Trang nghiêm, hoành tráng và đầy xúc động.

Trong không khí thi đua chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tối 3-4-2010, tại Quảng trường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 - 3, 4-4-2010). Lễ kỷ niệm được tổ chức quy mô, hoành tráng với lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Hàm Rồng - bản hùng ca bất tử”.


Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Tòng Thị Phóng, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Khăm Hùng Hương Vông Sỉ, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và một số tỉnh, thành phố; các đơn vị, quân binh chủng từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Hàm Rồng. Về phía tỉnh Thanh Hóa, dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Hân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Mai Văn Ninh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Mẫu Ngoạt, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương; đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, đông đảo nhân dân TP Thanh Hóa và các địa phương trong tỉnh. Các đồng chí: Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, gửi lẵng hoa chúc mừng lễ kỷ niệm.
Với vị trí đặc biệt, là nơi tập trung cả 2 tuyến đường bộ và đường sắt, cầu Hàm Rồng trở thành mục tiêu phá hoại đầu tiên của địch, nhằm cắt đứt mạch máu giao thông Bắc – Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thực hiện dã tâm đó, ngày mùng 3, mùng 4-4-1965, lực lượng không quân và Hải quân Mỹ đã điên cuồng ồ ạt đánh phá Hàm Rồng. Dưới mưa bom, bão đạn của quân thù, với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, mưu trí, dũng cảm, quân và dân Hàm Rồng đã cùng các lực lượng phòng không, không quân, hải quân chiến đấu, lập nên chiến công hiển hách, bắn rơi 47 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, giữ vững cây cầu, bảo đảm cho giao thông thông suốt. Chiến thắng oanh liệt trong 2 ngày 3 và 4-4-1965 tại Hàm Rồng đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng về sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta.
Diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, nêu rõ: Trên mảnh đất Hàm Rồng những ngày ấy, mỗi ngọn núi, dòng sông, công trường, nhà máy đều trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch, đều phải gánh chịu những đau thương, mất mát to lớn. Song với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Hàm Rồng đã đoàn kết một lòng, anh dũng chiến đấu, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc; đan thành lưới lửa dày đặc, nhiều tầng, nhiều lớp, giáng cho giặc Mỹ những đòn sấm sét. Hàm Rồng chiến thắng đã làm nức lòng quân dân cả nước, trở thành biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, trở thành điển hình mẫu mực trong vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tinh thần Hàm Rồng chiến thắng, sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, giành được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Hàm Rồng chiến thắng mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là bài học lớn về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, về tinh thần sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa vận dụng nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về văn hóa, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (toàn văn diễn văn khai mạc đăng trong số báo này).
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, khẳng định: Thanh Hóa là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Thanh Hóa luôn kề vai sát cánh bên nhau, kiên cường, dũng cảm chống giặc ngoại xâm, bền bỉ bồi đắp và giữ gìn cho mảnh đất này trường sinh và phát triển. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thanh Hóa luôn là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Chiến thắng tại Hàm Rồng trong 2 ngày 3 và 4-4-1965 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân tài tình dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, là chiến thắng của sức mạnh Việt Nam, sức mạnh vô địch mà đế quốc Mỹ không bao giờ hiểu hết được.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời mong muốn, với tinh thần và ý chí kiên cường, quật khởi của Hàm Rồng chiến thắng, tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết để xây dựng địa phương thành một tỉnh giàu mạnh; trước mắt trong năm 2010, thực hiện thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước đăng trong số báo này).
Sau phần mít tinh, Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng được nối tiếp bằng màn diễu binh, diễu hành, biểu dương lực lượng và chương trình nghệ thuật sân khấu hóa “Hàm Rồng – bản hùng ca bất tử”, với sự tham gia biểu diễn của hơn 2.000 diễn viên trên sân khấu 3.000 m2, màn hình 3D cực đại. Chương trình được khái quát hóa qua 3 chương. Chương 1 “Hàm Rồng huyền tích”; chương 2 “Mắt rồng nảy lửa”; chương 3 “Rồng thiêng cất cánh”.
Lễ hội kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hàm Rồng khép lại bằng màn bắn pháo hoa rực rỡ, trong niềm tự hào và trân trọng sâu sắc của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.
Nhân dịp dự Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, ngày 3-4-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn; thăm và tặng quà cho gia đình một số liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng năm 1965. Nói chuyện với cán bộ và công nhân Công ty cổ phần Xi-măng Bỉm Sơn, Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới, công ty tiếp tục hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, cải tiến phương thức quản lý theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, ngay từ khâu khai thác nguyên liệu để sản xuất xi-măng. Chăm lo bảo đảm quyền lợi cho người lao động; tham gia thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo từ thiện tại địa phương theo phương châm: sản xuất, kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa và của đất nước, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Thăm và tặng quà cho gia đình liệt sĩ Lê Thị Dung – nữ dân quân  Nam Ngạn hy sinh trong chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng; thăm gia đình ông Ngô Thọ Sắp, Ngô Thọ Sếp, Ngô Thọ Đặt và liệt sĩ Ngô Thọ Sáu -  người ba lần bị thương vẫn không rời trận địa Hàm Rồng cho đến lúc hy sinh; nói chuyện với các gia đình liệt sĩ và nhân dân khu phố 3, phường Nam Ngạn, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hàm Rồng chiến thắng đã trở thành biểu tượng oai hùng của quân dân Hàm Rồng – Nam Ngạn của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước. Chiến thắng ấy có được là có sự đóng góp không nhỏ của những người con ưu tú của quê hương Hàm Rồng – Nam Ngạn, nhiều người đã ngã xuống để đem lại bình yên cho quê hương hôm nay. Chính vì vậy, thế hệ con cháu Hàm Rồng – Nam Ngạn hôm nay cần phải  nỗ lực phấn đấu viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương bằng những việc làm thiết thực trong phát triển kinh tế – xã hội, làm giàu cho gia đình, cho quê hương, góp phần xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời mong muốn.
 
* Sáng 3-4, tại Khu Di tích chiến thắng Đò Lèn, huyện Hà Trung đã tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm Đò Lèn chiến thắng. Tới dự có Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Đức Thắng; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
 Đọc diễn văn tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo huyện, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Hà Trung trong cuộc chiến đấu bảo vệ Đò Lèn. Trong 2 ngày (3, 4-4-1965) chiến đấu anh dũng, kiên cường, quân và dân Hà Trung đã bắn rơi 12 máy bay, góp phần cùng quân dân tỉnh ta bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ các loại, bắt sống nhiều giặc lái... Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng Đò Lèn, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Hà Trung đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thử thách và đã giành được nhiều thành tựu quan trọng to lớn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo ra thế và lực mới để Hà Trung phát triển ngày càng vững chắc, phấn đấu sớm trở thành đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới, v.v...
Trước đó, tối 2-4, tại khu vực Đò Lèn, huyện Hà Trung đã tổ chức lễ cầu siêu, thả hoa đăng và đốt pháo bông.
* Ngày 3-4, tại đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, Sở Xây dựng đã khởi công xây dựng đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và anh hùng liệt sĩ. Tới dự và phát lệnh khởi công có đồng chí Vương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng.
Công trình đền thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sĩ được xây dựng trên diện tích 15 ha, với tổng vốn dự kiến gần 150 tỷ đồng, dự án được thực hiện từ năm 2010 đến 2013. Quy mô xây dựng bao gồm: Đền thờ chính, tháp tụ linh, gác chuông, gác trống, nhà bia, tam quan, hồ bán nguyệt, nhà đón tiếp và các công trình phụ trợ khác.
Xây dựng đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và anh hùng liệt sĩ là thể hiện lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đền thờ sẽ là nơi bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng đối với các thế hệ mai sau.
* Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, sáng 3-4, tại Đồi C5, phường Hàm Rồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm đã tổ chức lễ Đặt Đá, khởi công  xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Đến dự buổi lễ, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Lam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Hòa thượng Thích Đắc Pháp, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng ban Trị sự phật giáo Vĩnh Long, Cố vấn Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm. Về phía tỉnh có đồng chí  Lô Thị Luân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Hà Văn Thương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.
Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân tông khai sáng. Ngài là một ông vua anh minh đã lãnh đạo quân và dân 2 lần đánh thắng đế quốc Nguyên Mông, một đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ. Đến năm 35 tuổi ngài nhường ngôi cho con trai là Trần Anh tông, lên làm Thái Thượng hoàng. Năm 41 tuổi, khi vua Trần Anh tông thạo việc trị nước, ngài vào núi Yên Tử tu, sau khi ngộ đạo, ngài đi khắp nơi trong nước dạy dân cách sống để được an lạc hạnh phúc. Đến nay tiếp nối tinh thần đạo pháp của Phật Hoàng Trần Nhân tông, Thiền phái Trúc Lâm luôn dạy cho các tăng ni, phật tử phải mang lòng bao dung và tính hướng thiện...
Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc, là nơi để các tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tu hành, dâng hương lễ phật trong các ngày lễ, tết; đồng thời đây cũng là điểm du lịch về tâm linh trong quần thể danh thắng lịch sử văn hóa Hàm Rồng.
 * Nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng, UBND phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa đã tổ chức gặp mặt 46 đồng chí thuộc Đại đội dân quân Nam Ngạn.
 Trong không khí ấm cúng, đầy tự hào, các đồng chí trong Đại đội dân quân Nam Ngạn đã cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh của quân và dân Nam Ngạn trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng, đồng thời nghe lãnh đạo UBND phường báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phát động các phong trào thi đua xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Nhân dịp này, phường Nam Ngạn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và trao quà cho thân nhân các gia đình liệt sĩ và thân nhân những người quá cố của Đại đội dân quân Nam Ngạn.
* Tối 4-4-2010, tại đê hữu sông Mã, phường Hàm Rồng, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức chương trình Gala ca nhạc với chủ đề “Chào sông Mã anh hùng”, ca ngợi tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta trên mảnh đất Hàm Rồng lịch sử, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu quê hương, tiếp nối truyền thống cha anh, xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu mạnh.
                                                                                                                                                          (Theo Báo Thanh Hoá điện tử)