Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2019
Sáu tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chủ trương, chính sách; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án lớn trên địa bàn tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển.
Kết quả cụ thể các ngành, lĩnh vực như sau:
1. Tăng trưởng kinh tế
Căn cứ số liệu thu thập được từ chế độ báo cáo, kết quả các cuộc điều tra thống kê, báo cáo của các ngành chức năng có liên quan (Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước…) và phương pháp biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) theo quy định của Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê Thanh Hóa tính toán và biên soạn số liệu GRDP 6 tháng đầu năm 2019; cụ thể như sau:
GRDP 6 tháng đầu năm 2019 theo giá so sánh năm 2010 ước tính tăng 22,18% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,61%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 26,05% (riêng công nghiệp tăng 35,94%); các ngành dịch vụ tăng 6,99%; thuế sản phẩm gấp 2,39 lần. Trong 22,18% tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2019, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 12,02 điểm phần trăm (riêng công nghiệp đóng góp 10,64 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ đóng góp 2,21 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 7,68 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 12,69%, giảm 2,60%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,83%, tăng 2,47%; các ngành dịch vụ chiếm 28,46%, giảm 4,67%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,01%, tăng 4,80% so với cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
2.1. Nông nghiệp
a) Kết quả sản xuất vụ đông xuân
Sản xuất vụ đông 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời, có hiệu quả của tỉnh và các địa phương, nên đạt kết quả khá toàn diện; diện tích gieo trồng, năng suất thu hoạch của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn so với vụ đông năm trước. Vụ chiêm xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Riêng đối với cây lúa, thời tiết và sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; từ đầu vụ gieo trồng đến khi thu hoạch số ngày nắng ít, trời âm u, độ ẩm cao, nên năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay tuy đạt khá, nhưng thấp hơn vụ chiêm xuân năm 2018.
Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh vụ đông xuân năm 2019 đạt 255 nghìn ha, đạt 99,2% kế hoạch, giảm 0,4% so cùng kỳ; trong đó, vụ chiêm xuân 206,3 nghìn ha, đạt 98,7% kế hoạch, giảm 1,8% so với cùng kỳ. Diện tích lúa 118,3 nghìn ha, vượt 1,1% kế hoạch, giảm 1,1% so cùng kỳ; ngô 31,9 nghìn ha, đạt 98,3% và tăng 5,5% (ngô xuân 15,6 nghìn ha, vượt 4,0% và tăng 1,0%); lạc 8,8 nghìn ha, đạt 97,8% và giảm 5,6% (lạc chiêm xuân 7.419 ha, đạt 92,7% và giảm 7,6%); đậu tương 687 ha, đạt 52,8% và giảm 24,8%; rau, đậu các loại 32 nghìn ha, tăng 6,1%; ớt cay 3.672 ha, tăng 3,5%; cây thức ăn gia súc 6.754 ha, tăng 1,8%...
Năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông xuân năm 2019 ước đạt như sau: Năng suất lúa 65,3 tạ/ha, vượt 2,0% kế hoạch, giảm 2,1% so cùng kỳ (lúa lai đạt 66,6 tạ/ha, giảm 1,7%; lúa chất lượng cao đạt 63,3 tạ/ha; giảm 2,8%); ngô 47,0 tạ/ha, vượt 1,7% và tăng 2,8% (ngô xuân 46,2 tạ/ha, đạt 99,4% và giảm 0,5%); lạc 21,8 tạ/ha, vượt 3,6% và giảm 1,8%; đậu tương 15,1 tạ/ha, đạt 94,5% và tăng 0,2%; ớt cay 99,3 tạ/ha, tăng 4,8% so với vụ đông xuân năm 2018. Sản lượng lương thực có hạt 922,3 nghìn tấn, vượt 2,6% kế hoạch vụ đông xuân, giảm 1,2% so cùng kỳ; trong đó vụ chiêm xuân 844,3 nghìn tấn, vượt 3,1% kế hoạch và giảm 2,6% so cùng kỳ.
b) Chăn nuôi
Ước tính tại thời điểm 01/7/2019, toàn tỉnh có 185,8 nghìn con trâu; 250,4 nghìn con bò; 797 nghìn con lợn; 19,9 triệu con gia cầm. So với cùng thời điểm năm 2018, đàn trâu giảm 1,9%; đàn bò tăng 1,9%; đàn lợn giảm 1,8%; đàn gia cầm tăng 3,5%.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước tính 6 tháng đầu năm 2019: Thịt trâu hơi 6,3 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ (quý I tăng 0,7%, quý II giảm 0,4%); thịt bò hơi 8,4 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ (quý I tăng 1,1%, quý II tăng 3,1%); thịt lợn hơi 60,7 nghìn tấn, giảm 1,2% (quý I tăng 1,4%, quý II giảm 4,1%). Sản lượng gia cầm giết bán thịt 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 28,2 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm 65,2 triệu quả, tăng 3,4% so với cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi 9,0 nghìn tấn, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kết quả tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2019 tính đến ngày 13/6 như sau: vắc xin cúm gia cầm H5N1 được 3.046.250 con, đạt 67,5% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo 318.330 con, đạt 90,3% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 243.187 con, đạt 82,7% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 206.311 con, đạt 70,2% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn tiêm được 296.065 con, đạt 59,6% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn tiêm được 348.595 con, đạt 70,1% diện tiêm.
Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường; bên cạnh đó là tập quán chăn nuôi của người dân và chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn, một bộ phận người chăn nuôi nhận thức kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh; vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2019 tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh lở mồm, long móng trên đàn lợn. Nghiêm trọng hơn, từ ngày 23/02/2019 đến ngày 19/6/2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 4.405 hộ của 1.017 thôn, 312 xã của 26 huyện, thị xã, thành phố (chỉ còn huyện Vĩnh Lộc chưa xảy ra dịch); buộc phải tiêu hủy 40.452 con lợn, trọng lượng 2.808 tấn. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngày 11/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Ngày 8/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí mua vật tư, hóa chất và kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; huy động trên 79 nghìn lít hóa chất sát trùng; 415 tấn vôi bột; in và cấp 150 nghìn tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch. Lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến nhiều trang trại, gia trại kiểm tra công tác phòng chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các đoàn công tác, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành đến các hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện, lấy mẫu xử lý, tiêu hủy kịp thời cũng như áp dụng các biện pháp an toàn sinh học theo đúng quy trình kỹ thuật và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tính đến 16 giờ ngày 19/6/2019, trên địa bàn tỉnh còn 994 thôn, 296 xã của 25 huyện đang còn dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày.
1.2. Lâm nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2019, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây giống phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng rừng vụ xuân năm 2019; bên cạnh đó là sự cố gắng của các hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng khá so cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2019, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 4.532 ha, tăng 7,1% so với cùng kỳ (quý I tăng 35,3%, quý II tăng 2,5%); gồm: 4.382 ha rừng sản xuất, tăng 6,6% so với cùng kỳ và 150 ha rừng phòng hộ, tăng 25,0% so với cùng kỳ. Sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2019: Gỗ khai thác 336,5 nghìn m3, tăng 8,3% so với cùng kỳ (quý I tăng 7,2%, quý II tăng 9,9%); tre luồng 31,4 triệu cây, tăng 9,0% (quý I tăng 8,2%, quý II tăng 10,0%); nguyên liệu giấy 38 nghìn tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ (quý I tăng 5,3%, quý II tăng 5,9%).
Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Sáu tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.
1.3. Thuỷ sản
Sáu tháng đầu năm 2019, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 89,2 nghìn tấn, đạt 49,6% kế hoạch, tăng 6,9% so với cùng kỳ (quý I tăng 6,8%, quý II tăng 7,1%). Trong đó sản lượng nuôi trồng 28,7 nghìn tấn, đạt 50,0% kế hoạch, tăng 7,9% (quý I tăng 8,4%, quý II tăng 7,4%); sản lượng khai thác 60,5 nghìn tấn, đạt 49,4% kế hoạch, tăng 6,5% (quý I tăng 5,9%, quý II tăng 7,0%), riêng khai thác xa bờ đạt 29 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 3/2019, nhiều diện tích ngao giống, ngao thương phẩm tại huyện Hậu Lộc và huyện Nga Sơn bị chết, gây thiệt hại cho ngành thủy sản và người nuôi. Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy ngao giống chết tại huyện Nga Sơn là do sâu biển (hay còn gọi là rết biển) có tên khoa học là Chloeia.sp gây ra; ngao nuôi chết tại huyện Hậu Lộc do mật độ nuôi vượt quá mức cho phép và điều kiện môi trường biến động đột ngột. Sau khi có kết luận cụ thể về nguyên nhân ngao chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các huyện có diện tích nuôi ngao và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi theo quy trình kỹ thuật và triển khai các biện pháp khắc phục.
3. Sản xuất công nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; bên cạnh đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, thuốc lá, đường kết tinh, bia, giày dép các loại tăng khá so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 6/2019 tăng 3,90% so với tháng trước, tăng 18,29% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,52% so với tháng trước, tăng 5,79% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,35% so với tháng trước, tăng 19,69% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,89% so với tháng trước, tăng 2,67% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,89% so với tháng trước, tăng 8,66% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 38,58% so với cùng kỳ (quý I tăng 39,57%, quý II tăng 37,71%); trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 0,98% (quý I tăng 0,04%, quý II giảm 1,95%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 42,84% (quý I tăng 44,33%, quý II tăng 41,52%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,60% (quý I giảm 4,47%, quý II tăng 2,80%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,00% so cùng kỳ (quý I tăng 5,95%, quý II tăng 6,06%).
Trong toàn ngành công nghiệp, các ngành có chỉ số sản xuất tính chung 6 tháng đầu năm 2019 tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế gấp 5,98 lần; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất gấp 2,04 lần; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 50,16%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu tăng 19,16%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 14,55%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 9,85%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,14%; khai thác quặng kim loại tăng 7,94%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 4,55%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,70%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 1,51%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,46%;... Các ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 59,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 20,55%; công nghiệp dệt giảm 10,24%; sản xuất đồ uống giảm 7,15%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,72%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 4,03%; sản xuất trang phục giảm 1,63%;...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2019 dự kiến giảm 5,88% so với tháng trước, giảm 6,30% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,28% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2019 dự kiến tăng 4,39% so với tháng trước; tăng 30,12% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 6 năm 2019 tăng 2,08% so với tháng trước; tăng 13,60% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,03% so với tháng trước; giảm 0,75% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,25% so với tháng trước; tăng 4,71% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,60% so với tháng trước; tăng 19,13% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 12,41% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,74%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 4,19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,33% so với cùng kỳ năm trước.
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực, tính từ đầu năm đến ngày 19/6/2019, thành lập mới 1.218 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 10.463 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2018, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 7,9% về vốn đăng ký. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn quay trở lại hoạt động tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước (tăng 198 doanh nghiệp)
5. Đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Sáu tháng đầu năm 2019, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 45.694,5 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ (quý I tăng 14,4%, quý II tăng 9,1%); trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 5.777,2 tỷ đồng, tăng 15,6%; vốn trái phiếu Chính phủ 398,5 tỷ đồng, giảm 27,4%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 2.568,9 tỷ đồng, tăng 7,7%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 1.759 tỷ đồng, giảm 0,7%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 23.621,4 tỷ đồng, tăng 7,0%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9.414,3 tỷ đồng, tăng 32,0% so với cùng kỳ năm 2018.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3.572,9 tỷ đồng, bằng 45,8% kế hoạch năm và tăng 21,0% so với cùng kỳ (quý I tăng 15,2%, quý II tăng 26,3%), bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.617,4 tỷ đồng, bằng 48,9% kế hoạch năm và tăng 16,6% so với cùng kỳ (quý I tăng 7,8%, quý II tăng 24,4%); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.037,4 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch năm và tăng 23,9% so với cùng kỳ (quý I tăng 19,4%, quý II tăng 28,1%); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 918,1 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch năm và tăng 26,1% so với cùng kỳ (quý I tăng 24,2%, quý II tăng 27,9%).
Các dự án lớn khởi công đầu tư xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 gồm: Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng; Dự án Dây chuyền 3 Nhà máy Xi măng Long Sơn của Công ty TNHH Long Sơn, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; Dự án Đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư 499 tỷ đồng.
Các dự án lớn hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2019 gồm: Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực (khu vực Nghi Sơn - Tĩnh Gia), tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; khai trương tuyến dịch vụ vận tải container quốc tế và đón chuyến tàu container quốc tế đầu tiên đến Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.
6. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 13.696,6 tỷ đồng, bằng 51,4% dự toán năm (năm 2016 bằng 45,6%; năm 2017 bằng 40,9%; năm 2018 bằng 31,4%), tăng 88,2% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 8.290,8 tỷ đồng, tăng 57,1% so cùng kỳ. Trong thu nội địa, một số khoản thu tăng so cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gấp 5,5 lần; thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương tăng 38,6%; thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 13,7%; lệ phí trước bạ tăng 23,3%; thuế bảo vệ môi trường tăng 31,0%. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5.405,6 tỷ đồng, bằng 48,7% dự toán năm, gấp 2,7 lần cùng kỳ (chủ yếu thu từ nhập khẩu dầu thô). Một số khoản thu giảm so với cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương giảm 8,4%; thu tại xã giảm 48,9%.
Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 14.909,4 tỷ đồng, bằng 49,2% dự toán năm, tăng 11,1% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2018 tăng 13,6% so với cùng kỳ). Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.129 tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán năm, tăng 33,5 so với cùng kỳ; chi thường xuyên 10.464 tỷ đồng, bằng 50,2%, tăng 7,7% so cùng kỳ.
7. Tín dụng, ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) dự kiến đến 30/6/2019 đạt 91.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với tháng 12/2018, tăng 15,9% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) dự kiến đến 30/6/2019 đạt 109.150 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng 12/2018, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Cơ cấu dư nợ khối các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 66,1% tổng dư nợ; khối các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 19,2%; Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 8,4%; tổ chức tài chính vi mô chiếm 0,5%; Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm 5,8%.
8. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
8.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa
Tháng 6, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.659,2 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước, tăng 16,7% so với tháng cùng kỳ. Sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 45.287,4 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 16,2%); trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 17,0% (quý I tăng 23,2%, quý II tăng 10,6%); may mặc tăng 15,0% (quý I tăng 13,0%, quý II tăng 17,1%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16,1% (quý I tăng 5,8%, quý II tăng 27,5%); vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6% (quý I tăng 6,3%, quý II tăng 4,8%); phương tiện đi lại tăng 6,4% (quý I tăng 2,3%, quý II tăng 10,9%); xăng dầu tăng 14,5% (quý I tăng 10,5%, quý II tăng 18,3%)...
Sáu tháng đầu năm 2019, công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát thị trường luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Cục Quản lý thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phối hợp với các địa phương có diễn ra hoạt động du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện loa phát thanh công cộng, tổ chức ký cam kết đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh phục vụ du lịch hè biển năm 2019 về việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ nhất là dịp nghỉ lễ. Kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc tuân thủ quy định về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi không niêm yết giá, bán hàng, thu tiền các dịch vụ cao hơn giá niêm yết; đặc biệt là việc nâng giá, ép giá.
8.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống
Tháng 6/2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.079,5 tỷ đồng, tăng 12,6% so với tháng trước và tăng 17,2% so với tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 12,4% và 11,2%, doanh thu ăn uống tăng 12,7% và 18,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 12,3 tỷ đồng, tăng 9,7% và 18,0%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 400,2 tỷ đồng, tăng 1,1% và 10,2%.
Sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 5.691,1 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ (quý I tăng 15,5%, quý II tăng 17,2%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,2% (quý I tăng 10,0%, quý II tăng 10,3%), doanh thu ăn uống tăng 18,0% (quý I tăng 16,9%, quý II tăng 19,0%); doanh thu du lịch lữ hành 65,3 tỷ đồng, tăng 13,8% (quý I tăng 12,6%, quý II tăng 14,9%); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 2.348,7 tỷ đồng, tăng 9,8% (quý I tăng 9,6%, quý II tăng 9,9%).
8.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,60% so với tháng trước. Ba nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,36% (lương thực giảm 3,90%, thực phẩm giảm 1,20%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,60%, nhóm giao thông giảm 1,48%. Ba nhóm hàng hóa giá cả ổn định chỉ số giá không tăng là: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông. Bốn nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng là: nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; nhóm giáo dục tăng 0,92%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,01%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2019 tăng 0,49 so với tháng 12 năm 2018 và tăng 1,17% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,41% so với bình quân cùng kỳ (quý I tăng 2,58%, quý II tăng 2,22%), một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao so cùng kỳ là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,71% (thực phẩm tăng 5,61%, do tác động giá thịt lợn tăng 13,21%, thịt gà tăng 5,99%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,30% (tác động giá điện tăng 4,64%); nhóm giao thông giảm 1,3% (tác động giá xăng giảm 3,58%); giáo dục tăng 3,14% (do tác động giá học phí trung cấp, cao đẳng, đại học tăng từ 8 - 9%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn cùng kỳ năm 2015, 2016; nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2017, 2018 (6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,66%, 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,80%, 6 tháng đầu năm 2017 tăng 2,89%, 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,67%).
Chỉ số giá vàng tháng 6/2019 tăng 2,20% so với tháng trước, tăng 4,88% so với tháng 12/2018, tăng 2,20% so với tháng cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 0,01% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,29% tháng trước, tăng 0,31% so với tháng 12/2018, tăng 2,55% so với tháng cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,22% so với bình quân cùng kỳ.
8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa
Tháng 6, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 883,3 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước, tăng 11,9% so với tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách 332 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 23,2% so với tháng cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa 505,4 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 4,4% so với tháng cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển đạt 4.770 nghìn tấn, tăng 4,2% so với tháng trước, tăng 4,4% so với tháng cùng kỳ; hàng hóa luân chuyển 225,1 triệu tấn.km tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 1,5% so với tháng cùng kỳ; hành khách vận chuyển đạt 4,4 triệu người, tăng 17,1% so với tháng trước, tăng 17,1% so với tháng cùng kỳ; hành khách luân chuyển đạt 259,3 triệu người.km, tăng 17,8% so với tháng trước, tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ
Sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 5.272,8 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ (quý I tăng 11,6%, quý II tăng 11,8%); trong đó, doanh thu vận tải hành khách 1.937,7 tỷ đồng, tăng 25,3% (quý I tăng 28,7%, quý II tăng 22,2%); doanh thu vận tải hàng hóa 3.071,5 tỷ đồng, tăng 3,7% (quý I tăng 2,7%, quý II tăng 4,7%). Vận chuyển hàng hoá đạt 28,6 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 1.365,4 triệu tấn.km, tăng 4,5% về hàng hóa vận chuyển (quý I tăng 5,2%, quý II tăng 3,9%), tăng 1,6% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 1,8%, quý II tăng 1,3%); vận chuyển hành khách 25,2 triệu người, luân chuyển hành khách 1.499,3 triệu người.km, tăng 17,6% về hành khách vận chuyển (quý I tăng 19,0%, quý II tăng 16,4%), tăng 18,4% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 20,2%, quý II tăng 16,7%).
9. Một số tình hình xã hội
9.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội
Sáu tháng đầu năm 2019, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, trợ giúp đối với các xã đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách, người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; một số cơ sở hạ tầng, kỹ thuật mới đưa vào sử dụng, khai thác; nên đời sống dân cư cơ bản ổn định. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn phát sinh 3.219 hộ tương ứng với 12.445 nhân khẩu thiếu đói, tỷ lệ hộ thiếu đói bình quân 6 tháng đầu năm 2019 là 0,34%, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ; đã chi trả đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước cho gần 77 nghìn người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 135 tỷ đồng/tháng; trợ cấp thường xuyên cho trên 203,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, kinh phí thực hiện là gần 84 tỷ đồng/tháng; thực hiện tốt công tác chúc thọ và tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho 50.959 người cao tuổi với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng; thăm hỏi, tặng quà cho 100.617 người có công với tổng số tiền gần 35,7 tỷ đồng (trong đó, quà của Chủ tịch nước trị giá gần 20,6 tỷ đồng; quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên 15,1 tỷ đồng); hỗ trợ 1.100 tấn gạo cho gần 18.100 hộ dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; cấp phát thẻ BHYT và khám, chữa bệnh miễn phí cho 100% trẻ em dưới 6 tuổi theo đúng quy định.
9.2. Lao động, việc làm
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 47.250 lao động, đạt 69,5% kế hoạch năm, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó: đi làm việc ở nước ngoài 4.775 người, đạt 47,8% kế hoạch năm, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Công tác đào tạo nghề được chú trọng; sáu tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 30.097 người, đạt 37,2% kế hoạch, tăng 0,2% so với cùng kỳ; trong đó, đào tạo cao đẳng cho 1.298 người; trung cấp 2.455 người; sơ cấp và dưới 3 tháng cho 13.355 người.
9.3. Y tế
Sáu tháng đầu năm nay, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; công tác y tế dự phòng được tăng cường, vật tư, hoá chất được cung cấp đầy đủ cho các đơn vị để chủ động phòng, chống, khoanh vùng và có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời; vì vậy, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh một số bệnh thông thường; tính đến ngày 10/6/2019 toàn tỉnh ghi nhận 172 ca mắc bệnh tay chân miệng, 262 ca sởi, 39 ca viêm gan Virut B, 67 ca sốt xuất huyết Dengue, 72 ca ho gà, 15 ca viêm não Virut, 01 ca uốn ván sơ sinh, 02 ca uốn ván khác, 04 ca nghi bại liệt, 01 ca mắc bệnh dại.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đặc biệt quan tâm, chiều ngày 23/4, tại Trường THPT Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Ban Chỉ đạo về Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục đích phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019” nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và ý thức, trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 08/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Thời gian thực hiện từ ngày 15/4/2019 đến ngày 15/5/2019, trên phạm vi toàn tỉnh. Sáu tháng đầu năm 1019, các ngành chức năng đã kiểm tra 327 cở sở thực phẩm, phát hiện và xử lý 21 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, phạt tiền 94 triệu đồng.
9.4. Giáo dục
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 - 2019, chất lượng đào tạo cơ bản ổn định. Tính đến tháng 5/2019, toàn tỉnh có 1.400 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 3,5% (tăng 47 trường) so với cùng kỳ. Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2019, đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 của Thanh Hóa có 64/84 học sinh đạt giải, gồm 7 giải nhất, 17 giải Nhì,16 giải Ba và 24 giải Khuyến khích. Trong đợt thi tuyển chọn học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic khu vực Châu Á và Quốc tế năm 2019 diễn ra từ ngày 29 đến 31/3, Thanh Hóa có 10 học sinh tham gia. Kết quả có 4 học sinh lọt vào Đội tuyển Quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực Châu Á và Quốc tế năm 2019. Cả 4 em đều là học sinh của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Với thành tích trên, Trường THPT chuyên Lam Sơn là một trong những trường dẫn đầu về số lượng học sinh lọt vào đội tuyển so với các tỉnh trong cả nước.
Tham dự kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 20, năm 2019 được tổ chức tại Australia; góp mặt trong 8 thí sinh dự thi, Thanh Hóa có em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn, kết quả đạt HCĐ.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 diễn ra trong 2 ngày 5-6/6/2019. Mỗi thí sinh dự thi 3 môn, gồm: Toán, Ngữ Văn (tính điểm hệ số 2), tiếng Anh (tính điểm hệ số 1). Tất cả các môn thi đều thi theo hình thức tự luận. Đề thi các môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh chung cho cả thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn và thi vào lớp 10 THPT. Riêng thí sinh thi Trường THPT Chuyên Lam Sơn, thí sinh phải thi thêm 1 môn chuyên theo đề thi riêng. Trong tổng số 37.205 thí sinh đăng ký dự thi, có 905 hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT Chuyên Lam Sơn. Kỳ thi được tổ chức tại 86 Hội đồng thi, với 1.500 phòng thi. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 của các trường công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 33.286 thí sinh. Theo báo cáo nhanh của Sở giáo dục và Đào tạo, tất cả các hội đồng thi, công tác coi thi, bảo vệ thi, thanh tra giám sát và công tác hậu cần đều được tổ chức tốt, không có sự cố bất thường xảy ra; trong 2 ngày thi có 117 thí sinh vắng mặt; không có thí sinh, giám thị coi thi vi phạm quy chế. Đến nay công tác chấm thi đã hoàn thành, các trường THPT đang rà soát kết quả để công bố danh sách học sinh trúng tuyển.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24-27/6/2019. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, toàn tỉnh này có 35.090 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 1.365 thí sinh so với năm trước; trong đó, có 13.639 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT; 20.459 thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ và 992 thí sinh đăng ký dự thi để xét vào ĐH, CĐ (thí sinh tự do). Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo đã bố trí 1.501 phòng thi với 70 điểm thi tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Cụm thi THPT Quốc gia năm 2019 tại Thanh Hóa sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với 5 trường ĐH, CĐ, gồm: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Công Nghiệp Hà Nội, ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) và Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Chủ trì chấm thi trắc nghiệm là Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.
9.5. Văn hoá - Thể dục thể thao
Sáu tháng đầu năm 2019, ngành Văn hóa - Thông tin đã tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng, ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh; trọng tâm là các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh; các hoạt động Mừng Đảng, Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 gắn với kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng; 72 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 133 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5; 71 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi "Thi đua ái quốc"; 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công Lễ hội Bà Triệu năm 2019, kỷ niệm 1.771 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; Lễ hội Lê Hoàn 2019, Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn; công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019 với chủ đề “Sắc màu biển ngọc”. Tổ chức triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay” nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Cuộc triển lãm được chuẩn bị công phu và có quy mô, không gian lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa. Triển lãm nằm trong chuỗi các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Đặc biệt, tối ngày 08/5/2019, tại Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa); Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tỏa sáng non sông đất nước”; khép lại chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu chào mừng đại lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục đẩy mạnh, chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được nâng lên. Tính đến hết tháng 5/2019, toàn tỉnh có 3.257 làng, bản, khu phố đăng ký xây dựng văn hóa, vượt 22,6% KH; 221 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, vượt 67,4% KH; 41 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, gấp 2,05 lần KH; 4 phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị, vượt 33,3% KH.
Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; đã tổ chức thành công giải quần vợt “Mừng Đảng, mừng Xuân”; giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXIII - Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019; giải đua xe đạp TP Sầm Sơn mở rộng năm 2019 Cúp Bia Hà Nội - Thanh Hóa với chủ đề “Hành trình cùng thành phố du lịch biển”; giải Súng hơi thanh thiếu niên toàn quốc năm 2019; giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2019; giải Bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở toàn quốc Cúp Milo khu vực II năm 2019;... Sáu tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.480.054 người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đạt tỷ lệ 41% dân số; 283.086 hộ gia đình thể thao, đạt 28,8% số hộ; tỷ lệ trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất đạt 100%; tỷ lệ cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%.
Thể thao thành tích cao được tăng cường luyện tập, chuẩn bị tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế theo kế hoạch. Tại Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2019 diễn ra ở Doha (Qatar), vận động viên Quách Thị Lan (Thanh Hóa) đã xuất sắc giành tấm HCV cự ly 400 m rào nữ. Tham gia giải vô địch Karatedo Đông Nam Á năm 2019 tổ chức tại Thái Lan, Thanh Hóa có 5 vận động viên trong thành phần của đội tuyển Việt Nam; kết quả 5 vận động viên Thanh Hóa đã giành được 4 HCB, 1 HCĐ. Tham dự giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc năm 2019 được tổ chức tại Tiền Giang, Thanh Hóa đã xuất sắc giành được 3 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn sau Hà Nội. Tính từ đầu năm đến nay, các đoàn thể thao Thanh Hóa thi đấu 33 giải quốc gia, quốc tế đạt 172 huy chương các loại, gồm 43 HCV, 70 HCB, 59 HCĐ. Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa tham gia giải bóng đá vô địch quốc gia năm 2019 (Wake-up 247 V.League 1 - 2019), sau 12 trận đấu, giành được 17 điểm, xếp thứ 7/14 đội.
9.6. Tai nạn giao thông
Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm tháng đầu năm 2019 trên địa bản tỉnh xảy ra 252 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 85 người, bị thương 233 người; so với cùng kỳ, tăng 21,2% về số vụ, tăng 60,4% về số người chết, tăng 33,1% về số người bị thương.
Lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra trong tháng 5/2019 đã phát hiện, xử phạt 5.681trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 737 phương tiện các loại, tước kiểm định và giấy phép lái xe 355 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước là 5.583 triệu đồng.
Lực lượng Thanh tra giao thông trong tháng 5/2019 đã lập biên bản vi phạm hành chính 87 trường hợp; phạt tiền, nộp Kho bạc Nhà nước 932 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 31 trường hợp.
9.7. Thiệt hại do thiên tai
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, chiều và đêm ngày 21/4 và các ngày từ 25-28/4 trên địa bàn 14 huyện, thành phố trong tỉnh (Lang Chánh, Quan Hóa, Mường Lát, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thành phố Thanh Hóa) đã xảy ra dông lốc kèm theo mưa, mưa đá ; làm chết 01 người, bị thương 01 người, thiệt hại về sản xuất và nhà cửa của nhân dân. Thống kê sơ bộ ban đầu, đã có 3.319,42 ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại (trong đó, lúa 1.232,56 ha; ngô, khoai lang, sắn và các loại cây rau màu 2.051,02 ha; cây ăn quả 11 ha); 1.221,4 ha rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại. Ngoài ra còn có 283 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30% đến hơn 70%…; ước tính ban đầu, giá trị thiệt hại khoảng 82,6 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các xã khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng; tổ chức thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương; chỉ đạo các thôn, đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị hư hỏng, hướng dẫn nhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại; khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
9.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Môi trường: Tháng 5, phát hiện và xử lý 9 vụ vi phạm môi trường (Như Xuân 3 vụ; TP Thanh Hóa, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Quan Hóa, Thường Xuân và Yên Định mỗi địa phương 1 vụ), xử phạt hành chính 127 triệu đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, phát hiện và xử lý 61 vụ vi phạm môi trường, gấp 4,4 lần cùng kỳ, phạt tiền vi phạm 1.284 triệu đồng.
Cháy nổ: Tháng 5/2019, xảy 7 vụ cháy (TP Thanh Hóa 5 vụ và huyện Tĩnh Gia 2 vụ), thiệt hại 473 triệu đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 56 vụ cháy, gấp 4,0 lần cùng kỳ, thiệt hại về tài sản 7.745 triệu đồng.
Khái quát lại, Sáu tháng đầu năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; đặc biệt, trong tháng Năm đã tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm và Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn; giáo dục, khơi dậy và động viên nhân dân phát huy lòng tự hào về truyền thống lịch sử - cách mạng, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu, tỉnh công nghiệp; đây còn là dịp giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh, tiềm năng thế mạnh về kinh tế - du lịch tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước; nên kinh tế tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, nhiều chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước... tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm chậm, đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn, bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại tương đối lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh; tai nạn giao thông tăng cao so với cùng kỳ năm trước cả về số vụ, số người chết, số người bị thương. Các ngành, các cấp cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019./.
File đính kèm : SL KT-XH quy II và 6 thang 2019
Cục Thống kê Thanh Hóa