Quý I năm 2019, với sự chỉ đạo tập trung của Tỉnh uỷ; sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chủ trương, chính sách; các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ngay từ đầu năm để đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nên tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Kết quả sản xuất vụ đông
Vụ đông 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời, có hiệu quả của tỉnh và các địa phương; cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân; nên sản xuất vụ đông 2018 - 2019 đã đạt kết quả khá toàn diện; diện tích gieo trồng, năng suất thu hoạch của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn so với vụ đông năm trước. Tổng diện tích gieo trồng 48.725 ha, vượt 1,5% kế hoạch, tăng 5,9% so với vụ đông 2017 - 2018; trong đó, diện tích ngô 16.341 ha, đạt 93,4% kế hoạch, tăng 10,2%; diện tích khoai lang 3.339 ha, tăng 9,5%; diện tích lạc 1.379 ha, vượt 38,0% kế hoạch, tăng 7,1%; diện tích rau các loại 19.335 ha, giảm 3,2%; diện tích cây ớt cay 2.343 ha, tăng 7,9%;… Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính so vụ đông 2017 - 2018 như sau: Ngô 47,7 tạ/ha, tăng 6,0%, sản lượng 78 nghìn tấn, tăng 16,9%; lạc 21,9 tạ/ha, tăng 4,3%, sản lượng 3.015 tấn, tăng 13,5%; đậu tương 15,1 tạ/ha, tăng 0,7%, sản lượng 880 tấn, giảm 11,7%; khoai lang 76,2 tạ/ha, tăng 3,0%, sản lượng 25,5 nghìn tấn, tăng 12,9%; khoai tây 143 tạ/ha, tăng 12,6%, sản lượng 23,3 nghìn tấn, tăng 11,9%; rau các loại 130 tạ/ha, tăng 0,9%, sản lượng 251,6 nghìn tấn, giảm 2,3%.
b. Tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3/2019, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ chiêm xuân, diện tích lúa đã cấy 116.818 ha, đạt 99,8% kế hoạch, bằng 99,7% so cùng kỳ; 12.394 ha ngô, đạt 82,6% kế hoạch, tăng 0,1% so cùng kỳ; 7.750 ha lạc, đạt 96,7% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ; 13.752 ha rau đậu các loại, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Đến ngày 15/3/2019, diện tích mía nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 16,8 nghìn ha, đạt 61,2% kế hoạch; các nhà máy sản xuất chế biến đường đã thu mua được 1.050,5 nghìn tấn mía nguyên liệu (Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn 440 nghìn tấn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan 479,5 nghìn tấn, Công ty Cổ phần Mía đường Nông Cống 131 nghìn tấn); diện tích sắn nguyên liệu đã thu hoạch ước đạt 10,1 nghìn ha, đạt 72,0% kế hoạch; các nhà máy sản xuất tinh bột sắn thu mua, chế biến được 184,6 nghìn tấn (Nhà máy sắn Bá Thước 43 nghìn tấn, Nhà máy tinh bột sắn Như Xuân 44,3 nghìn tấn, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh - Ngọc Lặc 97,3 nghìn tấn).
Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, thời tiết ấm, xen lẫn có mưa phùn, độ ẩm cao thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên một số loại cây trồng. Các địa phương chủ động kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh những cây đã gieo trồng, đồng thời tranh thủ gieo trồng các cây trồng còn thời vụ; thu hoạch mía, sắn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, tinh bột sắn.
c. Chăn nuôi
Điều tra chăn nuôi kỳ 01/01/2019 được thực hiện theo phương án điều tra mới do Tổng cục Thống kê ban hành; theo đó, kết hợp giữa điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu đối với chăn nuôi lợn và gia cầm ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tổng hợp sơ bộ như sau: Tại thời điểm 01/01/2019, toàn tỉnh có 837,8 nghìn con lợn, tăng 3,2% so với thời điểm 01/01/2018, tăng 2,9% so với thời điểm 01/10/2018; 19,9 triệu con gia cầm, tăng 4,8% so với thời điểm 01/01/2018, tăng 1,1% so với thời điểm 01/10/2018.
Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường; bên cạnh đó là tập quán chăn nuôi của người dân và chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn, một bộ phận người chăn nuôi nhận thức kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh; vì vậy, trong quý I/2019 tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh lở mồm, long móng trên đàn lợn. Nghiêm trọng hơn, từ ngày 23/02 - 12/3/2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21 hộ của 12 thôn, 10 xã thuộc 02 huyện Yên Định và Thiệu Hóa. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 11/3/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Yên Định và Thiệu Hóa tiêu hủy toàn bộ 644 con lợn, trọng lượng 30.701 kg của các hộ chăn nuôi có bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy trình kỹ thuật và chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời cấp bổ sung cho huyện Yên Định 1.400 lít hóa chất, 3 tấn vôi bột, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, điều động 20 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng; huyện Thiệu Hóa 1.416 lít hóa chất, 2 tấn vôi bột, 250 bộ bảo hộ phòng chống dịch, điều động 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng. Đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đối với vùng đệm, vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần liên tục trong vòng 01 tháng kể từ khi có ổ dịch. Toàn tỉnh đã thành lập 11 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 08 chốt kiểm soát quanh vùng đệm, 02 đội kiểm tra lưu động liên ngành tại huyện Yên Định và 26 chốt kiểm soát ra vào xã có dịch, 05 chốt kiểm soát quanh vùng đệm, 01 tổ kiểm tra lưu động liên ngành tại huyện Thiệu Hóa, 04 chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại các đầu mối giao thông và tăng cường lực lượng cho 02 Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1 năm 2019 cho đàn gia súc, gia cầm; tính đến ngày 14/3/2019 đã có 27/27 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm; cụ thể: Vắc xin H5N1 cúm gia cầm 1.039.500 con, đạt 8,55% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo 252.700 con, đạt 70,69% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng 159.650 con, đạt 53,05% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng 185.807 con, đạt 61,75% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 150.680 con, đạt 31,37% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 98.745 con, đạt 20,54% diện tiêm.
1.2. Lâm nghiệp
Phục vụ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Kỷ Hợi 2019” và triển hai kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2019; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các sở, ban, ngành và doanh nghiệp đã chuẩn bị hiện trường, cây giống, vật tư, nhân lực bảo đảm phục vụ Tết trồng cây và kế hoạch trồng rừng vụ xuân năm 2019; toàn tỉnh đã sản xuất được 19,1 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 10 triệu cây đã được kiểm tra cấp chứng nhận nguồn gốc lô giống, đủ tiêu chuẩn xuất vườn, đáp ứng nhu cầu Tết trồng cây và triển khai trồng rừng theo kế hoạch. Dự ước quý I/2019 trồng được 958 nghìn cây phân tán, giảm 6,4% so cùng kỳ; trồng rừng tập trung 805 ha, đạt 8,1% kế hoạch, tăng 35,3% so cùng kỳ; khoanh nuôi tái sinh 5,8 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch và bằng cùng kỳ; chăm sóc rừng trồng 42 nghìn ha, đạt 100,0% kế hoạch và bằng cùng kỳ. Khai thác lâm sản: Gỗ 198.620 m3, đạt 34,2% kế hoạch, tăng 7,2% so cùng kỳ; tre luồng 17.850 nghìn cây, đạt 33,8% kế hoạch, tăng 8,2% so cùng kỳ; nguyên liệu giấy 21.750 tấn, đạt 29,4% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ; củi 315 nghìn ste, tăng 1,3% so cùng kỳ… Giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 574,3 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
1.3. Thuỷ sản
Những tháng đầu năm 2019 thời tiết tương đối thuận lợi; sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều địa phương tổ chức ra quân đánh bắt sớm, nên sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản quý I/2019 tăng khá so cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 44,1 nghìn tấn, đạt 24,5% kế hoạch năm, tăng 6,8% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 14,6 nghìn tấn, tăng 8,4%; sản lượng khai thác 29,5 nghìn tấn, tăng 5,9%; riêng khai thác xa bờ 14,8 nghìn tấn, tăng 5,9% so cùng kỳ.
2. Sản xuất công nghiệp
Quý I/2019, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá cao nhờ vào sự đóng góp đáng kể của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: xi măng, đường, bia… do đã khai thác hết công suất thiết kế, thu hoạch nguyên liệu phục vụ sản xuất chậm, kế hoạch sản xuất giao thấp…, nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng thấp so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 3/2019 tăng 22,70% so với tháng trước, tăng 54,96% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 10,74% so với tháng trước, giảm 0,86% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22,33% so với tháng trước, tăng 61,57% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 30,64% so với tháng trước, giảm 0,46% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 9,93% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 51,20% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 0,39%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 57,27%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 4,77%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,46% so cùng kỳ.
Trong toàn ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tính chung 3 tháng đầu năm 2019 tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế gấp 21,67 lần; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất gấp 4,65 lần; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 54,88%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 21,63%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu tăng 15,88%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,71%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,56%. Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 70,51%; sản xuất xe có động cơ giảm 67,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 30,88%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 11,83%; sản xuất đồ uống giảm 6,46%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 4,77%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2019 dự kiến tăng 18,83% so với tháng trước, giảm 9,47% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,67% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2019 dự kiến tăng 18,52% so với tháng trước; tăng 12,19% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2019 dự kiến tăng 1,23% so với tháng trước; tăng 13,83% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,06% so với tháng trước; tăng 1,05% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,89% so với tháng trước; tăng 0,22% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,46% so với tháng trước; tăng 21,39% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 12,05% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 1,08%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước bằng với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,80% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Quý I/2019, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội theo giá hiện hành quý I/2019 ước đạt 21.105,2 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước 2.643,3 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 1.148,4 tỷ đồng, giảm 3,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4.585,2 tỷ đồng, tăng 19,4%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 10.999,6 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ...
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương quý I/2019 ước đạt 1.649,5 tỷ đồng, bằng 21,1% kế hoạch năm và tăng 17,3% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 722,4 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 487,9 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 439,2 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước
Quý I/2019, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động tương đối ổn định, nên thu ngân sách Nhà nước tăng khá so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 6.110 tỷ đồng, đạt 22,9% dự toán tỉnh giao, gấp 2,3 lần so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa đã trừ tiền sử dụng đất 2.898 tỷ đồng, đạt 25,1% dự toán, tăng 89,9% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.550 tỷ đồng, đạt 23,0% dự toán, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ. Một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn tăng khá so với cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 63,0%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước địa phương tăng 7,0%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gấp 9,8 lần; thuế CTN và DVNQD tăng 11,0%; thuế bảo vệ môi trường tăng 67,7%... Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 6.445 tỷ đồng, đạt 21,3% dự toán, tăng 6,0% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 13,7% dự toán, giảm 17,7%; chi thường xuyên đạt 24,6% dự toán, tăng 9,7% so cùng kỳ.
5. Tín dụng, ngân hàng
Ước tính đến 31/3/2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 86.100 tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2018; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 105.100 tỷ đồng, tăng 1,54% so với 31/12/2018, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 47,5% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99% tổng dư nợ.
Tình hình đầu tư tín dụng trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, chính sách của Chính phủ cụ thể như sau:
- Cho vay hỗ trợ lãi suất trên địa bàn theo Nghị quyết 30a đạt 396,9 tỷ đồng, với 11.116 khách hàng vay vốn, số lãi tiền vay được hỗ trợ là 676 triệu đồng.
- Chương trình cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/NĐ-CP và Nghị định số 89 đến 28/02/2019, doanh số cho vay đạt 652 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 36,2 tỷ đồng, dư nợ đạt 615,8 tỷ đồng.
- Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP là 97,7 tỷ đồng cho 151 khách hàng cá nhân và 01 khách hàng doanh nghiệp.
- Dư nợ cho vay 5 đối tượng thuộc các lĩnh vực: Nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ sản xuất kinh doanh công nghệ cao trên địa bàn đạt 49.380 tỷ đồng, chiếm 54,4% tổng dư nợ.
- Cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 327,8 tỷ đồng cho 03 tổ chức khách hàng.
- Cho doanh nghiệp vay trên địa bàn, 6.464 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ đạt 39.566 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2018.
- Tín dụng xã hội đến 28/02/2019, dư nợ cho vay 24 chương trình tín dụng xã hội đạt 8.673 tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
6.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngành Công Thương tăng cường hoạt động kết nối cung cầu và đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn gắn với thực hiện cuộc vân động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam", giới thiệu, quảng bá, tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam. Các đơn vị sản xuất kinh doanh có doanh thu và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cung ứng lượng hàng hoá phục vụ đầy đủ, mẫu mã đa dạng phong phú, đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định phục vụ nhân dân đón Tết.
Tháng 3, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 7.354,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Quý I/2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 22.678 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ (quý I/2018 tăng 12,3%); trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 6,0%; may mặc tăng 17,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 19,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 12,6%; phương tiện đi lại tăng 7,5%; xăng dầu tăng 20,8%...
Cục Quản lý Thị trường phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật công tác quản lý thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Quý I/2019 (từ ngày 01/01/2019 đến 15/3/2019), Cục Quản lý Thị trường đã kiểm tra 1.123 vụ, xử lý 1.004 vụ, trong đó 29 vụ vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm; 201 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 266 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, 480 vụ vi phạm khác reong kinh doanh..., tổng số tiền thu nộp phạt là 2.119 triệu đồng.
6.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống
Tháng 3/2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 918,9 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 18,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 0,7% và 4,3%, doanh thu ăn uống tăng 0,9% và 22,3%; doanh thu du lịch lữu hành đạt 10,5 tỷ đồng, tăng 2,5 và 10,8%.
Quý I/2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.738 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ (quý I/2018 tăng 12,7%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 10,1%, doanh thu ăn uống tăng 17,9%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 12,6%. Trong quý, hoạt động du lịch gắn với các lễ hội đầu Xuân Kỷ Hợi năm 2019 diễn ra sôi động, số lượt khách phục vụ của khách sạn đạt 1.399,6 nghìn lượt khách, tăng 5,1% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 2.345,8 nghìn ngày khách, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Lượt khách du lịch theo tour đạt 13,5 nghìn lượt khách, tăng 6,6% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 41,9 ngày khách, tăng 7,2% so với cùng kỳ.
6.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, thời tiết thuận lợi, giá một số mặt hàng rau tươi, hoa, cây cảnh giá cả ổn định, giá một số mặt hàng nhóm lương thực, thực phẩm tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Hàng hoá phục vụ Tết được cung ứng đầy đủ, phong phú về chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá cả hàng hóa ổn định, không có tình trạng sốt giá.
Đầu tháng 3 mặt hàng xăng dầu, gas tăng giá, trong khi đó giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố nên giá thịt lợn giảm mạnh so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 03/2019 giảm 0,72% so với tháng trước. Năm nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm so với tháng trước là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,45% (lương thực giảm 0,22%, thực phẩm giảm 2,60%); nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,14%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,22%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,01%. Ba nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước là: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,10%; nhóm giao thông tăng 1,54%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%. Ba nhóm hàng hóa giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2019 tăng 0,65% so với tháng12 năm 2018 và tăng 2,73% so với tháng 3/2018. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2019 tăng 2,58% so với bình quân cùng kỳ (quý I/2017 tăng 3,55%, quý I/2018 tăng 3,38%), đây là năm chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I so với bình quân cùng kỳ tăng thấp trong 3 năm qua.
Chỉ số giá vàng tháng 3/2019 giảm 0,51% so với tháng trước, giảm 0,31% so với tháng 3/2018; quý I/2019 tăng 0,21% so với bình quân cùng kỳ. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2019 tăng 0,03% so với tháng trước, tăng 2,04% so với tháng 3/2018; quý I/2019 tăng 2,22% so với bình quân cùng kỳ.
6.4. Vận tải hành khách và hàng hóa
Quý I/2019, các tuyến xe buýt, xe khách đảm bảo tăng chuyến, tuyến phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện giá vé phục vụ trong dịp Tết đảm bảo hợp lý, đủ chi phí và theo đúng quy định. Cảng Hàng không Thọ Xuân, với 3 hãng hàng không: VietJet Air, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific đang khai thác ổn định với tần suất đạt 61 chuyến/tuần, với 2 đường bay: Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, tần suất 58 chuyến/tuần; Thanh Hóa - Nha Trang, tần suất 3 chuyến/tuần; trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các hãng khai thác 13-14 chuyến/ngày (26-28 lượt đi/đến), cao điểm 16 chuyến/ngày (32 lượt đi/đến). Ngày 29/01/2019, thêm Hãng hàng không Bamboo Airways đã chính thức khai thác thương mại đường bay TP Hồ Chí Minh - Thanh Hóa với tần suất 1 chuyến/ngày. Trong quý I/2019, nhìn chung nhân dân đi lại thuận lợi, thông suốt, không xảy ra tình trạng hành khách bị ùn ứ tại các bến tàu, bến xe.
Tháng 3, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 889,7 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 13,3% so với cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển đạt 4.877 nghìn tấn, tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 6,4% so với cùng kỳ; hàng hóa luân chuyển 232,2 triệu tấn.km tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 4,2% so với cùng kỳ; hành khách vận chuyển đạt 3,6 triệu người, giảm 14,7% và tăng 11,3%; hành khách luân chuyển đạt 216 triệu người.km, giảm 14,6 và tăng 12,2%.
Quý I/2019, thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 2.697 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ (quý I/2018 tăng 10,0%). Vận chuyển hàng hoá đạt 14,6 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 711,3 triệu tấn.km, tăng 6,5% về hàng hóa vận chuyển, tăng 3,7% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách 11,6 triệu người, luân chuyển hành khách 696,4 triệu người.km, tăng 13,0% về hành khách vận chuyển, tăng 14,2% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ; bốc xếp qua cảng đạt 2.525 nghìn tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội
Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh quý I/2019 nhìn chung ổn định. trước Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Toàn tỉnh đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên 2 tháng đầu năm 2019 cho gần 77 nghìn người có công với cách mạng, với tổng kinh phí trên 270 tỷ đồng; 203.600 đối tượng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP với tổng kinh phí trên 168 tỷ đồng. Trong dịp Tết, các cấp, các ngành đã huy động từ ngân sách và xã hội hóa trao tặng 302.791 suất quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 138.572 triệu đồng; đảm bảo 100% gia đình chính sách và hộ nghèo đều được nhận quà tết. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5038/QĐ-UBND ngày 14/12/2018 phân bổ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng của mưa, lũ năm 2018 với tổng số 2.399 tấn, cho 16.582 hộ gia đình thuộc 9 huyện. Đề nghị Trung ương hỗ trợ đột xuất 491,2 tấn gạo cho 14.007 hộ với 32.747 nhân khẩu thuộc 7 huyện (Thường Xuân, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Yên Định, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh) và Hội Người mù tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán. Các huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách từ nguồn đảm bảo xã hội và vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ 40,48 tấn gạo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Các đoàn công tác của Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đi dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, liệt sĩ Nguyễn Thị Sặng, hang Tám Cô (tỉnh Quảng Bình), Thành cổ Quảng Trị; các Nghĩa trang liệt sĩ cí nhiều phần mộ liệt sĩ là con em Thanh Hóa như: Điện Biên, Hà Giang, Quảng Trị, Cần Thơ, Tây Ninh và các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh: Đồng Tâm, Hàm Rồng, Hang Co Phường, Đảo Mê, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ. Tổ chức gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh đã nghỉ hưu.
Tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh đối với 100.617 người có công, tổng số tiền gần 35,7 tỷ đồng (quà Chủ tịch nước mức 400 nghìn đồng/người và 200 nghìn đồng/người, trị giá gần 20,6 tỷ đồng; quà tỉnh mức 150 nghìn đồng/người, trị giá gần 15,1 tỷ đồng). Các huyện, thị xã, thành phố đã trao tặng 47.898 suất quà, trị giá 11,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương, nguồn xã hội hoá và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã tổ chức trao tặng 93.332 suất quà, trị giá trên 32 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội vui Tết đón xuân đầm ấm, thiết thực và ý nghĩa. Tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 50.959 người cao tuổi, gồm: Người có tuổi thọ tròn 100 tuổi được nhận quà của Chủ tịch nước là 506 người; người có tuổi thọ tròn 90 tuổi được nhận quà của Chủ tịch UBND tỉnh là 4.142 người; người có tuổi tròn 70, 75, 80, 85, 95 và trên 100 tuổi được nhận quà từ nguồn ngân sách chi thường xuyên hằng năm của các địa phương là 46.311 người. Tổng kinh phí thực hiện là gần 12 tỷ đồng.
Quỹ Bảo trợ trẻ em đã tổ chức thăm, tặng quà tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 03 trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh gồm: Trung tâm Hy Vọng, huyện Tĩnh Gia; Nhà xã hội Minh Lộc, huyện Hậu Lộc và Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2; tổng kinh phí thực hiện là 24 triệu đồng. Các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã tổ chức thăm hỏi, động viên và trao tặng 7.778 suất quà, trị giá 3,2 tỷ đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
7.2. Lao động, việc làm
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được các cấp chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; quý I/2019, toàn tỉnh tạo việc làm cho 13.120 lao động, đạt 19,3% kế hoạch năm, trong đó 1.150 người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, đạt 15,5% kế hoạch năm; tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm, thu hút 130 lượt đơn vị tham gia tư vấn, tuyên truyền việc làm, số người được tư vấn việc làm và học nghề là 5.515 lượt người, số người được tuyển dụng trực tiếp tại sàn giao dịch việc làm 2.990 người.
7.3. Công tác tuyển quân
Năm 2019, chỉ tiêu giao quân toàn tỉnh là 3.650 thanh niên. Ngày 20/02/2019 (tức ngày 16 tháng Giêng, năm Kỷ Hợi) 3.650 thanh niên của 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã được bàn giao về các đơn vị quân đội, lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chất lượng công dân nhập ngũ năm 2019 khá cao: sức khỏe loại 1, loại 2 đạt trên 80%, trình độ văn hóa THPT đạt 71%; tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, đạt 5,4%; con em dân tộc ít người đạt 26,7%; đặc biệt, có 4 đảng viên tình nguyện nhập ngũ. Buổi lễ giao quân ở các địa phương trong tỉnh đã diễn ra trong không khí trang trọng, đúng quy định và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, bảo đảm đủ chỉ tiêu và an toàn tuyệt đối.
7.4. Y tế
Quý I/2019, ngành Y tế đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân. Chủ động triển khai phòng chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Duy trì chế độ trực 24/24 giờ ở tất cả các tuyến; tổ chức cứu trợ, thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện trong những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tăng cường công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm; rà soát, chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc chữa bệnh, phương tiện trực cấp cứu, xử lý kịp thời để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với các trường hợp bị tai nạn giao thông, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 14/3/2019, toàn tỉnh có 61 ca bệnh tay chân miệng, 62 ca sởi, 14 ca viêm gan virut B, 35 ca sốt xuất huyết Dengue, 10 ca ho gà.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được quan tâm, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh thành lập 3 đoàn liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi; qua kiểm tra 61 cơ sở, đã phát hiện và xử phạt 8 cơ sở vi phạm, với số tiền phạt 52 triệu đồng.
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, ngành Y tế cần chủ động phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan thường xuyên quan tâm đến công tác hướng dẫn, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, thanh tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
7.5. Giáo dục
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ I và tổ chức thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng kế hoạch thời gian học kỳ II năm học 2018 - 2019. Trong kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2018 - 2019, Thanh Hóa có 80 thí sinh của 11 đội tuyển dự thi; kết quả, có 64 học sinh đạt giải, gồm: 07 giải nhất, 17 giải nhì, 16 giải ba, 24 giải khuyến khích. Hiện nay, có 10 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2019. Tính đến hết tháng 02/2019, toàn tỉnh có 1.400/2.079 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỉ lệ 67,34%), trong đó: Mầm non 446/679 trường (đạt tỉ lệ 65,6%), tiểu học 545/650 trường (đạt tỷ lệ 83,85%); tiểu học - THCS 18/46 trường (đạt tỷ lệ 39,13%), trung học cơ sở 359/600 trường (đạt tỷ lệ 59,83%), trung học phổ thông 32/104 trường (đạt tỷ lệ 31,73%).
Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019, tối ngày 9/2 (tức mùng 5 Tết Kỷ Hợi), Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Hiệp Hội Doanh nghiệp, Doanh nhân tỉnh tổ chức chương trình "Tết Khuyến học xứ Thanh, năm 2019" trao học bổng Nâng cánh ước mơ, Quỹ khuyến học, khuyến tài (KHKT) Lê Khả Phiêu, Quỹ KHKT Lam Sơn cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên học giỏi. Trong năm 2018, học sinh Thanh Hóa đoạt 3 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế và 3 huy chương tại kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhất từ trước đến nay. Thanh Hóa xếp thứ 4 toàn quốc trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia khối THPT. Các cấp hội Khuyến học trong tỉnh đã khen thưởng, cấp học bổng cho 20.300 HSSV với tổng số tiền gần 82 tỷ đồng. Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng tặng hoa cảm ơn các tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ quỹ KHKT của tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã trao 27 suất học bổng từ Quỹ KHKT Lam Sơn cho các em HSSV đại diện cho 2.500 HSSV được nhận học bổng; 27 phần thưởng cho các vận động viên, học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế từ Quỹ KHKT Lê Khả Phiêu; trao 25 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng từ Quỹ học bổng Nâng cánh ước mơ cho các em HSSV nghèo vượt khó, học giỏi. Đây chính là nguồn động lực to lớn trong dịp đầu năm mới, giúp học sinh, sinh viên trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học, phấn đấu rèn luyện để gặt hái được thành tích cao trong thời gian tới.
7.6. Văn hoá - Thể dục thể thao
Quý I/2019, ngành Văn hoá - Thông tin tổ chức tuyên truyền rộng rãi các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tổ chức đón Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh gắn với các hoạt động kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 72 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; tuyên truyền các nội dung vui xuân đón tết an toàn, tiết kiệm; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Xứ Thanh, gắn với quảng bá du lịch Thanh Hóa đến với du khách trong nước và quốc tế.
Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019 và tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường Lam Sơn (thành phố Thanh Hóa), thị xã Bỉm Sơn, thị trấn huyện Tĩnh Gia và thị trấn huyện Ngọc Lặc vào thời khắc Giao thừa. Tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ kiều bào Thanh Hóa về quê ăn Tết Kỷ Hợi 2019. Tại thành phố Thanh Hóa, các đô thị, các thị trấn, thị tứ, trung tâm các xã, thị trấn và khu dân cư đều được trang hoàng rực rỡ bằng cờ, hoa, cây cảnh, đèn trang trí và các pano, áp phích, khẩu hiệu… Tổ chức triển lãm sách, báo, hình ảnh, tư liệu kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Lề hội Thư pháp cho chữ ngày Xuân, Hội Báo Xuân, Hội diễn võ thuật Vovinam các Câu lạc bộ tỉnh Thanh Hóa…
Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống in, phát hành các số báo đặc biệt Mừng Đảng - Mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng các chương trình Tết nội dung phong phú, hấp dẫn; phân công cán bộ, phóng viên bám cơ sở phản ánh kịp thời tình hình đời sống và các hoạt động đón Tết của nhân dân.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, lễ hội ở các cấp, các địa phương trong tỉnh đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi mừng năm mới Kỷ Hợi 2019, chào mừng 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 72 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa đã tạo đà mới, sức vươn mới trong mọi tầng lớp nhân dân trên con đường phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, văn hóa dân gian truyền thống của nhân dân các dân tộc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
7.7. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, quý I/2019 (tính từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/02/2019), toàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông, giảm 6 vụ so với cùng kỳ; số người chết 30 người, không tăng giảm so với cùng kỳ; bị thương 103 người, tăng 21 người so với cùng kỳ. Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra, Cơ động tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 5.721 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 828 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 411 trường hợp, tổng số tiền phạt vi phạm thu được 5,6 tỷ đồng. Đường thuỷ, tiến hành kiểm tra nhắc nhở 6 bến, 6 phương tiện chở khách ngang sông, phân công lực lượng thường xuyên có mặt để chấn chỉnh hoạt động chở khách ngang sông tại khu vực Lễ hội Đền Hàn đảm bảo an toàn cho nhân dân tham gia Lễ hội.
7.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Môi trường: Tháng Hai, phát hiện 35 vụ vi phạm môi trường (tăng 28 vụ so với tháng trước), xử phạt 863,1 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019 phát hiện 42 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 39 vụ, xử phạt vi phạm 968,3 triệu đồng, đang tiếp tục điều tra, xử lý 03 vụ.
Cháy, nổ: Tháng Hai, xảy ra 11 vụ cháy, không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 222 triệu đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ cháy, nổ; không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản 5.822 triệu đồng.
File đính kèm : Tình hình KT-XH Quý I/2019