Tình hình kinh tế xã hội năm 2016 tỉnh Thanh Hóa

1. Tăng trưởng kinh tế : Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 9,05% so với cùng kỳ (năm 2015 tăng 8,39% so với cùng kỳ); trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,52%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 11,96%; các ngành dịch vụ tăng 8,83%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 9,16%. Trong 9,05% tăng trưởng của năm 2016, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 5,11 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 3,05 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,44 điểm phần trăm.

Tỷ trọng các ngành trong GRDP năm 2016: Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 16,6%, giảm 1,2%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 40,5%, tăng 1,2%; các ngành dịch vụ chiếm 38,5%, bằng năm 2015; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 4,4%, bằng năm 2015. GRDP bình quân đầu người năm 2016 theo giá hiện hành ước đạt 34,2 triệu đồng, theo USD đạt 1.544 USD.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1 Nông nghiệp

a- Trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 435 nghìn ha, đạt 99,1% kế hoạch, giảm 2,0% so với cùng kỳ; trong đó vụ đông 49,1 nghìn ha, đạt 96,3% và giảm 1,9%; vụ chiêm xuân 216,2 nghìn ha, đạt 99,6% và giảm 1,7%; vụ thu mùa 169,7 nghìn ha, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 2,3% so với cùng kỳ. 
Năng suất một số cây trồng chính cả năm như sau: Lúa 58,8 tạ/ha, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 2,4% so với cùng kỳ (tăng 1,4 tạ/ha), trong đó, vụ chiêm xuân 64,4 tạ/ha, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 2,2% so với cùng kỳ, vụ thu mùa 53,5 tạ/ha, vượt 0,9% kế hoạch, tăng 2,6% so với cùng kỳ; ngô 44,0 tạ/ha, bằng 98,2%, tăng 1,9%; lạc 20,9 tạ/ha, vượt 10,3%, tăng 13,3%; đậu tương 15,5 tạ/ha, bằng 98,9%, tăng 0,6%; mía 590,6 tạ/ha, bằng 93,8% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ… Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm dự kiến 1.726,2 nghìn tấn, vượt 3,1% so kế hoạch và tăng 0,3% so cùng kỳ.

b- Chăn nuôi

Theo kết quả sơ bộ điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2016, tổng đàn trâu 201,7 nghìn con, tăng 3,2% so với cùng kỳ; đàn bò 239,0 nghìn con, tăng 6,7%; đàn lợn 945,3 nghìn con, tăng 7,1%; gia cầm 18,5 triệu con, tăng 4,1%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 220 nghìn tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó thịt lợn hơi xuất chuồng 139,6 nghìn tấn, tăng 2,8%.

2.2 Lâm nghiệp

Dự ước, giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 1.534,3 tỷ đồng, vượt 15,3% kế hoạch, tăng 13,6% so cùng kỳ. Diện tích khoanh nuôi tái sinh 7,6 nghìn ha, chăm sóc rừng trồng 44,2 nghìn ha, bảo vệ rừng 588,2 nghìn ha và trồng cây phân tán 2,2 triệu cây; nhìn chung, các chỉ tiêu lâm sinh cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch và tăng so với năm 2015 (riêng trồng cây phân tán bằng 95,5% so với cùng kỳ). Khai thác lâm sản: Gỗ 499,8 nghìn m3, tăng 25,4% so cùng kỳ; củi 1.142 nghìn ste, giảm 8,6%; tre luồng 47 triệu cây, tăng 4,5%; nứa nguyên liệu 71 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

2.3 Thủy sản

Dự ước giá trị sản xuất thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 4.685,7 tỷ đồng, đạt 94,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng 151,3 nghìn tấn, vượt 0,7% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 100,2 nghìn tấn, vượt 0,1% và tăng 6,5%; riêng khai thác xa bờ 44,9 nghìn tấn, tăng 9,8%; sản lượng nuôi trồng 51,1 nghìn tấn, vượt 2,0% kế hoạch và tăng 3,7% so cùng kỳ.  
Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; từ đầu năm đến nay, đã có 28 tàu đóng mới được hạ thủy (gồm 10 tàu vỏ thép, 18 tàu vỏ gỗ). Tính đến 31/10/2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký 46 hợp đồng tín dụng trên tổng số 80 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt để đóng mới, nâng cấp; tổng số tiền cam kết cho vay theo hợp đồng tín dụng là 560 tỷ đồng và đã giải ngân 374,1 tỷ đồng.

3. Công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2016 ước đạt 63.589,7 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước 8.894,7 tỷ đồng, tăng 9,8%; khu vực ngoài Nhà nước 27.044,1 tỷ đồng, tăng 3,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 27.650,9 tỷ đồng, tăng 16,6%.
Sản phẩm chủ yếu tăng khá so cùng kỳ có: Đường kết tinh 169,1 nghìn tấn, tăng 15,6; bia các loại 68 triệu lít, tăng 4,4%; thuỷ sản đông lạnh 33,3 nghìn tấn, tăng 5,2%; sữa tươi đóng hộp 12,5 triệu lít, tăng 3,7%; tinh bột sắn 49 nghìn tấn, tăng 11,3%; thuốc lá bao 131,7 triệu bao, tăng 13,4%; quần áo may sẵn 143,2 triệu cái, tăng 44,5%; giầy thể thao xuất khẩu 65,5 triệu đôi, tăng 17,5%; phân bón các loại 242,8 nghìn tấn, tăng 12,3%; xi măng các loại 8,8 triệu tấn, tăng 11,1%; clinker tiêu thụ 3,5 triệu tấn, gấp 2,6 lần; gạch xây 1.203,7 triệu viên, tăng 3,9%; gạch lát nền Vicenza 6,9 triệu m2, tăng 19,4%; đá ốp lát xây dựng 16,8 triệu m2, tăng 2,5%; đá khai thác 15,9 triệu m3, tăng 10,5%; đá phụ gia xi măng 684,7 nghìn tấn, tăng 13,2%; bao bì các loại 101,6 triệu bao, tăng 6,6%; điện sản xuất 4 tỷ kwh, tăng 26,4%; nước máy sản xuất 36,4 triệu m3, tăng 15,8%; ô tô tải 4,4 nghìn chiếc, tăng 34,3%... Sản phẩm giảm so cùng kỳ: Muối biển 8,3 nghìn tấn, giảm 8,3%; gạo ngô xay xát 1 triệu tấn, giảm 1,3%; vôi cục 81 nghìn tấn, giảm 25,6%; tinh bột men thực phẩm 622 tấn, giảm 35,8%.

4. Đầu tư

Dự ước năm 2016, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 113.870,6 tỷ đồng, đạt 91,1% kế hoạch, tăng 0,8% so với cùng kỳ, trong đó các đơn vị địa phương quản lý 12.043,3 tỷ đồng, tăng 16,8%; các đơn vị trung ương quản lý 15.233 tỷ đồng, tăng 27,6%; vốn ngoài Nhà nước 37.846,4 tỷ đồng, tăng 17,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 48.747,9 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ. Nhìn chung, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ngoài Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ; riêng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm so với cùng kỳ là do dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thực hiện việc đầu tư xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị tập trung chủ yếu trong các năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016; cuối năm 2016 dự án cơ bản đã hoàn thành việc đầu tư, chuẩn bị chạy thử để vận hành thương mại trong quý III năm 2017.  
Các dự án lớn khởi công trong năm 2016 gồm: Dự án Bệnh viện hữu nghị tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào) do tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư (vốn do Chính phủ Việt Nam tài trợ); dự án Trung tâm thương mại Vincom; dự án Trụ sở làm việc của Thành ủy - HĐND - UBND và các đoàn thể thành phố Thanh Hóa, thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT); khu đô thị Sao Mai, Triệu Sơn; dây truyền 2 Nhà máy xi măng Long Sơn.
Các dự án lớn hoàn thành trong năm gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1); Dự án xây dựng Khu hàng không dân dụng - Cảng hàng không Thọ Xuân; Nhà máy sản xuất dung dịch thẩm phân máu; dự án cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương; không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 1); đường Trần Nhân Tông, thị xã Sầm Sơn.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (dự án FDI) đăng ký mới, với số vốn đăng ký là 148 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 66 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.528 triệu USD, trong đó có 26 dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp với số vốn đầu tư đăng ký trên 10.165 triệu USD; 40 dự án đầu tư ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp với số vốn đăng ký 363 triệu USD.

5. Thương mại, dịch vụ và vận tải

5.1 Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ

Dự ước năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 71.484 tỷ đồng, tăng 16,0% so với cùng kỳ (chưa loại trừ yếu tố giá). Trong đó, kinh tế Nhà nước 2.091 tỷ đồng, giảm 12,8%; kinh tế tập thể 51 tỷ đồng, tăng 20,7%; kinh tế cá thể 41.144 tỷ đồng, tăng 18,8%; kinh tế tư nhân 27.868 tỷ đồng, tăng 14,9%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 330 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 15,3%; khách sạn nhà hàng tăng 20,2%; du lịch lữ hành tăng 20,5%; dịch vụ tăng 19,2% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống buôn bán hàng lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Từ 27/10 đến 02/11/2016, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành đã kiểm tra 67 vụ, xử lý 59 vụ, trong đó 3 vụ vi phạm về giá, 6 vụ buôn lậu hàng cấm, 2 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính thu được 1.170 triệu đồng.

5.2 Xuất, nhập khẩu

Năm 2016, toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu, thêm mới 7 doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu; xuất khẩu đến 43 thị trường, tăng 1 thị trường; xuất khẩu 48 mặt hàng, tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu ước đạt 1.737 triệu USD, vượt 7,2% kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch 1.554 triệu USD, tăng 12,6% với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu tiểu ngạch 38,2 triệu USD, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng khá so với cùng kỳ có: Tinh bột sắn 38,1 nghìn tấn, tăng 25,9%; thịt súc sản 980 tấn, tăng 33,9%; bột cá 41,9 nghìn tấn, gấp 3,5 lần; thuốc lá bao12,5 triệu bao, tăng 1,6%; hàng may mặc 131,7 triệu sản phẩm, tăng 21,4%; giầy dép các loại 56,7 triệu đôi, tăng 2,4%... Hàng hóa xuất khẩu của tỉnh chủ yếu xuất sang một số thị trường lớn như: Mỹ chiếm 20,8% giá trị hàng hóa xuất khẩu, thị trường Nhật Bản chiếm 17,6%, thị trường Trung Quốc chiếm 14,0%, thị trường Hàn Quốc chiếm 8,2%.
Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu năm 2016 ước đạt 1.054,4 triệu USD, bằng 40,8% so với cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 7,6 triệu USD; vải may mặc 302,1 triệu USD; phụ liệu hàng may mặc 129,8 triệu USD; phụ liệu giầy dép 270,8 triệu USD; ô tô các loại 39 triệu USD; máy móc thiết bị và phương tiện khác 247 triệu USD.

5.3 Vận tải, bốc xếp

Dự ước năm 2016, vận chuyển hàng hoá đạt 47,8 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.718,6 triệu tấn.km, tăng 7,5% về tấn, tăng 4,4% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 37,3 triệu người, luân chuyển hành khách 2.181,9 triệu người.km, tăng 20,2% về hành khách, tăng 22,0% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 6.354 nghìn tấn, tăng 10,8% so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 5.951 nghìn tấn, tăng 12,6%; cảng Lễ Môn 403 nghìn tấn, giảm 10,2% so cùng kỳ. 
Cảng hàng không Thọ Xuân có bước tăng trưởng và phát triển về lượng hành khách đi và đến, đáp ứng yêu cầu khai thác thực tế của tỉnh Thanh Hóa. Tính đến ngày 31/10/2016, Cảng đã đón được 690,5 nghìn lượt hành khách đi và đến, tăng 47,6% so với cùng kỳ.

5.4 Hoạt động khách sạn - du lịch lữ hành

Năm 2016, ước tính số lượt khách khách sạn phục vụ đạt 4.989 nghìn lượt khách, tăng 16,6% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 8.234 nghìn ngày khách, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 88,1 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 43.988 lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 138.435 ngày khách, tăng 18,6% so với cùng kỳ.

6. Giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2016 tăng 0,02% so với tháng trước, có Năm nhóm hàng hoá giá cả tăng là: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%; nhóm nhà ở điện, nước, chất đốt, VLXD tăng 0,64%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; nhóm giao thông tăng 1,9%; nhóm văn hóa, giả trí và du lịch tăng 0,07%. Năm nhóm hàng hóa giá cả giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% (lương thực tăng 0,02%; thực phẩm giảm 0,98%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,08%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,14%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,39%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Riêng nhóm giáo dục giá cả ổn định không tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2016 tăng 2,25% so với tháng 12 năm 2015 và tăng 2,23% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tháng 10/2016 giảm 1,77% so với tháng trước, tăng 12,85% so với cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ tăng 0,05% tháng trước, giảm 0,56% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân Mười tháng đầu năm 2016 tăng 2,01% so với bình quân cùng kỳ. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng bình quân Mười tháng đạt mức tăng giá thấp trong những năm qua (năm 2010 tăng 8,67%; năm 2011 tăng 20,24%; năm 2012 tăng 8,88%; năm 2013 tăng 10,62%; năm 2014 tăng 4,08%; năm 2015 tăng 0,46%). 

7. Tài chính - Ngân hàng

Năm 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 12.300 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán, bằng 97,7% so cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 11.100 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán, tăng 0,1% so cùng kỳ. Các khoản thu tăng so cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp Nhà nước trung ương tăng 8,4%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương tăng 16,9%; thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 7,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 61,6% so với cùng kỳ. Một số khoản thu giảm như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,9; thu từ tiền sử dụng đất giảm 27,7%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 19,8%. Chi ngân sách địa phương ước đạt 23.284 tỷ đồng, vượt 6,4% dự toán, giảm 3,8% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển giảm 2,9% so cùng kỳ; chi khác giảm 51,2% so cùng kỳ.
Ước tính đến 31/12/2016, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 61.750 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2015; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 73.150 tỷ đồng, tăng 19,0% so với năm 2015.

8. Các vấn đề xã hội

8.1. Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình năm 2016 ước đạt 3.528 nghìn người, tăng 13,8 nghìn người so với năm 2015, tốc độ tăng dân số 0,39%. Năm 2016, sắp xếp được khoảng 64 nghìn lao động có việc làm mới, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ (trong đó xuất khẩu lao động 10.000 người, đạt 100% kế hoạch, tăng 0,76% so với cùng kỳ).

8.2. Đời sống dân cư, bảo đảm an sinh xã hội

Tính chung 11 tháng 2016 tỷ lệ hộ thiếu đói 0,01%, giảm 0,02% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 (theo chuẩn mới nghèo đa chiều) ước còn 11,00%, đạt mục tiêu đề ra và giảm 2,51% so với năm 2015.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 6 đợt thiên tai làm chết 8 người, mất tích 3 người và bị thương 3 người; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 670 tỷ đồng. Công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân, hộ gia đình, đơn vị gặp thiên tai được các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể quan tâm kịp thời. 

8.3. Giáo dục, đào tạo; Y tế

Năm học 2015 - 2016 cơ bản ổn định, chất lượng giáo dục, đào tạo được quan tâm; đạt nhiều thành tích trong công tác dạy và học. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2015 - 2016, học sinh Thanh Hóa đoạt 58 giải; gồm 6 giải Nhất, 18 giải Nhì, 17 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Kỳ thi học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay Quốc gia khu vực đồng bằng duyên hải, đoàn Thanh Hóa xếp giải nhất đồng đội, 23 học sinh đạt giải cá nhân (2 giải Xuất sắc, 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba và 9 giải Khuyến khích). Tham dự kỳ thi Toán quốc tế (ITOT) mùa xuân lần thứ 37 năm 2016, thầy và trò trường THPT chuyên Lam Sơn đã đạt được kết quả đáng khích lệ với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 6 giải Ba. Tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 năm 2016 cấp Quốc gia, Thanh Hóa đạt 1 giải Khuyến khích và 2 giải cây bút có nhiều triển vọng. Tham gia các kỳ thi Olimpic quốc tế năm 2016, tỉnh Thanh Hóa có 3 học sinh dự thi, kết quả cả 3 học sinh đều đạt huy chương, gồm 1 huy chương Vàng môn Hóa học; 1 Huy chương Bạc môn Toán và 1 Huy chương Đồng môn Sinh học. Tham dự cuộc thi Olimpic Tiếng Anh cấp quốc gia, đoàn Thanh Hóa đạt 6 giải, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích.
Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 33.310 học sinh trúng tuyển, đạt tỷ lệ 98,9% (tăng 11,8% so cùng kỳ). Tỷ lệ tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016, Thanh Hóa đạt 96,89% (tăng 5,05% so cùng kỳ).
Dự kiến đến hết năm 2016 có 27/27 huyện, thị xã, thành phố; 635/635 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 1.171 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 5,5% so với cùng kỳ; chiếm 55,3% tổng số trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Đến nay, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, Đại học Hồng Đức xét tuyển nguyện vọng 1 được 710 thí sinh, đạt 35% so với chỉ tiêu, tăng 29,2% so với năm trước; Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét tuyển được 268 thí sinh, tăng 210 thí sinh so với năm trước; Cao đẳng Y Thanh Hoá xét tuyển được 647 thí sinh, tăng 99 thí sinh so với năm trước.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tính từ đầu năm đến 06/11/2016 toàn tỉnh ghi nhận 700 người mắc chân tay miệng, 16 người mắc sởi, 117 người mắc sốt huyết. 
Dự kiến năm 2016, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chuẩn mới giai đoạn 2011 - 2020) đạt 60,0%, vượt 5,0% kế hoạch và tăng 15,0% so với cùng kỳ. 

8.4. Văn hoá thông tin, thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin tập trung tăng thời lượng phát sóng đưa tin; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, trọng tâm là tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021; học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phối hợp với các đơn vị và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, lễ hội vui tươi, lành mạnh. Thông qua các hoạt động này đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, lòng tự hào và truyền thống cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.
Chín tháng đầu năm 2016, có 54 làng, bản, tổ dân phố; 132 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 43 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 3 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị.
Chín tháng đầu năm 2016 đã tổ chức 11 giải cấp tỉnh, 124 giải cấp huyện, 378 giải cấp xã, tạo không khí vui tươi phấn khởi và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên chiếm 35,8% dân số, tăng 2% so cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến 05/11/2016, thể thao thành tích cao Thanh Hoá tham gia thi đấu 105 giải quốc gia, quốc tế; đạt 662 huy chương các loại, gồm: 226 huy chương Vàng, 193 huy chương Bạc, 243 huy chương Đồng. Câu lạc bộ Bóng đá FLC Thanh Hoá tham gia giải vô địch quốc gia Toyota V-league 2016, kết thúc mùa giải xếp thứ 6/14 đội tham dự. 

8.5 Môi trường, cháy nổ 

Môi trường: Mười tháng đầu năm 2016 xử phạt 109 vụ vi phạm môi trường, giảm 8 vụ so với cùng kỳ, tổng số tiền phạt 3,1 tỷ đồng.
Cháy nổ: Mười tháng đầu năm 2016, xảy ra 121 vụ cháy, giảm 13 vụ so với cùng kỳ; thiệt hại 4,7 tỷ đồng.

8.6 An toàn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 10/2016 xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông, tăng 18,0% so với cùng kỳ; làm chết 14 người, tăng 55,5% so với cùng kỳ; bị thương 43 người, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Tính chung Mười tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 478 vụ tai nạn giao thông, làm 151 người chết và 415 người bị thương (tăng 0,4% về số vụ, tăng 2,0% về số người chết, tăng 2,4% về số người bị thương so với cùng kỳ).
Tháng 10/2016, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động đã kiểm tra, xử lý 6.982 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 473 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 294 trường hợp, số tiền phạt vi phạm nộp ngân sách 7.249 triệu đồng. Lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt 51 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 233 triệu đồng./.

 

Cục Thống kê Thanh Hóa