn nuôi gia cầm ở những phường, thị trấn có dưới 30 hộ chăn nuôi; ở thôn thu thập thông tin về số lượng đàn trâu, bò và vật nuôi khác.  

Điều tra chọn mẫu gia trại chăn nuôi lợn và gia trại gia cầm ở những huyện, thị xã, thành phố có trên 20 gia trại từng loại; Hộ chăn nuôi lợn và hộ chăn nuôi gia cầm ở khu vực nông thôn và ở những phường, thị trấn có trên 30 hộ chăn nuôi. 

Tổng hợp kết quả điều tra (tại thời điểm 01/4/2017) 

1.Số lượng đơn vị chăn nuôi:

Toàn tỉnh có 676 trang trại (TT) chăn nuôi, trong đó 469 TT chăn nuôi lợn (tăng 71 TT so với cùng kỳ) và 207 TT chăn nuôi gia cầm  (tăng 46 TT so cùng kỳ). Có 3.503 gia trại (tăng 883 GT), trong đó 3.214 GT chăn nuôi lợn (tăng  818 GT) và 289 GT chăn nuôi gia cầm (tăng 65GT). Có 212,45 nghìn hộ chăn nuôi lợn, trong đó 209,25 nghìn hộ ở khu vực nông thôn; tỷ lệ hộ có chăn nuôi là 25,9%,  giảm 0,8% so với cùng kỳ, bình quân 2,48 con/hộ (giảm 0,09 con/hộ); 502,8 nghìn hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó 487 nghìn hộ ở khu vực nông thôn; tỷ lệ hộ có chăn nuôi là 61,3%, bình quân 28,9 con/hộ; 14 doanh nghiệp và HTX, trong đó 10 DN và HTX chăn nuôi lợn và 4 DN và HTX chăn nuôi gia cầm.

2. Số lượng đàn vật nuôi:

2.1. Đàn lợn: Toàn tỉnh có 825,61 nghìn con lợn, tăng 0,9% so với kỳ 01/4/2016 (tăng 7282 con). Trong đó: Đàn lợn ở hộ gia đình 526,54 nghìn con chiếm  gần 63,8% tổng đàn ( giảm 6,8% cùng kỳ, giảm 38682 con); đàn lợn ở gia trại 139,5 nghìn con chiếm 16,9%, (tăng 29,6%, tăng 31.862 con); đàn lợn ở trang trại 144,7 nghìn con chiếm 17,5% ( tăng 9,3%, tăng 12.371 con).

Trong tổng đàn lợn (825,61 nghìn con) các huyện miền Núi 250,2 nghìn con chiếm 30,3%, giảm 0,5% (giảm 1373 con); các huyện miền Biển 304,5 nghìn con chiếm 36,9%, tăng 2,2% (tăng 6495 con); các huyện đồng bằng còn lại 270,9 nghìn con chiếm 32,8%, tăng  0,8% (tăng 2160 con). Một số huyện có đàn lợn tăng cao trong kỳ này như: TX Bỉm Sơn; Đông Sơn, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Thạch Thành...đây là những huyện trong năm 2016 do giá bán lợn hơi giữa năm tăng cao nên trong 6 tháng cuối năm,  người dân đầu tư phát triển thêm nhiều trang trại, gia trại; đến nay, tuy giá lợn hơi tụt giảm  xuống thấp, nhưng người nuôi vẫn duy trì để chờ giá tăng lên, một phần là do không xuất chuồng được nên bị tồn đọng.

Như vậy, đàn lợn tăng so cùng kỳ chủ yếu là do tăng thêm ở khu vực (TT,GT) đang bị tồn đọng không xuất chuồng được chứ không phải tăng do tái đàn. Vì nếu so với tổng đàn lợn kỳ 01/10/2016 giảm 12,7% (01/4/2016 so với 01/10/2015 chỉ giảm 7,3%), chủ yếu là giảm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau khi xuất chuồng bị thua lỗ nên không đầu tư tái đàn, còn những hộ gia trại, trang trại do đầu tư vốn lớn nên vẫn phải duy trì sản xuất để chờ cơ hội phục hồi và một phần do không xuất chuồng được.

2.2. Đản trâu: 193.215 con, tăng 0,4% ( tăng 785 con)  so cùng kỳ; chia ra: khu vực  Đồng Bằng 40.586 con, chiếm 21% tổng đàn (giảm 0,4% cùng kỳ); Miền Biển 5.763 con, chiếm 3% tổng đàn (tương đương cùng kỳ); Miền Núi 146.866 con, chiếm 76% tổng đàn (tăng 0,4% cùng kỳ).

Như vậy có thể thấy chăn nuôi trâu tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, do có lợi thế về bãi chăn thả nên phát triển tương đối ổn định, còn khu vực Đồng Bằng và Miền Biển có xu hướng giảm do diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp.  

2.3. Đàn bò: 242.844 con, tăng 7,2% so cùng kỳ (tăng 16297 con); đàn bò tăng ở cả 3 khu vực, có 26/27 huyện, thị xã, thành phố có đàn bò tăng; một số đơn vị có đàn bò tăng cao như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân,  Nông Cống, Hà Trung, Vĩnh Lộc...do các dự án, chính sách hỗ trợ của nhà nước đang được triển khai;  hiệu quả chăn nuôi bò đang có lãi, hơn nữa thị trường tiêu thụ tốt...

2.4.  Đàn gia cầm: 16,3 triệu con, tăng 1,3% so với kỳ 01/4/2016, trong đó: Đàn gia cầm ở trang trại 1.184 nghìn con chiếm 7,3%, tăng 23,6%; ở gia trại 546 nghìn con chiếm  3,4%, tăng 32,8%; ở hộ gia đình 14,5 triệu con chiếm 89,2%, giảm 1,1%. Như vậy, đối với đàn gia cầm chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ ở các hộ đang có xu hướng giảm, chăn nuôi qui mô lớn (trang trại, gia trại) đang ngày càng phát triển;

2.5. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 104,59 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (tăng 932 tấn), trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt 66,35 nghìn tấn (chiếm 63,44% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại), tăng 0,4 % cùng kỳ (tăng 237 tấn); thịt gia cầm đạt 19208 tấn, tăng 1,1% (tăng 213 tấn; sản lượng trứng gia cầm 61373 nghìn quả, tăng 5,1% (tăng 2954 nghìn quả); sản lượng sữa tươi 5197 tấn, tăng  25,1%, (tăng 1042 tấn), cơ bản  đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh...

Từ kết quả điều tra cho thấy, trong các tháng đầu năm 2017 ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, các hộ chăn nuôi chịu thua lỗ nặng. Tuy vậy,  không có dịch bệnh lớn phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, nên tổng các đàn vật nuôi vẫn đang duy trì ở mức tương đối ổn định... 

Trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi phát triển đảm bảo đủ sản lượng thịt phục vụ tiêu dùng trong  và xuất bán ngoài tỉnh; với tiềm năng là tỉnh lớn về dân số có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hơn nữa là tỉnh có tiềm năng về đất đai, nguồn thức ăn cho chăn nuôi từ trồng trọt và thuỷ sản  dồi dào. Do vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững:

Một là: Về giải pháp lâu dài cần rà soát lại qui hoạch  các đàn vật nuôi để có kế hoạch tổng thể phát triển các con vật nuôi phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền trong tỉnh, đồng thời khuyến khích tổ chức phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Hai là: Xác định thị trường tiêu thụ sản phẩn chăn nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh, trước hết ưu tiên phát triển  những đàn vật nuôi đang chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi, dễ nuôi và có hiệu quả cao. Từ đó có chính sách phù hợp để khuyến khích và bảo hộ vật nuôi trên địa bàn tỉnh đối với từng loại hình kinh tế như: Trang trại, gia trại, hộ, doanh nghiệp và HTX chăn nuôi.

Ba là: Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng cung cấp nguồn sản phẩm sạch phục vụ  người tiêu dùng, nhằm duy trì được thị trường tiêu thụ ổn định bền vững.

Bốn là: Đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi để giảm chi phí trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, nhất là ở những khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ở hộ xen lẫn dân cư./.

 

Cục Thống kê Thanh Hóa