Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Kết quả sản xuất vụ đông

Vụ đông 2020 - 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, đầu vụ nhiệt độ trung bình ấm hơn vụ đông năm trước, cuối vụ liên tiếp xảy ra những đợt rét đậm, nhiệt độ xuống thấp. Sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại cây trồng, nhất là nhóm rau màu ôn đới. Với nền nhiệt thấp, dịch bệnh trên cây trồng vụ đông năm nay ít xảy ra hơn so với các vụ sản xuất khác trong năm. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo; ban hành kịp thời, thiết thực và có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông đối với các hộ nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã; cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân; nên diện tích các loại cây trồng vụ đông 2020 - 2021 vượt kế hoạch và cao hơn so với vụ đông năm trước. Tổng diện tích gieo trồng 50.316 ha, vượt 0,6% kế hoạch, tăng 2,9% so với vụ đông 2019 - 2020; trong đó, diện tích ngô 15.306 ha, đạt 95,7% kế hoạch, tăng 5,9%; diện tích khoai lang 2.826 ha, giảm 0,7%; diện tích lạc 1.338 ha, vượt 2,9% kế hoạch, tăng 1,2%; diện tích rau các loại 23.376 ha, tăng 5,6%; diện tích cây ớt 1.589 ha, giảm 6,3%; diện tích cây cỏ voi 2.338 ha, tăng 11,9%; diện tích cây ngô làm thức ăn gia súc 1.281 ha, giảm 0,5% so với vụ đông năm trước.

Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ đông. Năng suất một số loại cây trồng chính như sau: Ngô 48,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với cùng kỳ; đậu tương 15,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha; khoai lang 77,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; khoai tây 143,1 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; lạc 21,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; rau các loại 130,8 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha; ớt cay 114,2 tạ/ha, giảm 0,8 tạ/ha so với vụ đông năm trước. Sản lượng lương thực có hạt đạt 74,4 nghìn tấn, tăng 7,0% (tăng 4,9 nghìn tấn) so với vụ đông năm 2019 - 2020.

b) Tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân

Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/02/2021, toàn tỉnh đã gieo trồng được 140.599 ha các loại cây trồng vụ chiêm xuân, đạt 69,9% kế hoạch; trong đó lúa 108.054 ha, đạt 94,0% kế hoạch; ngô 5.527 ha, đạt 34,5% kế hoạch; lạc 4.862 ha, đạt 69,5% kế hoạch; rau đậu các loại 8.815 ha, đạt 65,3% kế hoạch; cây trồng khác 13.340 ha, đạt 27,0% kế hoạch.

Đến cùng thời điểm nêu trên, diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 8.600 ha, đạt 50,3% kế hoạch; các nhà máy chế biến đường đã thu mua được 443 nghìn tấn mía; trong  đó, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn 213 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 230 nghìn tấn. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua được 182,1 nghìn tấn sắn nguyên liệu; trong đó Nhà máy sắn Bá Thước 43,5 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân 40,6 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) 98 nghìn tấn. Nhà máy sắn Bá Thước, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân đã kết thúc vụ sản xuất.

Thời tiết thuận lợi; các cấp, các ngành tích cực chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân sau khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu tiếp tục gieo trồng các loại cây trồng vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất; chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; tăng cường theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời; thu hoạch mía, sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn.

c) Chăn nuôi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 11/02/2021 đến 16 giờ ngày 17/02/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 02 hộ chăn nuôi thuộc 02 thôn, 02 xã của huyện Ngọc Lặc và thị xã Nghi Sơn, buộc phải tiêu hủy 7.332 con gia cầm. Từ ngày 03/2/2021 đến 16 giờ ngày 11/02/2021, bệnh Viêm da nổi cục đã xảy ra tại 38 hộ chăn nuôi tại 03 tổ dân phố, phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn, làm tổng số 58 con bò mắc bệnh. Trong đó có 43 con đã khỏi về mặt triệu chứng lâm sàng, còn 15 con đang còn biểu hiện lâm sàng của của bệnh.

Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 và dịch bệnh Viêm da nổi cục, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp làm việc với các địa phương có dịch để phối hợp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; phân công cán bộ trực tiếp bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Thành lập tổ công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, chốt kiểm soát động vật tại các tuyến giao thông ra vào địa bàn và các trục đường trên địa bàn xã, phường với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ... trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm, trâu bò, sản phẩm trâu, bò ra ngoài vùng dịch. Tổ chức thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả tại các thôn có dịch 02 ngày 01 lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 03 ngày 01 lần bằng các loại hóa chất sát trùng; đồng thời, tiêm phòng cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại thôn có dịch, tiêm phòng bao vây ổ dịch tại các thôn chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh có dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6; phun thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh Viêm da nổi cục.

1.2. Lâm nghiệp

Ngày 18/01/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND  về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Tân Sửu năm 2021; đồng thời triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với yêu cầu thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức và huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng; toàn tỉnh phấn đấu trồng được từ 1,5 triệu cây trở lên trong dịp tổ chức “Tết trồng cây”, gấp 1,5 lần so với năm trước. Thời gian tổ chức Lễ phát động và ra quân trồng cây toàn tỉnh được tiến hành đồng loạt vào 8 giờ ngày 18/02/2021, tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Tân Sửu.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Hai thời tiết thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt thủy, hải sản. Tuy nhiên, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu nằm trọn trong tháng, mặt khác, do tập quán vui Xuân, đón Tết cổ truyền của ngư dân kéo dài, nên quỹ thời gian dành cho sản xuất ngắn; vì vậy, sản lượng khai thác giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, sản lượng các loại thủy sản nuôi trồng tăng cao so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước. Ước tính tháng 02/2021, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 16.314 tấn, giảm 1,9% so với tháng trước, tăng 4,4% so với tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 10.018 tấn, giảm 6,9% so tháng trước và giảm 4,6% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 6.295 tấn, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 22,8% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 32.950 tấn, tăng 4,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 20.785 tấn, tăng 1,1% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 12.165 tấn, tăng 12,2% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Hai, sau khi kết thúc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, các doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh theo kế hoạch. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19 quay trở lại, nên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp có dây truyền sản xuất hoạt động liên tục như: sản xuất xi măng, gạch ceramic, chế biến sữa, xăng dầu... đều phân công trực Tết, đảm bảo hoạt động của các phân xưởng, lò và dây truyền sản xuất liên tục; các nhà máy thủy điện có kế hoạch, tổ chức lực lượng trực vận hành sản xuất bình thường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay của các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trọn trong tháng Hai, quỹ thời gian còn lại trong tháng cho sản xuất kinh doanh ngắn, nên sản xuất công nghiệp tháng 02/2021 giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 02/2021 giảm 25,71% so với tháng trước, giảm 10,12% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 12,99% so với tháng trước, giảm 28,53% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,27% so với tháng trước, giảm 11,17% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 2,77% so với tháng trước, tăng 7,23% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,16% so với tháng trước, tăng 5,12% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,92% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 20,92%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,16%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,96%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,62% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 02/2021 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như sau: Xăng các loại 145,7 nghìn tấn, giảm 39,7% so tháng trước, giảm 26,7% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 278,5 nghìn tấn, giảm 28,2% so tháng trước, giảm 25,1% so tháng cùng kỳ; đường kết tinh 27 nghìn tấn, giảm 32,9% so tháng trước, giảm 18,1% so tháng cùng kỳ; bia các loại 1,24 triệu lít, giảm 36,8% so tháng trước, giảm 12,7% so tháng cùng kỳ; thuốc lá bao 10,4 triệu bao, giảm 35,4% so tháng trước, giảm 6,3% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 6,9 triệu cái, giảm 35,5% so tháng trước, giảm 6,6% so tháng cùng kỳ; giày thể thao 8,4 triệu đôi, giảm 37,1% so tháng trước, giảm 8,5% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,21 triệu tấn, giảm 16,4% so tháng trước, giảm 13,9% so tháng cùng kỳ, sắt thép 89,2 nghìn tấn, giảm 40,5% so tháng trước, tăng 97,9% so tháng cùng kỳ; điện sản xuất 352 triệu kwh, tăng 6,7% so tháng trước, tăng 2,4% so tháng cùng kỳ; nước máy 3,6 triệu m3, tăng 3,6% so tháng trước, tăng 6,7% so tháng cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2021 dự kiến giảm 31,08% so với tháng trước, giảm 10,40% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2021 dự kiến tăng 3,83% so với tháng trước, giảm 0,64% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2021 dự kiến giảm 1,81% so với tháng trước, tăng 11,83% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,09% so với tháng trước, giảm 11,72% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,76% so với tháng trước, tăng 0,43% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,48% so với tháng trước, tăng 16,57% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 11,25% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 10,66%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,13%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,76% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Tháng Hai, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, các đơn vị xây lắp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung nguồn lực thi công các công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 02/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 448,5 tỷ đồng, giảm 34,4% so tháng trước, giảm 19,2% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 185,3 tỷ đồng, giảm 36,7% so tháng trước, giảm 24,0% so cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 140,1 tỷ đồng, giảm 33,0% so tháng trước, giảm 14,9% so cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 123 tỷ đồng, giảm 32,2% so tháng trước, giảm 16,2% so cùng kỳ.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 478,3 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 349,3 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 304,4 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Nhu cầu mua sắm hàng hóa của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng cao so với các khoảng thời gian khác trong năm, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 rơi vào tháng 02/2021, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 rơi vào tháng 01/2020. Vì vậy, tuy Tết Nguyên đán năm nay chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng sức mua hàng hóa tháng 02/2021 vẫn tăng khá so với tháng 01/2021 và tăng cao so với tháng 02/2020. Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 02/2021 ước đạt 9.550 tỷ đồng, tăng 15,0% so với tháng trước, tăng 28,1% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 3.703 tỷ đồng, tăng 32,6% so tháng trước, tăng 40,3% so tháng cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.191 tỷ đồng, tăng 10,4% so tháng trước, tăng 26,6% so tháng cùng kỳ; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 280 tỷ đồng, giảm 16,0% so tháng trước, tăng 1,4% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 1.408 tỷ đồng, tăng 11,8% so tháng trước, tăng 17,1% so tháng cùng kỳ... Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 17.852 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 6.495 tỷ đồng, tăng 3,4%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 2.269 tỷ đồng, tăng 5,2%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 614 tỷ đồng, tăng 9,0%; xăng, dầu các loại 2.667 tỷ đồng, tăng 5,8%...

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp thương mại, các thương nhân, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập kết, dự trữ khối lượng lớn hàng hóa. Trong đó, các doanh nghiệp có tỷ trọng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán ước đạt 3.786 tỷ đồng, tăng 7,5% so với lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Nguyên đán Canh Tý 2020 (3.500 tỷ đồng). Đối với các huyện miền núi của tỉnh, có mạng lưới phân phối bán lẻ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Miền Núi (11 siêu thị/11 huyện miền núi), cùng với 13 điểm bán hàng Việt Nam tại 11 huyện miền núi, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, phục vụ người dân 11 huyện miền núi với giá cả ổn định trong suốt thời gian trước, trong và sau tết. Hàng hóa của đơn vị với hơn 90% là hàng sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và tiểu thương tại địa bàn các huyện miền núi cũng chuẩn bị, tập kết hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán nên hàng hóa sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn các huyện miền núi.

Các Siêu thị như: BigC, Co.opmart, Vincom, HC (thành phố Thanh Hóa); hệ thống siêu thị Miền Tây (các huyện miền núi); A&S, Vinmart Tĩnh Gia; Kiểu (Yên Định); A&S Thọ Xuân, M10 Bỉm Sơn và hệ thống cửa hàng bán lẻ Vinmart +… chuẩn bị hàng hóa với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, mẫu mã; riêng mặt hàng bánh kẹo, sữa chủ yếu là hàng sản xuất trong nước (chiếm tới trên 80%). Giá các mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ Vinmart+ giữ ổn định.

Tại Chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, hoạt động sôi động nhất vào thời gian từ 02h00 đến 11h00. Hàng hóa chủ yếu là rau, quả, thực phẩm và hoa tươi. Các tiểu thương tại Chợ chuẩn bị đẩy đủ hàng hoá để phân phối cho các tiểu thương trên địa bàn toàn tỉnh cũng như người dân trên địa bàn thành phố Thanh Hóa tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán cũng như nhu cầu hàng ngày. Tại các chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, hoạt động đã nhộn nhịp. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm tươi sống, đồ khô và rau củ quả. Giá mặt hàng thịt lợn tại các chợ đã tăng khoảng 5 đến 6%, thịt bò giá tăng khoảng 3%, các mặt hàng rau củ quả giá có xu hướng giảm nhẹ do thời tiết thời gian vừa qua thuận lợi cho rau màu sinh trưởng, phát triển.

Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thanh Hóa phân công cán bộ trực đường dây nóng tại Văn phòng Cục và 15 Đội QLTT trực thuộc để nắm thông tin phản ánh từ nhân dân về các đối tượng vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp có hệ thống phân phối trên địa bàn toàn tỉnh, liên huyện tổ chức các kênh thông tin để chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng dự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nguyên đán; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp kịp thời. Tập trung làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình trên thị trường về cung - cầu, giá cả hàng hóa, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên đán các Đội QLTT trực thuộc cập nhật thông tin, khảo sát tình hình thị trường, cung cầu, giá bán lẻ bình quân chung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán đặc biệt là các nhóm mặt hàng như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, rau, củ quả, bánh kẹo, đồ uống, thuốc chữa bệnh; nhiên liệu; cước vận chuyển hành khách, dự báo sát tình hình thị trường cung cầu, giá cả để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Theo dõi sát diễn biến giá cả, hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin, xây dựng phương án kiểm tra đột xuất. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như:

- Kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, xì gà, nước giải khát, động vật và sản phẩn chế biến từ động vật, hàng điện tử, điện lạnh…

- Tập trung kiểm tra các chuyên đề chống buôn lậu thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền…

- Kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm: đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố.

- Kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá tráp pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

- Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 01/12/2020 - 16/02/2021), Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 658 vụ, xử lý 625 vụ vi phạm, gồm: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu 71 vụ; xử lý về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ 30 vụ, xử lý về lĩnh vực giá 173 vụ; xử lý vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 165 vụ; xử lý vi phạm khác trong kinh doanh 186 vụ. Tổng số tiền xử phạt 2.587 triệu đồng; trong đó, tiền phạt vi phạm hành chính 1.737,8 triệu đồng, tiền bán hàng tịch thu 136,3 triệu đồng, trị giá hàng đã tiêu hủy 712,8 triệu đồng. Hàng chờ bán, chờ tiêu hủy trị giá 327,6 triệu đồng.

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 rơi vào tháng 02/2021, giá một số mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao; giá bán điện sinh hoạt tháng 02/2021 trở lại như cũ (tháng 01/2021 thực hiện gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 2) là nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2021.  

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2021 tăng 2,29% so với tháng trước. Có 8/11 nhóm hàng hóa giá tăng so với tháng trước, gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,67% (lương thực tăng 1,92%, thực phẩm tăng 3,23%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,37%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,38%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 7,68%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm giao thông tăng 1,37%; nhóm giáo dục tăng 0,01%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%. Duy nhất nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 1,16%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: Nhóm bưu chính viễn thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2021 tăng 2,05% so với tháng12/2020 và tăng 0,53% so với tháng 02/2020. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,39% so với  cùng kỳ (2 tháng đầu năm 2020 tăng 6,93%).

Chỉ số giá vàng tháng 02/2021 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 25,05% so với tháng 02/2020. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,29% so với tháng trước, giảm 0,83% so với tháng 02/2020.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tăng cao hơn các khoảng thời gian khác trong năm, nên vận tải hành khách tăng so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay nằm trọn trong tháng 02/2021; mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên vận tải hàng hóa giảm so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước.

Tháng Hai, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 328,4 tỷ đồng, tăng 11,5% so tháng trước, tăng 34,2% so với tháng cùng kỳ, hành khách vận chuyển 4,2 triệu người, hành khách luân chuyển 255,8 triệu người.km; so với tháng trước, tăng 7,8% về hành khách vận chuyển, tăng 11,0% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 33,7% về hành khách vận chuyển, tăng 29,3% về hành khách luân chuyển. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 433,8 tỷ đồng, giảm 23,7% so với tháng trước, giảm 17,3% so tháng cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 3,4 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 157,3 triệu tấn.km; so với tháng trước, giảm 27,5% về hàng hóa vận chuyển, giảm 29,0% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 17,1% về hàng hóa vận chuyển, giảm 17,2% về hàng hóa luân chuyển. 

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 623 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 8,0 triệu người, hành khách luân chuyển 486,4 triệu người.km, tăng 2,1% về hành khách vận chuyển, tăng 2,0% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.002 tỷ đồng, giảm 9,0% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 8,2 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 378,8 triệu tấn.km, giảm 11,6% về hàng hóa vận chuyển, giảm 11,5% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngành Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch vận chuyển dịp Tết và thông báo cho các đơn vị vận tải hành khách trong tỉnh đăng ký phương tiện phục vụ hành khách trong dịp Tết như điều động, bổ sung phương tiện cho các tuyến phía Nam và tuyến Hà Nội, phương tiện huy động từ các nguồn: xe hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch…; tăng chuyến trong những ngày cao điểm; xe buýt tăng tần suất hoạt động; thực hiện nghiêm việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Dịp Tết Nguyên đán năm nay tình hình phục vụ nhân dân đi lại nhìn chung ổn định, không xảy ra tình trạng ùn ứ ở các bến xe, bến tàu, các trạm dừng xe buýt.

Trong dịp Tết Nguyên đán, trước Tết 15 ngày Sở Giao thông Vận tải dự kiến cấp Phù hiệu tăng cường bổ sung khoảng 60-70 xe để đón khách từ các tỉnh phía Nam về Thanh Hóa và trước Tết 10 ngày bổ sung thêm 30 xe đón khách từ Hà Nội về Thanh Hóa; bố trí quay vòng, tăng chuyến khoảng từ 80-100 chuyến/ngày trong các ngày cao điểm từ đầu Hà Nội (trước Tết) để giải tỏa hành khách tại bến xe. Sau Tết Nguyễn đán, từ ngày 14/02/2021 (tức mùng 3 Tết) đến ngày 03/3/2021 (20 tháng Giêng năm Tân Sửu) dự kiến điều động tăng cường 60-80 xe giải tỏa khách tại các bến xe trong tỉnh đi các tỉnh phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương). Dự kiến bổ sung từ 40-50 xe tăng cường cho tuyến Thanh Hóa - Hà Nội; bố trí quay vòng tăng chuyến khoảng từ 100-120 chuyến/ngày.  

Cảng Hàng không Thọ Xuân xây dựng kế hoạch tăng chuyến phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo kế hoạch, từ ngày 27/01/2021 đến ngày 26/02/2021 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 15 tháng Giêng năm Tân Sửu), các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines, Bamboo Airways hoạt động khoảng 821 chuyến bay đi/đến Cảng Hàng không Thọ Xuân; trung bình 01 ngày có 25-26 chuyến bay, ngày cao nhất phục vụ 43 chuyến bay.

4.4. Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống - du lịch lữ hành

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 01/2021 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt trong tháng 02/2021, hoạt động du lịch lữ hành đã tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tháng Hai, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 108,4 tỷ đồng, giảm 37,8% so với tháng trước, giảm 5,2% so với tháng cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 288,4 nghìn lượt khách, giảm 38,6% so với tháng trước, giảm 3,2% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 491,2 nghìn ngày khách, giảm 38,1% so với tháng trước, giảm 3,0% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 658,2 tỷ đồng, giảm 27,1% sơ với tháng trước, tăng 14,2% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 282,7 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 758,2 nghìn lượt khách, giảm 6,0% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 1.284,5 nghìn ngày khách, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.561,8 tỷ đồng, tăng 11,7% sơ với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 10,7 tỷ đồng, giảm 22,2% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 4,6 nghìn lượt khách, giảm 23,9% so cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 14,8 nghìn ngày khách, giảm 22,3% so cùng kỳ.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Tháng 02/2021, đời sống Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân được giải quyết kịp thời đúng quy định, chi trả trợ cấp cho gần 75 nghìn người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 141 tỷ đồng; tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới (công nhận thương binh, liệt sỹ; phong tặng, truy tặng huân, huy chương, danh hiệu Bà  mẹ Việt Nam anh hùng; trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng khác…). Thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho trên 204,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tổng kinh phí thực hiện trên 78,2 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về trợ giúp xã hội, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...; thực hiện tốt công tác quản lý và tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội vào chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện chế độ, chính sách về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Kết quả trong tháng 02/2021, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 2.750 lao động (lũy kế 2 tháng đầu năm là 5.880 lao động), trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 986 người (lũy kế 2 tháng đầu năm là 1.201 lao động).

Tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 1.322 lao động theo đúng quy định (lũy kế 2 tháng đầu năm là 2.997 lao động); đồng thời, quan tâm thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Công tác chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 được các cấp, các ngành quan tâm. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà người có công và hộ gia đình người có công tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; kinh phí thực hiện là 202,5 triệu đồng. Các cấp chính quyền địa phương đã trao tặng 98.308 suất quà của Chủ tịch nước và 98.403 suất quà của tỉnh cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, tổng kinh phí thực hiện gần 59,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương (ngân sách huyện, xã) và hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao tặng 17.877 suất quà, trị giá 6,528 tỷ đồng cho người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành đã huy động từ nguồn xã hội hóa được 479.228 suất quà, tổng giá trị 258,6 tỷ đồng (tăng 113,3 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020). Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 355 nhà Đại đoàn kết, giá trị 8,878 tỷ đồng.

Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hoàn thành công tác chi trả trợ cấp thường xuyên tháng 02 và tháng 3 năm 2021 cho trên 203 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí thực hiện trên 78,5 tỷ đồng/tháng; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn đảm bảo xã hội để cấp phát 288.345 kg gạo hỗ trợ cho 12.087 lượt người dân gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ thiếu lương thực năm 2021. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm đã trao tặng 364.463 suất quà và 17.985 kg gạo, tổng trị giá 208,153 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (người nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh v.v…). Các huyện, thị xã, thành phố cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi; tổng số người cao tuổi thuộc diện được chúc thọ, mừng thọ năm 2021 là 52.488 người, tổng kinh phí thực hiện là 24,936 tỷ đồng.

5.2. Y tế

Ngành Y tế đã tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 28/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 03/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Kế hoạch số 500/SYT-KHBCĐ ngày 04/02/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc đáp ứng 3 với các tình huống dịch Covid-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Công văn số 577/SYT-CBĐ ngày 08/02/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc thực hiện các biện pháp giám sát, cách ly phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 623/SYT-CBĐ ngày 11/02/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về việc tổ chức đợt cao điểm thực hiện quyết liệt, triệt để các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; Công văn số 383/SYT-NVY ngày 29/01/2021 của Sở Y tế về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Rà soát phương án, kế hoạch, tổ chức thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị; có phương án, kịch bản đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” khi dịch bệnh xảy ra. Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám chữa bệnh; tăng cường tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, điều tra, xử lý dịch, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn lây, phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý triệt để ngay từ khi dịch mới xuất hiện, ở diện hẹp. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan thực hiện theo dõi, giám sát, quản lý, tất cả những người, đến, trở về địa phương từ những nơi khác để tổ chức các biện pháp rà soát, truy vết, giám sát, chỉ định cách ly, xét nghiệm phù hợp theo quy định; khẩn trương truy vết, tổ chức xét nghiệm tất cả các đối tượng F1, F2, các đối tượng có nguy cơ cao. Đồng thời đảm bảo vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang phục bảo hộ và các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tính đến 12 giờ 00’ ngày 17/02/2021 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Tân Sửu), số ca nghi mắc cộng đồng: 35; số ca bệnh dương tính: 03. Toàn tỉnh hiện tại có 95 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 10.422 người. Đã xét nghiệm 4.153 người/5.835 lượt xét nghiệm. Tổng số trường hợp cách ly tập trung 1.840 người; hiện đang cách ly 220 người; tại 19 khu cách ly (BVĐK Cẩm Thủy: 02; BVĐK Hoằng Hóa: 03; BVĐK Nghi Sơn: 02; BVĐK Thạch Thành: 03; BVĐK Thiệu Hóa: 03; BVĐK Thường Xuân: 01; BVĐK Triệu Sơn: 01;  BVĐK Yên Định: 01; KCL Cẩm Thủy: 08; Khu CL Đông Sơn: 04; Khu CL Hà Trung: 02; Khu CL Lang Chánh: 05; Khu CL Nghi Sơn: 11; Khu CL Thạch Thành: 03; Khu CL Thiệu Hóa: 21; KCL Thường Xuân: 01; KCL Yên Định: 04; KS Anh Phát 3: 108; KS Thiên Ý: 03; TTGDQP: 32; TYT Quảng Xương: 01). Tổng số trường hợp trở về được cách ly tại nhà 29.119 người; hiện đang cách ly 13.510 người.

Trong tháng Hai, Sở Y tế đã tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh phát sinh trong mùa Đông Xuân đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn, ...; chỉ đạo các đơn vị Y tế dự phòng tăng cường giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, đặc biệt là các ổ dịch mới phát sinh để khống chế và xử lý kịp thời; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Lũy kế từ ngày 01/01/2021 đến ngày 07/02/2021 toàn tỉnh ghi nhận 10 ca sốt xuất huyết, 05 ca tay chân miệng, 01 ca viêm màng não, 01 ca viêm gan vi rút B, 04 ca viêm não do vi rút khác.

Từ ngày 10-13/02/2021 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 02 tháng Giêng), toàn tỉnh có 717 người bệnh đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; trong đó, khám tai nạn 148 người (tai nạn giao thông 105 người, tai nạn sinh hoạt 37 người, tai nạn do đánh nhau 6 người; ngộ độc thực phẩm 12 người; khám chữa bệnh cho các đối tượng khác 557 người. Tổng số bệnh nhận nhập viện điều trị nội trú 549 người, chuyển viện 53 người, ra viện 205 người, tử vong 04 người (do tai nạn giao thông 03 người, do các nguyên nhân khác 01 người).

5.3. Giáo dục

Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngày 15/02/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã có thông báo  cho trẻ mầm non, học sinh, học viên các trường mầm non, TH&THCS, THCS, THCS&THPT, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, các cơ sở giáo dục khác trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học cho đến hết thứ bảy, ngày 20/02/2021 và đi học trở lại từ thứ 2, ngày 22/02/2021. Tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”; đồng thời, triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn tại Công văn số 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các điều kiện bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Trong thời gian học sinh nghỉ học, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viêc trực tại trường, vệ sinh cảnh quan, tham gia sinh hoạt chuyên môn và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được phân công.

Chiều ngày 21/01/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ tuyên dương, trao thưởng cho học sinh (HS), giáo viên (GV) có HS đạt giải học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2020 - 2021. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 76 HS tham dự kỳ thi chọn HS giỏi Quốc gia ở 9 môn thi, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh; kết quả có 56 HS đạt giải (tỉ lệ thí sinh đạt giải của Thanh Hoá chiếm 73,7%, tỷ lệ toàn quốc là 50%), trong đó có 6 giải nhất (chiếm 6,45% giải nhất toàn quốc), 24 giải nhì, 17 giải ba và 9 giải khuyến khích. Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tặng hoa và Bằng khen của Chủ tịch UNND tỉnh cho 56 HS và 22 GV có HS đạt giải Quốc gia năm học 2020 - 2021. Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng đã trao thưởng cho các GV và HS với số tiền trên 112 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học, khuyến tài Lam Sơn.

5.4. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin tổ chức tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước, trọng tâm là tổ chức tuyên truyền rộng rãi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên trang Thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị trong ngành; tuyên truyền các nội dung vui Xuân đón Tết an toàn, tiết kiệm; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Xứ Thanh, gắn với quảng bá du lịch Thanh Hóa đến với du khách trong nước và quốc tế. Tuyên truyền về tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo tinh thần Công văn số 111-CV/TU ngày 09/02/2021 của Tỉnh uỷ Thanh Hoá về việc lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh; Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 28/01/2021 và Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 03/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; tuyên truyền về cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; gắn tổ chức các hoạt động đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với các hoạt động mừng Đảng mừng Xuân một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các sự kiện mừng Đảng, mừng Xuân, nổi bật là:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức phát sóng Chương trình nghệ thuật chào năm mới Tân Sửu 2021 với chủ đề "Thanh Hoá vào Xuân" trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá từ 23 giờ ngày 11/02/2021 đến 0 giờ ngày 11/02/2021 (tức đêm Giao thừa).

- Từ ngày 10-14/02/2021: Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu..., tổ chức mở cửa đón khách và Nhân dân đến tham quan trong thời gian trước tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vào các ngày trong tuần, mở cửa hàng ngày từ 6 giờ 30’ đến 18 giờ 00'; đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự đối với nhân dân và khách du lịch.

Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thị xã, thành phố; các xã, phường, thị trấn; các ban quản lý di tích lịch sử văn hoá; sư trụ trì, thủ từ tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu tại Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ; UBND tỉnh, Hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19 và Công văn số 380/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 29/01/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh; Công văn số 461/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 05/02/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong các hoạt động văn hóa, thể thao và trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh; Công văn số 462/SVHTTDL-NSVHGĐ ngày 05/02/2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tạm dừng các hoạt động lễ hội, tiếp tục tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh.

Các cấp chính quyền địa phương nơi có di tích lựa chọn hình thức phù hợp thực hiện nghi lễ dâng hương đầu xuân tại các điểm di tích theo thông lệ truyền thống đảm bảo trang nghiêm, thành kính với số lượng người phù hợp theo quy định tại Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 03/2/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên, các địa phương chưa có giải pháp, hướng dẫn Nhân dân thực hiện việc "không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự" do đó, có những thời điểm, tại một số di tích vẫn còn tình trạng tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự. Trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND thành phố Sầm Sơn đã yêu cầu đóng cửa di tích Đền Độc Cước, sau khi có phản ánh của Nhân dân và ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay di tích đã mở cửa trở lại phục vụ du khách và Nhân dân đến tham quan, chiêm bái.

Thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Ngọc Lặc không tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đón Giao thừa theo tinh thần Công văn số 108-CV/TU ngày 03/02/2021 của Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Hoãn hoặc dừng tổ chức các sự kiện thể thao trên địa bàn để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo các cơ sở huấn luyện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao và các cơ sở hoạt động thể dục thể thao thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hoá và hướng dẫn của ngành Y tế.

Các cấp chính quyền địa phương, đơn vị, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hạn chế tham gia các hoạt động tại cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hoá tập trung đông người; chính quyền địa phương, người đứng đầu bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim… chịu trách nhiệm bố trí, sắp xếp số lượng người tham gia các hoạt động tại bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim không quá 30 người tại một thời điểm, trong cùng một không gian; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác vệ sinh, khử khẩn theo quy định của ngành y tế tại địa bàn quản lý.

5.5. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tháng 02/2021 (tính từ ngày 15/01/2021 đến 14/02/2021), toàn tỉnh xảy ra 36 vụ tai nạn giao thông, giảm 06 vụ so với tháng cùng kỳ; làm chết 18 người, tăng 08 người so với tháng cùng kỳ; bị thương 26 người, giảm 31 người so với tháng cùng kỳ. Tính riêng từ ngày 10/2/2020 đến 14/02/2021 (tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 3 Tết Tân Sửu) xảy ra 03 vụ tai nạn giao thông đường bộ (huyện Nga Sơn 01 vụ, huyện Nông Cống 02 vụ), làm chết 03 người, bị thương 01 người. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chủ yếu do các phương tiện vi phạm đi không đúng phần đường, không chú ý quan sát, chạy quá tốc độ quy định, chuyển hướng đột ngột trong khi điều khiển các phương tiện giao thông. Lũy kê 02 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 73 vụ tai nạn giao thông, làm chết 35 người, bị thương 51 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 16 vụ, tăng 8 người chết và giảm 31 người bị thương.

5.6. Cháy, nổ

Tháng 01 năm 2021, xảy ra 03 vụ cháy (TX. Bỉm Sơn 01vụ, TP. Thanh Hóa 02 vụ), không có người chết và bị thương, giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng 104 triệu đồng; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 06 vụ và giảm 41 triệu đồng về giá trị tài sản bị thiệt hại. Trong tháng, đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 167 lượt cơ sở, kiểm tra kiến nghị khắc phục an toàn PCCC 548 cơ sở, xử lý 12 trường hợp vi phạm PCCC, phạt tiền 150,3 triệu đồng./.

File download : Tinh hinh KT-XH thang 02-2021 (File)

Cục Thống kê Thanh Hóa