Tình hình kinh tế - xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2023

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Sản xuất vụ thu mùa

Sản xuất vụ thu mùa năm nay chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp, đầu vụ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, gây khó khăn trong việc gieo trồng. Tuy nhiên, các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công tác thủy lợi chủ động, đáp ứng kịp thời và đạt hiệu quả cao; dịch vụ cơ giới hóa ngày càng phát triển và mở rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để sản xuất vụ thu mùa năm nay đạt kết quả cao nhất. Theo báo cáo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/9/2023, toàn tỉnh đã thu hoạch được 36,9 nghìn ha lúa, đạt 32,9% diện tích gieo cấy; 4,6 nghìn ha ngô, đạt 37,6% diện tích gieo trồng; 695 ha khoai lang, đạt 53,3% diện tích gieo trồng; 531 ha lạc, đạt 47,4% diện tích gieo trồng; rau, đậu các loại 6.703ha, đạt 48,8% diện tích gieo trồng; các cây trồng khác 3.750 ha, đạt 31,9% diện tích gieo trồng.

Tổng diện tích gieo trồng vụ thu mùa năm 2023 toàn tỉnh đạt 152,1 nghìn ha, đạt 99,4% kế hoạch, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 112,0 nghìn ha, đạt 98,3% kế hoạch, giảm 2,6% (giảm 2.994 ha[1]) so với cùng kỳ (diện tích lúa nước giảm 2.838 ha, diện tích lúa rẫy giảm 156 ha); diện tích cấy lúa lai chiếm 28,4% trong tổng diện tích gieo cấy, tăng 0,5% so với vụ thu mùa năm 2022; diện tích cấy lúa thuần chiếm 71,5% trong tổng diện tích gieo cấy, giảm 0,6% so với vụ thu mùa năm 2022; ngô 12.179 ha, vượt 10,7% kế hoạch, giảm 3,8% so cùng kỳ; lạc 1.119 ha, tăng 7,8%; đậu tương 121 ha, giảm 32,1%; khoai lang 1.304 ha, giảm 1,8%; rau các loại 12.282 ha, tăng 0,5%; cây gia vị, dược liệu, hương liệu 1.142 ha, giảm 0,2%; cây gai xanh 660 ha, giảm 11,2%… Dự kiến năng suất lúa mùa đạt 56,0 tạ/ha, giảm1,5% so cùng kỳ (giảm0,8 tạ/ha); năng suất ngô 47,5 tạ/ha, giảm 0,1% so cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt 683,8 nghìn tấn, giảm3,9% so với vụ mùa năm 2022.Cả năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 390,2 nghìn ha cây hàng năm, đạt99,8% kế hoạch, giảm 1,3% so cùng kỳ[2]. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm dự kiến 1.573,6 nghìn tấn, vượt 3,0% kế hoạch, giảm0,7% so cùng kỳ[3].

b) Chăn nuôi

Chín tháng đầu năm 2023, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và động vật. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên ngành chăn nuôi gặp khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, tác động bất lợi đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Ước tính tại thời điểm 01/10/2023, toàn tỉnh có 156,9 nghìn con trâu; 248,2 nghìn con bò; 1.129,9 nghìn con lợn; 25,9 triệu con gia cầm. So với cùng thời điểm năm 2022, đàn trâu giảm 3,0%; đàn bò giảm1,3%; đàn lợn tăng 3,8%; đàn gia cầm tăng 6,0%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 204,6 nghìn tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 5,5%; quý III tăng 6,3%); sản lượng trứng gia cầm 204,7 triệu quả, tăng 14,8% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 15,9%; quý III tăng 12,8%); sản lượng sữa bò tươi 40,5 nghìn tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 6,2%; quý III tăng 5,9%).

1.2. Lâm nghiệp

Chín tháng đầu năm 2023,được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023 và trồng rừng vụ xuân năm 2023; bên cạnh đó là sự cố gắng của các chủ rừng và hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng so cùng kỳ. Chín tháng đầu năm 2023, diện tích rừng trồng mới tập trung 8.850 ha, đạt 88,5% kế hoạch, tăng 4,0% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 4,9%; quý III tăng2,3%); gỗ khai thác 671 nghìn m3, đạt 71,3% kế hoạch, tăng 3,2% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 4,2%; quý III tăng 1,5%); củi khai thác 881 nghìn ster, tăng1,2% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm giảm0,9%; quý III tăng7,9%).

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Chín tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2023diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh trên các con nuôi; giá xăng, dầu tương đối ổn định và giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nuôi trồng thủy sản phát triển và đạt kết quả khá, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (nuôi trong nhà màng, nhà lưới và nuôi trong ao bạt ngoài trời). Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt 160,3 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 4,5%; quý III tăng 2,6%); trong đó, sản lượng nuôi trồng 56,3 nghìn tấn, tăng 3,0% (6 tháng đầu năm tăng 2,4%; quý III tăng 4,0%); sản lượng khai thác 104,0 nghìn tấn, tăng4,3% (6 tháng đầu năm tăng5,6%; quý III tăng 1,8%).

2. Sản xuất công nghiệp

Chín tháng năm 2023, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, đã có sự tăng trưởng cao dần từ những tháng cuối của quý II. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau sự cố xảy ra trong tháng Một, phải giảm công suất vận hành xuống 85%, đã sản xuất trên 100% công suất để bù vào thời gian ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể lần đầu cho toàn nhà máy (tổng thời gian thực hiện theo kế hoạch là 55 ngày, bắt đầu từ ngày 25/8/2023). Sản xuất điện của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và Nghi Sơn 2 được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia huy động tối đa công suất trong quý II/2023, nhưng cả 2 nhà máy đều gặp sự cố kỹ thuật[4]. Sản xuất trang phục, giày dép gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; sản xuất xi măng, sắt thép tiêu thụ chậm, tồn kho lớn; làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 có tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng 9 tháng cùng kỳ năm trước[5].

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 9/2023 giảm 15,19% so với tháng trước, giảm 12,41% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,76% so với tháng trước, tăng 14,12% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,90% so với tháng trước, giảm 15,78% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 7,10% so với tháng trước, tăng 59,60% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,22% so với tháng trước, tăng 7,96% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5,54% so với cùng kỳ (quý I tăng 6,56%, quý II tăng 7,37%, quý III tăng 2,88%); trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,48% (quý I tăng 24,39%, quý II tăng 9,88%, quý III tăng 11,23%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng3,26% (quý I tăng 6,26%, quý II tăng 4,84%, quý III giảm 0,76%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 48,81% (quý I tăng 10,87%, quý II tăng 57,48%, quý III tăng 81,88%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,24% (quý I tăng 9,79%, quý II tăng 6,68%, quý III tăng 8,54%).

Trong toàn ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tính chung 9 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 48,81%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 9,56%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 4,08%; khai khoáng khác tăng 14,24%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,26%; sản xuất đồ uống tăng 3,78%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,09%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,10%; sản xuất trang phục tăng 3,03%;… Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 28,11%; sản xuất xe có động cơ giảm 17,60%; sản xuất kim loại giảm 0,18%;...

Xăng các loại 2.029,7 nghìn tấn, tăng 0,1%; dầu diesel 3.279,6 nghìn tấn, tăng 4,9%; đường kết tinh 33,8 nghìn tấn, giảm 46,3%; bia các loại 31,7 triệu lít, giảm 14,7%; thuốc lá bao 180,3 triệu bao, tăng 4,1%; quần áo các loại 379 triệu cái, tăng 5,0%; giày thể thao 139,5 triệu đôi, tăng 3,1%; xi măng 12,9 triệu tấn, giảm 3,3%; clinker 7,9 triệu tấn, tăng 7,3%; sắt, thép 1.426 nghìn tấn, giảm 0,2%; điện sản xuất 7.464 triệu kwh, tăng 73,4%; nước máy 44,6 triệu m3, tăng 2,3%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 dự kiến tăng 4,59% so với tháng trước, giảm 1,49% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2023 dự kiến tăng 4,16% so với tháng trước, tăng 13,39% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng đầu năm 2023 giảm 12,11% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 5,23%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 23,14%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 9,62% so với cùng kỳ năm trước.

3. Hoạt động của doanh nghiệp

Công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư,đến ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh có 2.030 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 67,7% KH, giảm 20% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước, vốn điều lệ đăng ký đạt 12.782 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,3 tỷ đồng/doanh nghiệp[6]; có 721 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường, giảm 30,3% so với cùng kỳ; 967 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giảm 3,6%.

4. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện thi công xây dựng của nhiều dự án chậm; ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng và kết quả giải ngân vốn đầu tư đạt thấp. Chín tháng năm 2023, các chủ đầu tư và nhà thầu chủ yếu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp.

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 9 tháng năm 2023 ước đạt 103.190 tỷ đồng, đạt 73,7% kế hoạch năm, tăng 0,9% so với cùng kỳ (quý I tăng 0,1%, quý II giảm5,3%, quý III tăng 8,3%); trong đó, vốn ngân sách Nhà nước 12.231 tỷ đồng, tăng 6,2%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 4.225 tỷ đồng, giảm5,2%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) 6.056 tỷ đồng, giảm4,6%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 68.288 tỷ đồng, tăng 0,3%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8.668 tỷ đồng, tăng6,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương 9 tháng năm 2023 ước đạt 7.796 tỷ đồng, bằng 52,2% kế hoạch năm và tăng 6,8% so với cùng kỳ (quý I giảm17,3%, quý II giảm7,5%, quý III tăng42,6%), bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.204 tỷ đồng, bằng 52,0% kế hoạch năm và tăng4,5% so với cùng kỳ (quý I giảm 16,5%, quý II giảm 10,7%, quý III tăng 39,1%); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 2.426 tỷ đồng, bằng 47,9% kế hoạch năm và tăng 5,9% so với cùng kỳ (quý I giảm 20,2%, quý II giảm 7,7%, quý III tăng 43,5%); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 2.166 tỷ đồng, bằng 58,5% kế hoạch năm và tăng 11,5% so với cùng kỳ (quý I giảm 15,0%, quý II giảm 1,9%, quý III tăng 47,1%).

5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 (dự kiến đến ngày 30/9/2023) ước đạt 28.727,4 tỷ đồng, đạt 81,3% dự toán tỉnh giao, giảm 27,3% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 17.637,6 tỷ đồng, đạt 80,8% dự toán, giảm 28,3% so cùng kỳ[7]; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 11.089,8 tỷ đồng, đạt 82,1% dự toán, giảm 25,8% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2023 (tính đến ngày 15/9/2023) ước đạt 27.267 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển 13.030 tỷ đồng, vượt 4,2% dự toán, tăng 3,8%; chi thường xuyên 14.171,3 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán, giảm 2,8% so cùng kỳ.

6. Tín dụng, ngân hàng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, ước tính đến 30/9/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 157.519 tỷ đồng, tăng 13% so với 31/12/2022, trong đó nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam chiếm 98,5%; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 183.204 tỷ đồng, tăng 4,2% so với 31/12/2022, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 54% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 98,6% tổng dư nợ.

7. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch Covid-19, nhu cầu du lịch tăng mạnh cùng với nhiều sự kiện diễn ra tại khu du lịch biển Sầm Sơn và các điểm du lịch khác trong tỉnh làm cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong chín tháng đầu năm nay nhộn nhịp và sôi động.

7.1.Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Tháng Chín, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.528 tỷ đồng, tăng16,4% so với tháng cùng kỳ. Chín tháng năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 99.015 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ (quý I tăng 11,2%, quý II tăng 13,5%, quý III tăng 15,5%); trong đó, lương thực, thực phẩm ước đạt 44.722 tỷ đồng, tăng 19,3% (quý I tăng12,0%, quý II tăng 21,1%, quý III tăng 24,9%); hàng may mặc ước đạt 5.487 tỷ đồng tăng 13,1% (quý I tăng6,4%, quý II tăng 13,9%, quý III tăng 19,5%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 10.464 tỷ đồng tăng 9,9% (quý I tăng8,3%, quý II tăng 13,1%, quý III tăng 8,6%); vật phẩm văn hoá, giáo dục ước đạt 933 tỷ đồng tăng 10,9% (quý I tăng7,1%, quý II tăng 12,7%, quý III tăng 12,9%); ô tô các loại ước đạt 3.713 tỷ đồnggiảm2,8% (quý I tăng0,6%, quý II giảm7,2%, quý III giảm2,2%); xăng, dầu ước đạt 12.449 tỷ đồng, tăng 11,1% (quý I tăng26,5%, quý II tăng 7,3%, quý III tăng 2,7%)...

7.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Chín tháng năm 2023, hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2023 được tổ chức, thu hút du khách đến với tỉnh Thanh Hóa; tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023.

Tháng 9/2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.735 tỷ đồng, tăng 9,4% so tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 215 tỷ đồng, tăng 13,5%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.520 tỷ đồng, tăng 8,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 21,8 tỷ đồng, tăng 0,3%; doanh thu dịch vụ khác 1.467 tỷ đồng, tăng 0,1% so tháng cùng kỳ năm trước.

Chín tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 15.396 tỷ đồng, tăng 32,2% so cùng kỳ (quý I gấp2,36 lần, quý II tăng 13,4%, quý III tăng 10,9%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 1.822 tỷ đồng, tăng37,3% (quý I gấp 2,29 lần, quý II tăng 32,9%, quý III tăng 20,5%), doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 13.573 tỷ đồng, tăng 31,5% (quý I gấp 2,37 lần, quý II tăng 10,7%, quý III tăng 9,6%); doanh thu du lịch lữ hành 195 tỷ đồng, tăng 39,6% (quý I gấp 12,4 lần, quý II tăng 17,1%, quý III tăng 18,2%); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 12.726 tỷ đồng, tăng0,2% (quý I tăng 2,7%, quý II giảm1,7%, quý III giảm0,2%).

7.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2023tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 1,80% so với tháng 12/2022 và tăng 2,98% so với tháng 9/2022. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước (bình quân quý I tăng 6,13%; bình quân quý II tăng 0,94%; bình quân quý III tăng 1,81%).

Trong mức tăng 0,66% của CPI tháng 9/2023 so với tháng trước có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,91% (lương thực tăng 4,16%, thực phẩm tăng 0,43%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,60%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,73%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,29%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm nhóm giao thông tăng 1,13%; nhóm giáo dục tăng 1,47%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,82%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Chỉ số giá vàng tháng 9/2023tăng0,64% so với tháng trước, tăng9,96% so với tháng 9/2022; bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 2,80% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (bình quân quý I giảm0,01%; bình quân quý II tăng 2,65%; bình quân quý III tăng5,63%). Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2023tăng1,53% so với tháng trước, tăng2,59% so với tháng 9/2022; bình quân 9 tháng năm 2023tăng2,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (quý I tăng3,70%; bình quân quý II giảm 0,24%; bình quân quý III tăng1,49%).

7.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Chín tháng đầu năm nay, giá xăng, dầu tương đối ổn định và giảm so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt; hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Tháng Chín, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.628 tỷ đồng, tăng2,7% so với tháng trước, tăng16,9% so với tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách 381,4 tỷ đồng, tăng4,3% so với tháng trước, tăng 16,4%so tháng cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa 851,6 tỷ đồng, tăng2,3% so với tháng trước, tăng8,6% so với tháng cùng kỳ. Hành khách vận chuyển đạt 2.868 nghìn người, tăng4,0% so với tháng trước, tăng 15,6% so tháng cùng kỳ; hành khách luân chuyển đạt 188.127 nghìn người.km, tăng4,2% so với tháng trước, tăng 14,1%so tháng cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển đạt 5.290 nghìn tấn, tăng1,9% so với tháng trước, tăng4,5% so với tháng cùng kỳ; hàng hóa luân chuyển 239.905 nghìn tấn.km, tăng2,0% so với tháng trước, tăng6,5% so với tháng cùng kỳ.

Chín tháng đầu năm 2023, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 15.118 tỷ đồng, tăng27,9% so với cùng kỳ (quý I tăng35,6%, quý II tăng31,3%, quý III tăng17,9%); trong đó, doanh thu vận tải hành khách 3.698 tỷ đồng, tăng39,0% (quý I tăng70,5%, quý II tăng36,4%, quý III tăng16,9%); doanh thu vận tải hàng hóa 8.146 tỷ đồng, tăng19,4% (quý I tăng25,3%, quý II tăng23,9%, quý III tăng 9,4%). Vận chuyển hành khách 28,6 triệu người, luân chuyển hành khách 1.878,3 triệu người.km, tăng38,6% về hành khách vận chuyển (quý I tăng68,9%, quý II tăng32,2%, quý III tăng16,0%), tăng38,7% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng71,1%, quý II tăng36,7%, quý III tăng14,6%); vận chuyển hàng hoá đạt 487 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.319 triệu tấn.km, tăng14,8% về hàng hóa vận chuyển (quý I tăng20,6%, quý II tăng18,4%, quý III tăng5,4%), tăng14,5% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 18,4%, quý II tăng 18,2%, quý III tăng 6,9%).

8. Một số tình hình xã hội

8.1.Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Chín tháng đầu năm 2023, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho trên 606 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1.141 tỷ đồng. Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023). Tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 379.153 lượt người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, tổng kinh phí thực hiện trên 114 tỷ đồng, trong đó có 189.794 lượt người được nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện là trên 56,9 tỷ đồng.

Về công tác bảo trợ xã hội: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng quy định đối với trên 195 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, với tổng kinh phí thực hiện hơn 900 tỷ đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chúc thọ, mừng thọ đối với 67.054 người cao tuổi với tổng kinh phí thực hiện trên 29 tỷ đồng. Tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí 6,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 470,31 tấn gạo trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và kỳ giát hạt năm 2023 cho 3.704 lượt hộ với 22.017 lượt nhân khẩu. Các cấp, các ngành, các địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm, tặng 580.148 suất quà trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện 381,85 tỷ đồng (tăng 133.364 suất quà, tương đương tăng 116,29 tỷ đồng so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022).

8.2. Lao động, việc làm

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chín tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới 47.620 lao động (đạt 82,1% kế hoạch năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10.021 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (vượt 100,4% kế hoạch năm và tăng 26,2% so cùng kỳ năm 2022).

8.3. Y tế

Ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế và các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh phát sinh khác[8], không để phát sinh thành ổ dịch, lan rộng ra cộng đồng; tập trung khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng, ứng dụng kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân[9]; triển khai mô hình khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắp chíp điện tử và ứng dụng VneID. Quản lý hành nghề y, dược tư nhân được kiểm soát chặt chẽ, đã cấp mới, cấp lại 660 chứng chỉ hành nghề dược, 1.080 chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động thanh tra, kiểm tra vệ sinh ATTP được tăng cường, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra 662 cơ sở, phát hiện, xử lý vi phạm 26 cơ sở.

8.4. Giáo dục - Đào tạo

Các đơn vị, trường học đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022 - 2023, tỉnh ta có 61/78 học sinh đạt giải[10];có 01 học sinh đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế. Giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 935 điểm 10, xếp thứ ba cả nước, điểm trung bình đạt 6,47 điểm, xếp thứ 21, tăng 06 bậc so với năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 1.688 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,9%, vượt kế hoạch năm 2023 (KH 83,46%).

Toàn ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh về tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2023 - 2024 với tinh thần tổ chức ngắn gọn, trang trọng, mang tính giáo dục đạo đức truyền thống, tạo tâm lý phấn khởi, hào hứng cho học sinh trước năm học mới, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Thời gian tổ chức: Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh tổ chức vào ngày 05/9/2023; không có đơn vị nào tổ chức khai giảng điểm trước ngày 05/9/2023; thời lượng khai giảng không quá 60 phút, tổ chức Lễ Khai giảng tập trung tại sân trường, thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ và giáo viên; riêng đối với cấp học Mầm non, nhà trường trang trí cờ, hoa; tổ chức khai giảng cho trẻ mẫu giáo tại sân trường, tổ chức các hoạt động vui chơi tạo không khí vui tươi đón trẻ đến trường. Ngay sau Lễ khai giảng, 100% các trường học trong tỉnh bắt đầu tiến hành giảng dạy chương trình năm học 2023 - 2024.

Tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh - chọn Đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024 vào các ngày 27-28/9/2023; thành lập Đội tuyển dự thi học sinh giỏi của tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia THPT. Tổ chức cấp phát Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2023 - 2024. huẩn bị các điều kiện để tổ chức Kỳ thi nghề phổ thông cho học sinh lớp 12 vào tháng 9/2023.

8.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Hoạt động thông tin và truyền thông đã tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; giới thiệu quảng bá, hình ảnh tốt đẹp về Thanh Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế... Công tác quản lý, theo dõi thông tin báo chí được tăng cường, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những vấn đề báo chí quan tâm; chẩn chỉnh tình trạng đưa tin không chính xác, phản ánh một chiều, sai sự thật,lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích.

Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm thực hiện; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được duy trì. Có thêm 04 Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[11]; 05 di tích được cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Các hoạt động văn hóa, thể thao với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, giữ gìn nét đẹp văn hóa cổ truyền của Nhân dân các dân tộc được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia;thể thao quần chúng được quan tâm, trong 9 tháng đầu năm 2023 đã tổ chức 14 giải, hoạt động thể dục thể thao cấp tỉnh. Thể thao thành tích cao đạt 590 huy chương các loại (178 HCV, 161 HCB, 251 HCĐ),trong đó có17 huy chương tại SEA Games 32 (7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ);CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa giành chức vô địch Cúp Quốc gia năm 2023; đội tuyển U19 Thanh Hóa giành chức vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023.

8.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 9/2023 (tính từ ngày 15/8/2023 đến 14/9/2023), toàn tỉnh xảy ra 52 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 26 người, bị thương 46 người; so với tháng cùng kỳ năm trước, gấp3,06 lần về số vụ (tăng35 vụ), gấp 5,2 lần về số người chết (tăng 21 người), gấp 3,07 lần về số người bị thương (tăng31 người). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 387 vụ tai nạn giao thông (quý I xảy ra 74 vụ, quý II xảy ra 186 vụ, quý III xảy ra 127 vụ), làm 157 người chết (quý I chết 36 người, quý II chết 71 người, quý III chết 50 người) và 393 người bị thương (quý I bị thương 64 người, quý II bị thương 199 người, quý III bị thương 130 người); so với cùng kỳ, tăng76,7% về số vụ (tăng168 vụ), tăng86,9% về số người chết (tăng73 người), gấp 2,1 lần về số người bị thương (tăng204 người).

8.7. Thiệt hại do thiên tai

Tính chung 8 tháng năm 2023 toàn tỉnh đã xảy ra 03 đợt thiên tai, 03 đợt mưa lũ, làm 115 nhà ở, 01 nhà bếp và 04 phòng học bị hư hỏng; 49,64 ha lúa và 6,5 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại; 02 cầu phao bị cuốn trôi; 01 cầu tràn bị hư hỏng; 02 vụ sạt lở taly âm. Sơ bộ giá trị thiệt hại khoảng 5,35 tỷ đồng.

8.8.Phòng chống cháy, nổTháng 8/2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra10 vụ cháy, nổ. Tính chung 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ cháy, nổ,gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước (tăng 06 vụ),không có người chết và người bị thương, thiệt hại 487 triệu đồng. Tính chung 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ cháy, nổ (quý I xảy ra 16 vụ, quý II xảy ra 21 vụ, quý III xảy ra 27 vụ), làm 04 người chết (đều xảy ra trong quý II), không có người bị thương, thiệt hại về tài sản 3.985 triệu đồng (quý I thiệt hại 789 triệu đồng, quý II thiệt hại 1.616 triệu đồng, quý III thiệt hại 1.580 triệu đồng)./.

 

File download: Tinh hinh KT-XH 9 thang nam 2023 [xem]So lieu KT-XH QIII va 9 thang 2023 [xem]

 

 


[1] 23/27 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa giảm, với tổng diện tích giảm 3.026 ha (chuyển sang đất ở 96,7 ha; chuyển sang xây dựng đường giao thông, thủy lợi 297,6 ha; chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, các dự án 315,2 ha; chuyển sang gieo trồng các loại cây hàng năm khác 448,6 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm, xây dựng trang trại 128,1 ha; chuyển sang đất lâm nghiệp 156 ha; chuyển sang nuôi trồng thủy sản 16,6 ha; bị nhiễm mặn, bỏ hoang không cấy 1.339 ha). 4/27 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa tăng, với tổng diện tích tăng 32 ha (nguyên nhân chủ yếu do các địa phương chuyển đổi các loại cây trồng).

[2]Vụđông 47,0 nghìn ha, vượt2,3% KH, giảm 0,5% so CK; vụ chiêm xuân 191,0 nghìn ha, đạt 99,5% KH, giảm 1,0% so CK; vụ thu mùa 152,1 nghìn ha, đạt99,4% KH, giảm1,9% so CK.

[3]Vụđông 63,5 nghìn tấn, giảm 9,6% so CK; vụ chiêm xuân 826,3 nghìn tấn, tăng2,9% so CK; vụ thu mùa683,8 nghìn tấn, giảm3,9% so CK.

[4]Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 bị sự cố kỹ thuật ngày 5/6/2023, đến ngày 13/6/2023 đã khắc phục xong và vận hành trở lại. Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 bị sự cố kỹ thuật ngày 04/5/2023, dự kiến tháng 7/2023 mới khắc phục xong.

[5]Chín tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,03% so với cùng kỳ.

[6] Số vốn đăng ký bình quân/1 doanh nghiệp cùng kỳ năm 2022 đạt 13 tỷ đồng.

[7]Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 46,4% dự toán,giảm10,5%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,9% dự toán,tăng 11,0%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 62,5% dự toán, tăng 9,8%; thuế thu nhập cá nhân đạt 48,5% dự toán, giảm 31,4%; thuế bảo vệ môi trường đạt 29,5% dự toán,giảm48,0%; thu tiền sử dụng đất đạt 46,2% dự toán,giảm 59,7% so cùng kỳ...

[8]Trong 9 tháng đầu năm, có248 ca sốt xuất huyết, 29 ca sởi, 200 ca tay chân miệng, 07 ca liệt mềm cấp nghi bại liệt, 18 ca viêm não do vi rút khác.

[9] Thành lập Hội đồng và tổ chức thẩm định bổ sung danh mục kỹ thuật tại BVĐKKV Ngọc Lặc, BVĐK huyện Đông Sơn, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh; thẩm định cho phép áp dụng thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới và bổ sung danh mục kỹ thuật thực hiện tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa; chuyển giao kỹ thuật thay khớp háng tại BVĐK huyện Cẩm Thủy.

[10] Gồm: 03 giải nhất, 15 giải nhì, 22 giải ba và 21 giải khuyến khích, xếp thứ 6 toàn quốc.

[11] Gồm: (i) Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tại 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa; (ii) Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân; (iii) Nghi lễ Nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao, huyện Ngọc Lặc; (iv) Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ trong Lễ hội Ngư Võng Phường làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa.

Cục Thống kê Thanh Hóa