Tình hình kinh tế xã hội tháng Năm và 5 tháng đầu năm 2022

 1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a)Sản xuất vụ chiêm xuân

Vụ chiêm xuân năm 2022 diễn ra trong điều kiện không thuận lợi như năm trước, đầu vụ có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống tăng cao; bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm cũng đã tác động đến tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân năm nay. Vì vậy, dự kiến năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay thấp hơn vụ chiêm xuân năm 2021 khoảng 2 tạ/ha.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/5/2022, cây lúa đang ở giai đoạn trỗ - chín, trà xuân sớm bắt đầu thu hoạch từ 15/5/2022; cây ngô đang giai đoạn trỗ cờ; các cây màu khác đang ra hoa đậu quả. Công tác phòng trừ sâu bệnh cuối vụ được kiểm soát, quản lý tốt. Các địa phương đang chuẩn bị các điều kiện, vật tư để triển khai sản xuất vụ thu mùa năm 2022 ngay sau khi thu hoạch xong cây trồng vụ chiêm xuân.

b) Chăn nuôi

Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2022, đàn lợn toàn tỉnh có 1.074,9 nghìn con, tăng 1,2% so với 01/4/2021; gia cầm 20,7 triệu con, tăng 5,1% so với 01/4/2021. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2022 đạt 38,1 nghìn tấn, tăng 8,8% so với quý I/2021; gia cầm giết bán thịt 18,2 nghìn tấn, tăng 9,4% so với quý I/2021.

Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1 năm 2022 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả đến ngày 15/5/2022, vắc xin cúm gia cầm 5.429.800 con, đạt 90,1% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 278.600 con, đạt 86,6% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 220.550 con, đạt 85,5% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 223.450 con, đạt 86,6% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 291.710 con, đạt 73,5% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 280.471 con đạt 70,6% diện tiêm; vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò 207.875 con, đạt 80,6% diện tiêm.

1.2.Lâm nghiệp

Tính đến ngày 15/5/2022, toàn tỉnh đã trồng được 3,6 triệu cây phân tán các loại; 3.600 ha rừng trồng tập trung. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường; không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Thời tiết thuận lợi, sản xuất thủy sản tháng 5/2022 tương đối ổn định. Ước tính tháng 5/2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 17.217 tấn, tăng7,3% so với tháng trước, tăng 3,0% so với tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 11.619 tấn, tăng7,6% so tháng trước và tăng2,3% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 5.598 tấn, tăng6,8% so với tháng trước và tăng4,5% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt81.727 tấn, giảm0,2% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 52.454 tấn, giảm3,3%; sản lượng nuôi trồng 29.273 tấn, tăng 5,9%.

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ trên địa bàn tỉnh, sản xuất công nghiệp tháng 5/2022 tiếp tục ổn định và phát triển, một số ngành công nghiệp chủ lực như: Sản xuất trang phục; giày, dép; xi măng; điện… tăng cao so với cùng kỳ. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 5/2022 tăng 6,54% so với tháng trước, tăng 21,56% so với tháng cùng kỳ[1]. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 18,35% so với cùng kỳ[2].

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 5/2022 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như sau: Xăng các loại 296 nghìn tấn, tăng 2,5% so tháng trước, tăng 19,8% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 398,7 nghìn tấn, tăng 3,4% so tháng trước, tăng 4,5% so tháng cùng kỳ; bia các loại 5,1 triệu lít, tăng 84,8% so tháng trước, tăng 15,4% so tháng cùng kỳ; thuốc lá bao 22,3 triệu bao, tăng 14,7% so tháng trước, tăng 17,1% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 42,6 triệu cái, tăng 9,9% so tháng trước, tăng 29,2% so tháng cùng kỳ; giày thể thao 15,4 triệu đôi, tăng 8,5% so tháng trước, tăng 37,1% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,8 triệu tấn, bằng tháng trước, tăng 18,6% so tháng cùng kỳ; sắt thép 243,4 nghìn tấn, tăng 3,6% so tháng trước, tăng 13,8% so tháng cùng kỳ; điện sản xuất 677 triệu kwh, tăng 34,7% so tháng trước, tăng 74,9% so tháng cùng kỳ; nước máy 4,6 triệu m3, tăng 2,4% so tháng trước, tăng 7,6% so tháng cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2022 dự kiến giảm 3,18% so với tháng trước, tăng 55,44% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 60,06% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2022 dự kiến tăng 10,35% so với tháng trước, tăng 43,12% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 5/2022 dự kiến tăng 1,70% so với tháng trước, tăng 28,03% so với tháng cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 28,01% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,46% so với tháng trước, tăng 25,18% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,84% so với tháng trước, tăng 28,76% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 28,94% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 23,94%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 34,60%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,86% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Tháng Năm, các đơn vị xây lắp tập trung nguồn lực thi công các công trình chuyển tiếp, công trình trọng điểm. Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng, giá xăng, dầu tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều công trình, dự án. Ước tính vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương tháng 5/2022 đạt 976,3 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước, tăng 6,1% so tháng cùng kỳ[3]. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 3.992,1 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ[4].

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1.Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 5/2022 ước đạt 11.586 tỷ đồng, tăng 3,0% so với tháng trước, tăng 20,5% so với tháng cùng kỳ năm trước[5]. Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 59.294 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước[6].

4.2.Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2022tăng0,34% so với tháng trước. Có 8/11 nhóm hàng hóa giá tăng so với tháng trước,gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng0,30% (lương thực giảm0,19%, thực phẩm tăng0,46%, ăn uống ngoài gia đình tăng0,12%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,20%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng0,10%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,59%; nhóm giao thông tăng2,24%;nhóm giáo dục tăng 0,01%;nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,14%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%.Hai nhóm hàng hóagiá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: Nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông. Duy nhấtnhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD giảm0,43%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2022 tăng 2,77% so với tháng12/2021 và tăng 2,33% so với tháng 5/2021. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu năm 2022tăng1,91% so với bình quân cùng kỳ năm trước (bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,01% so với bình quân cùng kỳ năm trước).

Chỉ số giá vàng tháng 5/2022giảm0,56% so với tháng trước, tăng 4,72% so với tháng 5/2021, bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,91% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹtháng 5/2022tăng 0,21% so với tháng trước, tăng0,04% so với tháng 5/2021, bình quân 5 tháng đầu năm 2022giảm0,66% so với bình quân cùng kỳ.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Tháng Năm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục ổn định, vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh tiếp tục được duy trì; vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân dần khôi phục trở lại như khi chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Tháng 5/2022,doanh thu vận tải hành khách ước đạt 296,8 tỷ đồng, giảm 1,1% so tháng trước, tăng 23,2% so tháng cùng kỳ, hành khách vận chuyển 2,0 triệu người, hành khách luân chuyển 133,6 triệu người.km; so với tháng trước, giảm 2,2% về hành khách vận chuyển, giảm 1,8% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 7,6% về hành khách vận chuyển, giảm 3,2% về hành khách luân chuyển. Doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 766,4 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước, tăng 18,9% so tháng cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 5,0 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 229,1 triệu tấn.km; so với tháng trước, tăng 1,1% về hàng hóa vận chuyển, tăng 1,2% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 15,5% về hàng hóa vận chuyển, tăng 7,9% về hàng hóa luân chuyển. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 259,5 tỷ đồng, tăng 1,2% so tháng trước, tăng 52,1% so tháng cùng kỳ. Doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 4,6 tỷ đồng, tăng 2,0% so tháng trước, tăng 27,7% so tháng cùng kỳ. 

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.352 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 9,2 triệu người, hành khách luân chuyển 604,5 triệu người.km, giảm 40,7% về hành khách vận chuyển, giảm 40,1% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 25,3 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 1.125,6 triệu tấn.km, tăng 8,8% về hàng hóa vận chuyển, tăng 3,2% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.338 tỷ đồng, tăng 55,1% so cùng kỳ; doanh thu bưu chính, chuyển phát ước đạt 22,1 tỷ đồng, tăng 24,0% so cùng kỳ.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, các ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng giảm mạnh so với các tháng đầu năm. Các điểm du lịch trong tỉnh đã hoạt động trở lại; khách tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay tại các điểm du lịch tăng cao so với năm trước.

Tháng 5/2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 308,3 tỷ đồng, tăng 52,5% so với tháng trước, gấp 2,1 lần tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.409 tỷ đồng, tăng 24,7% so với tháng trước, tăng 83,6% so tháng cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt gần15 tỷ đồng, tăng 63,5% so với tháng trước, gấp gần 3 lần tháng cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 981 tỷ đồng, giảm0,2% so tháng trước, tăng 10,9% so tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 613,4 tỷ đồng, giảm 5,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 4.712 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 26,4 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.686 tỷ đồng, tăng 15,3% so cùng kỳ.

5. Một số tình hình xã hội

5.1.Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Đời sống Nhân dân trên địa tỉnh cơ bản ổn định, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Trong tháng 5/2022, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi tháng đối với 70.431 người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tổng kinh phí trên 132 tỷ đồng; chi trả trợ cấp xã hội đối với 191.300 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí trên 103,6 tỷ đồng.

5.2. Lao động, việc làm

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, thúc đẩy phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; trong đó,chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tổ chức 04 phiên giao dịch việc làm (02 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm, 02 phiên giao dịch việc làm lưu động tại huyện Hà Trung và huyện Quan Hóa), với 56 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia; qua đó đã kết nối việc làm thành công cho 460 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, xuất khẩu lao động và học nghề.Tiếp tục thực hiện tốt việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trợ cấp thất nghiệp của người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh, trong tháng đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 1.615 lao động; thực hiện cấp mới giấy phép cho 88 lao động và cấp lại giấy phép cho 02 lao động nước ngoài đến làm việc tại tỉnh theo đúng quy định.

Tháng 5/2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 5.850 lao động, trong đó, đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 881 người.Tính chung 05 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 24.610 lao động, trong đó, đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 1.635 người.

5.3. Y tế

Ngành Y tế tiếp tục triển khai Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh về Tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2022; Văn bản 1277/QĐ-UBND ngày 14/04/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Văn bản 1909/BYT-DP ngày 15/04/2022 của Bộ y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần. Chủ động giám sát các bệnh dịch phát sinh trong mùa Xuân Hè, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, cúm, sởi, Rubella, thủy đậu... Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Lũy kế đến ngày 08/5/2022 có 02 ca sốt xuất huyết, 32 ca bệnh tay chân miệng, 01 ca dại (tử vong 01), 02 ca viêm gan B, 03 ca viêm não do vi rút khác.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19: Lũy tích số ca mắc Covid-19 đến ngày 22/5/2022 là 198.369 người, số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, ra viện, chuyển viện là 198.290 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị là 04 người, không có bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch, số bệnh nhân tử vong cộng dồn là 75 người. Tính đến ngày 21/5/2022, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 là 100%;  đủ mũi là 99,2%; tỷ lệ trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 100%, đủ mũi là 100%. Đã có 2.405.323 người tiêm mũi bổ sung, nhắc lại (433.930 người tiêm mũi bổ sung và 1.971.393 người tiêm mũi nhắc lại); 125.132/471.646 trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, đạt tỷ lệ 26,1%; có 65 trẻ tiêm mũi 2.

5.4. Giáo dục

Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện và hoàn thành chương trình dạy và học; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục học kỳ II và cả năm, năm học 2021 - 2022; tổ chức xét, công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài thi cho học sinh dự thi, chú trọng đến học sinh có học lực yếu và hoàn chỉnh hồ sơ cho học sinh lớp 9, lớp 12 theo đúng quy định.

Ngày 28/3/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1049/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá với điểm mới năm nay; theo đó, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 02 nguyện vọng, gọi là nguyện vọng 1 (NV1) và nguyện vọng 2 (NV2) vào các trường THPT công lập tại các huyện, thị xã, thành phố, nơi học sinh có hộ khẩu thường trú hoặc tại địa phương khác phù hợp với điều kiện sinh sống và năng lực học tập của học sinh. Trong thời gian đăng ký dự thi, thí sinh được 01 lần thay đổi nguyện vọng.Học sinh đăng ký và dự thi tại trường có NV1,nếu học sinh đăng ký NV1, NV2 tại trường ở địa phương khác nơi có hộ khẩu thường trú thì khi nhập học phải viết giấy cam kết học tại trường đến hết cấp học. Lịch thi tuyển vào 02 ngày 17 và 18/6/2022; ngày 23 và 24/6/2022 công bố công khai Bảng điểm ghi điểm thi; ngày 26/6/2022 công bố điểm chuẩn NV1, danh sách thí sinh trúng tuyển NV1; từ ngày 27-29/6/2022 thực hiện xét tuyển lần 2 (NV2).  

Kỳ thi Olympic Toán Quốc tế năm 2022 sẽ được tổ chức vào tháng 7/2022 tại Na Uy. Thanh Hoá có em Nguyễn Đại Dương, học sinh lớp 12T2, Trường THPT Chuyên Lam Sơn đã vượt qua vòng tuyển chọn để lọt vào đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin - Truyền thông tiếp tục tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức tuyên truyền có hiệu quả các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh như: Kỷ niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu; Ngày Quốc tế Lao động 01/5; 68 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5); kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của Ngành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 01/01/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về Đất và Người xứ Thanh...; góp phần nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tại kỳ SEA Games lần thứ 31 tổ chức tại Việt Nam, thể thao Thanh Hóa đóng góp 4 HLV[7] và 19 VĐV[8] thi đấu ở 14 môn. Đây là kỳ SEA Games mà thể thao Thanh Hóa có số lượng HLV, VĐV tham gia đông nhất từ trước tới nay với hy vọng sẽ giành được thành tích cao hơn so với kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trước đó. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tổ chức gặp mặt, tặng quà cho các HLV, VĐV của Thanh Hóa trước khi lên đường tham dự SEA Games 31.

Tính từ ngày 01/01/2022 đến nay, VĐV các môn thể thao đã thi đấu 25 giải (02 giải vô địch quốc gia; 02 giải quốc tế; 18 giải cúp, câu lạc bộ và các giải khác), đạt 147 huy chương các loại, gồm 43 HCV, 37 HCB, 67 HCĐ.

5.6.Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 5/2022 xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9 người, bị thương 24 người; so với tháng cùng kỳ, giảm 03 vụ, bằng về số người chết, giảm 01 người bị thương. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 14/5/2022, trên địa bản tỉnh xảy ra 138 vụ tai nạn giao thông, làm chết 63 người, bị thương 118 người; so với cùng kỳ, giảm 30 vụ, giảm 05 người chết, giảm 06 người bị thương.

5.7.Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

- Môi trường: Tháng 4/2022, phát hiện 37 vụvi phạm về môi trường[9](xử lý hành chính 31 vụ, khởi tố 01vụ, đang điều tra 05 vụ), tăng 08 vụ so với tháng trước; phạt tiền vi phạm338,2 triệu đồng. Tính chung 4 tháng  đầu năm 2022, toàn tỉnh phát hiện 224 vụ vi phạm môi trường, số tiền phạt vi phạm 3.112,2 triệu đồng.

- Cháy, nổ: Tháng 4/2022, xảy 04 vụ cháy[10],không có người chết và bị thương, thiệt hại 40 triệu đồng và 03 vụ đang thống kê. Trong tháng 4/2022, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 510 lượt cơ sở, lập 510 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục 1228 tồn tại, thiếu sót. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 18 trường hợp, phạt tiền hơn 394,9 triệu đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 37 vụ cháy làm 06 người chết và 02 người bị thương, thiệt hại 1.282 triệu đồng./.

Download file:   BC KT-XH thang 5-2022 (xem) ; SL KT-XH thang 5-2022 (xem).

 


[1] Công nghiệp khai khoáng tăng 5,92% so với tháng trước, giảm 8,92% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,66% so với tháng trước, tăng 20,37% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 23,85% so với tháng trước, tăng 47,57% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,24% so với tháng trước, tăng 9,73% so với tháng cùng kỳ.

[2] Công nghiệp khai khoáng tăng 3,60%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,34%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 39,54%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,18% so với cùng kỳ.

[3]Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 406,2 tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước, giảm 2,1% so tháng cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 314,7 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước, tăng 11,5% so tháng cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 255,4 tỷ đồng, tăng 1,7% so tháng trước, tăng 14,3% so tháng cùng kỳ.

[4]Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.648,7 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 1.282,3 tỷ đồng, tăng 14,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 1.061,2 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ.

[5] Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 5.210 tỷ đồng, tăng 1,9% so tháng trước, tăng 21,4% so tháng cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.194 tỷ đồng, tăng 3,5% so tháng trước, tăng 8,4% so tháng cùng kỳ; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 273 tỷ đồng, tăng 5,1% so tháng trước, tăng 10,6% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 1.499 tỷ đồng, tăng 7,4% so tháng trước, tăng 49,7% so tháng cùng kỳ...

[6] Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 28.478 tỷ đồng, tăng 16,2%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 5.820 tỷ đồng, tăng 12,5%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 1.388 tỷ đồng, tăng 2,1%; xăng, dầu các loại 6.345 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ...

[7]4 HLV của Thanh Hóa gồm: Trần Văn Sỹ (điền kinh), Nguyễn Văn Hùng (Pencak Silat), Phạm Tuấn Anh (lặn) và Nguyễn Đình Hùng (vật).

[8]19 VĐV của Thanh Hóa, bộ môn điền kinh có số lượng đông nhất với 4 gương mặt gồm Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Lê Văn Thao. Bộ môn lặn có 2 VĐV gồm Cao Thị Duyên và Hoàng Thị Trang. Taewkondo có 2 VĐV gồm Nguyễn Thị Hương và Phạm Ngọc Châm. Các bộ môn có 1 VĐV gồm: Bơi với VĐV Phạm Thị Vân, Muay với VĐV Nguyễn Thị Phương Hậu, Vovinam với VĐV Lê Thị Hiền, Vật với VĐV Đặng Thị Linh, Judo với Hoàng Thị Tình, Boxing với ĐV Trần Thị Linh, Cầu mây với VĐV Lê Anh Tuấn, Xe đạp với VĐV Nguyễn Hữu Sang, Pencak Silat với VĐV Vũ Văn Kiên, Bắn cung với VĐV Nguyễn Minh Quý, 3 môn phối hợp với VĐV Hà Văn Nhật.

[9] Huyện Bá Thước 04 vụ; huyện Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Như Xuân, TX.Bỉm Sơn mỗi nơi03 vụ; TP. Sầm Sơn, Thọ Xuân, Thạch Thành mỗi nơi 02 vụ; huyện Quan Hóa, Yên Định,Triệu Sơn, Thường Xuân mỗi nơi 01 vụ.

[10]TP.Thanh Hóa 02 vụ; TX.Bỉm Sơn, TP.Sầm Sơn mỗi nơi 01 vụ. 

Cục Thống kê Thanh Hóa