Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2019
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Sản xuất vụ chiêm xuân
Vụ chiêm xuân năm 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Riêng đối với cây lúa, thời tiết và sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; từ đầu vụ gieo trồng đến nay số ngày nắng ít, trời âm u, độ ẩm cao; phát sinh các loại sâu bệnh (đạo ôn cổ bông, rầy, sâu cuốn lá…) gây hại, nhưng khác với quy luật nhiều năm. Từ những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến sản xuất, dự báo năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay đạt 66,0 tạ/ha, bằng 98,9% (giảm 0,7 tạ/ha) so với vụ chiêm xuân năm 2018.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tính đến ngày 15/5/2019, toàn tỉnh đã thu hoạch được 46,2 nghìn ha lúa vụ chiêm xuân, đạt 38,9% diện tích gieo cấy; 3,5 nghìn ha ngô, đạt 22,7% diện tích gieo trồng; 2,1 nghìn ha lạc, đạt 26,6% diện tích gieo trồng; 357 ha khoai tây, đạt 39,5% diện tích gieo trồng; 1.155 ha khoai lang, đạt 65,3% diện tích gieo trồng; 90 ha ớt và 5,9 nghìn ha rau đậu các loại.
b. Chăn nuôi
Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2019, đàn lợn toàn tỉnh có 725,7 nghìn con, tăng 1,2% so với 01/4/2018, giảm 13,4% so với 01/01/2019; gia cầm 17,4 triệu con, tăng 3,1% so với 01/4/2018, giảm 11,4% so với 01/01/2019. Trong tổng số 725,7 nghìn con lợn tại thời điểm 01/4/2019, đàn lợn chăn nuôi ở hộ gia đình 705,7 nghìn con, chiếm 97,2% tổng đàn, tăng 0,8% so với cùng kỳ; đàn lợn chăn nuôi ở doanh nghiệp, hợp tác xã 20 nghìn con, chiếm 2,8% tổng đàn, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung, tuy chăn nuôi lợn đang nhiều khó khăn do dịch bệnh phát sinh, giá cả, thị trường không ổn định; nhưng đàn lợn vẫn được duy trì và có bước phát triển.
Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1/2019 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả đến ngày 15/5/2019, vắc xin cúm gia cầm H5N1 được 2.531.750 con, đạt 56,1% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo 316.910 con, đạt 88,8% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 243.187 con, đạt 82,7% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 200.061 con, đạt 68,0% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn tiêm được 296.065 con, đạt 59,6% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn tiêm được 348.595 con, đạt 70,1% diện tiêm.
Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh: Từ ngày 23/02/2019 đến 16h ngày 15/5/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 385 hộ thuộc 156 thôn, 77 xã của 16 huyện, thành phố; buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 6.537 con, trọng lượng 420 tấn. Đến ngày 15/5/2019, có 18 xã thuộc 06 huyện, thành phố đã công bố hết dịch; 135 thôn, 59 xã của 16 huyện đang còn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày.
1.2. Lâm nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2019, toàn tỉnh đã trồng được 3.920 ha rừng trồng tập trung, đạt 39,2% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm thường xuân và tăng cường; không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.
1.3. Thuỷ sản
Tháng Năm, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so tháng trước và tháng cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 15.019 tấn, tăng 1,3% so tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 4.637 tấn, tăng 1,2% so tháng trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác 10.382 tấn, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng thuỷ sản ước đạt 74 nghìn tấn, tăng 7,0% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 23,8 nghìn tấn, tăng 8,1%, sản lượng khai thác 50,2 nghìn tấn, tăng 6,4%, riêng khai thác xa bờ 24,5 nghìn tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng 5, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, thuốc lá, quần áo may sẵn, giày dép các loại, điện sản xuất tăng khá so với cùng kỳ. Tính đến ngày 20/4/2019, cả 3 nhà máy chế biến đường đã kết thúc niên vụ sản xuất 2018 - 2019.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 5/2019 tăng 4,73% so với tháng trước, tăng 56,47% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 4,22% so với tháng trước, giảm 5,27% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,17% so với tháng trước, tăng 61,93% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,66% so với tháng trước, tăng 11,06% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 6,15% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 44,78% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 2,35%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 50,09%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,98%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,11%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2019 dự kiến giảm 2,50% so với tháng trước, giảm 2,06% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,92% so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2019 dự kiến tăng 1,68% so với tháng trước; tăng 23,28% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2019 dự kiến tăng 2,09% so với tháng trước; tăng 16,39% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,10% so với tháng trước; tăng 1,33% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,22% so với tháng trước; tăng 11,57% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,63% so với tháng trước; tăng 20,06% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,02%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,41%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,62%.
3. Đầu tư
Tháng Năm, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 5/2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 647,1 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 25,6% so cùng kỳ năm 2018; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 302 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 183,1 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 162 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.900,6 tỷ đồng, bằng 37,2% kế hoạch năm và tăng 19,5% so cùng kỳ năm 2018; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.303,6 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 845,1 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 751,9 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ.
Các dự án lớn khởi công đầu tư xây dựng trong tháng 5/2019 gồm: Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Dự án Dây chuyền 3 Nhà máy Xi măng Long Sơn của Công ty TNHH Long Sơn, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng. Dự án Đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư 499 tỷ đồng.
Các dự án lớn hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong tháng 5/2019 gồm: Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực (khu vực Nghi Sơn - Tĩnh Gia), tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Khai trương tuyến dịch vụ vận tải container quốc tế và đón chuyến tàu container quốc tế đầu tiên đến Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.
4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa
Tháng Năm, thời tiết nắng nóng, các mặt hàng phục vụ nhu cầu mùa hè của nhân dân tăng cao tuy nhiên hàng hóa đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định. Dự ước doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 5/2019 đạt 7.514 tỷ đồng, tăng 15,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.265 tỷ đồng, tăng 10,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.115 tỷ đồng, tăng 25,4%; ô tô các loại 253 tỷ đồng, tăng 24,8%; xăng, dầu các loại 1.266 tỷ đồng, tăng 19,1%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 793 tỷ đồng, tăng 19,9%... Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 37.608 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Tháng Năm, giá bán lẻ xăng, dầu điều chỉnh tăng, giảm 2 đợt (tăng giá vào ngày 02/5, giảm giá vào ngày 17/5); giá gas, điện, dịch vụ vận tải taxi tăng; đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá lúa gạo giảm do vào kỳ thu hoạch vụ chiêm xuân, giá thịt lợn tiếp tục giảm do tác động của dịch tả lợn Châu Phi; giá một số dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2019 tăng 0,15% so với tháng trước. Sáu nhóm hàng hóa và dịch vụ giá cả tăng so với tháng trước, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,56%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,11%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,23%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm giao thông tăng 2,46%; nhóm giáo dục tăng 0,02%. Ba nhóm hàng hóa giá cả giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,62% (lương thực giảm 2,00%; thực phẩm giảm 0,53%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,19%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%. Hai nhóm hàng hóa giá cả ổn định không tăng, giảm gồm: nhóm bưu chính viễn thông và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2019 tăng 1,09% so với tháng12/2018 và tăng 2,48% so với tháng 5/2018. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 (5 tháng đầu năm 2017 tăng 3,22%; 5 tháng đầu năm 2018 tăng 3,32%), nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao so với cùng kỳ là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,44% (lương thực tăng 0,57%; thực phẩm tăng 6,76%); nhóm giáo dục tăng 2,98%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,73%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,28% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng tháng 5/2019 giảm 0,76% so với tháng trước, giảm 1,01% so với tháng 5/2018, bình quân 5 tháng 2019 giảm 0,42% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5/2019 tăng 0,49% so với tháng trước, tăng 2,44% so với tháng 5/2018, bình quân 5 tháng 2019 tăng 2,16% so với bình quân cùng kỳ.
4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Dự ước tháng 5/2019, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 497,3 tỷ đồng, tăng 4,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4,7 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 222,5 triệu tấn.km; tăng 4,2% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,3% về hàng hoá luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 330,4 tỷ đồng, tăng 22,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 4,3 triệu người, hành khách luân chuyển 254,5 triệu người.km; tăng 17,0% về hành khách vận chuyển, tăng 17,2% về hành khách luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 45,1 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 1.073 nghìn tấn, tăng 35,5% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.562 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 23,9 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 1.140,7 triệu tấn.km, tăng 4,6% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,6% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.613 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 20,8 triệu người, hành khách luân chuyển 1.238,7 triệu người.km, tăng 17,7% về hành khách vận chuyển, tăng 18,5% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 218 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 4.902 nghìn tấn, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến từ ngày 27/4 đến 25/5/2019, tại Cảng Hàng không Thọ Xuân các hãng hàng không khai thác thêm 2 đường bay mới là Thanh Hóa - Cần Thơ và Thanh Hóa - Đà Nẵng với tần suất 3-4 chuyến/tuần.
4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành
Đầu tháng 5/2019, Thanh Hóa tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa, nên lượng khách lưu trú tăng đáng kể. Tháng 5/2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 958,3 tỷ đồng, tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 194,5 tỷ đồng, tăng 10,1%; dịch vụ ăn uống ước đạt 763,8 tỷ đồng, tăng 19,4%. Khách sạn phục vụ 595,2 nghìn lượt khách, tăng 4,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ đạt 949,7 nghìn ngày khách, tăng 4,5% so với tháng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 4.611,4 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 904 tỷ đồng, tăng 9,9%; dịch vụ ăn uống ước đạt 3.707,4 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Du lịch lữ hành với lượt khách du lịch theo tour tháng 5/2019 ước đạt 5.124 lượt khách, tăng 1,3% so tháng trước, tăng 3,9% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 16.296 ngày khách, tăng 1,4% so tháng trước, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, lượt khách du lịch theo tour đạt 23.716 lượt khách, tăng 8,5% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 74.290 ngày khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
5. Một số tình hình xã hội
5.1. Thiếu đói trong nông dân
Tháng Năm nhìn chung đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; tính đến ngày 14/5, toàn tỉnh không phát sinh hộ đói. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh phát sinh 3219 lượt hộ thiếu đói tương ứng với 12.445 nhân khẩu thiếu đói; tỷ lệ hộ thiếu đói là 0,34%, tăng 0,14% so cùng kỳ năm 2018. Hiện nay, đang mùa giáp hạt, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có phương án cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu đói trong nông dân.
5.2. Y tế
Tháng Năm, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Duy trì công tác giám sát dịch tễ để phát hiện, phòng chống sớm, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt là các bệnh dịch mới phát sinh; tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 146 ca bệnh tay chân miệng, 198 ca sởi, 31 ca viêm gan Vi rut B, 55 ca sốt xuất huyết Dengue, 51 ca ho gà, 6 ca viêm não Virut, 1 ca uốn ván sơ sinh, 1 ca uốn ván khác, 1 ca mắc bệnh dại, 2 ca bại liệt.
Chiều ngày 23/4, tại Trường THPT Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Ban Chỉ đạo về Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục đích phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và ý thức, trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 08/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Thời gian thực hiện từ ngày 15/4/2019 đến ngày 15/5/2019, trên phạm vi toàn tỉnh.
5.3. Giáo dục
Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện hoàn thành chương trình dạy và học; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục học kỳ II và cả năm, năm học 2018 - 2019; tổ chức xét, công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2018 - 2019; tổ chức ôn tập, bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh lớp 12 và hướng dẫn học sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019; tổng hợp số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia năm 2019.
Các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thi khảo sát học sinh khối 12 THPT quốc gia 2019, toàn tỉnh có trên 33.000 thí sinh tham dự. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; kết quả bài thi đạt khá, giỏi chiếm 13,89%; trung bình chiếm 32,45%; yếu, kém chiếm 53,66%.
Tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 20, năm 2019 được tổ chức tại Australia; góp mặt trong 8 thí sinh dự thi, Thanh Hóa có em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn, kết quả đạt HCĐ.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24-27/6/2019. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, toàn tỉnh này có 35.090 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 1.365 thí sinh so với năm trước; trong đó, có 13.639 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT; 20.459 thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ và 992 thí sinh đăng ký dự thi để xét vào ĐH, CĐ (thí sinh tự do). Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 1.501 phòng thi với 70 điểm thi tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Cụm thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Thanh Hóa sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với 5 trường ĐH, CĐ, gồm: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Công Nghiệp Hà Nội, ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) và Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Chủ trì chấm thi trắc nghiệm là Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
5.4. Văn hoá - Thể dục thể thao
Ngành Văn hóa, Thông tin đã tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, sự kiện chính trị, ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh. Sáng ngày 05/5, tại Trung tâm Truyền hình - Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Nội vụ tổ chức Khai mạc triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Cuộc triển lãm được chuẩn bị công phu và có quy mô, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Triển lãm nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Đặc biệt, tối ngày 08/5/2019, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa); Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”; khép lại buổi lễ và chương trình nghệ thuật là màn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu chào mừng đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì. Hướng tới kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và nằm trong khuôn khổ các hoạt động khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019, ngày 21/4, UBND TP Sầm Sơn phối hợp với Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao Việt Nam đã tổ chức Giải đua xe đạp TP Sầm Sơn mở rộng năm 2019 Cúp Bia Hà Nội - Thanh Hóa với chủ đề “Hành trình cùng thành phố du lịch biển”. Sáng 10/5, tại Trung tâm TDTT TP Sầm Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Liên đoàn cầu mây Việt Nam, UBND TP Sầm Sơn tổ chức lễ khai mạc Giải vô địch cầu mây toàn quốc năm 2019. Tổ chức Giải Việt dã băng rừng Việt Nam tại Pù Luông từ ngày 24-25/5. Đăng cai, tổ chức giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo năm 2019, khu vực II tại TP Thanh Hóa từ ngày 16-25/5; giải Futsal Thanh Hóa - Cup Delta năm 2019… Thể thao thành tích cao được tăng cường luyện tập, chuẩn bị tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế theo kế hoạch. Tại Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2019 diễn ra ở Doha (Qatar), vận động viên Quách Thị Lan (Thanh Hóa) đã xuất sắc giành tấm HCV cự ly 400 m rào nữ. Tham gia giải vô địch Karatedo Đông Nam Á năm 2019 tổ chức tại Thái Lan, Thanh Hóa có 5 vận động viên trong thành phần của đội tuyển Việt Nam; kết quả 5 vận động viên Thanh Hóa đã giành được 4 HCB, 1 HCĐ. Tham dự giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc năm 2019 được tổ chức tại Tiền Giang, Thanh Hóa đã xuất sắc giành được 3 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn sau Hà Nội.
5.5. Tai nạn giao thông
Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 4/2019 (tính từ ngày 16/3 đến ngày 15/4), toàn tỉnh xảy ra 41 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 23 người, bị thương 32 người; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 51,9% về số vụ, gấp 2,9 lần về số người chết, tăng 60,0% về số người bị thương. Bốn tháng đầu năm 2019 trên địa bản tỉnh xảy ra 215 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 71 người, bị thương 203 người; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 15,0% về số vụ, tăng 51,1% về số người chết, tăng 29,3% về số người bị thương.
Tháng 4, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động, thanh tra giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện, xử phạt 4.597 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 536 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 231 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước 4.542,4 triệu đồng; lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính 83 trường hợp, phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước 894,9 triệu đồng.
5.6. Thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, chiều và đêm ngày 21/4 và các ngày từ 25-28/4 trên địa bàn 14 huyện, thành phố trong tỉnh (Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thành phố Thanh Hóa) đã xảy ra dông lốc kèm theo mưa, mưa đá ; làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại về sản xuất và nhà cửa của nhân dân. Thống kê sơ bộ ban đầu, đã có 3.319,42 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại (trong đó, lúa 1.232,56 ha; ngô, khoai lang, sắn và các loại cây rau màu 2.051,02 ha; cây ăn quả 11 ha); 1.221,4 ha rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại. Ngoài ra còn có 283 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30% đến hơn 70%…; ước tính ban đầu, giá trị thiệt hại khoảng 82,6 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các xã khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng; tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương; chỉ đạo các thôn, đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị hư hỏng, hướng dẫn nhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại; khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
5.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
- Môi trường: Tháng 4/2019, phát hiện và xử lý 7 vụ vi phạm về môi trường (Hoằng Hóa 3 vụ; TP Thanh Hóa, Bỉm Sơn, Cẩm Thủy và Hậu Lộc mỗi địa phương 1 vụ), xử phạt hành chính 137,3 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 52 vụ vi phạm môi trường, xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm 1.157 triệu đồng.
- Cháy, nổ: Tháng 4/2019, xảy 12 vụ cháy (TP Thanh Hóa 5 vụ; TP Sầm Sơn 2 vụ; Tĩnh Gia 2 vụ; TX Bỉm Sơn, Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi địa phương 1 vụ), thiệt hại 473 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ cháy, thiệt hại 7.272 triệu đồng.
File đính kèm : Tình hình KT-XH tháng 5/2019
Cục Thống kê Thanh Hóa