Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Thanh Hóa tháng sáu và 6 tháng đầu năm 2017

Sáu tháng đầu năm 2017, với sự lãnh đạo tập trung của Tỉnh uỷ; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm, nên tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển.

I. TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 7,32% so với cùng kỳ; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,38%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 10,88%; các ngành dịch vụ tăng 6,59%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 4,39%. Trong 7,32% tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2017, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,70 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 3,79 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 2,65 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp đóng góp 0,18 điểm phần trăm.

Số liệu trên cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 10,88%, đã đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung; trong đó, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 10,66% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,00%); ngành xây dựng tăng 11,33% so với cùng kỳ năm trước. 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%; trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,97%; lâm nghiệp tăng 4,26%; thủy sản tăng 5,42% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ tăng 6,59%; một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,87%; vận tải, kho bãi tăng 8,74%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,56%; bán buôn, bán lẻ tăng 4,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,00% so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 20,47%, giảm 2,18%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 35,94%, tăng 2,16%; khu vực dịch vụ chiếm 39,50%, tăng 0,13%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,09%, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1 Nông nghiệp

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 11.992,9 tỷ đồng, đạt 60,1% kế hoạch, tăng 2,97% so với sáu tháng đầu năm 2016. Trong đó, trồng trọt tăng 4,34%, chăn nuôi tăng 0,24%, dịch vụ nông nghiệp và các hoạt động khác liên quan giảm 0,91% so với cùng kỳ năm trước.

a- Trồng trọt

Vụ đông xuân 2016 - 2017 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và ít sâu bệnh. Riêng đối với cây lúa, từ đầu vụ gieo trồng đến nay thời tiết thuận lợi, giai đoạn lúa mới cấy nền nhiệt độ ấm hơn nhiều năm nên nhanh bén rễ và sinh trưởng tốt; giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông có nhiều đợt mưa rào trên diện rộng nên phát triển tốt; bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều giống mới năng suất cao vào gieo trồng, kết hợp với việc chăm sóc của bà con nông dân nên phát triển khá đồng đều; đặc biệt ít xảy ra sâu bệnh trên diện rộng. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 262,6 nghìn ha, đạt 98,3% kế hoạch, giảm 1,0% so cùng kỳ; trong đó vụ chiêm xuân 212,2 nghìn ha, đạt 97,8% kế hoạch, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Diện tích lúa 122,2 nghìn ha, vượt 5,4% kế hoạch, giảm 1,0% so cùng kỳ; ngô 35,4 nghìn ha, đạt 94,3% và giảm 4,8% (ngô xuân 15,6 nghìn ha, đạt 88,9% và giảm 8,6%); lạc 10,3 nghìn ha, đạt 95,3% và giảm 4,8% (lạc chiêm xuân 8.808 ha, đạt 97,9% và giảm 5,7%); đậu tương 2,0 nghìn ha, đạt 70,5% và giảm 30,1%; rau các loại 30,1 nghìn ha, tăng 15,0%...

Về năng suất, sản lượng cây trồng: Do áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống lúa lai có năng suất cao được đưa vào sản xuất đại trà ở các địa phương; đặc biệt là việc đầu tư cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất ở một số địa phương trong tỉnh đã tạo hiệu quả rõ rệt đối với năng suất, sản lượng cây trồng. Năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông xuân năm 2017 ước đạt như sau: Năng suất lúa 65,0 tạ/ha, vượt 3,2% kế hoạch, tăng 0,9% so cùng kỳ (riêng lúa lai đạt 66,1 tạ/ha, tăng 0,6%); ngô 46,0 tạ/ha, vượt 1,3% và tăng 2,0% (ngô xuân 45,1 tạ/ha, vượt 3,7% và tăng 2,8%); lạc 21,3 tạ/ha, vượt 6,0% và tăng 0,8%; đậu tương 15,8 tạ/ha, đạt 98,8% và tăng 1,8% so cùng kỳ năm trước… Sản lượng lương thực có hạt 957,1 nghìn tấn, vượt 6,2% kế hoạch vụ đông xuân, giảm 0,6% so cùng kỳ; trong đó vụ chiêm xuân 864,6 nghìn tấn, vượt 7,2% kế hoạch và giảm 0,6% so cùng kỳ.

b- Chăn nuôi

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên; 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, giá bán thịt lợn hơi xuống thấp kỷ lục so với nhiều năm gần đây và khó khăn trong khâu tiêu thụ đã gây thất thiệt cho các đối tượng nuôi, đặc biệt là các chủ trang trại và gia trại chăn nuôi lợn. Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2017, tổng đàn trâu 193,2 nghìn con, tăng 0,4% so với cùng kỳ, giảm 4,2% so với 01/10/2016; đàn bò 242,8 nghìn con, tăng 7,2% so với cùng kỳ, tăng 1,6% so với 01/10/2016; đàn lợn 825,6 nghìn con, tăng 0,9% so với cùng kỳ, giảm 12,7% so với 01/10/2016; gia cầm 16,3 triệu con, tăng 1,3% so với cùng kỳ, giảm 12,0% so với 01/10/2016. Trong tổng số 825,6 nghìn con lợn tại thời điểm 01/4/2017, đàn lợn chăn nuôi ở hộ gia đình 526,5 nghìn con, giảm 6,8% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở gia trại 139,5 nghìn con, tăng 29,6% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở trang trại 144,7 nghìn con, tăng 9,3% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở doanh nghiệp, hợp tác xã 14,9 nghìn con, tăng 13,2% so với cùng kỳ. 

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 104,6 nghìn tấn, đạt 46,5% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ (riêng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 66,4 nghìn tấn, đạt 43,4% kế hoạch, tăng 0,4%); sản lượng gia cầm giết bán thịt 19,2 nghìn tấn, tăng 1,1% so với cùng kỳ. 

Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được quan tâm thường xuyên. Kết quả tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2017 như sau: vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 2.350.700 liều, đạt 82,1% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 338.000 liều, đạt 90,9% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 249.575 liều, đạt 85,4% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 247.056 liều, đạt 84,6% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 347.000 liều, đạt 68,3% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 295.000 liều đạt 58,0% diện tiêm.

2.2 Lâm nghiệp

Sáu tháng đầu năm, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng rừng vụ xuân năm 2017; bên cạnh đó là sự cố gắng của các hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng khá so cùng kỳ. Dự ước, 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất lâm nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 785,6 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch, tăng 4,26% so cùng kỳ. Diện tích trồng rừng tập trung 3.625 ha, đạt 36,3% kế hoạch, giảm 18,2% so với cùng kỳ; trồng phân tán 1,27 triệu cây, vượt 27,3%, tăng 1,8%; diện tích rừng được chăm sóc 42,6 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch, giảm 3,7%... Khai thác lâm sản: Gỗ 265,8 nghìn m3, đạt 50,2% kế hoạch, tăng 19,0% so với cùng kỳ; tre luồng 25,7 triệu cây, đạt 52,5%, tăng 2,8%; nguyên liệu giấy 36,9 nghìn tấn, đạt 51,3% và tăng 6,6% so với cùng kỳ… Toàn tỉnh đã sản xuất được 17,2 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 9,6 triệu cây đã được kiểm tra cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, đủ tiêu chuẩn xuất vườn.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Sáu tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

2.3 Thủy sản

Những tháng đầu năm 2017, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản; mặt khác, ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới, thay mới và cải hoán nhiều tàu thuyền có công suất lớn, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ; nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thuỷ sản (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2.431,1 tỷ đồng, đạt 48,8% kế hoạch, tăng 5,42% so với cùng kỳ; sản lượng thủy sản đạt 78,1 nghìn tấn, đạt 52,0% kế hoạch, tăng 5,0% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng 24,7 nghìn tấn, đạt 49,4% kế hoạch, tăng 0,8%; sản lượng khai thác 53,4 nghìn tấn, đạt 53,3% kế hoạch, tăng 7,0%, riêng khai thác xa bờ 26,1 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ. 

Theo kết quả điều tra thuỷ sản thời điểm 01/5/2017, toàn tỉnh có 7.001 tàu thuyền có động cơ khai thác hải sản biển, với tổng công suất 488,9 nghìn CV; so với cùng kỳ giảm 3,7% về số tàu, tăng 19,2% về công suất; trong đó, tàu xa bờ (từ 90 CV trở lên) có 1.531 tàu, với tổng công suất 354,9 nghìn CV; so với cùng kỳ tăng 14,4% về số tàu, tăng 31,9% về công suất. Tàu dịch vụ hậu cần có 129 tàu, với tổng công suất 55,3 nghìn CV; so với cùng kỳ giảm 25,9% về số tàu, giảm 6,0% về công suất. 

3. Sản xuất công nghiệp

Sáu tháng đầu năm 2017, sản xuất công nghiệp tương đối ổn định; năng lực sản xuất của ngành công nghiệp do có thêm một số doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất kinh doanh cuối năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, nên sản xuất công nghiệp tăng so với sáu tháng đầu năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 35.033,3 tỷ đồng, đạt 44,8% kế hoạch, tăng 10,25% so với cùng kỳ. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng Sáu ước tính tăng 5,61% so với tháng trước và tăng 19,23% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,12 và tăng 14,45%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,70% và tăng 19,81%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,88% và tăng 8,40%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,07% và tăng 30,09%. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,61% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 12,01%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,01%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,91%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 29,05% so cùng kỳ.

Trong toàn ngành công nghiệp, các ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ gồm: Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 42,06%; khai khoáng khác tăng 24,46%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,90%; sản xuất trang phục tăng 22,59%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 19,83%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 11,11%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 10,95%; sản xuất đồ uống tăng 0,05%. Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 22,72%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 20,59%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 16,95%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 15,72%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,55%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 1,02%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2017 tăng 6,68% so với cùng kỳ; trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng tương đối cao là: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 37,77%; sản xuất trang phục tăng 15,09%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,50%... Một số ngành có chỉ số tiêu thụ năm tháng đầu năm giảm là: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 29,00%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế) giảm 25,96%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 23,76%; sản xuất xe có động cơ giảm 19,67%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 18,07%... 

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/6/2017 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tương đối cao, tăng 43,71% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung là: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác gấp 3,28 lần; sản xuất trang phục tăng 46,09%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,90%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,74%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm là: Sản xuất đồ uống giảm 31,38%; sản xuất xe có động cơ giảm 15,60%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 4,95%.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2017 giảm 2,36% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,76%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,90%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,67%. Tại thời điểm trên, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 18,75% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,37%; sản xuất và phân phối điện giảm 0,04%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 5,86%.

Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 cơ bản ổn định, giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ngoài một số sản phẩm chủ lực có khối lượng sản xuất và tiêu thụ tăng, nhiều sản phẩm còn lại sản xuất, tiêu thụ giảm; bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm không có thêm sản phẩm mới; một số dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất tiến độ thực hiện chậm.  

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực, 6 tháng đầu năm 2017 thành lập mới 1.196 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 7.386 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 68% về số doanh nghiệp và tăng 41,3% về vốn đăng ký.

5. Hoạt động dịch vụ

5.1 Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ

Sáu tháng đầu năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 40.414,7 tỷ đồng, đạt 49,3% kế hoạch, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước giảm 21,8%; kinh tế tập thể tăng 6,6%; kinh tế cá thể tăng 16,1%; kinh tế tư nhân tăng 18,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 20,6% so với cùng kỳ. Trong các ngành kinh doanh, thương nghiệp tăng 15,1%; khách sạn nhà hàng tăng 19,5%; du lịch lữ hành tăng 23,6%; dịch vụ tăng 18,1% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2017 tăng 12,4% so với cùng kỳ (năm 2016 tăng 13,3%).

5.2 Hoạt động khách sạn - du lịch lữ hành

Sáu tháng đầu năm 2017, số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 2.976 nghìn lượt khách, tăng 14,8% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 4.919 nghìn ngày khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 53,8 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 26.264 lượt khách, tăng 19,9% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 81.349 ngày khách, tăng 22,0% so với cùng kỳ.

5.3 Vận tải hành khách và hàng hóa

Sáu tháng đầu năm 2017, vận chuyển hàng hoá ước đạt 25,3 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 1.383,6 triệu tấn.km, tăng 8,7% về tấn, tăng 3,6% về tấn.km so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 20,5 triệu người, luân chuyển hành khách 1.226,4 triệu người.km, tăng 11,5% về hành khách, tăng 14,4% về hành khách.km so với cùng kỳ. Bốc xếp qua cảng đạt 5.626,2 nghìn tấn, gấp 2 lần so với cùng kỳ; cảng Nghi Sơn 5.468,9 nghìn tấn, gấp 2,1 lần; cảng Lễ Môn 157,3 nghìn tấn, giảm 12,8% so cùng kỳ.

5.4 Bưu chính viễn thông

Sáu tháng đầu năm 2017, phát triển mới 193,3 nghìn thuê bao điện thoại, nâng tổng số thuê bao lên 2,83 triệu thuê bao, tăng 1,4% so với cùng kỳ; thuê bao internet đạt 950 nghìn thuê bao, tăng 24,3% so với cùng kỳ; doanh thu bưu chính viễn thông ước đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

II. ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, KIỂM SOÁT LẠM PHÁT

1. Xây dựng, đầu tư phát triển

1.1 Hoạt động xây dựng

Hoạt động xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm. Các doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh việc thi công những công trình chuyển tiếp, đồng thời triển khai thực hiện các hợp đồng mới. Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 21.605,2 tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 1.682,3 tỷ đồng, chiếm 7,8%; khu vực ngoài Nhà nước 19.922,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,2%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 9.203,3 tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 3.597,9 tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 7.713,4 tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 1.090,6 tỷ đồng.

Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm 2017 theo giá so sánh 2010 ước đạt 16.022,8 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 1.247,6 tỷ đồng, tăng 12,0%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 14.775,2 tỷ đồng, tăng 11,2%. Trong tổng giá trị sản xuất, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 6.825,4 tỷ đồng; công trình nhà không để ở đạt 2.668,3 tỷ đồng; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 5.720,4 tỷ đồng; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 808,7 tỷ đồng.

1.2 Đầu tư phát triển

Kế hoạch đầu tư công năm 2017 được UBND tỉnh giao kế hoạch chi tiết sớm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư và các đơn vị thi công khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm; bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp như: Dự án đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; Dự án đường ven biển (đoạn nối đường 513 với đường ven biển thuộc địa phận tỉnh Nghệ An), Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa một số huyện; Dự án nâng cấp Quốc lộ 47 đoạn từ km 0 - km 31+260; Dự án Đại lộ Nam Sông Mã; Dự án nạo vét Sông Lạch Trường…

Mặt khác, 6 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng khá so với cùng kỳ. Vì vậy, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 đối với nguồn vốn Nhà nước thuộc Trung ương và địa phương quản lý và vốn của khu vực ngoài Nhà nước tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2017 giảm mạnh so với cùng kỳ, do Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn cơ bản đã hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng, chuẩn bị chạy thử. Dự ước 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 46.379,5 tỷ đồng, đạt 43,8% kế hoạch, giảm 23,8% so với cùng kỳ; trong đó, các đơn vị địa phương quản lý 6.011,7 tỷ đồng, tăng 11,2%; các đơn vị Trung ương quản lý 7.345 tỷ đồng, tăng 10,3%; vốn ngoài Nhà nước 19.204,1 tỷ đồng, tăng 12,7%; vốn đầu tư nước ngoài 13.818,7 tỷ đồng, giảm 56,5% so với cùng kỳ. 

Dự án lớn khởi công trong 6 tháng đầu năm có: Dự án đường giao thông ven biển nối thị xã Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng từ nguồn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, dự kiến thời gian thi công trong 4 năm; Dự án nhà máy sản xuất đèn LED tại Khu công nghiệp Tây Bắc ga, tổng mức đầu tư 5 triệu USD.

Dự án lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm có: Hoàn thành và đi vào vận hành nhà máy thủy điện Trung Sơn và Bá Thước 1 (tổng công suất 225MW). Khai trương Trung tâm thể dục thể thao công nghệ cao Thanh Hóa Sun Sport Complex tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Tổ hợp công trình thể dục - thể thao - giải trí có tổng vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 4,2 ha với các khu vực riêng biệt phục vụ nhiều loại hình thể dục, thể thao như: tennis, bóng đá, bơi lội, gym… Trọng tâm của dự án là khu bể bơi 4 mùa với 2 hồ bơi, trong đó hồ lớn gồm 10 làn bơi tiêu chuẩn quốc tế, được trang bị hệ thống chấm điểm bảng thành tích tiêu chuẩn Olimpic nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, trung tâm này còn sở hữu phòng tập gym rộng 250 m2 với hệ thống máy móc Matrix tiêu chuẩn 5 sao; khu tennis ngoài trời gồm 7 sân thi đấu tiêu chuẩn với hệ thống chiếu sáng Metal Halide nhập khẩu từ Hoa Kỳ; khu sân bóng mi ni với bề mặt cỏ nhân tạo nhập khẩu từ Ý… Sun Sport Complex còn có khu vực Pain Massage rộng 600 m2, gồm nhiều phòng tập thể và cá nhân đều đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Tối ngày 18/5/2017, tại Trung tâm hội nghị FLC Sầm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017. Hội nghị  diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tại Hội nghị này có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến thời điểm 20/6/2017 thu hút 8 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 3.054,5 triệu USD, gấp 2 lần về số dự án và gấp 32,9 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 81 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 13.980,9 triệu USD. 

2. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 5.524,5 tỷ đồng, bằng 40,9% dự toán năm (năm 2016 bằng 45,6%), giảm 6,8% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 4.924,5 tỷ đồng, giảm 10,6% so cùng kỳ. Trong thu nội địa, một số khoản thu giảm mạnh so cùng kỳ: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước trung ương giảm 13,6%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương giảm 15,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 66,6%; thuế thu nhập cá nhân giảm 0,9%; lệ phí trước bạ giảm 20,7%. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 600 tỷ đồng, mới bằng 14,3% dự toán năm, tăng 43,1% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 11.850,1 tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán năm, tăng 0,4% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.341 tỷ đồng, bằng 68,0% dự toán năm, giảm 5,4 so với cùng kỳ; chi thường xuyên 8.960 tỷ đồng, bằng 47,7%, tăng 1,8% so cùng kỳ.

3. Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện định hướng, giải pháp hoạt động của các ngân hàng theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến 30/6/2017 ước đạt 66.500 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2016. Tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đến 30/6/2017 ước đạt 83.500 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2016. Cơ cấu cho vay ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,3% tổng dư nợ; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 28,2% tổng dư nợ; ngành dịch vụ chiếm 41,5% tổng dư nợ.

4. Giá tiêu dùng

4.1 Chỉ số giá tiêu dùng

Chịu tác động do giá thịt lợn hơi ở mức thấp, nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2017 tiếp tục giảm 0,97% so với tháng trước (tháng 4 giảm 0,40%). Bốn nhóm hàng hóa giá cả giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,51% (lương thực ổn định không tăng, thực phẩm giảm 3,89%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,51%; nhóm giao thông giảm 0,28%; nhóm văn hóa, giả trí và du lịch giảm 0,06%. Ba nhóm hàng hóa giá cả tăng là: nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,19%; nhóm hàng hóa khác tăng 0,70%. Bốn nhóm hàng hóa giả cả ổn định không tăng là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2017 tăng 0,61% so với tháng 12/2016; bình quân 5 tháng đầu năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,22% so với bình quân cùng kỳ.

4.2 Chỉ số vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 5/2017 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 4,03% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước, tăng 1,91% so với cùng kỳ.
 

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lao động, việc làm

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, số người được giải quyết việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 30,8 nghìn người, đạt 47% kế hoạch năm, tăng 0,5% so với cùng kỳ; trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 4.560 người, đạt 45,6% kế hoạch năm, giảm 1,1% so với cùng kỳ. 

2. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Sáu tháng đầu năm 2017, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, trợ giúp đối với các xã đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách, người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số cơ sở hạ tầng, kỹ thuật mới đưa vào sử dụng, khai thác; nên đời sống dân cư cơ bản ổn định, toàn tỉnh chỉ phát sinh 585 hộ thiếu đói tương ứng với 2.204 khẩu thiếu đói, tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,01%, giảm 0,01% so cùng kỳ.  

Thực hiện chủ trương không để nhân dân thiếu đói, UBND tỉnh đã hỗ trợ gạo cho nhân dân gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng số 650.250 kg gạo cho 15.406 hộ với 43.350 khẩu thuộc 9 huyện, gồm: Bỉm Sơn, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, Thạch Thành, Bá Thước, Thiệu Hóa, Như Thanh, Mường Lát và Hội Người mù, nhà xã hội Minh Lộc; hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo ở các thôn, bản vùng giáp biên giới trong thời gian chưa tự túc được lương thực thuộc Chương trình 30a với tổng số gạo là 1.116.750 kg, hỗ trợ trong 5 tháng cho 2.989 hộ với 14.890 khẩu (cấp 1 tháng trước Tết Nguyên Đán với số gạo là 223.350 kg).

3. Giáo dục, đào tạo

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016 - 2017 ổn định, chất lượng đào tạo được quan tâm. Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh có 1.231 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 7,7% (tăng 88 trường) so với cùng kỳ. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa THPT năm học 2016 - 2017, học sinh Thanh Hóa đạt 51 giải (Trường THPT chuyên Lam Sơn đạt 50 giải, Trường THPT Bỉm Sơn đạt 1 giải); gồm 2 giải Nhất, 12 giải Nhì, 19 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. Năm 2017, Thanh Hóa có 3 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, gồm: 1 em dự thi môn Toán, 1 em dự thi môn Sinh học và 1 em dự thi môn Vật lý, cả 3 em đều là học sinh Trường THPT Chuyên Lam Sơn; đến nay, 1 học sinh dự thi Olympic Châu Á - Thái Bình Dương môn Vật lý tại Cộng hòa Liên bang Nga đạt giải Khuyến khích, được tặng Bằng khen. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa THCS, THPT, BTTHPT, toàn tỉnh có 6.109 học sinh dự thi, kết quả: Khối THCS đạt 935 giải (40 giải Nhất, 138 giải Nhì, 307 giải Ba, 450 giải Khuyến khích); khối THPT đạt 1.872 giải (77 giải Nhất, 301 giải Nhì, 603 giải Ba, 891 giải Khuyến khích); khối BTTHPT đạt 103 giải (1 giải Nhất, 8 giải Nhì, 30 giải Ba, 64 giải Khuyến khích). Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc năm học 2016 - 2017, đoàn học sinh Thanh Hóa tham gia 10 dự án, kết quả đạt 2 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Khuyến khích, 3 giải Đặc biệt. Cuộc thi tích hợp, liên môn cấp tỉnh dành cho giáo viên và học sinh trung học, toàn tỉnh có 2.867 đề tài (1.385 đề tài của học sinh và 1.482 đề tài của giáo viên), kết quả: có 1.680 đề tài dự thi đạt giải, trong đó có 790 đề tài của học sinh (gồm 15 giải Nhất, 102 giải Nhì, 238 giải Ba, 435 giải Khuyến khích), 890 đề tài của giáo viên (gồm 25 giải Nhất, 129 giải Nhì, 300 giải Ba và 436 giải Khuyến khích). Tham gia cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017 cấp Quốc gia, Thanh Hóa đạt 1 giải Khuyến khích và 3 giải cây bút có nhiều triển vọng.  

Công tác xã hội hoá giáo dục; khuyến học, khuyến tài tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu, tối ngày 01/02/2017, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đã tổ chức chương trình “Tết khuyến học xứ Thanh”, trao học bổng Doãn Tới, học bổng Nâng cánh ước mơ cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi và ra mắt Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; gồm 26 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng và 15 phần thưởng từ Quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu cho các em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi; trao 20 suất học bổng Doãn Tới cho 20 em học sinh, sinh viên, mỗi suất 2 triệu đồng; trao biển tượng trưng cho Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố, trường học trong tỉnh để các địa phương trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi với tổng số tiền 2,7 tỷ đồng; trao 20 suất học bổng Nâng cánh ước mơ cho 20 học sinh, sinh viên, mỗi suất 5 triệu đồng; tặng hoa chúc mừng 2 nhà giáo được phong tặng chức danh Phó Giáo sư trong năm 2016.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn năm học 2017 - 2018 diễn ra trong 2 ngày 02, 03/6/2017, có 1.571 hồ sơ đăng ký dự thi; kỳ thi được tổ chức tại 3 hội đồng thi là Trường THPT chuyên Lam Sơn, THPT Hàm Rồng và THPT Đào Duy Từ; kết quả, đã có 385 học sinh trúng tuyển vào 11 lớp chuyên.

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, Thanh Hóa là cụm thi số 27, có một hội đồng thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Giám đốc sở làm Chủ tịch hội đồng thi. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo có tổng số 33.522 thí sinh; trong đó: 16.858 em nữ, 5.152 thí sinh là người dân tộc thiểu số và 3.009 thí sinh tự do; cụm thi có 69 điểm thi đặt tại các trường THPT trên địa 27 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 1.464 phòng thi. Ban chỉ đạo thi đã chỉ đạo các địa phương và các điểm thi liên hệ chỗ ăn, nghỉ cho cán bộ, giáo viên ở xa về làm nhiệm vụ. Học sinh có chỗ ăn, nghỉ; không để em nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không tham dự kỳ thi.

4. Y tế

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; công tác y tế dự phòng được tăng cường, vật tư, hoá chất được cung cấp đầy đủ cho các đơn vị để chủ động phòng, chống, khoanh vùng và có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời nên dịch bệnh được kiểm soát; do vậy, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh một số bệnh thông thường: Tính đến ngày 04/6/2017 toàn tỉnh ghi nhận 144 ca mắc tay chân miệng, 5.550 người mắc bệnh tiêu chảy, 126 trường hợp viêm gan B, 79 ca nghi mắc sốt xuất huyết Dengue, 10 ca mắc liên cầu lợn, 13 ca viêm não do vi rút; ghi nhận 1 trường hợp tử vong do nhiễm liên cầu lợn, 5 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nắng nóng kéo dài, các bệnh mùa hè có nguy cơ gia tăng, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng tránh, phát hiện triệu chứng nhiễm bệnh cho nhân dân; sẵn sàng điều trị, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.
Tính đến cuối tháng 5/2017, chiến dịch tiêm vắc xin Sởi-Rubella được triển khai cho 28.194 đối tượng từ 16-17 tuổi theo đúng yêu cầu của chương trình, đạt 39,1% kế hoạch, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. 

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm và kiểm soát chặt chẽ, ngành Y tế đã tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch số 55/KH-BCĐ ngày 05/4/2017 của Ban Chỉ đạo quản lý về VSATTP tỉnh Thanh Hóa về triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức kiểm tra, giám sát 13.757 cơ sở kinh doanh thực phẩm, phát hiện 2.931 cơ sở vi phạm, đã cảnh cáo 361 cơ sở, phạt tiền 429 cơ sở với tổng số tiền phạt 1.100,52 triệu đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 134 bệnh nhân nhiễm HIV mới, 12 trường hợp tử vong mới, nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trong toàn tỉnh lên 7.622 người, trong đó 4.998 người còn sống được quản lý. Số bệnh nhân đang điều trị ARV hiện tại là 3.368 người; số người điều trị bằng Methanode là 2.765 người.

Công tác khám chữa bệnh đảm bảo được yêu cầu, tình hình bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định. Năm tháng đầu năm 2017, tổng số lượt người đến khám đạt 1.385.082 người, số điều trị nội trú là 345.218 người, công suất sử dụng giường bệnh bình quân 5 tháng đầu năm 2017 đạt 167,3%.

5. Văn hóa thông tin 

Sáu tháng đầu năm 2017, ngành Văn hoá - Thông tin tích cực chuẩn bị các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017, thông qua các hoạt động này, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu 2017; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, 110 năm Lễ hội du lịch Sầm Sơn, Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017... Đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết TW4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn các tiết mục tiêu biểu như: Chương trình nghệ thuật Chào Năm mới 2017 với chủ đề: "Tình đất quê hương"; các hoạt động đón giao thừa Xuân Đinh Dậu năm 2017; ngày hội Văn công chuyên nghiệp Xứ Thanh Xuân Đinh Dậu - 2017; chương trình nghệ thuật sân khấu hóa phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; chương trình nghệ thuật “Sầm Sơn bốn mùa biển hát” phục vụ Lễ hội 110 năm du lịch Sầm Sơn...

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tính từ đầu năm đến 31/ 5/2017, toàn tỉnh có 33 làng, bản, tổ dân phố đăng ký xây dựng văn hóa; 111 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 11 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

6. Thể dục thể thao

Phong trào thể dục thể thao trong nhân dân và các tổ chức được duy trì; các đơn vị đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động thể thao Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu năm 2017. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương phát động ‘‘Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân’’ và khai mạc giải chạy tập thể, việt dã TP Thanh Hóa lần thứ X - Cúp Bia Thanh Hoa tại TP Thanh Hóa, tổ chức giải việt dã Báo Thanh Hóa cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng lần thứ XXI tại TP Sầm Sơn với sự tham gia của 200 VĐV, HLV thuộc 27 đoàn đại diện cho 26 huyện, thị xã, thành phố và trường Đại học Hồng Đức tham gia; giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè Sầm Sơn năm 2017 - Cúp Bia Thanh Hoa tại TP Sầm Sơn; giải Futsal Cúp Delta tại TP Sầm Sơn... Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm. Tính đến ngày 12/6/2017, các VĐV, HLV Thanh Hóa tham gia thi đấu 45 giải quốc gia, quốc tế, giành được 312 huy chương (110 HCV, 89 HCB, 113 HCĐ). Đội bóng đá U11 Thanh Hóa, U13 FLC Thanh Hóa tham dự vòng loại giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng khu vực miền Trung tổ chức tại TP Thanh Hóa; kết quả cả 2 đội đều xếp ở vị trí thứ 2, giành vé tham dự vòng chung kết giải toàn quốc. Đội bóng đá FLC Thanh Hóa tham gia giải vô địch quốc gia Toyota V-league 2017, sau 13 vòng đấu được 26 điểm, vô địch lượt đi.

7. An toàn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông, phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 5 tháng đầu năm 2017 trên địa bản tỉnh xảy ra 254 vụ tai nạn giao thông, giảm 13,6% so với cùng kỳ, làm chết 70 người, giảm 20,4% so với cùng kỳ; bị thương 218 người, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra trong tháng 5/2017 đã phát hiện, xử phạt 6.015 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 945 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 631 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước là 7.394 triệu đồng.

Lực lượng Thanh tra giao thông trong tháng 5/2017 đã lập biên bản vi phạm hành chính 71 trường hợp, xử phạt 31 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 176 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 7 trường hợp.

8. Thiệt hại do thiên tai

Sáu tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 2 đợt thiên tai, làm 3 người bị thương, gây thiệt hại về sản xuất và tài sản của nhân dân 81,84 tỷ đồng: đợt 1 vào ngày 18/3/2017 do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu kết hợp với hoạt động của rãnh thấp và vùng áp thấp phía tây, trên địa bàn các huyện Thạch Thành, Như Thanh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Ngọc Lặc, Hà Trung và Yên Định đã xảy ra lốc và mưa, một số nơi xảy ra mưa đá; đợt 2 vào ngày 27/4/2017 trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã xảy ra mưa to kèm theo gió mạnh. Ngay sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng dân quân cùng với bà con nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; lãnh đạo các địa phương bị thiệt hại đã trực tiếp xuống cơ sở động viên thăm hỏi, trao quà hỗ trợ và chỉ đạo chính quyền xã, thôn, bản khẩn trương giúp đỡ người dân khắc phục nhà cửa bị hư hại để ổn định cuộc sống. Đợt thiên tai ngày 18/3, UBND các huyện xảy ra thiên tai đã hỗ trợ tổng số 1.435,2 triệu đồng.

9. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ 

Môi trường: Tháng 5, phát hiện và xử lý 4 vụ vi phạm môi trường, phạt tiền vi phạm 154 triệu đồng; tính chung 5 tháng đầu năm 2017 phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm môi trường, giảm 45 vụ so với cùng kỳ, phạt tiền vi phạm 1.046 triệu đồng. 

Cháy nổ: Tháng 5 đã xảy ra 2 vụ cháy, thiệt hại 970 triệu đồng; tính chung 5 tháng đầu năm 2016 xảy ra 51 vụ cháy nổ, giảm 3 vụ so với cùng kỳ, thiệt hại về tài sản 4.800 triệu đồng.

Khái quát lại: Sáu tháng đầu năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; đặc biệt là sự kiện quan trọng của tỉnh ”Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017”; nên kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải... tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; giá thịt lợn hơi xuống thấp và khó khăn trong tiêu thụ, gây thất thiệt cho các đối tượng nuôi; một số dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất tiến độ thực hiện chậm, trật tự an toàn giao thông tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, trong 6 tháng cuối năm, các ngành, các cấp và các địa phương cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ thu mùa theo khung thời vụ với cơ cấu giống hợp lý; tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tập trung thực hiện các giải pháp điều tiết cung cầu, tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi; tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng đợt 2. Đẩy mạnh trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đẩy mạnh sản xuất thủy sản, tăng cường khai thác thủy sản xa bờ. Tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất lớn của tập đoàn FLC, TH True milk, Vinamilk.

Hai là, thường xuyên theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đề ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đôn đốc, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp dự kiến hoàn thành trong năm và các dự án công nghiệp trọng điểm đang triển khai thực hiện.

Ba là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nội địa và xuất khẩu; thực hiện cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chủ trương ”Người Thanh Hóa dùng hàng Thanh Hóa”; Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với tổ chức các hội chợ thương mại. Cụ thể hóa đối với các ngành sản xuất, dịch vụ của tỉnh nhằm khai thác tối đa lợi thế, đảm bảo kim ngạch xuất khẩu. Tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống. Quản lý tốt hoạt động du lịch, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, văn hóa giao tiếp; xử lý nghiêm các trường hợp chèo kéo, ép giá du khách; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ vận tải; tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế tại Cảng hàng không Thọ Xuân.

Bốn là, các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, tín dụng của Trung ương trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác huy động vốn; nghiên cứu cắt giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay; đồng thời đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và điều kiện cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Năm là, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công.

Sáu là, đẩy mạnh các biện pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán năm; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.
Bảy là, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm bền vững và các chính sách an sinh xã hội./.

File đính kèm : Số liệu Báo cáo KT-XH tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017

Cục Thống kê Thanh Hóa