Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2021

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Sản xuất vụ thu mùa

Theo báo cáo tiến độ sản xuất vụ thu mùa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/7/2021, toàn tỉnh gieo cấy được 115,1 nghìn ha lúa, vượt 0,1% kế hoạch và tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước; ngô 10.578 ha, đạt 75,6% kế hoạch và tăng 21,1%; lạc 669 ha, đạt 66,9% kế hoạch và tăng 12,1%; khoai lang 1.461 ha, vượt 4,3% kế hoạch và tăng 28,3%; rau, đậu các loại và cây trồng khác 19.296 ha, đạt 70,7% kế hoạch và tăng 7,8% so với cùng thời điểm năm trước.      

b) Chăn nuôi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 03/02/2021 đến 16 giờ ngày 14/7/2021, trên địa bàn tỉnh, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 6.008 hộ chăn nuôi tại 1.380 thôn thuộc 340 xã của 25 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Quan Hóa và huyện Quan Sơn), làm 7.632 con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 1.990 con. Đến nay, đã có 241 xã của 25 huyện công bố hết dịch, trong đó có 09 huyện, thị xã, thành phố[1] đã khống chế hoàn toàn và công bố hết dịch.

1.2. Lâm nghiệp

Tính đến ngày 15/7/2021, toàn tỉnh đã trồng được 3,9 triệu cây phân tán các loại; 5.200 ha rừng trồng tập trung, đạt 52,0% kế hoạch. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường; không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Bảy, các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung thu hoạch các loại thủy sản, nhất là thủy sản nuôi nước lợ, nên sản lượng thủy sản tăng so với tháng trước và tháng cùng kỳ. Khai thác biển gặp khó khăn do cấm biển của Trung Quốc (từ 01/5 đến trung tuần tháng 8), bên cạnh đó là diễn biến thời tiết được dự báo là bất lợi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão.  

Ước tính tháng 7/2021, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 17.148 tấn, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 4,1% so với tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 11.166 tấn, giảm 1,5% so tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 5.982 tấn, tăng 10,1% so với tháng trước và tăng 3,7% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 115.836 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 76.775 tấn, tăng 3,4%; sản lượng nuôi trồng 39.061 tấn, tăng 5,4%.

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố; nhất là TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố khác khu vực phía Nam. Trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, sản xuất công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, giá nguyên vật liệu đầu vào của một số ngành công nghiệp như: sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; sản xuất thép tăng cao, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 7/2021 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 23,98% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,60% so với tháng trước, tăng 32,89% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 24,92% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 4,72% so với tháng trước, tăng 11,20% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,87% so với tháng trước, tăng 40,71% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,83% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,29%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,75%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,97%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,09%.

Một số sản phẩm chủ yếu[2] tháng 7/2021 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như sau: Xăng các loại 218,5 nghìn tấn, giảm 10,3% so tháng trước, tăng 48,7% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 388,4 nghìn tấn, giảm 2,8% so tháng trước, tăng 66,2% so tháng cùng kỳ; bia các loại 6,5 triệu lít, tăng 14,9% so tháng trước, giảm 8,5% so tháng cùng kỳ; thuốc lá bao 12,9 triệu bao, tăng 12,0% so tháng trước, giảm 43,8% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 12,5 triệu cái, tăng 3,4% so tháng trước, tăng 3,9% so tháng cùng kỳ; giày thể thao 12,5 triệu đôi, tăng 7,8% so tháng trước, tăng 18,9% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,38 triệu tấn, giảm 2,8% so tháng trước, giảm 2,9% so tháng cùng kỳ; sắt thép 184,2 nghìn tấn, tăng 0,3% so tháng trước, gấp 2 lần tháng cùng kỳ; điện sản xuất 487 triệu kwh, tăng 5,5% so tháng trước, tăng 11,6% so tháng cùng kỳ; nước máy 4,67 triệu m3, tăng 0,4% so tháng trước, tăng 42,7% so tháng cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7/2021 dự kiến tăng 0,78% so với tháng trước, tăng 6,05% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,52% so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 7/2021 dự kiến tăng 2,47% so với tháng trước, tăng 27,19% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,02% so với tháng trước, giảm 2,19% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 13,83% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,08% so với tháng trước, tăng 32,76% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 20,13% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,68%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 7,48%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước (ngành sản xuất trang phục tăng 13,58%; ngành sản xuất giày dép tăng 33,33%).

3. Đầu tư

Tháng Bảy, các đơn vị xây lắp tập trung nguồn lực thi công các công trình chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương tháng 7/2021 đạt 882 tỷ đồng, giảm 7,2% so tháng trước, giảm 4,2% so tháng cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 372,6 tỷ đồng, giảm 11,9% so tháng trước, giảm 2,0% so tháng cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 276,3 tỷ đồng, giảm 3,3% so tháng trước, giảm 1,8% so tháng cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 233,1 tỷ đồng, giảm 3,4% so tháng trước, giảm 9,9% so tháng cùng kỳ.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 1,3% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.417 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.687 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1.396 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh ta, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; nên kinh doanh thương nghiệp và cung cấp các dịch vụ thiết yếu vẫn hoạt động ổn định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 9.416 tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước, tăng 11,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 3.859 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước, tăng 21,6% so tháng cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.301 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước, tăng 6,9% so tháng cùng kỳ; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 287 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước, tăng 17,1% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 1.200 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước, tăng 3,4% so tháng cùng kỳ... Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 61.346 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 24.226 tỷ đồng, tăng 16,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 8.327 tỷ đồng, tăng 11,2%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 1.871 tỷ đồng, tăng 20,2%; xăng, dầu các loại 8.239 tỷ đồng, tăng 12,4%...

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, thể thao ngoài trời tiếp tục ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19; giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào. Bên cạnh đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng, dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,37% so với tháng 12/2020 và tăng 2,31% so với tháng 7/2020. Bình quân 7 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,36% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2017[3].

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng 0,51% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,79%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,18%; nhóm giao thông tăng 2,40%; nhóm giáo dục tăng 0,06%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,03%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16% (lương thực giảm 0,12%, thực phẩm giảm 0,22%); nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,25%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 1,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2021 tăng 2,37% so với tháng 12/2020 và tăng 2,31% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2021 giảm 2,45% so với tháng trước, tăng 5,00% so với tháng 7/2020; bình quân 7 tháng đầu năm 2021 tăng 15,67% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7/2021 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,75% so với tháng 7/2020; bình quân 7 tháng đầu năm 2021 giảm 0,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng; thành phố Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ; thành phố Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác đang tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Để kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách, bảo đảm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, ngày 19/7/2021, Sở Giao thông - Vận tải đã ban hành văn bản số 3354/SGTVT-QLVT về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Thanh Hoá đi, đến 11 tỉnh, thành phố phía Nam[4]; theo đó, kể từ ngày 19/7/2021 cho đến khi có thông báo mới, bổ sung việc tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (gồm: xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch) từ Thanh Hoá đi, đến các tỉnh, thành phố nêu trên và ngược lại. Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã thông báo tạm dừng vận tải hành khách liên tỉnh đến 24 tỉnh, thành phố[5] và ngược lại. Như vậy, đến nay, Thanh Hóa đã dừng vận tải hành khách đến 35 tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Hoạt động vận tải hàng hóa được tạo điều kiện lưu thông thông suốt căn cứ trên luồng xanh Quốc gia do Tổng cục đường bộ Việt Nam công bố. Vì vậy, tháng 7/2021 hoạt động vận tải hành khách giảm mạnh so với tháng trước và tháng cùng kỳ.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 7/2021 ước đạt 105,6 tỷ đồng, giảm 65,9% so tháng trước, giảm 68,1% so với tháng cùng kỳ, hành khách vận chuyển 968 nghìn người, hành khách luân chuyển 68.729 nghìn người.km; so với tháng trước, giảm 67,9% về hành khách vận chuyển, giảm 65,8% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 71,8% về hành khách vận chuyển, giảm 69,9% về hành khách luân chuyển. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.033 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 20,9 triệu người, hành khách luân chuyển 1.381 triệu người.km, tăng 4,9% về hành khách vận chuyển, tăng 7,6% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước

Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 680,4 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 19,1% so tháng cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 4,5 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 228,2 triệu tấn.km; so với tháng trước, tăng 1,7% về hàng hóa vận chuyển, tăng 1,6% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 16,3% về hàng hóa vận chuyển, tăng 14,9% về hàng hóa luân chuyển. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 4.386 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 31,4 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 1.520,3 triệu tấn.km, tăng 8,6% về hàng hóa vận chuyển, tăng 8,5% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, để chủ động và tăng cường kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh, ngày 20/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trước diễn biến mới của dịch; theo đó, bắt buộc các cơ sở dịch vụ ăn uống trên tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh phải có vách ngăn, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người. Các cơ sở dịch vụ ăn uống khác trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người; khuyến cáo các cơ sở dịch vụ ăn uống lắp đặt camera giám sát và khuyến khích thực hiện hình thức bán hàng mang về; đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở dịch vụ ăn uống.   

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7/2021 ước đạt 579,3 tỷ đồng, giảm 36,9% so với tháng trước, giảm 39,5% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, ước đạt 5.113 tỷ đồng, tăng 16,0% sơ với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 7/2021 ước đạt 48,3 tỷ đồng, giảm 64,4% so với tháng trước, giảm 78,5% so với tháng cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 176 nghìn lượt khách, giảm 60,4% so với tháng trước, giảm 73,4% so với tháng cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 276 nghìn ngày khách, giảm 59,1% so với tháng trước, giảm 74,1% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 940,5 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 2,6 triệu lượt khách, tăng 1,1% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 4,3 triệu ngày khách, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm 2021 ước đạt 29 tỷ đồng, giảm 41,1% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 12,5 nghìn lượt khách, giảm 42,2% so cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 38,8 nghìn ngày khách, giảm 44,2% so cùng kỳ.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Đời sống dân cư trên địa tỉnh cơ bản ổn định, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Trong tháng, Phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với ngành Bưu điện đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho gần 74 nghìn đối tượng người có công với cách mạng, tổng kinh phí chi trả hơn 153 tỷ đồng. Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên hằng tháng của trên 203 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí thực hiện trên 78,5 tỷ đồng/tháng.  

Thanh Hóa đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Chiều ngày 19/7/2021, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức hội nghị nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP phân tích và cho ý kiến vào việc phân công nhiệm vụ đối với từng đơn vị, ngành chức năng trong thực thi nội dung của các chính sách theo yêu cầu Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện kế hoạch trình ký ban hành trong ngày 20/7/2021 để triển khai thực hiện sớm, kịp thời, hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khi kế hoạch được ban hành, các sở, ngành, các địa phương phải chủ động tổ chức thực hiện ngay với quyết tâm và nỗ lực cao nhất để chính sách kịp thời đến với người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời quan tâm làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

5.2. Lao động, việc làm

Tháng 7/2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 3.950 lao động, trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 309 người. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 31.450 người, đạt 53,3% kế hoạch năm; trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 3.309 người, đạt 55,2% kế hoạch năm. Tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 3.423 lao động theo đúng quy định (lũy kế 7 tháng đầu năm 13.045 người); 100% người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm đều được quan tâm hỗ trợ tư vấn tìm kiếm việc làm mới miễn phí. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19; trong tháng, đã cấp mới giấy phép cho 155 lao động, cấp lại giấy phép cho 06 lao động và gia hạn giấy phép cho 07 lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh Thanh Hóa.

5.3. Y tế

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thanh Hóa kể từ ngày 27/4/2021: Tính đến 12 giờ 00’ ngày 20/7/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 66 ca dương tính, 11 ca tái dương tính; đã điều trị khỏi, ra viện 05 người và không có ca tử vong; số ca nghi mắc là 227 người. Toàn tỉnh hiện tại có 104 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 10.769 người. Tổng số trường hợp cách ly tập trung 4.998 người, hiện đang cách ly 1.596 người tại 44 khu cách ly. Đã xét nghiệm 66.922 mẫu/40.953 người. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, đã thực hiện giám sát, truy vết tổng số 857 đối tượng F1; 7.702 đối tượng F2 và các đối tượng nguy cơ khác.

Tổng kết chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh do Covid-19 vòng 1, đợt 2 năm 2021; tính đến ngày 05/7/2021 toàn tỉnh đã tiêm được 22.503 đối tượng, trong đó mũi 1 là 20.578 đối tượng (có 509 đối tượng của phân hiệu Đại học Y Hà Nội); mũi 2 là 724 đối tượng (598 đối tượng Bộ đội Biên phòng và 166 đối tượng dân sự); lực lương công an tiêm được 1.200 đối tượng. Toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nào có phản ứng bất lợi sau khi tiêm.

Trước diễn biến phức tạp, mức độ lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố; nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác khu vực phía Nam; ngày 20/7/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 22/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trước diễn biến mới của dịch. Theo đó:

- Bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch: Khuyến cáo mọi người dân không đi đến vùng có dịch; không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết; nếu ra khỏi nhà phải thực hiện nghiêm các quy định 5K; trong đó nhất thiết phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người và không tập trung quá 30 người nơi công cộng. Khuyến khích người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và các giao dịch điện tử, trực tuyến. Thông báo, khuyến cáo người thân đang ở vùng có dịch không trở về tỉnh trong thời gian này; nếu cần thiết về phải chủ động khai báo khách quan, trung thực với chính quyền các xã, phường, thị trấn hoặc thôn, bản, tổ dân phố, tổ giám sát Covid cộng đồng để được tư vấn, theo dõi kịp thời và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Từ 0h00 ngày 21/7/2021, tất cả công dân từ các tỉnh, thành phố đến Thanh Hóa lưu trú hoặc công dân trong tỉnh đi ra ngoài tỉnh ngay sau khi trở về phải đến khai báo y tế tại Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế gần nhất để được hướng dẫn, phân luồng và chỉ định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR trong vòng 72 giờ thì phải làm Test nhanh kháng nguyên với Covid-19 và phải tự trả phí xét nghiệm. Riêng người về từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể làm Test nhanh kháng nguyên tại các chốt kiểm soát dịch ở Dốc Xây, thị xã Bỉm Sơn và xã Thạch Quảng, huyện Thạch Thành. Miễn phí Test nhanh cho người trên 65 tuổi; trẻ em dưới 12 tuổi; gia đình chính sách; hộ nghèo; thương binh; bệnh binh.

- Về công tác cách ly: Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát các điểm cách ly hiện có, đề xuất các điểm mới, đảm bảo cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết cách ly theo hướng dẫn của Sở Y tế, đủ thực hiện cách ly 1.000 người và hoàn thành công tác chuẩn bị đủ điều kiện tiếp nhận cách ly từ ngày 01/8/2021. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn các khách sạn đủ điều kiện cách ly, sẵn sàng trưng dụng khi cần thiết đảm bảo cách ly 2.000 người; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước 30/7/2021. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, mở rộng, vận hành các cơ sở cách ly khác của địa phương do Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp điều hành. Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát lây nhiễm theo hướng dẫn của ngành Y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.

- Giao Sở Y tế chỉ đạo tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại các khu vực và các đối tượng nguy cơ cao (bệnh viện, các khu công nghiệp, siêu thị, nhà ga, các chợ đầu mối, lái xe liên tỉnh, xe ôm, cán bộ công chức làm việc tại các 3 khu vực tiếp xúc với nhiều người…) theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 02/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh.

5.4. Giáo dục

Ngành Giáo dục - Đào tạo cùng với chính quyền các địa phương tích cực tổ chức các hoạt dộng chào mừng kỷ niệm 73 năm Ngày Chỉ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; các hoạt động nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/6), tháng hành động vì trẻ em, Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6); tuyên truyền, quán triệt về Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022, Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới; công tác an ninh trật tự, an toàn trường học; công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay toàn tỉnh có hơn 40.200 thí sinh đăng ký dự thi tại 75 điểm thi ở các trường THPT. Trong đó, hệ THPT có 35.306 thí sinh; hệ giáo dục thường xuyên 4.941 thí sinh và 1.664 thí sinh tự do; tỷ lệ thí sinh tham dự thi ở các môn đều đạt trên 99,5%. Để chuẩn bị cho kỳ thi, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường chủ động xây dựng phương án ôn tập phù hợp cho học sinh, thường xuyên bám sát chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi, đề thi minh họa. Các trường THPT cũng đã chủ động, bám sát sự chỉ đạo của Ngành trong việc tổ chức công tác ôn tập, thường xuyên tuyên truyền về những điểm mới của kỳ thi tới học sinh và phụ huynh. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cũng đã tổ chức họp triển khai, đánh giá tiến độ chuẩn bị cho kỳ thi trên địa bàn tỉnh và công tác phối hợp giữa các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo như: Công an tỉnh đã chỉ đạo và triển khai lực lượng bảo đảm an toàn giao thông, an ninh, trật tự cho kỳ thi; Sở Y tế phối hợp với chính quyền các địa phương, các trường THPT triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm sức khỏe cho thí sinh dự thi; ngành điện lực xây dựng kế hoạch bảo đảm không để xảy ra mất điện trong thời gian diễn ra kỳ thi. Dự kiến ngày 26/7/2021 sẽ thông báo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hoá - Thông tin tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trọng tâm là Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá (29/7/1930 - 29/7/2021), Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), 61 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2021); tuyên truyền sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục triển khai đến cán bộ, công chức, người lao động toàn Ngành chấp hành nghiêm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp Đất và Người xứ Thanh...; góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành lịch thi đấu dự kiến của 03 môn thi đấu chính thức đầu tiên trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ IX bao gồm cầu lông, bóng bàn và quần vợt. Môn cầu lông dự kiến tổ chức từ ngày 22-26/7; môn bóng bàn từ ngày 29/7 đến 01/8, tại Nhà thi đấu TDTT tỉnh, với sự tham gia của các VĐV đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; môn quần vợt từ ngày 05-08/8, tại sân quần vợt Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh và sân quần vợt Dạ Lan (TP Thanh Hóa). Các môn cầu lông, bóng bàn, quần vợt có 05 nội dung thi đấu gồm: đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ phối hợp; tổng cộng có 05 bộ huy chương.

Tham dự Olympic Tokyo 2020, Thanh Hóa vinh dự góp mặt vận động viên Quách Thị Lan tham gia thi đấu nội dung chạy 400 m rào nữ. Đây là VĐV duy nhất của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á tham gia thi đấu nội dung này.

5.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 7/2021 (tính từ ngày 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021), toàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn giao thông, làm chết 07 người, bị thương 19 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 02 vụ, giảm 18 người chết, giảm 06 người bị thương. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021 trên địa bản tỉnh xảy ra 208 vụ tai nạn giao thông, làm chết 80 người, bị thương 167 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 51 vụ, giảm 05 người chết, giảm 58 người bị thương.

5.7. Thiệt hại do thiên tai

Tính từ đầu đến đến ngày 14/7/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 05 trận lốc, sét, mưa lớn và 01 cơn bão (bão số 2), gây thiệt hại về tài sản và sản xuất; trong đó 05 trận lốc, sét, mưa lớn tại huyện Như Xuân, Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân làm 01 người bị thương, 07 nhà, 44 ha lúa, 01 ha ngô bị thiệt hại và các tài sản khác, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 407 triệu đồng. Theo thống kê sơ bộ ban đầu, cơn bão số 2 làm 03 nhà tốc mái (huyện Nga Sơn), diện tích lúa, mạ bị ngập 422 ha, cây màu bị ngập 286,8 ha, cây bị đổ gãy 4.813 cây, nhà lưới tốc mái 16.800 m2, 01 tàu cá bị chìm, 01 bè mảng mất liên lạc (đang huy động lực lượng tìm kiếm) và gây thiệt hại về giao thông, thủy lợi và các công trình khác, ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 6 tỷ đồng.

5.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

- Môi trường: Tháng 6/2021, phát hiện 48 vụ vi phạm về môi trường, tăng 05 vụ so với tháng trước; đã xử lý hành chính 44 vụ[6]; xử phạt hành chính 830,67 triệu đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 xảy ra 242 vụ vi phạm, đã xử lý 216 vụ, số tiền xử phạt là 4.558,17 triệu đồng.

- Cháy, nổ: Tháng 6/2021 xảy 08 vụ cháy[7], thiệt hại 168 triệu đồng, 500 m2  thảm thực bì (còn 05 vụ đang tiếp tục thống kê thiệt hại). Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 204 lượt cơ sở, lập 204 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục 418 tồn tại, thiếu sót. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 30 trường hợp, phạt tiền 132,3 triệu đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 xảy ra 35 vụ cháy, không có người chết, và bị thương, thiệt hại về tài sản 2.436 triệu đồng và 1.000 m2 thảm thực bì (còn 14 vụ đang tiếp tục thống kê thiệt hại).

File download: Báo cáo KT-XH tháng 7 năm 2021 (xem) ; Số liệu KT-XH tháng 7 và 7 tháng năm 2021 (xem)

 

[1] Mường Lát, Yên Định, Thường xuân, TP Thanh Hóa, Cẩm Thủy, Như Xuân, Nông Cống, TX Bỉm Sơn, TP Sầm Sơn.

[2] Sản phẩm một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu được suy rộng từ mẫu điều tra công nghiệp hàng tháng (IIP), nên kết quả suy rộng chưa phản ánh đầy đủ sản lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Sau khi có kết quả chính thức năm 2020 (từ điều tra doanh nghiệp năm 2021 và điều tra cơ sở SXKD cá thể năm 2020) sẽ điều chỉnh lại số liệu phù hợp.

[3] Tốc độ tăng CPI bình quân 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm từ 2017 - 2021 lần lượt là: 2,69%; 3,94%; 2,25%; 5,73%; 1,36%.

[4] Tây Ninh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

[5] Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tiền Giang, An Giang, Đà Nẵng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng), Hải Dương, Thái Nguyên, Cao Bằng, thành phố Cần Thơ, Sơn La.

[6] TX Nghi Sơn 10 vụ; TP Thanh Hóa 07 vụ; Thạch Thành 06 vụ; Nông Cống 04 vụ; TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn mỗi địa phương 03 vụ; Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nga Sơn, Triệu Sơn mỗi địa phương 02 vụ; Hậu Lộc, Như Thanh, Quan Hóa mỗi địa phương 01 vụ.

[7] TP Thanh Hóa 02 vụ, TX Bỉm Sơn, Cẩm Thủy, Yên Định, Vĩnh Lộc, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa mỗi địa phương 01 vụ.

Cục Thống kê Thanh Hóa