Tình hình Kinh tế -Xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2020

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Sản xuất vụ chiêm xuân

Vụ chiêm xuân năm 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Riêng đối với cây lúa, thời tiết và sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; từ đầu vụ gieo trồng đến nay số ngày nắng ít, trời âm u, độ ẩm cao; phát sinh các loại sâu bệnh (rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài, đạo ôn cổ bông…) gây hại. Từ những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến sản xuất, dự báo năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay đạt 64,8 tạ/ha, bằng 99,3% (giảm 0,5 tạ/ha) so với vụ chiêm xuân năm 2019.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hiện nay lúa trà sớm đang trong giai đoạn thu hoạch (tính đến ngày 15/5/2020, toàn tỉnh đã thu hoạch được 16.359 ha, đạt 14,1% diện tích gieo cấy), trà chính vụ trong giai đoạn chín sữa - chín sáp, trà muộn trong giai đoạn chín sữa; cây ngô trong giai đoạn vào chắc - chín; cây lạc trong giai đoạn vào chắc - chín hoàn toàn.      

b) Chăn nuôi

Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2020, đàn lợn toàn tỉnh có 859,4 nghìn con, giảm 11,8% so với 01/4/2019, tăng 8,1% so với 01/01/2020; gia cầm 18,8 triệu con, tăng 8,4% so với 01/4/2019, giảm 10,9% so với 01/01/2020. Nhìn chung, tuy chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do vừa trải qua dịch bệnh kéo dài, giá cả, thị trường không ổn định; nhưng đàn lợn vẫn được duy trì và có bước phục hồi nhanh chóng. 

Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1/2020 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả đến ngày 15/5/2020, vắc xin cúm gia cầm H5N1 được 10.086.920 con, đạt 86,1% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo 346.721 con, đạt 90,2% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 246.314 con, đạt 83,6% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 229.767 con, đạt 77,9% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn tiêm được 457.651 con, đạt 66,5% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn tiêm được 484.662 con, đạt 70,4% diện tiêm.

1.2. Lâm nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2020, toàn tỉnh đã trồng được 1.223.436 cây phân tán các loại và trồng rừng tập trung được 3.230 ha, đạt 32,3% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm thường xuân và tăng cường; không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Năm, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so tháng trước và tháng cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 16.073 tấn, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 5.237 tấn, tăng 3,1% so tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác 10.836 tấn, giảm 0,6% so tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng thuỷ sản ước đạt 79.449 tấn, tăng 7,3% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 26.400 tấn, tăng 6,2%, sản lượng khai thác 53.049 tấn, tăng 7,8%.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Năm, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất công nghiệp đã giảm bớt so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, do tiêu thụ sản phẩm (cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa) gặp khó khăn, nên sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực như: quần áo, giày dép, bia, thuốc lá… giảm so với tháng cùng kỳ. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ổn định, sản lượng đạt khá; song, giá dầu thô trên thế giới xuống thấp, giá bán xăng, dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 5/2020 giảm 0,07% so với tháng trước, giảm 5,44% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 6,11% so với tháng trước, giảm 19,28% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,08% so với tháng trước, giảm 5,94% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,89% so với tháng trước, tăng 0,48% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,15% so với tháng trước, tăng 10,18% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 18,40%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,02%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 9,86%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,81%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2020 dự kiến tăng 13,40% so với tháng trước, giảm 11,98% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,07% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2020 dự kiến giảm 7,18% so với tháng trước, giảm 11,25% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2020 dự kiến tăng 0,7% so với tháng trước, giảm 3,61% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,05% so với tháng trước; giảm 10,92% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,34% so với tháng trước; giảm 4,97% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,52% so với tháng trước; giảm 2,37% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,28% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,2%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,59%.

3. Đầu tư

Tháng Năm, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 5/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 918,1 tỷ đồng, bằng 9,0% kế hoạch năm và tăng 41,0% so cùng kỳ năm 2019; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 424,2 tỷ đồng, tăng 40,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 273,1 tỷ đồng, tăng 46,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 220,7 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 3.547,6 tỷ đồng, bằng 34,6% kế hoạch năm và tăng 22,1% so cùng kỳ năm 2019; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 1.600,3 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.059,6 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 887,7 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Ngày 23/4/2020, UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND về việc cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh; theo đó, từ ngày 23/4/2020, các cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát, cà phê, trà chanh, trà đá, trà chén; các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà; các cơ sở cắt tóc, gội đầu được phép hoạt động trở lại nhưng chủ cơ sở phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế và một số yêu cầu khác. Từ ngày 25/4/2020, các khu, điểm tham quan du lịch được đón khách nội tỉnh nhưng tại cùng một thời điểm không quá 10 người trong nhóm 1 và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Khu vực ăn uống của khách sạn cũng phải thực hiện yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch như các cơ sở ăn, uống, giải khát. Do vậy, hoạt động bán lẻ hàng hoá tháng 5/2020 gần đạt mức như những tháng chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19; ước tính doanh thu đạt 7.325 tỷ đồng, giảm 2,8% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.770 tỷ đồng, tăng 20,8%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.092 tỷ đồng, giảm 2,7%; ô tô các loại 198 tỷ đồng, giảm 21,9%; xăng, dầu các loại 996 tỷ đồng, giảm 21,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 653 tỷ đồng, giảm 16,1%... Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 36.971 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Năm và bình quân 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,55% và 5,86%) đều ở mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây (tốc độ tăng CPI tháng Năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 2,48%; 2,09%; 4,08%; 2,48%; 4,55%. Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,64%; 3,22%; 3,32%; 2,66%; 5,86%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 tăng 0,05% so với tháng trước. Có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,29% (lương thực tăng 0,03%, thực phẩm tăng 0,45%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,97%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,88%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11 và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,45%; nhóm giao thông giảm 1,9%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,19%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 5,86% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2020 giảm 0,44% so với tháng 12/2019 và tăng 4,55% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 1,34% so với tháng trước, tăng 28,63% so với tháng 5/2019; bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 23,40% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2020 giảm 0,24% so với tháng trước, tăng 0,50% so với tháng 5/2019; bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 0,40% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Ngày 19/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện khẩn số 10; theo đó, các tuyến vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, nội tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe điện 4 bánh được phép hoạt động trở lại từ 00 giờ ngày 20/4/2020 nhưng các phương tiện phải được khử trùng sau mỗi lần đón, trả khách, không chở quá 50% số ghế quy định (đối với xe dưới 40 chỗ ngồi) và không được chở quá 20 khách đối với xe trên 40 chỗ ngồi. Tiếp tục ngừng hoạt động các tuyến vận tải khách liên tỉnh cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, tháng 5/2020, các chỉ tiêu ngành vận tải tăng so với tháng trước (nhất là vận tải hành khách), nhưng vẫn giảm so với tháng cùng kỳ.

Dự ước tháng 5/2020, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 496 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.635 nghìn tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 216.374 nghìn tấn.km; giảm 1,5% về hàng hoá vận chuyển, giảm 2,5% về hàng hoá luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 324,9 tỷ đồng, giảm 1,4% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 4.069 nghìn người, hành khách luân chuyển 246.130 nghìn người.km; giảm 4,4% về hành khách vận chuyển, giảm 2,8% về hành khách luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 39,8 tỷ đồng, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 972 nghìn tấn, giảm 6,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.591 tỷ đồng, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 22 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 1.018,3 triệu tấn.km, giảm 6,5% về hàng hoá vận chuyển, giảm 8,8% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.171 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 14,1 triệu người, hành khách luân chuyển 877,6 triệu người.km, giảm 32,7% về hành khách vận chuyển, giảm 30,0% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 226 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 5.425 nghìn tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Việc cho phép mở rộng một số hoạt động sản xuất kinh doanh không thiết yếu theo Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND, ngày 23/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh đã làm cho hoạt động khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh dần hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với yêu cầu vừa duy trì hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; nên mặc dù các chỉ tiêu của hoạt động khách sạn, nhà hàng tăng cao so với tháng trước nhưng vẫn giảm so với tháng cùng kỳ.

Tháng 5/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 888,7 tỷ đồng, giảm 7,3% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 152,5 tỷ đồng, giảm 21,6%; dịch vụ ăn uống ước đạt 736,2 tỷ đồng, giảm 3,6%; khách sạn phục vụ 478,2 nghìn lượt khách, giảm 23,3% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 744,3 nghìn ngày khách, giảm 23,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.135,2 tỷ đồng, giảm 32,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 497,6 tỷ đồng, giảm 45,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 2.637,6 tỷ đồng, giảm 24,7%; khách sạn phục vụ 1.378 nghìn lượt khách, giảm 41,4% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 2.290 nghìn ngày khách, giảm 46,0% so với cùng kỳ.

Du lịch lữ hành với lượt khách du lịch theo tour tháng 5/2020 ước đạt 4.112 lượt khách, giảm 24,3% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 12.963 ngày khách, giảm 22,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, lượt khách du lịch theo tour đạt 10.821 lượt khách, giảm 55,0% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 33.970 ngày khách, giảm 54,6% so với cùng kỳ.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Tháng Năm, các chế độ tiền lương, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương bảo hiểm được thực hiện đầy đủ kịp thời... góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trong tháng, đã tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới  cho 19.287 người có công với cách mạng và thân nhân; giải quyết chế độ mai táng phí người có công 248 trường hợp. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho 1.055 đối tượng bảo trợ xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngày 29/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1501/QĐ-UBND về việc phê duyệt 813 tỷ đồng hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội; theo đó, có 812.036 đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ đợt này, gồm: đối tượng người có công với cách mạng và nhân thân đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 hỗ trợ thêm 250.000 đồng/người/tháng. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách trở lên tại Nghị quyết số 42 thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia. Thời gian áp dụng là 03 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020), thực hiện chi trả một lần.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới đang còn diễn biến phức tạp, cùng với các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở LĐTBXH đã đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng đang được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cở sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 12,3 tỷ đồng.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, đến chiều ngày 12/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh đã tiếp nhận tiền, hàng ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá gần 76,9 tỷ đồng; trong đó, tại Ủy ban MTTQ tỉnh, tổng số tiền ủng hộ hơn 13,45 tỷ đồng và hàng hóa trị giá hơn 3,1 tỷ đồng; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tiếp nhận và trực tiếp trao khẩu trang, xà phòng, gạo, mì tôm, quần áo bảo hộ... trị giá gần 12,6 tỷ đồng; Ủy ban MTTQ 27 huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban MTTQ cấp xã đã tiếp nhận hơn hơn 30,46 tỷ đồng và hàng hóa trị giá hơn 17,2 tỷ đồng.

5.2. Lao động, việc làm

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã được kiểm soát hiệu quả, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong tháng Tư đã quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên do dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên một số doanh nghiệp dệt may và giày da trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, tính đến ngày 10/5/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh là 57.460 lao động, trong đó: số lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động là 15.987 lao động; số lao động ngừng việc là 22.117 người, số lao động bị ảnh hưởng khác là 19.356 người. Để góp phần hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khắc phục khó khăn ban đầu, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo thực hiện kịp thời việc thẩm định, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong tháng, đã tiếp nhận 3.446 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 2.225 lao động theo đúng quy định. Đồng thời, quan tâm thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới miễn phí cho 100% người lao bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Sở LĐTXBH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 01 phiên giao dịch việc làm định kỳ với 10 đơn vị tham gia; số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn là 73 người. Đồng thời, tăng cường triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin thị trường lao động bằng các hình thức gián tiếp trên Trang thông tin điện tử; các ứng dụng trên mạng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua điện thoại, hộp thư điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm v.v… giúp cung cấp thông tin về thị trường lao động cho 1.600 lượt người; hỗ trợ tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan đến lao động việc làm, xuất khẩu lao động cho 4.870 lượt người. Kết quả trong tháng 5/2020, toàn tỉnh tạo việc làm cho 1.550 lao động, trong đó: đưa đi làm việc ở nước ngoài được 61 người. Lũy kế 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh tạo việc làm cho 14.440 lao động, đạt 20,9% kế hoạch năm; trong đó, lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.339 người, đạt 13,4% kế hoạch năm.

5.3. Y tế

          Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh do Covid-19, chủ động giám sát các bệnh dịch phát sinh trong mùa hè; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tiếp tục giám sát tại khu vực cửa khẩu, sân bay và trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp phát sinh bệnh dịch; tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 10/5/2020, toàn tỉnh có 22 ca sốt xuất huyết, 44 ca sởi, 26 ca tay chân miệng, 03 ca dại (tử vong 03 người), 03 ca ho gà, 01 ca uốn ván, 06 ca viêm não do virut khác.

Về phòng, chống dịch Covid-19: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan, ngành Y tế đã triển khai các văn bản về phòng, chống dịch; chủ động tham mưu, tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Tiếp tục duy trì các hoạt động sàng lọc, phân luồng, cách ly người nghi nhiễm viêm đường hô hấp cấp tại các đơn vị; tăng cườngcông tác giám sát dịch tễ công đồng, kịp thời phát hiện bênh nhân nghi ngờ, các đối tượng có nguy cơ để tổ chức cách ly, theo dõi và điều trị theo quy định. Bố trí linh hoạt nguồn nhân lực giải quyết nhanh chóng công việc, hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh; quản lý chặt chẽ người nhà vào thăm, trong thời gian phòng chóng dịch Covid-19, mỗi bệnh nhân chỉ 01 người nhà chăm sóc và thực hiện các quy định trong phòng chống dịch; bảo đảm các phòng khám, phòng lưu động người bệnh nhiễm Covid -19 được thông thoáng, thông khí tốt; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong quá trình vận chuyển, tiếp nhận, cách ly tập trung các chuyên gia người nước ngoài đến làm việc tại Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tĩnh Gia.

5.4. Giáo dục

Thực hiện Công văn số 1134/SGDĐT-GDTH ngày 29/4/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo, sáng 04/5/2020, hơn 537 nghìn trẻ mầm non và học sinh khối tiểu học trong toàn tỉnh đã đi học trở lại sau 03 tháng tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Trước khi các em quay trở lại trường học, các nhà trường đã làm tốt việc tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn và chuẩn bị phương án giãn cách bảo đảm an toàn cho học sinh. Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch và hướng dẫn số 1398/BGDĐT-GDTC ngày 23/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại và xử lý trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 trong trường học. Ngay sau khi học sinh trở lại trường học, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo nề nếp, chất lượng, đúng tiến độ chương trình; duy trì việc học trực tuyến, ôn tập, củng cố kiến thức trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 (chương trình phát sóng liên tục từ ngày 11/5 đến 04/7/2020 trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá); thực hiện công tác kiểm tra đánh giá chất lượng học kỳ II năm học 2019 - 2020 và thực hiện nghiêm túc chương trình theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chủ động, tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; hoàn thành việc xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 và thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

          Dịch bệnh Covid-19 xảy ra đã ảnh hưởng đến thời gian học tập của học sinh. Do đó, ngày 24/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1441/QĐ-UBND về việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020; theo đó, ngày kết thúc học kỳ II của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (hệ bổ túc văn hóa) trước ngày 11/7/2020; hoàn thành tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020 - 2021 trước ngày 15/8/2020; thi tuyền sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn, lớp 10 THPT và lớp 10 THPT Dân tộc nội trú năm học 2020 - 2021 hoàn thành trước ngày 30/7/2020; thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 08-11/8/2020.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Tháng Năm, ngành Văn hóa - Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, sự kiện chính trị, ngày lễ, kỷ niệm quan trọng của đất nước, của tỉnh trọng tâm là: công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động; kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020).

Một số hoạt động văn hóa nghệ thuật diễn ra trong tháng, điển hình như: Tập luyện và biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) tại Trung tâm Hội nghị 25B; dàn dựng và tập luyện 01 vở kịch nói, 01 vở chèo tham dự liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV năm 2020; triển khai tập luyện chương trình nghệ thuật tham gia cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, cải lương toàn quốc năm 2020; tổ chức các đợt phim tuyên truyền các ngày kỷ niệm: 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2020); 61 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2020).

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đến nay Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh đang xây dựng kế hoạch, điều lệ và chuẩn bị tổ chức Giải Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt Hè Sầm Sơn năm 2020; Giải thể thao Gia đình tỉnh Thanh Hóa năm 2020; Giải Bóng đá Futsal Thanh Hóa - Cup Detal năm 2020; lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2020 gắn với Giải Bơi - Lặn cứu đuối toàn tỉnh năm 2020; hướng dẫn Trường ĐH Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Bóng đá Thanh Hóa thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn viên, trọng tài các môn thể thao.

5.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 4/2020 (tính từ ngày 15/3 đến ngày 14/4), toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 11 người, bị thương 30 người; so với tháng cùng kỳ năm 2019, giảm 2 vụ, giảm 12 người chết, giảm 2 người bị thương. Bốn tháng đầu năm 2020 trên địa bản tỉnh xảy ra 171 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 44 người, bị thương 154 người; so với cùng kỳ năm 2019, giảm 44 vụ, giảm 27 người chết, giảm 49 người bị thương.

Tháng Tư, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động, thanh tra giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định, kiểm tra nồng độ cồn, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện, xử phạt 6.184 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 809 phương tiện các loại, phạt tiền vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước gần 14,5 tỷ đồng; lực lượng thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính 106 trường hợp, phạt tiền vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước 1,3 tỷ đồng.

5.7. Thiệt hại do thiên tai

Thời tiết diễn biến phức tạp, nên từ đầu năm đến ngày 26/4/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 đợt lốc, mưa lớn và mưa đá trên địa bàn các huyện Quan Hóa, Như Thanh, Mường Lát, Lang Chánh làm 03 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 721 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 12,6 ha lúa, 29 ha cây trồng lâu năm, 120 ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, thực hiện Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 25/4/2020 của Thủ tướng chính phủ; Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 26/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá; theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh.

5.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

- Môi trường: Tháng 4/2020, phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm về môi trường (Triệu Sơn 05 vụ; Thạch Thành 04 vụ; TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn 02 vụ; TP Thanh Hóa, Như Thanh, Hà Trung, Nga Sơn mỗi địa phương 01 vụ), xử phạt hành chính 86,3 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ vi phạm môi trường, xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm 774,1 triệu đồng.

- Cháy, nổ: Tháng 4/2020, xảy 5 vụ cháy (TP Sầm Sơn 02 vụ; TP Thanh Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân mỗi địa phương 01 vụ), thiệt hại 44,5 triệu đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ cháy, thiệt hại 374,3 triệu đồng. Tháng Tư, lực lượng chức năng đã tổ chức đôn đốc, hướng dẫn 220 cơ sở đảm bảo an toàn PCCC, yêu cầu khắc phục 470 sơ hở, thiếu sót, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 02 trường hợp, phạt tiền 47 triệu đồng.

File Download:

  Tinh hinh KT-XH thang 5-2020 (xem)

  So lieu KT-XH thang 5-2020 (xem)

 

Cục Thống kê Thanh Hóa