Tình hình Kinh tế - Xã hội Tỉnh Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2018

Theo số liệu tính toán và công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,00%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9,77% (riêng công nghiệp tăng 11,03%); các ngành dịch vụ tăng 7,10%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,34%. Số liệu tính toán cơ bản dựa trên nguồn số liệu đầu vào do các phòng chuyên ngành của Cục Thống kê Thanh Hóa báo cáo, được các vụ chuyên ngành của Tổng cục Thống kê rà soát, thống nhất.

Đầu tháng Năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức chạy thử và có sản phẩm thương mại, Cục Thống kê Thanh Hóa đã báo cáo và đề nghị Vụ thống kê Công nghiệp cập nhật số liệu của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, do chưa triển khai được chế độ báo cáo (lý do nhà máy đang trong giai đoạn chạy thử), nên số liệu 6 tháng đầu năm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phục vụ việc biên soạn GRDP 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Thanh Hóa mới chỉ cập nhật đến tháng 5, chưa có số liệu tháng 6.   

Đến nay, theo thông tin Cục Thống kê thu thập được từ các ngành chức năng có liên quan, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến tháng 6 gấp khoảng 5 lần tháng 5; thuế nhập khẩu, thuế VAT nhập khẩu dầu thô và các hóa chất phục vụ sản xuất trong tháng 5 và tháng 6 do Cục Hải quan Thanh Hóa cung cấp tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2017. Vì vậy, để đảm bảo phạm vi tính toán một cách đầy đủ, Cục Thống kê Thanh Hóa đã tính toán và biên soạn lại số liệu GRDP 6 tháng đầu năm 2018; cụ thể như sau:  

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 8,85% so với cùng kỳ; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,00%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,27% (riêng công nghiệp tăng 13,35%); các ngành dịch vụ tăng 7,10%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 40,10%. Trong 8,85% tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2018, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,39 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 4,02 điểm phần trăm (riêng công nghiệp đóng góp 3,07 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ đóng góp 2,91 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 1,53 điểm phần trăm.

Số liệu trên cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 11,27%, đã đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung; trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 13,35% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,46%); ngành xây dựng tăng 7,50% so với cùng kỳ năm trước. 

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,00%; trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 0,56%; lâm nghiệp tăng 9,35%; thủy sản tăng 6,90% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ tăng 7,10%; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,42%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,75%; vận tải, kho bãi tăng 7,15%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,62%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 18,54%, giảm 1,85%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 36,84%, tăng 2,11%; các ngành dịch vụ chiếm 39,70%, giảm 1,37%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,91%, tăng 1,10% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a. Kết quả sản xuất vụ đông xuân

Sản xuất vụ đông 2017 - 2018 diễn ra trong điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi, do ảnh hưởng của bão số 10 trong tháng 9 và áp thấp nhiệt đới trong tháng 10 năm 2017 đã gây ra mưa lớn và ngập lụt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh; diện tích nhiều cây trồng vụ đông mới trồng bị ngập úng, mất trắng, phải gieo trồng lại. Vụ chiêm xuân điều kiện thời tiết thuận lợi; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và ít sâu bệnh; riêng đối với cây lúa, từ đầu vụ gieo trồng đến nay thời tiết thuận lợi, giai đoạn lúa mới cấy nền nhiệt độ ấm hơn nhiều năm nên nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt; giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông có nhiều đợt mưa rào trên diện rộng nên phát triển tốt; bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều giống mới năng suất cao vào gieo trồng, kết hợp với việc chăm sóc của bà con nông dân nên phát triển khá đồng đều; đặc biệt ít xảy ra sâu bệnh trên diện rộng, nên năng suất lúa đạt cao nhất từ trước đến nay.

Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 254,9 nghìn ha, đạt 97,9% kế hoạch, giảm 2,9% so cùng kỳ; trong đó vụ chiêm xuân 208,9 nghìn ha, đạt 98,1% kế hoạch, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Diện tích lúa 119,5 nghìn ha, vượt 2,2% kế hoạch, giảm 2,2% so cùng kỳ; ngô 30,3 nghìn ha, đạt 93,0% và giảm 14,4% (ngô xuân 15,5 nghìn ha, đạt 85,8% và giảm 0,7%); lạc 9,3 nghìn ha, đạt 96,1% và giảm 9,5% (lạc chiêm xuân 8.029 ha, vượt 1,6% và giảm 8,8%); đậu tương 914 ha, đạt 36,6% và giảm 55,3%; rau, đậu các loại 34,0 nghìn ha, đạt 76,1% và tăng 7,3%; ớt cay 3.548 ha, tăng 12,8%; cây thức ăn gia súc 6.634 ha, tăng 34,5%...

Về năng suất, sản lượng cây trồng: Do vụ đông xuân năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh; bên cạnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa lai có năng suất cao vào sản xuất đại trà ở các địa phương; đặc biệt là việc đầu tư cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất ở một số địa phương trong tỉnh đã tạo hiệu quả rõ rệt đối với năng suất, sản lượng cây trồng.

Năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông xuân năm 2018 ước đạt như sau: Năng suất lúa 66,5 tạ/ha, vượt 2,8% kế hoạch, tăng 2,3% so cùng kỳ (riêng lúa lai đạt 67,5 tạ/ha, tăng 2,4%; lúa chất lượng cao đạt 66,2 tạ/ha; tăng 3,8%); ngô 45,7 tạ/ha, đạt 96,1% và giảm 0,9% (ngô xuân 46,4 tạ/ha, vượt 1,3% và tăng 2,4%); lạc 22,3 tạ/ha, vượt 2,8% và tăng 3,2%; đậu tương 14,5 tạ/ha, đạt 90,6% và giảm 6,5%; ớt cay 113,8 tạ/ha, tăng 0,5% so với vụ đông xuân năm 2017.

Sản lượng lương thực có hạt 933,2 nghìn tấn, vượt 2,4% kế hoạch vụ đông xuân, giảm 2,5% so cùng kỳ; trong đó vụ chiêm xuân 866,5 nghìn tấn, vượt 4,6% kế hoạch và tăng 0,2% so cùng kỳ.

b. Chăn nuôi

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên; sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2018, tổng đàn trâu 181,9 nghìn con, giảm 5,9% so với cùng kỳ, giảm 9,4% so với 01/10/2017; đàn bò 237,9 nghìn con, giảm 2,0% so với cùng kỳ, giảm 6,3% so với 01/10/2017; đàn lợn 717,4 nghìn con, giảm 13,1% so với cùng kỳ, giảm 12,7% so với 01/10/2017; gia cầm 16,8 triệu con, tăng 3,3% so với cùng kỳ, giảm 8,6% so với 01/10/2017. Trong tổng số 717,4 nghìn con lợn tại thời điểm 01/4/2018, đàn lợn chăn nuôi ở hộ gia đình 458,6 nghìn con, giảm 12,9% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở gia trại 100,1 nghìn con, giảm 28,3% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở trang trại 141,4 nghìn con, giảm 2,3% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở doanh nghiệp, hợp tác xã 17,3 nghìn con, tăng 16,6% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến đàn gia súc giảm là do giá cả không ổn định; giá trâu, bò có xu hướng giảm, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là giá lợn hơi trong năm 2017 xuống thấp ở mức kỷ lục, các đối tượng nuôi (nhất là chăn nuôi gia trại và chăn nuôi hộ gia đình) bị thua lỗ nhiều, không còn vốn để duy trì đàn, chờ tăng giá để tái đàn. Nhìn chung, chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế đạt thấp. 

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 108,5 nghìn tấn, đạt 46,2% kế hoạch, tăng 0,1% so với cùng kỳ (riêng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 61,5 nghìn tấn, giảm 4,5%); sản lượng gia cầm giết bán thịt 26,9 nghìn tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ. 

Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm thường xuyên. Kết quả tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2018 tính đến ngày 14/6 như sau: vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 2.427.200 liều, đạt 83,9% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 336.200 liều, đạt 90,4% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 226.425 liều, đạt 77,5% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 206.600 liều, đạt 71,0% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 290.600 liều, đạt 57,2% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 273.795 liều đạt 54,9% diện tiêm.

1.2. Lâm nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2018, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng rừng vụ xuân năm 2018; bên cạnh đó là sự cố gắng của các hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng khá so cùng kỳ. Ước tính 6 tháng đầu năm 2018, diện tích trồng rừng tập trung 4.230 ha, tăng 14,8% so với cùng kỳ; trồng phân tán 1,25 triệu cây, giảm 14,7%; diện tích rừng được chăm sóc 42,0 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 1,3%... Khai thác lâm sản: Gỗ 288,3 nghìn m3, đạt 52,4% kế hoạch, tăng 8,5% so với cùng kỳ; tre luồng 26,6 triệu cây, đạt 52,1%, tăng 3,2%; nguyên liệu giấy 38,9 nghìn tấn, đạt 53,2% và tăng 5,2% so với cùng kỳ…

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 17 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 6,3 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Sáu tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững. 

1.3. Thuỷ sản

Sáu tháng đầu năm 2018, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản; mặt khác, ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới, thay mới và cải hoán nhiều tàu thuyền có công suất lớn, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ; nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 83,4 nghìn tấn, đạt 49,3% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 26,2 nghìn tấn, đạt 48,7% kế hoạch, tăng 6,7%; sản lượng khai thác 57,2 nghìn tấn, đạt 49,6% kế hoạch, tăng 6,8%, riêng khai thác xa bờ 27,4 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ. 

Từ ngày 18-20/4/2018, trên diện tích 62 ha nuôi ngao ở huyện Quảng Xương có gần 100 tấn ngao chết trên phạm vi hơn 47 ha; trong đó 2,6 ha nuôi ngao ở xã Quảng Thạch bị chết 100%; xã Quảng Nham có 45 ha ngao nuôi bị chết hơn 70%. Ngay sau đó, Chi cục Thú y tỉnh đã cử cán bộ xuống kiểm tra, chuẩn đoán, xác định nguyên nhân. Ngày 9/5, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện tượng ngao chết là do tảo nở hoa (thủy triều đỏ) gây ra.

Theo kết quả điều tra thuỷ sản thời điểm 01/5/2018, toàn tỉnh có 7.201 tàu thuyền có động cơ khai thác hải sản biển, với tổng công suất 628,7 nghìn CV; so với cùng kỳ tăng 1,0% về số tàu, tăng 15,5% về công suất; trong đó, tàu xa bờ (từ 90 CV trở lên) có 1.816 tàu, với tổng công suất 490,2 nghìn CV; so với cùng kỳ tăng 9,5% về số tàu, tăng 19,5% về công suất. Diện tích nuôi trồng thủy sản 8.010 ha, tăng 5,2% so với cùng kỳ; trong đó, diện tích nuôi nước mặn 1.046 ha, tăng 0,7%; diện tích nuôi nước lợ 3.858 ha, tăng 10,1%; diện tích nuôi nước ngọt 2.902 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ.

3. Sản xuất công nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2018, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp do có thêm một số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất kinh doanh cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018; đặc biệt Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức vận hành và có sản phẩm thương mại từ đầu tháng Năm, đã đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành công nghiệp, tạo ra bước tăng trưởng đột biến về thu ngân sách nhà nước và là động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 6/2018 tăng 3,77% so với tháng trước, tăng 18,18% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,41% so với tháng trước, tăng 13,97% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,46% so với tháng trước, tăng 19,43% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,83% so với tháng trước, tăng 8,42% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,39% so với tháng trước, tăng 6,06% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 13,64% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 10,30%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,77%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 12,97%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,96% so cùng kỳ. 

Trong toàn ngành công nghiệp, các ngành có chỉ số sản xuất tính chung 6 tháng đầu năm 2018 tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 88,26%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 33,27%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 32,86%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 28,32%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 27,90%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 21,92%; sản xuất đồ uống tăng 18,86%; khai khoáng khác tăng 15,56%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 14,35%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,70%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 12,97%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 12,12%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 10,70%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 8,40%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 7,05%; sản xuất trang phục tăng 3,62%... Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất xe có động cơ giảm 62,08%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 58,43%; sản xuất kim loại giảm 36,36%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 13,22%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 9,83%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 7,37%; khai thác quặng kim loại giảm 4,64%...

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2018 dự kiến giảm 7,46% so với tháng trước, tăng 6,22% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,59% so với cùng kỳ. 

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2018 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,52% so với thời điểm 01/5/2018; tăng 7,47% so với cùng thời điểm năm trước. 

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2018 tăng 2,48% so với tháng trước; giảm 1,60% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,76% so với tháng trước; tăng 0,06% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,34% so với tháng trước; giảm 10,23% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,03% so với tháng trước; tăng 2,21% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 9,41% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,64%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 21,60%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, tính từ đầu năm đến ngày 15/6/2018, thành lập mới 1.169 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 9.547 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2017, tăng 19,0% về số doanh nghiệp và tăng 29,7% về vốn đăng ký.

5. Đầu tư 

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy, 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính tháng 6/2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 522,7 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 23,2% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 247,3 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 146,8 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 128,5 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.950,8 tỷ đồng, bằng 46,9% kế hoạch năm và tăng 34,9% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.386,0 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 837,1 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 727,7 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6.849,6 tỷ đồng, bằng 31,4% dự toán năm (năm 2016 bằng 45,6%; năm 2017 bằng 40,9%), tăng 22,4% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa  4.933,8 tỷ đồng, tăng 0,7% so cùng kỳ. Trong thu nội địa, một số khoản thu tăng so cùng kỳ như: thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 19,6%; lệ phí trước bạ tăng 28,6%; thu phí và lệ phí tăng 56,7%.

Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.916 tỷ đồng, bằng 22,1% dự toán năm, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ (chủ yếu thu từ nhập khẩu dầu thô). Một số khoản thu giảm mạnh như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương giảm 11,6%; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 33,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 42,8% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13.419,2 tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán năm, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.434 tỷ đồng, bằng 50,8% dự toán năm, tăng 47,2 so với cùng kỳ; chi thường xuyên 9.718 tỷ đồng, bằng 48,3%, tăng 8,7% so cùng kỳ.

7. Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện định hướng, giải pháp hoạt động của các ngân hàng theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến 30/6/2018 ước đạt 78.500 tỷ đồng, tăng 8,45% so với tháng 12/2017, tăng 20,0% so với  cùng kỳ. Tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến 30/6/2018 ước đạt 96.500 tỷ đồng, tăng 6,7% so với tháng 12/2017, tăng 16,0% so với  cùng kỳ.

Cơ cấu dư nợ khối các Ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 62,2% tổng dư nợ; khối các Ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 18,0%; Ngân hàng chính sách xã hội chiếm 9,0%; tổ chức tài chính vi mô chiếm 0,5%; Ngân hàng HTX và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân chiếm 6,3%.

8. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

8.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Sáu tháng đầu năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 38.898,5 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ, trong đó kinh tế Nhà nước 805,6 tỷ đồng, tăng 17,6%; kinh tế ngoài Nhà nước 37.929,2 tỷ đồng, tăng 12,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 163,7 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Phân theo nhóm hàng kinh doanh: Lương thực, thực phẩm 12.114 tỷ đồng, tăng 11,4%; hàng may mặc 1.853,1 tỷ đồng, tăng 7,1%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 5.480 tỷ đồng, tăng 14,4%; gỗ và vật liệu xây dựng 2.176,8 tỷ đồng, tăng 7,4%; ô tô các loại 1.028,6 tỷ đồng, tăng 6,7%; xăng dầu các loại 6.887,8 tỷ đồng, tăng 22,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 4.103,9 tỷ đồng tăng 9,2%; Sửa chữa xe xó động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ 1.167,9 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Sáu tháng đầu năm 2018, công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với các địa phương có diễn ra hoạt động du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện loa phát thanh công cộng, truyên truyền bằng xe lưu động tại các phường, xã và các điểm du lịch ven biển, tổ chức ký cam kết đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch hè biển năm 2018 về việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ nhất là dịp nghỉ lễ. Kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tuân thủ quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết; đặc biệt là việc nâng giá, ép giá.

Trong tháng 5/2018, Chi cục Quản lý thị trường và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã kiểm tra 567 vụ, xử lý 516 vụ, trong đó 15 vụ vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm; 127 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 61 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; 294 vụ vi phạm khác trong kinh doanh..., tổng số tiền thu nộp phạt là 2,3 tỷ đồng.

8.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 4.876,5 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó kinh tế Nhà nước 43,2 tỷ đồng, tăng 12,6%; kinh tế ngoài Nhà nước 4.833,3 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: Dịch vụ lưu trú 1.018,7 tỷ đồng, tăng 9,9%; dịch vụ ăn uống 3.857,8 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. 

8.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng 5, bước vào thu hoạch lúa vụ chiêm xuân nên giá lương thực giảm; tuy nhiên, giá thịt lợn, giá xăng dầu tăng mạnh, đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng 0,64% so với tháng trước (năm 2015  giảm 0,31%, năm 2016 tăng 0,28%, năm 2017 giảm 0,97%), cả nước  tăng 0,55%. Bốn nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,19% (lương thực giảm 0,54%, thực phẩm tăng 2,00%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,37%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,02%; nhóm giao thông tăng 1,42% (trong đó chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,86%). Năm nhóm hàng hóa giả cả ổn định chỉ số giá không tăng là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục. Hai nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,12%; nhóm hàng hóa khác giảm 0,01%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2018 tăng 1,71% so với tháng 12/2017 và tăng 4,08% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,32% so với cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2017 tăng 3,22%).

Chỉ số giá vàng tháng 5/2018 giảm 0,97% so với tháng trước, tăng 5,44% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 0,24% so với cùng kỳ.

8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Sáu tháng đầu năm 2018, vận chuyển hàng hoá ước đạt 27,4 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 1.367,3 triệu tấn.km, tăng 7,4% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,5% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 22,3 triệu người, luân chuyển hành khách 1.321,1 triệu người.km, tăng 12,6% về hành khách vận chuyển, tăng 12,5% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 5 triệu tấn, tăng 17,0% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 4,9 triệu tấn, tăng 18,5%; cảng Lễ Môn 0,1 triệu tấn, giảm 28,7% so cùng kỳ.

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Thiếu đói trong nông dân

Sáu tháng đầu năm 2018, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, trợ giúp đối với các xã đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách, người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số cơ sở hạ tầng, kỹ thuật mới đưa vào sử dụng, khai thác; nên đời sống dân cư cơ bản ổn định. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn phát sinh 919 hộ thiếu đói tương ứng với 3.503 nhân khẩu thiếu đói, tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,02%, tăng 0,01% so với cùng kỳ.  

Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ; đã chi trả  đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước cho hơn 78 nghìn người có công với kinh phí 775,4 tỷ đồng; trợ cấp thường xuyên cho trên 206 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác chúc thọ và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cho 55.719 người cao tuổi với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà cho 101.675 người có công với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng (trong đó, quà của Chủ tịch nước trị giá gần 21 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên 15 tỷ đồng); hỗ trợ 1.065 tấn gạo cho trên 23 nghìn hộ dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; cấp phát thẻ BHYT và khám, chữa bệnh miễn phí cho 100% trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định. 

9.2. Lao động, việc làm

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sáu tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 32.590 lao động, đạt 49,4% kế hoạch năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: đi làm việc ở nước ngoài 4.600 người, đạt 46% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Công tác đào tạo nghề được chú trọng; sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 30.047 người, đạt 39,02% kế hoạch, tăng 6,84% so với cùng kỳ; trong đó, đào tạo cao đẳng cho 1.296 người; trung cấp 2.451 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 13.333 người.

9.3. Y tế

Trong sáu tháng đầu năm, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Công tác y tế dự phòng được tăng cường, vật tư, hoá chất được cung cấp đầy đủ cho các đơn vị để chủ động phòng, chống, khoanh vùng và có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời nên dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh một số bệnh thông thường; tính đến ngày 04/6/2018 toàn tỉnh ghi nhận 37 ca mắc tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong do bệnh dại, 18 ca viêm não vi rút, 39 bệnh nhân mắc sốt rét, 27 ca sốt xuất huyết, 137 người mắc sởi, 8 người bị uốn ván…; phát hiện, khống chế và dập tắt 5 ổ dịch ở các huyện Quan Sơn, Thường Xuân, Nông Cống và Hoằng Hóa. Nắng nóng kéo dài, các bệnh mùa hè có nguy cơ gia tăng, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng tránh, phát hiện triệu chứng nhiễm bệnh cho nhân dân; sẵn sàng điều trị, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Tính đến cuối tháng 5/2018, chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella được triển khai cho 28.194 đối tượng từ 16 - 17 tuổi theo đúng yêu cầu của chương trình, đạt 39,1% kế hoạch, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Đây là cơ hội để tăng cường miễn dịch cộng đồng, đặc biệt tại những vùng sâu, vùng xa, vùng trẻ em có tỷ lệ tiêm chủng thấp, góp phần quan trọng trong việc khống chế bệnh sởi của tỉnh.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh tổ chức lễ phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” với quy mô cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến, nhà hàng khách sạn theo kế hoạch của tỉnh.

Trong sáu tháng đầu năm, đã phát hiện và  xử lý 1.780 lượt cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt tiền hơn 2,6 tỷ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá gần 2 tỷ đồng. Để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong thời gian tới, các ngành, đơn vị, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền,  tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; qua đó tạo chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân về sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 102 bệnh nhân nhiễm HIV mới, 12 trường hợp tử vong mới; nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong toàn tỉnh lên 8.055 người, trong đó 5.559 người còn sống được quản lý. Số bệnh nhân đang điều trị ARV hiện tại là 3.776 người; số người điều trị bằng Methanode là 2.757 người.

9.4. Giáo dục

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017 - 2018, chất lượng đào tạo cơ bản ổn định. Tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 1.353 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 5,94% (tăng 122 trường) so với cùng kỳ. Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2018, đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 của tỉnh có 64/84 học sinh đạt giải, gồm 6 giải nhất, 17 giải nhì, 22 giải ba và 19 giải khuyến khích; xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 19 (APhO 2018) dành cho học sinh THPT dưới 20 tuổi của tất cả các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Thanh Hóa có 2 em dự thi, kết quả 1 em đạt HCV và 1 em đạt HCĐ. Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 91 dự án tham gia dự thi, kết quả đạt 2 giải khuyến khích.

Tổ chức thành công Hội thi chọn giáo viên dạy giỏi tỉnh chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT năm học 2017 - 2018, kết quả có 47/81 giáo viên dự thi đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh ngành học giáo dục thường xuyên.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, lớp 10 chuyên Lam Sơn và lớp 10 Dân tộc nội trú tỉnh năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có gần 49 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 5 nghìn thí sinh so với năm học 2017 - 2018. Kỳ thi diễn ra trong 2 ngày 08-09/6, tại 96 hội đồng thi. Lịch thi vào lớp 10 THPT và lớp 10 dân tộc nội trú trong 3 buổi, riêng thí sinh thi vào chuyên Lam Sơn thi thêm môn chuyên vào buổi thứ 4.

Theo báo cáo nhanh của Sở giáo dục và Đào tạo, tại tất cả các hội đồng thi, công tác coi thi, bảo vệ thi, thanh tra giám sát và công tác hậu cần đều được tổ chức tốt, không có sự cố bất thường xảy ra; trong 2 ngày thi, toàn tỉnh có 150 thí sinh vắng mặt, không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Thanh Hóa được tổ chức theo 2 cụm thi: Cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (gọi tắt là cụm thi Đại học) do Trường Đại học Hồng Đức chủ trì và cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Kỳ thi được tổ chức tại 68 điểm thi tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, với hơn 1.600 phòng thi, đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1 điểm thi và có gần 3.300 cán bộ, giáo viên được điều động làm nhiệm vụ coi thi.

Theo báo cáo của Sở Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Thanh Hóa có khoảng 38 nghìn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 33,5 nghìn thí sinh là học sinh lớp 12 của các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh và gần 5 nghìn thí sinh tự do. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

9.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Sáu tháng đầu năm 2018, ngành Văn hóa - Thông tin đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương; trọng tâm là các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh; các hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân Mậu Tuất 2018; kỷ niệm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa 20/2, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, ngày truyền thống ngành Thể dục thể thao 27/3, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; ngày Quốc tế Lao động 1/5; 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi "Thi đua ái quốc"; ngày Gia đình Việt Nam 28/6; Lễ kỷ niệm 1.770 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Lễ hội Bà Triệu năm 2018; hoạt động du lịch biển Sầm Sơn 2018...

Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; mặt khác, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân các dân tộc vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. 

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã triển khai dàn dựng và biểu diễn các chương trình, tiết mục phục vụ các tầng lớp nhân dân, mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị; nổi bật là Chương trình thuật với chủ đề "Xuân về trên quê Thanh", đón giao thừa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại Quảng trường Lam Sơn; ngày hội truyền thống Văn công chuyên nghiệp; biểu diễn nghệ thuật của Đoàn nghệ sỹ Uzbekistan; biểu diễn phục vụ đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa sang thăm, làm việc và chúc Tết cổ truyền Bunpimay tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào và đón tiếp đoàn cán bộ Đại sứ quán và lưu học sinh Campuchia đến thăm và làm việc tại Thanh Hóa; Nhà hát Ca múa - Kịch Lam Sơn Thanh Hóa tham gia Hội diễn sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2018 tại thành phố Hồ Chí Minh, đạt 1 HCV và 1 HCB.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục đẩy mạnh, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được nâng cao. Tính từ đầu năm đến ngày 12/6/2018, toàn tỉnh có 37/70 làng, thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa, đạt 52,9% kế hoạch; 85/160 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, đạt 53,1% kế hoạch; 11/20 xã đăng ký xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 55% kế hoạch; 01/02 phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 50% kế hoạch năm 2018.

Phong trào thể dục thể thao trong nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Kết quả, sáu tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 1.365.000 người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đạt tỷ lệ 39% dân số; 257.678 hộ gia đình thể thao, đạt 28% số hộ; 3.370 câu lạc bộ thể dục thể thao. Tổ chức và chỉ đạo 08 giải phong trào cấp tỉnh; 112 giải cấp huyện và 1.023 giải cấp xã/phường; phát động ngày chạy Olympic vì sức khỏe năm 2018, với hơn 6 nghìn người tham gia; phối hợp tổ chức giải Marathon băng rừng quốc tế tại huyện Bá Thước; đón, tiễn đoàn đua Xe đạp toàn quốc tranh Cúp truyền hình thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 30 năm 2018.

Tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Thanh Hóa lần thứ VIII năm 2018 diễn ra từ ngày 19-22/5/2018 tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh, với sự tham gia của 29 đoàn, hơn 3 nghìn cán bộ, VĐV, HLV. Kết thúc 22 môn thi đấu, Ban Chỉ đạo Đại hội đã trao 244 bộ huy chương các loại; xếp hạng toàn đoàn, nhất thành phố Thanh Hóa, nhì huyện Quảng Xương, ba huyện Hoằng Hóa; xếp hạng khối 11 huyện miền núi, nhất huyện Ngọc Lặc, nhì huyện Thạch Thành, ba huyện Cẩm Thủy. 

Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm, đã tổ chức gặp mặt, biểu dương các VĐV Thanh Hóa có thành tích xuất sắc trong thi đấu tại vòng Chung kết giải Bóng đá U23 Châu Á; đăng cai tổ chức 03 giải: Cờ vua - Cờ tướng các nhóm tuổi Miền Trung mở rộng lần thứ XVI năm 2018; Giải vô địch CLB Pencaksilat toàn quốc và Giải vô địch bóng rổ 3x3 quốc gia. Tính đến ngày 10/6/2018, tham gia thi đấu 30 giải quốc gia, quốc tế đạt 244 huy chương, gồm 65 HCV, 75 HCB, 104 HCĐ (trong đó 6 giải quốc tế, đạt 14 HCV, 08 HCB, 03 HCĐ). Câu lạc bộ FLC Thanh Hóa tham dự Giải vô địch quốc gia Nuti café V.League 2018, sau 13 vòng đấu đạt 16 điểm, xếp thứ 8/14 đội tham dự.

9.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông, phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm tháng đầu năm 2018 trên địa bản tỉnh xảy ra 208 vụ tai nạn giao thông, giảm 18,1% so với cùng kỳ, làm chết 53 người, giảm 24,3% so với cùng kỳ; bị thương 175 người, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra trong tháng 5/2018 đã phát hiện, xử phạt 6.376 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.219 phương tiện các loại, tước kiểm định và giấy phép lái xe 444 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước là 6.429 triệu đồng.

Lực lượng Thanh tra giao thông trong tháng 5/2018 đã lập biên bản vi phạm hành chính 67 trường hợp; phạt tiền, nộp Kho bạc Nhà nước 791,7 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 23 trường hợp, tịch thu 01 phù hiệu xe tuyến cố định, tạm giữ 01 phương tiện.

9.7. Thiệt hại do thiên tai

Sáu tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 5 đợt thiên tai, làm 1 người chết, 6 người bị thương, thiệt hại về sản xuất và tài sản của nhân dân 122,14 tỷ đồng. Đợt thứ nhất xảy ra vào ngày 14/4 tại huyện Như Thanh do ảnh hưởng của mưa đá, lốc xoáy; đợt thứ hai xảy ra vào ngày 09/5 tại 3 huyện Thường Xuân, Cẩm Thủy và Ngọc Lặc do mưa đá, lốc xoáy; đợt thứ ba xảy ra từ ngày 17-18/5 tại 8 huyện Vĩnh Lộc, Như Thanh, Thạch Thành, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Thường Xuân và Cẩm Thủy do mưa đá, lốc xoáy; đợt thứ tư xảy ra ngày 30/5 tại huyện Quan Hóa do giông lốc, mưa và lũ quét; đợt thứ năm xảy ra vào ngày 05/6 tại huyện Quan Sơn do giông lốc, mưa. Ngay sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, các địa phương đã chủ động chỉ đạo lực lượng tại chỗ giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại về tiền và ngày công lao động, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã hỗ trợ 5 nhà bị thiệt hại hoàn toàn làm lại nhà với tổng số tiền 150 triệu đồng tại các huyện Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc; hỗ trợ nhu yếu phẩm ban đầu cho các hộ có nhà bị tốc mái tại huyện Vĩnh Lộc. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 7,5 triệu đồng cho các hộ có nhà bị sập hoàn toàn tại các huyện Cẩm Thủy, Quảng Xương và Vĩnh Lộc.

9.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Môi trường: Tháng 5, phát hiện và xử lý 10 vụ vi phạm môi trường (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, huyện Quan Hóa, Hà Trung, Hậu Lộc, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, mỗi địa phương 1 vụ), phạt tiền vi phạm 113,3 triệu đồng; tính chung 5 tháng đầu năm 2018, phát hiện và xử lý 44 vụ vi phạm môi trường, tăng 21 vụ so với cùng kỳ, phạt tiền vi phạm 1.197 triệu đồng. 

Cháy nổ: Tháng 5 đã xảy ra 4 vụ cháy (TP Thanh Hóa 2 vụ, huyện Triệu Sơn 1 vụ, Tĩnh Gia 1 vụ), thiệt hại 1.157,5 triệu đồng; tính chung 5 tháng đầu năm 2018, xảy ra 14 vụ cháy nổ, giảm 37 vụ so với cùng kỳ, thiệt hại về tài sản 1.552,4 triệu đồng.

Khái quát lại,

Sáu tháng đầu năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; đặc biệt, chính quyền và nhân dân trong tỉnh hết sức vui mừng đón dòng sản phẩm đầu tiên của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày Quốc tế Lao động; sự kiện quan trọng này được chủ đầu tư, nhà thầu, đối tác trong và ngoài nước, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa mong mỏi từ hàng chục năm qua với tâm huyết, nỗ lực, sự hợp tác, môi trường đầu tư thuận lợi để đạt được thành quả này; nên kinh tế tiếp tục tăng trưởng và đạt tốc độ khá cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, nhiều chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, xuất khẩu... tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất vụ đông đạt thấp so với kế hoạch, sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm chậm, đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, trật tự an toàn giao thông tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp.

File đính kèm : Thanh Hoa BCSL KT-XH thang 6-2018

 

Cục Thống kê Thanh Hóa