Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2022

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a)Sản xuất nông nghiệp

Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/02/2022, toàn tỉnh đã gieo trồng được 149.286 ha các loại cây trồng vụ chiêm xuân, đạt 76,5% kế hoạch[1].

Đến cùng thời điểm nêu trên, diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 8.089 ha, đạt 59,3% kế hoạch;các nhà máy chế biến đường đã thu mua được 462 nghìn tấn mía[2];các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua được 158 nghìn tấn sắn nguyên liệu[3].

Mùa đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp; các cấp, các ngành tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân sau khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần tiếp tục gieo trồng các loại cây trồng vụ chiêm xuân trong khung thời vụ tốt nhất; chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; tăng cường theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng; thu hoạch mía, sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn.

a) Kết quả sản xuất vụ đông

Vụ đông 2021 - 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo; ban hành kịp thời, thiết thực và có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông đối với các hộ nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh Covid-19, đầu vụ gieo trồng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng các loại cây trồng. Mặt khác, cũng do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá một số loại vật tư thiết yếu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng; thị trường tiêu thụ và lưu thông hàng hóa nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhiều diện tích canh tác nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.Tổng diện tích gieo trồng 47.264 ha, vượt5,0% kế hoạch, giảm6,1% so với vụ đông 2020 - 2021[4]. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ đông. Năng suất một số loại cây trồng chính như sau: Ngô 48,3 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ; đậu tương 15,5 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; khoai lang 77,4 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha; khoai tây 144,2 tạ/ha, tăng1,1 tạ/ha; lạc 21,3 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha; rau các loại 132,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha; ớt cay 114,4 tạ/ha, tăng0,2 tạ/ha so với vụ đông năm trước. Sản lượng lương thực có hạt đạt 70,2 nghìn tấn, giảm5,7% (giảm 4,2 nghìn tấn) so với vụ đông năm 2020 - 2021.

c) Chăn nuôi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng vắc xin đợt I năm 2022 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả tiêm phòng đến ngày 17/02/2022 như sau: Vắc xin cúm gia cầm 192 nghìn con, đạt 3,19% diện tiêm; vắc xin dại cho chó, mèo 18 nghìn con, đạt 5,11% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 9,7 nghìn con, đạt 3,93% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 9,7 nghìn con, đạt 3,93% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 9 nghìn con, đạt 2,32% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 9 nghìn con, đạt 2,32% diện tiêm.

Thời tiết diễn biến bất lợi, từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay trên địa bàn tỉnh liên tiếp có các đợt rét đậm, rét hại xảy ra; các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cho Nhân dân phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm; tăng cường giám sát, không để dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là dịch tả lợn Châu Phi.

1.2. Lâm nghiệp

Thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần năm 2022; đồng thời triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 2,2 triệu cây phân tán các loại, 968 ha rừng trồng tập trung. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường; không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Hai, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngư dân đã ra khơi  đánh bắt thủy, hải sản. Tuy nhiên, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần nằm trọn trong tháng, mặt khác, do tập quán vui Xuân, đón Tết cổ truyền của ngư dân kéo dài, nên quỹ thời gian dành cho sản xuất ngắn; vì vậy, sản lượng khai thác giảm so với tháng trước. Ước tính tháng 02/2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 16.620 tấn, giảm3,7% so với tháng trước, tăng 2,8% so với tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 10.464 tấn, giảm5,4% so tháng trước và tăng2,9% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 6.156 tấn, giảm0,8% so với tháng trước và tăng2,6% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt33.887 tấn, tăng 3,8% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 21.525 tấn, tăng 3,6% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 12.362 tấn, tăng 4,1% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Hai, sau khi kết thúc thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các doanh nghiệp trở lại sản xuất kinh doanh theo kế hoạch và tương đối ổn định. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp có dây truyền sản xuất hoạt động liên tục như: sản xuất xi măng, gạch ceramic, chế biến sữa, xăng dầu, điện... đều phân công trực Tết, đảm bảo hoạt động của các phân xưởng, lò và dây truyền sản xuất liên tục; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng trực vận hành sản xuất bình thường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, công suất chỉ đạt 55-60%; các doanh nghiệp may mặc, giày da thiếu lao động; bên cạnh đó quỹ thời gian sản xuất kinh doanh trong tháng ngắn, nên sản xuất công nghiệp tháng 02/2022 tăng so với tháng cùng kỳ, nhưng giảm so với tháng trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 02/2022giảm20,03% so với tháng trước, tăng13,87% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm13,55% so với tháng trước, tăng9,44% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm20,24% so với tháng trước, tăng12,03% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm17,50% so với tháng trước, tăng 53,64% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm6,86% so với tháng trước, tăng 8,52% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 14,45% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng12,08%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,75%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 50,73%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,37% so cùng kỳ năm trước.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 02/2022 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như sau: Xăng các loại 126,7 nghìn tấn, giảm 37,3% so tháng trước, giảm 5,4% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 196,6 nghìn tấn, giảm 39,0% so tháng trước, giảm 31,6% so tháng cùng kỳ; đường kết tinh 20,4 nghìn tấn, giảm 31,7% so tháng trước, giảm 8,7% so tháng cùng kỳ; bia các loại 1,33 triệu lít, giảm 25,0% so tháng trước, tăng 14,2% so tháng cùng kỳ; thuốc lá bao 15,7 triệu bao, giảm 18,1% so tháng trước, giảm 3,5% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 29 triệu cái, giảm 5,2% so tháng trước, tăng 26,3% so tháng cùng kỳ; giày, dép thể thao 11,4 triệu đôi, giảm 22,0% so tháng trước, tăng 34,5% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,22 triệu tấn, giảm 27,2% so tháng trước, tăng 11,8% so tháng cùng kỳ, sắt thép 145,7 nghìn tấn, giảm 11,2% so tháng trước, tăng 46,4% so tháng cùng kỳ; điện sản xuất 432 triệu kwh, giảm 24,7% so tháng trước, tăng 87,8% so tháng cùng kỳ; nước máy 2,96 triệu m3, giảm 7,3% so tháng trước, tăng 9,7% so tháng cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2022 dự kiến giảm 15,42% so với tháng trước, tăng81,57% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạotăng53,54% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2022 dự kiến tăng 4,80% so với tháng trước,tăng17,53% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 02/2022 dự kiến tăng 1,74% so với tháng trước, tăng 30,52% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,07% so với tháng trước,tăng22,71% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,22% so với tháng trước, tăng43,37% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,19% so với tháng trước, tăng 28,12% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 30,93% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng20,84%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng42,82%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 28,81% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Tháng Hai, sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các đơn vị xây lắp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung nguồn lực thi công các công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 02/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương đạt 473,8 tỷ đồng, giảm32,2% so tháng trước, tăng 4,6% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 190,7 tỷ đồng, giảm34,0% so tháng trước, tăng 2,3% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 150,2 tỷ đồng, giảm31,9% so tháng trước, tăng 5,9% so cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 132,9 tỷ đồng, giảm29,7% so tháng trước, tăng 6,4% so cùng kỳ.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 1.172,3 tỷ đồng, tăng 3,2% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 479,7 tỷ đồng, tăng0,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 370,7 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 321,9 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải, du lịch

4.1.Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Nhu cầu mua sắm của Nhân dân phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 chủ yếu trong tháng 01/2022; trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 nằm trọn trong tháng 02/2021; nên hoạt động bán lẻ hàng hóa tháng 02/2022 giảm so với tháng trước và giảm so với tháng cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hoátháng 02/2022 ước đạt 11.183 tỷ đồng, giảm21,1% so với tháng trước, giảm 1,1% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 5.754 tỷ đồng, giảm23,4% so tháng trước, tăng 6,5% so tháng cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 899 tỷ đồng, giảm29,5% so tháng trước, giảm 15,6% so tháng cùng kỳ; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 255 tỷ đồng, giảm29,5% so tháng trước, giảm 12,8% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 956 tỷ đồng, tăng 4,5% so tháng trước, tăng 4,3% so tháng cùng kỳ... Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 25.356 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 13.267 tỷ đồng, tăng 18,6%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 2.175 tỷ đồng, tăng 8,1%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 617 tỷ đồng, giảm 3,7%; xăng, dầu các loại 1.871 tỷ đồng, tăng 11,9%...

Để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, các doanh nghiệp thương mại, các thương nhân, tiểu thương trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập kết, dự trữ khối lượng lớn hàng hóa. Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đạt khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng.

Diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hoá trước, trong và sau Tết Nguyên đán không có nhiều biến động; hoạt động cung cầu hàng hóa trên thị trường diễn ra bình thường, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cục Quản lý Thị trường phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó tập trung vào một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận trong đo lường, đóng gói, tăng giá bất hợp lý để thu lợi bất chính, gây mất ổn định thị trường.

4.2.Hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống - du lịch lữ hành

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động bất lợi đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh; đặc biệt trong tháng 02/2022, hoạt động du lịch lữ hành tiếp tục ngừng hoạt động kinh doanh do nhu cầu của Nhân dân cũng như các quy định của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tháng Hai,doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 25,8 tỷ đồng, giảm 21,4% so với tháng trước, giảm 57,2% so với tháng cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 47,3 nghìn lượt khách, giảm 21,2% so với tháng trước, giảm 68,2% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 129 nghìn ngày khách, giảm 21,5% so với tháng trước, giảm 50,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 730,6 tỷ đồng, giảm 13,4% so với tháng trước, tăng 4,8% so với tháng cùng kỳ.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 58,7 tỷ đồng, giảm 75,0% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 107,2 nghìn lượt khách, giảm 82,7% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 293,3 nghìn ngày khách, giảm 72,2% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.574,4 tỷ đồng, giảm 1,7% sơ với cùng kỳ.

4.3.Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá xăng, dầu trong nước đã có lần tăng thứ năm liên tiếp và là đợt tăng thứ 4 trong năm 2022. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 965 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 25.531 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.285 đồng/lít;giá bán đối với mặt hàng dầu diesel lên 20.800 đồng/lít; dầu hỏa là 19.500 đồng/lít và dầu mazut là 17.930 đồng/kg. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm ngày 7/7/2014, xăng E5 RON 92 có giá 25.640 đồng/lít, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít). Giá một số loại thực phẩm tươi sống sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần tăng cao do nhu cầu tăng cao trong khi thiếu nguồn cung; giá một số loại vật liệu xây dựng, nhất là sắt, thép tăng cao là những nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2022 tăng 0,93% so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 1,47% so với tháng 12/2021 và tăng 1,25% so với tháng 01/2022. Có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,57% (lương thực tăng 0,65%, thực phẩm tăng 2,90%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,67%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,80%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm giao thông tăng 1,85%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,87%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%. Có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm:nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,18%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,30%; Ba nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng, không giảm là:nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2022tăng1,46% so với cùng kỳ (2 tháng đầu năm 2021 giảm0,39%).

Chỉ số giá vàng tháng 02/2022 tăng 1,39% so với tháng trước, giảm 2,27% so với tháng 02/2021; bình quân 2 tháng đầu năm 2022giảm2,92% so với  cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 02/2022 giảm 0,31% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 02/2022; bình quân 2 tháng đầu năm 2022giảm1,23% so với  cùng kỳ.

4.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Nhu cầu đi lại của Nhân dân trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tăng cao hơn các khoảng thời gian khác trong năm. Tuy nhiên, tháng Hai năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên vận tải hành kháchtăng so với tháng trước, nhưng giảmso với tháng cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay của các cơ sở sản xuất kinh doanh chủ yếu trong tháng 02/2022; hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh được khôi phục theo chủ trương thích ứng an toàn,nên vận tải hàng hóa tuy giảm so với tháng trước nhưng tăng so với tháng cùng kỳ năm trước.

Tháng Hai,doanh thu vận tải hành khách ước đạt 266,2 tỷ đồng, tăng 12,1% so tháng trước, giảm 24,9% so với tháng cùng kỳ, hành khách vận chuyển 1.774 nghìn người, hành khách luân chuyển 116.960 nghìn người.km; so với tháng trước, tăng 9,3% về hành khách vận chuyển, tăng 11,2% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 50,5% về hành khách vận chuyển, giảm 49,2% về hành khách luân chuyển. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 761 tỷ đồng, giảm 7,3% so với tháng trước, tăng 23,5% so tháng cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 5.053 nghìn tấn, hàng hóa luân chuyển 206.775 nghìn tấn.km; so với tháng trước, giảm 7,6% về hàng hóa vận chuyển, giảm 9,3% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 15,7% về hàng hóa vận chuyển, tăng 0,5% về hàng hóa luân chuyển. 

Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 503,7 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 3,4 triệu người, hành khách luân chuyển 222,2 triệu người.km, giảm 49,6% về hành khách vận chuyển, giảm 50,7% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.582,2 tỷ đồng, tăng 25,0% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 10,5 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 434,7 triệu tấn.km, tăng 8,8% về hàng hóa vận chuyển, giảm 2,1% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của Nhân dân và tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đối với hoạt động vận tải hành khách, ngày 27/01/2022, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn số 496/SGTVT-QLVT về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đối với hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; theo đó:

- Đối với hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh: Tiếp tục duy trì hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch từ Thanh Hóa đi/đến 28 tỉnh, thành phô, gồm: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Binh Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lắk, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và ngược lại theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa.

- Đối với hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh, gồm: Xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch; vận tải thủy nội địa: Tổ chức hoạt động theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.Người điều khiền, người phục vụ trên phương tiện phải thực hiện xét nghiệm định kỳ 02 lần/tuần và được tiêm đủ liều vắc xin từ 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ. Chỉ được chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).

- Đối với các địa bàn có cấp độ dịch cấp 4: Tiếp tục tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách (trừ trường hợp xe đưa đón công nhân, chuyên gia nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-l9 tỉnh, địa phương nơi đi, nơi đến). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua địa bàn có cấp độ dịch cấp 4 thì không được dừng, đỗ, đón trả khách.

Yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; đơn vị quản ly và khai thác bến xe khách: Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh. Thực hiện tốt thông điệp “5K”; lập danh sách hành khách, lưu trữ tại đơn vị tối thiểu 14 ngày đề phục vụ công tác truy vết phòng chống dịch.

Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.

Cảng hàng không Thọ Xuân; Chi nhánh vận tải đường sắt Bỉm Sơn; Ga Thanh Hóa, Ga Bỉm Sơn, Ga Minh Khôi tăng cường công tác giám sát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, kiểm soát sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19; yêu cầu hành khách thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và thông điệp “5K”; tổ chức giám sát dịch chặt chẽ, đảm bảo phát hiện sớm dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh để kịp thời bao vây, khoanh vùng xử trí.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải của các đơn vị vận tải, bến xe, phương tiện vận chuyển khách; khu vực Cảng hàng không Thọ Xuân, các ga đường sắt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật.

5. Một số tình hình xã hội

5.1.Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Cuối tháng 01 đầu tháng 02 năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình đời sống của Nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, dịch bệnh, gia đình hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công để đề xuất cứu trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói trong những ngày Tết, góp phần để Nhân dân được vui Xuân, đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, nên đời sống Nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Để tạo điều kiện cho gia đình chính sách, người có công với các mạng vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức các đoàn thăm và tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh đối với 193.515 lượt người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương, tổng kinh phí trên 58,6 tỷ đồng (tăng 457 lượt đối tượng và 173 triệu đồng so với kết quả thực hiện dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021).

Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội tháng 01 và tháng 02/2022 đối với 191.300 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí trên 207,2 tỷ đồng. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 71.253 người cao tuổi, tổng kinh phí trên 30,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong tháng đã thẩm định hồ sơ, chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận 10 đối tượng vào quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung. Có 05 huyện (Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, Quan Sơn, Mường Lát) và Hội Người mù tỉnh được hỗ trợ 316.575 kg gạo trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho 5.145 hộ với 21.105 nhâu khẩu;  04 huyện (Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân) và Hội Người mù tỉnh được hỗ trợ 348.750 kg gạo trong thời kỳ giáp hạt đầu năm 2022 cho 1.901 hộ với 9.811 nhân khẩu; tổng kinh phí thực hiện trên 9,4 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch xuất cấp kinh phí từ ngân sách huyện để hỗ trợ lương thực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, như: Huyện Yên Định hỗ trợ 10.000 kg gạo cho các khẩu nghèo và các hộ giáo xứ; huyện Như Xuân hỗ trợ cho 3.855 kg gạo cho 82 hộ, với 257 nhân khẩu.

Qua kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 tại Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bình quân 3,03 triệu đồng/người; Công ty cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 3,35 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh 6,1 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI là 3,81 triệu đồng/người. Mức thưởng cao nhất là 304,9 triệu đồng/người; thấp nhất là 100 nghìn đồng/người.

5.2. Lao động, việc làm

Trong tháng 02/2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 3.180 lao động trên địa bàn tỉnh; trong đó, đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 50 người. Tính chung 02 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 7.300 lao động; trong đó, đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 116 người.

Tình hình biến động lao động trong doanh nghiệp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022: Ngoài một số doanh nghiệp đăng ký hoạt động xuyên Tết (Xi măng Công Thanh, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măng Long Sơn, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty CP Cảng PTSC, Công ty Đại Dương, Công ty CP Gang Thép Nghi Sơn…), còn lại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 06 đến ngày 07/02/2022. Lao động quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 đạt khoảng 98%, đa số người lao động đều quay trở lại làm việc bình thường, không có tình trạng công nhân nghỉ việc nhiều, phần lớn doanh nghiệp không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Qua nắm bắt tại một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có khoảng hơn 1.000 lao động chưa đi làm trở lại do nghỉ phép, nghỉ bù, nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ điều trị Covid-19...Ngoài ra, có khoảng 220 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động sau tết Nguyên đán để mở rộng sản xuất kinh doanh với số lao động cần tuyển là 32.000 lao động.

5.3. Công tác tuyển quân

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có 3.895 công dân nhập ngũ, trong đó 3.500 công dân nhập ngũ vào 13 đơn vị Quân đội và 395 công dân nhập ngũ vào 5 đơn vị thuộc Bộ Công an. Chất lượng công dân nhập ngũ năm 2022 khá cao, sức khỏe loại 1 đạt 17%, loại 2 đạt 59%, loại 3 đạt 24%; trình độ văn hóa THPT đạt 74,6% và tốt nghiệp đại học, cao đẳng là 5,03%; đặc biệt có 38 đảng viên nhập ngũ, đạt 1,09%. Đúng 8 giờ 20 phút, ngày 16/02/2022, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trang nghiêm, buổi lễ giao nhận quân năm 2022 của tỉnh Thanh Hóa đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn, chặt chẽ từ việc giao nhận hồ sơ đến bàn giao từng công dân về các đơn vị nhanh, gọn, an toàn và đúng quy định. Các tân binh lên xe về đơn vị, phấn khởi tự hào tiếp bước truyền thống cách mạng, ra sức phấn đấu, học tập và rèn luyện để trở thành những quân nhân gương mẫu.

5.4. Y tế

Ngành Y tế tập trung triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân: các đơn vị y tế trong ngành đều đã lập kế hoạch đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Nhầm Dần năm 2022; các bệnh viện lập chế độ thường trực cấp cứu trong và ngoại viện đảm bảo đủ quân số, đúng chủng loại chuyên môn theo quy định, đảm bảo các chế độ cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú theo quy định của nhà nước. Các đơn vị đều tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, chủ động các phương án đáp ứng với các cấp độ dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly và điều trị phù hợp ngay khi phát hiện ca bệnh. Đảm bảo các loại thuốc hóa chất và phương tiện vật tư y tế sẵn sàng huy động được ngay sau khi có dịch bệnh và ngộ độc tập thể xảy ra.

Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch; các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng, giám sát phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đối với người bệnh, người nhà người bệnh đến khám, tư vấn, điều trị; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện. Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, thiết bị (nhất là máy thở, ô xy y tế), phương tiện cấp cứu để chủ động đáp ứng nhanh, kịp thời các tình huống điều trị người bệnh Covid-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ trong những ngày Tết. Sở Y tế cũng đã ban hành công văn số 285/SYT-QLD ngày 19/01/2022 về việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc và các cơ sở kinh doanh thuốc có kế hoạch dự trữ, đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Đồng thời cử cán bộ chuyên trách trực 24/24h trong các ngày nghỉ tết để theo dõi, nắm bắt tình hình, đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn. 

Công tác bảo đảm An toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022 được tăng cường, với mục tiêu kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022.Thực hiện Kế hoạch số 272/KH-BCĐ ngày 09/12/2021 của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh về việc kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2022[5].  

Công tác Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh Covid-19: Từ ngày 27/4/2021 đến 12h ngày 20/02/2022, toàn tỉnh Thanh Hoá ghi nhận 35.441 bệnh nhân Covid-19; số bệnh nhân điều trị khỏi được ra viện, chuyển viện 30.159 người; số bệnh nhân hiện đang điều trị 5.231 người; số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch 55 người; số bệnh nhân tử vong 51 người. Toàn tỉnh đã tiếp nhận 5.938.148 liều vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 99,66%; tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi đạt 98,3%; trẻ từ 12 đến dưới18 tuổi tiêm mũi 1 đạt tỷ lệ 99,3%; trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,6%; 372.852 người tiêm mũi bổ sung và 217.200 người tiêm mũi nhắc lại.Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đã triển khai tiêm chủng được 269.214/527.661 đối tượng, đạt tỷ lệ 51,0%.

Công tác khám chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn, ngộ độc: Theo tổng hợp của Sở Y tế từ báo cáo của các đơn vị gửi, thời gian từ 7h00 ngày 29/01/2022 đến 7h00 ngày 02/02/2022 (tức từ ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến ngày 02 tháng Giêng năm Nhâm Dần), trong 04 ngày nghỉ Tết Nguyên đán: Tổng số bệnh nhân cũ 2.421 người; số bệnh nhân đến khám bệnh tổng cộng là 5.944 người (trong đó có 3.488 lượt khám BHYT); bệnh nhân vào viện 2.786 người; bệnh nhân ra viện 4.446 người (tiên lượng tử vong xin về là 05 người); tổng bệnh nhân hiện tại đang nằm viện 2.862 người[6].

5.5. Giáo dục

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 07/02/2022, toàn tỉnh có 1.496 giáo viên (GV) và học sinh (HS) mắc Covid-19 (1.274 HS và 222 GV). Số HS vàGV mắc Covid-19 được xác định là do bị lây nhiễm trong thời gian từ thời điểm chuẩn bị nghỉ Tết Nguyên đán đến khi GV và HS trở lại trường. Dù nhiều nơi có số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhưng hiện tất cả cơ sở giáo dục trong tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức dạy học trực tiếp.

Sáng ngày 22/01/2022, Sở Giáo dục và Đạo tạo đã tổ chức hội nghị sơ kết học kỳ I, triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2021-2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Sở Giáo dục và Đạo tạo đến 27 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.Bước sang học kỳ II toàn Ngành xác định tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp để ứng phó trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông 2018” bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đặc biệt đối với lớp 2 và lớp 6; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần 2022, tối 5-2 (tức mùng 5 Tết Nhâm Dần), Hội Khuyến học (HKH) tỉnh Thanh Hoá phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá tổ chức Chương trình “Tết khuyến học” xứ Thanh; trao học bổng cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi; trao thưởng cho người lao động sáng tạo tiêu biểu. “Tết khuyến học” là dịp để vinh danh những đóng góp của các tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp khuyến học của tỉnh nhà, sự phát triển của quê hương; khen thưởng, động viên những HSSV vượt qua khó khăn vươn lên học giỏi, những HSSV đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện và những người lao động sáng tạo tiêu biểu. Tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đã trao biểu tượng trưng tặng 3.994 máy tính bảng và sim Vinaphone cho học sinh tỉnh Thanh Hóa theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng trao hỗ trợ, ủng hộ quỹ KH, KT của tỉnh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, HKH tỉnh trao thưởng cho 32 cán bộ, công nhân, người lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng “Bằng Lao động sáng tạo”; trao 10 suất học bổng cho HSSV từ Quỹ KHKT Lê Khả Phiêu; 14 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng từ Quỹ học bổng “Nâng cánh ước mơ” cho các em HSSV nghèo vượt khó, học giỏi và 25 suất học bổng từ Quỹ KH, KT Lam Sơn cho 25 em HSSV. Đại diện lãnh đạo HKH tỉnh trao biểu trưng Quỹ khuyến học tỉnh năm 2022 cho HKH các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trong tỉnh.

5.6. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chú trọng công tác quản lý, tổ chức lễ hội, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính; quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị chương trình nghệ thuật đón giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với chủ đề "Xuân quê hương", để tiết kiệm nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tại Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 06/01/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Báo Thanh Hóa đã thực hiện công tác xuất bản các ấn phẩm đặc biệt Mừng Đảng - Mừng xuân Nhâm Dần 2022; xuất bản và phát hành số báo Tết Dương lịch, số báo Thanh Hóa hằng tháng Xuân Nhâm Dần và số báo Xuân Nhâm Dần để phục vụ độc giả vui Xuân, đón Tết.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì ổn định thời lượng phát sóng các chương trình trước Tết, tăng cường các chương trình văn hóa, văn nghệ, giải trí; phân công cán bộ, phóng viên bám cơ sở phản ánh kịp thời tình hình đời sống và các hoạt động chuẩn bị đón Tết của Nhân dân; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức truyền hình trực tiếp các chương trình đặc sắc phục vụ Nhân dân như: Chương trình "Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương" vào ngày 22/01/2022, chương trình "Tết Sum vầy - Xuân Bình an" vào ngày 26/01/2022, Chương trình nghệ thuật chào Xuân Nhâm Dần 2022 "Xuân yêu thương" vào đêm Giao thừa.

- Từ 23h đến 0h ngày 01/02/2022 (Đêm giao thừa): Sở VHTTDL phối hợp với Đài PT&TH tổ chức phát sóng Chương trình nghệ thuật chào năm mới Nhâm Dần - 2022 với chủ đề " Xuân quê hương" trên đài PT&TH Thanh Hoá.

- Từ ngày 24/01/2022 - 20/02/2022: Thư viện tỉnh; Bảo tàng tỉnh, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu... tổ chức mở cửa đón khách và Nhân dân đến tham quan trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 các ngày trong tuần, hằng ngày mở cửa từ 6h30 đến 18h00'; Đảm bảo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19; phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự đối với nhân dân và khách du lịch.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Tết Nguyên đán Nhâm Dần, kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa được tổ chức với nội dung phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân và phòng, chống dịch Covid-19. 

5.7.Tai nạn giao thông

Tháng 02/2022, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể là thành viên Ban ATGT tỉnh và Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19 vì mục tiêu “An toàn cộng đồng - Tính mạng con người là trên hết”. Đồng thời, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT nhằm hạn chế, giảm tai nạn giao thông(TNGT) trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT; đồng thời đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông và đề ra các biện pháp khắc phục. Cùng với đó tiếp tục phối hợp thực hiện các kế hoạch, mệnh lệnh của Công an tỉnh về xử lý phương tiện vi phạm chở hàng hóa quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng để bảo đảm ATGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý người điều khiển xe tham gia giao thông trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn. Tháng 02/2022, thông qua tuần tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 7.542 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 9,57 tỷ đồng, tạm giữ 1.485 phương tiện (49 xe ô tô, 1.426 xe mô tô, 01 phương tiện thủy và 09 phương tiện khác), tước giấy phép lái xe 473 trường hợp.

Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, tháng 01/2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/01/2022), toàn tỉnh xảy ra 30 vụ TNGT, giảm 07 vụ so với tháng cùng kỳ; làm chết 18 người, tăng 01 người so với tháng cùng kỳ; bị thương 23 người, giảm 02 người so với tháng cùng kỳ. Riêg trong 03 ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 31/01/2022 đến ngày 02/02/2022, tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến ngày mồng Hai tháng Giêng năm Nhâm Dần) xảy ra 01 vụ TNGT làm chết 01 người, bị thương 01 người; địa bàn xảy ra TNGT tại huyện Triệu Sơn; so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu, giảm 02 vụ, giảm 02 người chết, bằng về số người bị thương.

5.8.Phòng chống cháy, nổ

Tháng 01/2022, xảy ra 07 vụ cháy[7], làm 03 người chết và 01 người bị thương, thiệt hại 206 triệu đồng (còn04 vụ đang thống kê). Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 58.490 lượt cơ sở, lập 58.490 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục 164.845 tồn tại, thiếu sót, phát hiện 1.409 sơ hở, thiếu sót. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 36 trường hợp, phạt tiền hơn 51,7 triệu đồng./.

 

Download fileTinh hinh KT-XH thang 02-2022 (xem); So lieu KT-XH thang 02-2022 (xem)

 


[1] Lúa 113.890 ha, đạt 99,9% kế hoạch; ngô 6.979 ha, đạt 48,1% kế hoạch; lạc 5.370 ha, đạt 82,6% kế hoạch; rau đậu các loại 9.361 ha, đạt 64,6% kế hoạch; cây trồng khác 11.315 ha, đạt 24,7% kế hoạch.

[2]Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn 263 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 199 nghìn tấn.

[3]Nhà máy sắn Bá Thước 46 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân 30 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh(Ngọc Lặc)82 nghìn tấn.Nhà máy sắn Bá Thước đã kết thúc vụ sản xuất.

[4] Diện tích ngô 14.536 ha, đạt 96,9% kế hoạch, giảm5,0%; diện tích khoai lang 2.299 ha, giảm18,6%; diện tích lạc 1.260 ha, đạt84,0% kế hoạch, giảm5,8%; diện tích rau các loại 21.767 ha, giảm6,9%; diện tích cây ớt 1.737 ha, tăng9,3%; diện tích cây ngô làm thức ăn gia súc 1.075 ha, giảm 16,1% so với vụ đông năm trước.

[5] Kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm các cơ sở trên địa bàn tỉnh trước Tết Nguyên đán như sau: Đoàn kiểm tra do Sở Y tế chủ trì: Kiểm tra 16 cơ sở, xử lý 01 cơ sở, số tiền 8 triệu đồng; Đoàn kiểm tra do Sở Công Thương chủ trì: Kiểm tra 24 cơ sở, xử lý 01 cơ sở, số tiền 4 triệu đồng; Đoàn kiểm tra do Sở NN&PTNT chủ trì: Kiểm tra 19 cơ sở, xử lý 02 cơ sở với số tiền 6 triệu đồng. Chi cục ATVSTP, Sở Y tế đã triển khai 01 đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra được 19 cơ sở, không xử lý cơ sở nào.

[6]Tai nạn giao thông 197 người(03 người tử vong trước viện, 01 người tiên lượng tử vong xin về, 01 người tử vong nội viện);tai nạn do đánh nhau 30 người;tai nạn sinh hoạt 72 người;ngộ độc thực phẩm 22 người; các đối tượng người bệnh khác 2.541 người; tổng số phẫu thuật cấp cứu86 ca; số ca mổ đẻ 164 ca.

[7]Huyện Ngọc Lặc 02 vụ, TP.Thanh Hóa, TP.Sầm Sơn, TX. Nghi Sơn, huyện Quảng Xương, huyện Cẩm Thủy mỗi nơi 01 vụ.

Cục Thống kê Thanh Hóa