Phê duyệt Đề cương điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi đến năm 2020

(Thanh Hoa Portal) - Ngày 31/5/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1842/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Lý do điều chỉnh, bổ sung là sau 5 năm (2006 - 2010) thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi đến năm 2020 (phê duyệt năm 2006), các yếu tố, nguồn lực phát triển và một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã thay đổi cần được cập nhật, bổ sung, cụ thể hoá cho phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009) và các quy hoạch ngành cấp tỉnh.

Mục tiêu của việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch là nghiên cứu xử lý mối liên hệ vùng với tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ; luận chứng phát triển kinh tế - xã hội trong tổ chức không gian vùng với các yếu tố mới xuất hiện có tính chất liên huyện, liên vùng như: Khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu đô thị, kết cấu hạ tầng... Xác định vai trò của vùng miền núi đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai, gắn với xử lý về môi trường trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và an ninh quốc phòng bền vững. 

Phạm vi điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, được thực hiện trên địa bàn 11 huyện miền núi và 26 xã miền núi thuộc các huyện, thị xã: Bỉm Sơn, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Triệu Sơn và Tĩnh Gia.

Nội dung và nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tập trung đánh giá những biến động của các yếu tố nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi; phân tích đánh giá các yếu tố tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên (đất, rừng, khoáng sản, nguồn nước, tài nguyên du lịch,…), rút ra những bất hợp lý trong khai thác các nguồn tài nguyên thời kỳ qua, những vấn đề cần khắc phục trong thời kỳ phát triển giai đoạn tiếp theo, đảm bảo cho phát triển bền vững. Những biến động về nguồn nhân lực (quy mô, chất lượng dân số, đặc điểm và phân bố dân cư, số luợng và chất lượng nguồn lao động), nhận định những lợi thế và hạn chế về nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển. Những biến động về văn hoá, xã hội, nghề truyền thống, các ngành nghề mới du nhập và khả năng phát triển của nó,... Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010 về các mục tiêu kinh tế - xã hội như: Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư xây dựng, thu nhập bình quân đầu người, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng, tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu; tỷ lệ hộ đói nghèo, số hộ dùng nước hợp vệ sinh, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, số xã được sử dụng điện, số hộ xem truyền hình, số máy điện thoại/100 dân, độ che phủ rừng, số cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn môi trường; kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các tiểu vùng, trung tâm kinh tế, đô thị của vùng miền núi....Đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện các mục tiêu quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010, những thành tựu đạt được, tồn tại, hạn chế và rút ra nguyên nhân bài học, những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung.

Việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi đến năm 2020 có xem xét, đánh giá các yếu tố bên ngoài tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng thời kỳ quy hoạch như: Tác động của thị trường thế giới; tác động của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; tác động của phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu Quy hoạch tổng thể, bao gồm: Các quan điểm và mục tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, lương thực bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người/năm, giá trị hàng hóa xuất khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ, tốc độ tăng dân số, tỷ lệ lao động được đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo, số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, số trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học, số hộ được dùng nước hợp vệ sinh, phát triển nông mới, ứng phó với biến đổi khí hậu;... Các phương án và lựa chọn các phương án phát triển; mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2020; điều chỉnh, bổ sung tổ chức không gian lãnh thổ và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng (Mạng lưới giao thông, mạng lưới cấp điện, hệ thống thuỷ lợi và các phương án cấp, thoát nước sản xuất, sinh hoạt; mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội) và điều chỉnh, bổ sung danh mục các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư...

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Chủ dự án), căn cứ vào nội dung Đề cương, nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi đến năm 2020, có trách nhiệm triển khai lập Quy hoạch hoàn thành trong quý I năm 2011, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật./.