Tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2023

Quý I năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi và đạt kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực; song, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép từ các yếu tố bên ngoài và những bất cập nội tại của nền kinh tế như chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp và chủ yếu dựa vào các yếu tố tăng quy mô, vốn đầu tư, khai thác tài nguyên…; sức ép lạm phát còn cao, rủi ro nợ xấu gia tăng.

Trong bối cảnh đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực ngay từ đầu năm với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt lên khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính quý I năm 2023 tăng 6,21% so với cùng kỳ năm trước[1]; trong đó: ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,22%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 5,66% (riêng công nghiệp tăng 5,79%); các ngành dịch vụ tăng 10,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 4,08%; kết quả cụ thể trên từng ngành, lĩnh vực chủ yếu như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Kết quả sản xuất vụ đông

Vụ đông 2022 - 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, duy trì các chính sách hỗ trợ sản xuất đối với các hộ nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã; tạo động lực tích cực cho sản xuất vụ đông. Tuy nhiên, do thiếu lao động, giá một số loại vật tư thiết yếu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao, thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp khó khăn. Vì vậy, diện tích các loại cây trồng vụ đông năm nay tuy vượt kế hoạch nhưng thấp hơn so với vụ đông năm trước. Tổng diện tích gieo trồng 47.035 ha, vượt 2,3% kế hoạch, giảm 0,5% so với vụ đông 2021 - 2022[2]. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong các cây trồng vụ đông. Năng suất một số loại cây trồng chính như sau: Ngô 48,4 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với cùng kỳ; khoai lang 77,3 tạ/ha, giảm 0,1 tạ/ha; khoai tây 144,3 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; lạc 21,4 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha; rau các loại 132,2 tạ/ha, giảm 0,2 tạ/ha; ớt cay 114,6 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với vụ đông năm trước. Sản lượng lương thực có hạt đạt 63,5 nghìn tấn, giảm 9,6% (giảm 6,8 nghìn tấn) so với vụ đông năm 2021 - 2022.

b) Sản xuất vụ chiêm xuân

Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3/2023, toàn tỉnh đã gieo trồng được 176.482 ha các loại cây trồng vụ chiêm xuân[3], đạt 91,9% kế hoạch và bằng 95,6% so với cùng thời điểm năm ngoái. Cùng thời điểm này, diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch 13.500 ha, đạt 96,2% kế hoạch; các nhà máy chế biến đường đã thu mua được 555 nghìn tấn mía[4]; các nhà máy chế biến tinh bột sắn thu mua được 186,8 nghìn tấn sắn nguyên liệu[5].

Thời tiết thuận lợi; các cấp, các ngành tích cực chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân tiếp tục gieo trồng các loại cây trồng vụ chiêm xuân trong khung thời vụ còn lại; chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất; tăng cường theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời; tiếp tục thu hoạch mía, sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn.

c) Chăn nuôi

Chăn nuôi tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và động vật. Quý I/2023, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 70,0 nghìn tấn, tăng 4,8% so với quý I/2022[6]; sản lượng trứng gia cầm 63,5 triệu quả, tăng 10,5% so cùng kỳ; sản lượng sữa bò tươi 8,15 nghìn tấn, tăng 0,9% so cùng kỳ.

Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt I năm 2023 cho đàn gia súc, gia cầm. Theo báo cáo tiến độ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả đến ngày 16/3/2023 như sau: Vắc xin cúm gia cầm 877,3 nghìn con, đạt 14,55% diện tiêm; vắc xin dại cho chó, mèo 207,1 nghìn con, đạt 64,45% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 80,57 nghìn con, đạt 31,24% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 80,67 nghìn con, đạt 31,28% diện tiêm; vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò 55,07 nghìn con, đạt 21,35% diện tiêm vắc xin dịch tả lợn 49,85 nghìn con, đạt 12,67% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 44,18 nghìn con, đạt 11,23% diện tiêm.

1.2. Lâm nghiệp

Thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023; đồng thời triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đã chuẩn bị hiện trường, cây giống, vật tư, nhân lực bảo đảm phục vụ Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2023. Trong quý I/2023, toàn tỉnh đã trồng được trồng rừng tập trung 2.250 ha, đạt 22,5% kế hoạch, tăng 14,1% so cùng kỳ; 3.450 nghìn cây phân tán, tăng 18,2% so cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 40 nghìn ha, đạt 100,0% kế hoạch và bằng cùng kỳ. Khai thác lâm sản: Gỗ 246,5 nghìn m3, đạt 26,2% kế hoạch, tăng 4,3% so cùng kỳ; tre, luồng 21,3 triệu cây, đạt 34,3% kế hoạch, tăng 3,0% so cùng kỳ; nguyên liệu giấy 24,0 nghìn tấn, đạt 29,7% kế hoạch, tăng 5,0% so cùng kỳ; củi 340,0 nghìn ste, tăng 1,9% so cùng kỳ.

Trong quý I/2023, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường; không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Những tháng đầu năm 2023 thời tiết tương đối thuận lợi; sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều địa phương tổ chức ra quân đánh bắt sớm. Quý I/2023, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt; giá xăng, dầu ổn định; nên khai thác thủy sản biển tăng khá so với cùng kỳ (quý I/2022, do chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng, dầu lên cao nên khai thác thủy sản biển, nhất là khai thác xa bờ gặp nhiều khó khăn). Sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản quý I/2023 ước đạt 51.046 tấn, đạt 24,2% kế hoạch năm, tăng 5,2% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 18.659 tấn, tăng 1,0%; sản lượng khai thác 32.387 nghìn tấn, tăng 7,8%.

2. Sản xuất công nghiệp

Quý I/2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tuy nhiên, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp sự cố rò rỉ tại khớp nối giãn nở nhiệt giữa tháp tái sinh xúc tác tầng 1 và 2 của phân xưởng RFCC (cracking xúc tác tầng sôi), nhà máy phải giảm công suất vận hành xuống 85% trong nửa đầu tháng Một; sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; sản xuất trang phục, giày dép gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; sản xuất xi măng, sắt thép tiêu thụ chậm, tồn kho lớn; làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2023 tăng thấp so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 3/2023 tăng 10,73% so với tháng trước, tăng 5,12% so với tháng cùng kỳ[7]. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,55% so với cùng kỳ[8].

Một số sản phẩm chủ yếu quý I/2023 so với cùng kỳ như sau: Xăng các loại 698,8 nghìn tấn, tăng 36,5%; dầu diesel 1.031,1 nghìn tấn, tăng 39,3%; đường kết tinh 33,8 nghìn tấn, giảm 46,4%; bia các loại 5,3 triệu lít, tăng 9,1%; thuốc lá bao 59,4 triệu bao, tăng 20,4%; quần áo các loại 101 triệu cái, tăng 5,6%; giày dép thể thao 43 triệu đôi, tăng 5,8%; xi măng 3,52 triệu tấn, giảm 23,9%; clinker 2 triệu tấn, giảm 32,3%; sắt, thép 538,6 nghìn tấn, tăng 7,3%; điện sản xuất 1.361 triệu kwh, giảm 12,9%; nước máy 12,5 triệu m3, tăng 3,4%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 dự kiến tăng 8,53% so với tháng trước, giảm 11,00% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,74% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2023 dự kiến tăng 11,87% so với tháng trước, tăng 29,30% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2023 dự kiến tăng 1,50% so với tháng trước, giảm 8,60% so với tháng cùng kỳ[9]. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 9,41% so với cùng kỳ[10].

3. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quý I/2023, giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện thi công xây dựng của nhiều dự án chậm; ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng và kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Quý I/2023, các chủ đầu tư và nhà thầu chủ yếu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn quý I/2023 ước đạt 32.526 tỷ đồng, đạt 23,2% kế hoạch năm, tăng 1,8% so với cùng kỳ[11]; trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 1.692 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch, giảm 17,4% so cùng kỳ năm trước[12].

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I/2023 ước đạt 10.382 tỷ đồng, đạt 29,1% dự toán tỉnh giao, giảm 20,4% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 6.232 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán, giảm 25,1% so cùng kỳ[13]; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 4.150 tỷ đồng, đạt 30,0% dự toán, giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Tổng chi ngân sách địa phương quý I/2023 ước đạt 11.911 tỷ đồng, đạt 29,4% dự toán, tăng 1,1% so cùng kỳ[14].

5. Tín dụng, ngân hàng

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, ước tính đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 143.800 tỷ đồng, tăng 3,2% so với 31/12/2022; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 177.051 tỷ đồng, tăng 0,7% so với 31/12/2022, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 53,1% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng VND chiếm 98,6% tổng dư nợ.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các doanh nghiệp, nhà phân phối có tỷ trọng thương mại lớn tham gia cung cấp, dự trữ hàng hóa, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Các loại hàng hóa được bày bán đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, không xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá, đứt gãy nguồn cung hàng và có sự tăng trưởng về sức mua.

Tháng Ba, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 10.199 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 11,8% so với tháng cùng kỳ. Quý I/2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 32.315 tỷ đồng, tăng 11,2% so cùng kỳ; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 14.257 tỷ đồng, tăng 12,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 3.650 tỷ đồng, tăng 11,7%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 1.390 tỷ đồng, tăng 0,8%; xăng, dầu các loại 3.933 tỷ đồng, tăng 22,6%...

6.2. Hoạt động lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác

Quý I/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao so với cùng kỳ (quý I/2022, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch lữ hành ngừng hoạt động kinh doanh theo các quy định của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

Tháng Ba, doanh thu dịch vụ lưu trú 224,4 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống 1.456,8 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành 8,4 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác 1.376 tỷ đồng, giảm 0,5% so cùng kỳ.

Quý I/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 658,5 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 1.436,7 nghìn lượt khách, gấp 4,65 lần so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 2.814,5 nghìn ngày khách, gấp 4,58 lần so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 4.143,8 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 21,5 tỷ đồng, gấp 9,5 lần so với cùng kỳ; số lượt khách du lịch theo tour đạt 17,4 nghìn lượt khách, gấp 10,4 lần so với cùng kỳ; số ngày khách du lịch theo tour đạt 47,1 nghìn ngày khách, gấp 10,9 lần so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 4.073,6 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước.

6.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 tăng 5,13% so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 0,23% so với tháng 02/2023, bình quân 3 tháng đầu năm 2023 tăng 6,13% so với bình quân cùng kỳ năm trước (3 tháng đầu năm 2022 tăng 1,65%). Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,42%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,30%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,49%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,09%; nhóm bưu chính viễn thông  tăng 0,01%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,41%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,58%. 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm so với tháng trước, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,47% (lương thực tăng 1,24%, thực phẩm giảm 0,96%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,09%; nhóm giao thông giảm 0,10%; nhóm giáo dục giảm 3,31%.

Chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 1,02% so với tháng trước, giảm 2,22% so với tháng 3/2022, bình quân 3 tháng đầu năm 2023 giảm 0,01% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,56% so với tháng trước, tăng 3,78% so với tháng 3/2022, bình quân 3 tháng đầu năm 2023 tăng 3,70% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

6.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Quý I năm nay, giá xăng, dầu tương đối ổn định; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt; nên hoạt động vận tải, kho bãi, bốc xếp và chuyển phát nói chung, vận tải hành khách nói chung tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Tháng Ba, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.675,3 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 33,5% so với cùng kỳ[15]; hành khách vận chuyển đạt 3,3 triệu người, hành khách luân chuyển đạt 215,5 triệu người.km; so với tháng trước, giảm 0,1% về hành khách vận chuyển, tăng 4,2% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ, tăng 61,7% về hành khách vận chuyển, tăng 61,9% về hành khách luân chuyển; hàng hóa vận chuyển đạt 5,97 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 263,8 triệu tấn.km; so với tháng trước, tăng 1,7% về hàng hóa vận chuyển, tăng 0,8% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ, tăng 20,1% về hàng hóa vận chuyển; tăng 18,1% về hàng hóa luân chuyển.

Quý I/2022, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.982,4 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 71,6% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 10,1 triệu người, hành khách luân chuyển 655,8 triệu người.km; tăng 66,2% về hành khách vận chuyển, tăng 67,3% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 2.744 tỷ đồng, tăng 27,0% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 18,8 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 779,8 triệu tấn.km, tăng 30,0% về hàng hóa vận chuyển, tăng 27,4% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 920,5 tỷ đồng, tăng 28,2% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 17,7 tỷ đồng, tăng 37,0% so với cùng kỳ năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh quý I/2023 nhìn chung ổn định. Các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân được giải quyết kịp thời, đúng quy định. Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chi trả trợ cấp ưu đãi quý I năm 2023 đối với gần 68.000 người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện trên 383,1 tỷ đồng; 199.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, tổng kinh phí thực hiện mỗi tháng trên 100 tỷ đồng. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 67.054 người cao tuổi, tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công và hộ gia đình người có công tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; kinh phí thực hiện 202,5 triệu đồng. Các cấp, các ngành huy động từ nguồn xã hội hóa 580.148 suất quà, trị giá 381,85 tỷ đồng (tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022), tặng cho các đối tượng hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo... Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có 189.618 lượt người có công với cách mạng được nhận quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, với tổng kinh phí trên 57,3 tỷ đồng (trong đó, trao tặng quà của tỉnh cho 94.888 đối tượng, với kinh phí trên 28,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương (ngân sách huyện, xã) và hỗ trợ 52.720 suất quà, trị giá gần 15 tỷ đồng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm để trao tặng cho người có công với cách mạng.

UBND tỉnh đã bố trí 6,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 470.310 kg gạo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ giát hạt năm 2023 cho 3.704 lượt hộ/22.017 lượt nhân khẩu tại 03 huyện (Quan Hóa, Thường Xuân, Mường Lát) và 01 đơn vị (Hội người mù tỉnh). Bên cạnh đó, một số địa phương đã xuất cấp kinh phí từ ngân sách huyện để hỗ trợ lương thực cho người dân có hoàn cảnh khó khăn (huyện Thọ Xuân hỗ trợ 225 kg gạo cho 14 hộ/15 nhân khẩu, huyện Như Xuân hỗ trợ 700 kg gạo cho 24 hộ/70 nhân khẩu).

7.2. Lao động, việc làm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý I/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyển sinh là 13.800 người (bằng 16,6% kế hoạch năm; tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, hướng dẫn các các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy theo quy định.

Trong quý I/2023, toàn tỉnh tạo việc làm cho 13.500 lao động (đạt 23,3% kế hoạch năm và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, đưa đi làm việc ở nước ngoài 1.513 lao động (đạt 30,3% kế hoạch năm và gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022). Bên cạnh đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã cung cấp thông tin về thị trường lao động và các chính sách liên quan cho 25.100 lượt người lao động; tổ chức tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và các chính sách liên quan cho 12.948 lượt lao động. Cấp mới giấy phép cho 183 lao động, cấp lại cho 11 lao động, gia hạn cho 53 lao động nước ngoài làm việc tại Thanh Hóa theo quy định; trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.048 lao động theo quy định.

7.3. Công tác tuyển quân

Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 3.505 thanh niên (trong đó có 5 nữ) nhập ngũ. Điều đáng ghi nhận, trong số các công dân nhập ngũ đợt này, số Đảng viên tham gia nhập ngũ vượt trội so với các năm trước. Đảng viên tham gia nhập ngũ đạt hơn 6%, đặc biệt có tới gần 1.000 thanh niên đã học lớp nhận thức về Đảng; trên 700 thanh niên viết đơn đăng ký tình nguyện vào quân ngũ với mong muốn được làm người lính Cụ Hồ, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thanh niên đã tốt nghiệp THPT hơn 70%, tốt nghiệp Đại học Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp đạt gần 6%; hơn 180 thanh niên có trình độ Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Đúng 8 giờ, ngày 06/02/2023, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trang nghiêm, buổi lễ giao nhận quân năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn, chặt chẽ từ việc giao nhận hồ sơ đến bàn giao từng công dân về các đơn vị nhanh, gọn, an toàn và đúng quy định.

7.4. Y tế

Quý I năm 2023, ngành Y tế tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; Nâng cao chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã; nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, cải cách hành chính, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển ngành y tế; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ và số năm sống khỏe của người dân góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động y tế; phát triển hệ thống y tế theo hướng tiên tiến, hiện đại; đảm bảo người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, hướng tới mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao và được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất, tinh thần; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Tính từ đầu năm đến ngày 05/3/2023, trên địa bàn tỉnh phát sinh 11 ca sốt xuất huyết, 02 ca sởi, 04 ca bệnh tay chân miệng, 01 ca viêm gan vi rút B, 05 ca viêm não do vi rút khác. Các dịch bệnh khác có số ca mắc mới thấp. Công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh. Lũy kế số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện đến nay là 8.993 người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống, được quản lý là 4.541 người. Hiện có 4.060 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV tại 34 cơ sở điều trị. Toàn tỉnh đã triển khai cung cấp dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 27 cơ sở điều trị và 17 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện. Số bệnh nhân hiện đang điều trị bằng thuốc Methadone là 2.009 bệnh nhân. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 03 phòng khám tư nhân cho 1.008 khách hàng.

Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh dịch khác, ngành Y tế đã triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ường, của tỉnh[16]. Bên cạnh đó, tham mưu xây dựng Báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tình hình dịch Covid-19: Lũy tích số ca mắc Covid-19 đến 12/3/2023 là 205.891 người, số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, ra viện, chuyển viện là 205.814 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị là 0 người, số tử vong cộng dồn là 77 người. Tỷ lệ mắc tại tỉnh Thanh Hóa 5,3% (cả nước 11,69%), tỷ lệ tử vong 0,036% (cả nước 0,374%). Kết quả tiêm chủng vắc xin phòng, chống Covid-19 tính đến ngày 12/03/2023: Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 là 100,1%; đủ mũi là 99,34%. Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 là 97,1%; nhắc lại lần 2 là 99,4%. Tỷ lệ trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1 là 100%, đủ mũi là 100%. Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại là 89,6%.  Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 là 99 %, mũi 2 là 92,9%.

7.5. Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học kỳ I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II năm học 2022 - 2023. Tổ chức thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, khối THCS có 1.240 thí sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 54,94%; khối THPT có 2.082 thí sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 54,30%; khối giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có 127 thí sinh đạt giải, đạt tỷ lệ 50,40%. Tổ chức Kỳ khảo sát chất lượng lớp 12 (lần 1) năm học 2022 - 2023 trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 27-28/02/2023. Số đơn vị đăng ký tham dự khảo sát 127 đơn vị, với 1.618 phòng khảo sát. Học sinh (HS) đăng ký dự khảo sát 09 môn[17]. Tính đến cuối tháng 02/2023, toàn tỉnh có 25.000/28.000 phòng học kiên cố (đạt tỷ lệ 89,29%); 100% các trường tiểu học, THCS được trang cấp thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình GDPT 2018.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2022 - 2023 tỉnh Thanh Hóa có 61/78 học sinh đoạt giải (chiếm tỷ lệ 78,21%), trong đó có 03 giải nhất. Thanh Hóa vinh dự có 06 học sinh sinh lọt vào vòng 2 chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế.

7.6. Văn hoá - Thể dục thể thao

Quý I/2023, ngành Văn hoá - Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ chính trị của tỉnh[18]; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị vị triển khai công tác tuyên tuyền mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão năm 2023 và các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết; tuyên truyền kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023); hướng dẫn tuyên truyền và tham mưu ban hành các văn bản triển khai và tổ chức thành công Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2023, Kỷ niệm 1775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Đền Bà Triệu với quy mô cấp tỉnh; ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và tổ chức tập huấn cho các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, năm 2023; phối hợp với UBND huyện Như Xuân tham tham gia Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 10-12/02/2023. Tổ chức đợt phim Mừng Đảng, Mừng Xuân Quý Mão - 2023, chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947 - 20/02/2023); Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023); lồng ghép tuyên truyền kỷ niệm 113 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2023); lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, công tác bình đẳng giới, phòng chống tham nhũng; lồng ghép tuyên truyền phòng chống ma tuý, HIV, AIDS, mại dâm, mua bán người… Triển khai 10 chương trình sưu tầm, biên soạn, biên tập, dựng phim và lồng tiếng dân tộc vào phim. Kết quả cụ thể, đã tổ chức 320 buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ 172.500 lượt người xem.

Tính từ ngày 01/01/2023 đến ngày 10/3/2023, VĐV các môn thể thao thành tích cao đã thi đấu 04 giải, đạt 19 huy chương các loại (01 HCV, 02 HCB, 16 HCĐ). Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa tham gia thi đấu 04 trận tại giải vô địch Quốc gia được 08 điểm, tạm xếp vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng.

7.7. Tai nạn giao thông

Những tháng đầu năm 2023 các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể là thành viên Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT trong quần chúng Nhân dân. Các lực lượng chức năng tiếp tục huy động lực lượng, trang thiết bị tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép; phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu chú ý quan sát, đi lấn làn đường; sử dụng rượu bia, chất kích thích, ma túy điều khiển phương tiện tham gia giao thông... Ban ATGT các huyện, thị xã giao cho chính quyền cấp xã và lực lượng công an xã tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các vi phạm đối với vi phạm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT...

Tháng 3/2023 (tính từ ngày 15/02/2023 đến ngày 14/3/2023), toàn tỉnh xảy ra 20 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 17 người; so với tháng trước giảm 20,0% về số vụ (giảm 5 vụ), giảm 21,4% về số người chất (giảm 3 người), giảm 19,0% về số người bị thương (giảm 4 người); so với tháng cùng kỳ tăng 5,3% về số vụ (tăng 1 vụ), tăng 57,1% về số người chết (tăng 4 người), giảm 26,1% về số người bị thương (giảm 06 người). Quý I/2023 (tính từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/3/2023) trên địa bàn tỉnh xảy ra 74 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 36 người, bị thương 64 người; so với cùng kỳ giảm 3,9% về số vụ (giảm 03 vụ), giảm 12,2% về số người chết (giảm 05 người chết), giảm 9,9% về số người bị thương (giảm 07 người bị thương). 

7.8. Phòng chống cháy, nổ

Tháng 02/2023, xảy ra 02 vụ cháy (TP. Sầm Sơn, huyện Yên Định mỗi nơi 1 vụ), không có người chết và người bị thương, thiệt hại 314 triệu đồng (còn 01 vụ đang thống kê). Lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 355 lượt cơ sở, lập 355 biên bản kiểm tra, kiến nghị khắc phục 371 tồn tại, thiếu sót; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 28 trường hợp, phạt tiền hơn 314 triệu đồng, tạm đình chỉ 04 trường hợp, đình chỉ hoạt động 27 trường hợp. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy, không có người chết và người bị thương, thiệt hại 714 triệu đồng./.

File downloadTinh hinh KT-XH Quy I-2023 (xem); So lieu KT-XH Quy I-2023 (xem)

 

[1] Số liệu do Tổng cục Thống kê tính toán, thông báo ngày 26/3/2023.

[2] Diện tích ngô 13.113 ha, đạt 87,4% kế hoạch, giảm 9,8%; diện tích khoai lang 2.058 ha, đạt 76,2% kế hoạch, giảm 10,5%; diện tích lạc 1.154 ha, đạt 76,9% kế hoạch, giảm 8,4%; diện tích rau các loại 22.577 ha, tăng 3,7%; diện tích cây ớt 1.434 ha, giảm 17,4% so với vụ đông năm trước.

[3] Lúa 113.345 ha, đạt 100,3% kế hoạch; ngô 11.977 ha, đạt 84,9% kế hoạch; lạc 5.624 ha, đạt 93,7% kế hoạch; rau đậu các loại 14.755 ha, đạt 98,4% kế hoạch; cây trồng khác 30.780 ha, đạt 70,0% kế hoạch.

[4] Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn 390,1 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 164,9 nghìn tấn.

[5] Nhà máy Sắn Bá Thước 67 nghìn tấn, Nhà máy Sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) 119,8 nghìn tấn.

[6] Thịt lợn hơi 39.850 tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ; thịt trâu hơi 3.287 tấn, tăng 1,3%; thịt bò hơi 4.712 tấn, tăng 3,8%; gia cầm giết bán thịt 19.351 tấn, tăng 6,2%.

[7] Công nghiệp khai khoáng tăng 5,33% so với tháng trước, tăng 27,44% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,98% so với tháng trước, tăng 4,44% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 47,63% so với tháng trước, tăng 16,12% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,78% so với tháng trước, tăng 8,57% so với tháng cùng kỳ.

[8] Công nghiệp khai khoáng tăng 24,90%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,43%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 10,29%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,95% so cùng kỳ.

[9] Khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,02% so với tháng trước, giảm 4,07% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 1,77% so với tháng trước, giảm 15,93% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,35% so với tháng trước, giảm 7,14% so với tháng cùng kỳ.

[10] Khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 3,81%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 16,10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 8,03% so với cùng kỳ năm trước.

[11] Vốn đầu tư các đơn vị Trung ương quản lý 4.329,4 tỷ đồng, tăng 2,5%; vốn các đơn vị địa phương quản lý 3.484,4 tỷ đồng, giảm 8,4% so cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.810,6 tỷ đồng, giảm 6,6%; vốn khu vực ngoài nhà nước 21.901,4 tỷ đồng, tăng 4,7%.

[12] Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 698,9 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 522,3 tỷ đồng, giảm 20,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 470,8 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ.

[13] Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 22,7%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,8%; thu từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 22,3%; thuế bảo vệ môi trường giảm 50,9%; các khoản thu về nhà đất giảm 54,4%...

[14] Chi đầu tư phát triển 5.541,5 tỷ đồng, đạt 44,3% dự toán, tăng 1,4% so cùng kỳ; chi thường xuyên 6.319,1 tỷ đồng, đạt 24,8% dự toán, tăng 0,9% so cùng kỳ.

[15] Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 417,6 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 61,4% so với tháng cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 931 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 24,4% so với cùng kỳ; doanh thu kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 320,7 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 31,7% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ bưu chính, chuyển phát ước đạt 5,9 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước, tăng 36,8% so với cùng kỳ

[16] Công điện 05/CĐ-TTg ngày 08/01/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023; Công văn số 155/BYT-DP ngày 11/01/2023 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023;  Công điện 1669/CĐ-BYT ngày 12/12/2022 của Bộ Y tế gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 18/11/2022 của liên Bộ Y tế - Giáo dục và đào tạo về việc phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong cơ sở giáo dục và các văn bản khác

[17] Môn Toán 34.625 HS, môn Ngữ văn 34.625 HS, môn Tiếng Anh 31.261 HS, môn Vật lý 8.642 HS, môn Hoá học 8.642 HS, môn Sinh học 8.642 HS, môn Lịch sử 25.583 HS, môn Địa lý 25.583 HS, môn Giáo dục công dân 222.248 HS.

[18] trọng tâm là: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tuyên truyền Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023); 76 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2023)…

Cục Thống kê Thanh Hóa