Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2021

Đăng ngày 29 - 11 - 2021
100%

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Trồng trọt

a1) Kết quả sản xuất vụ thu mùa

Vụ thu mùa năm 2021 chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nắng nóng ngay từ đầu vụ sản xuất; tuy nhiên, xen kẽ với thời tiết nắng nóng có xuất hiện các trận mưa lớn trên diện rộng, đảm bảo nguồn nước cho bà con nông dân gieo cấy. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý và khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo đảm nước tưới cho cây trồng. Trong giai đoạn sinh trưởng của cây lúa đã có các đợt mưa lớn trên diện rộng, nên cây lúa phát triển tốt. Mặt khác, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng đầu vụ gieo trồng nên cây lúa vụ thu mùa năm nay ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao hơn vụ thu mùa năm ngoái.

Theo kết quả điều tra diện tích gieo trồng cây hàng năm, vụ thu mùa năm 2021, toàn tỉnh gieo trồng được 155,4 nghìn ha, đạt 99,6% kế hoạch, giảm 1,2% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 116,6 nghìn ha, vượt 1,4% kế hoạch, tăng 1,4% so với cùng kỳ (diện tích cấy lúa lai chiếm 45,6% trong tổng diện tích gieo cấy, tăng 16,5% so với vụ thu mùa năm 2020; diện tích cấy lúa chất lượng cao chiếm 14,9% trong tổng diện tích gieo cấy, tăng 1,7% so với vụ thu mùa năm 2020); ngô 12.720 ha, đạt 90,9% kế hoạch, giảm 3,2% so cùng kỳ; lạc 1.022 ha, tăng 7,4%; đậu tương 203 ha, giảm 34,5%; khoai lang 1.322 ha, giảm 5,6%; rau các loại 12.157 ha, tăng 1,1%; cây gia vị, dược liệu, hương liệu 874 ha, giảm 60,7% (chủ yếu do chuyển đổi sang đất trồng cây lâm nghiệp)…

Năng suất, sản lượng một số cây trồng chính vụ thu mùa năm 2021 như sau: Lúa 55,1 tạ/ha, tăng 1,5% so cùng kỳ (tăng 0,8 tạ/ha), sản lượng 642,5 nghìn tấn, tăng 2,9% so cùng kỳ; ngô 45,9 tạ/ha, tăng 0,4% so cùng kỳ, sản lượng 58,4 nghìn tấn, giảm 2,7% so cùng kỳ; lạc 20,9 tạ/ha, tăng 3,5% so cùng kỳ, sản lượng 2,1 nghìn tấn, tăng 11,3% so cùng kỳ; rau các loại 130 tạ/ha, tăng 2,1% so cùng kỳ, sản lượng 155,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ; mía 643,6 tạ/ha, tăng 0,1% so cùng kỳ, sản lượng 997,3 nghìn tấn, giảm 17,8% so cùng kỳ… Sản lượng lương thực có hạt 701 nghìn tấn, tăng 2,4% so với vụ mùa năm 2020.

a2) Tiến độ sản xuất vụ đông

Theo báo cáo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/11/2021 toàn tỉnh gieo trồng được 39.850 ha các loại cây trồng vụ đông, đạt 88,6% kế hoạch, giảm 8,6% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, ngô 14.347 ha, lạc 1.277 ha, đậu tương 245 ha, khoai lang 2.283 ha, ớt 2.140 ha, rau đậu các loại và các cây trồng khác 19.558 ha. Các địa phương tập trung chăm sóc diện tích đã gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh và tiếp tục gieo trồng những cây còn thời vụ, đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, ớt...

b) Chăn nuôi

Kết quả điều tra chăn nuôi kỳ 01/10/2021, toàn tỉnh có 1.045.517 con lợn, 23.251 nghìn con gia cầm; so với thời điểm 01/10/2020, đàn lợn tăng 9,8%, đàn gia cầm tăng 5,5%.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 18/11/2021 các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2021 cho đàn vật nuôi, gồm: Vắc xin cúm gia cầm 5.261.000 con, đạt 87,4% diện tiêm; vắc xin dại chó mèo 307.630 con, đạt 87,3% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò 191.250 con, đạt 77,5% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 200.005 con, đạt 81,1% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 278.044 con, đạt 71,6% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 275.504 con, đạt 70,9% diện tiêm. 

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh: Từ ngày 20/9/2021 đến 16 giờ ngày 10/11/2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 447 hộ của 147 thôn thuộc 46 xã của 11 huyện, thị xã, buộc phải tiêu hủy 2.631 con lợn, trọng lượng 202.951 kg. Để kịp thời ngăn chặn, dập tắt ổ dịch và không để lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện có dịch tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để ngăn chặn, khống chế, dập tắt dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn cụ thể các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ, đôn đốc cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp khống chế dịch bệnh. Đồng thời, thành lập 55 chốt kiểm soát, 01 tổ kiểm soát lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch theo quy định. Thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh theo quy định. Đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo; đối với vùng đệm, vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần liên tục trong vòng 21 ngày kể từ khi có ổ dịch.

1.2. Lâm nghiệp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2021, toàn tỉnh đã trồng được 9.394 ha rừng tập trung, đạt 93,9% kế hoạch năm và 4,9 triệu cây phân tán các loại. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Tháng 11, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 17.193 tấn, tăng 2,7% so tháng trước, tăng 5,2% so tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 12.067 tấn, tăng 4,1% và tăng 6,0%; sản lượng nuôi trồng 5.126 tấn, giảm 0,5% và tăng 3,5%. Tính chung 11 tháng năm 2021, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 184.363 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 123.829 tấn, tăng 4,2%, sản lượng nuôi trồng 60.534 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Tháng 11, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sản xuất kinh doanh cơ bản ổn định, sản lượng sản phẩm sản xuất và tiêu thụ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các doanh nghiệp may, giày da, xi măng đạt khá nên chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 11/2021 tăng khá cao so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 11/2021 tăng 15,31% so với tháng trước, tăng 29,72% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,68% so với tháng trước, tăng 20,59% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,87% so với tháng trước, tăng 30,97% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 6,74% so với tháng trước, tăng 9,40% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,16% so với tháng trước, tăng 32,30% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,50% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 8,75%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,03%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 8,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 21,34% so cùng kỳ.

Một số sản phẩm chủ yếu tháng 11/2021 so với tháng trước và tháng cùng kỳ như sau: Xăng các loại 223,3 nghìn tấn, tăng 32,9% so tháng trước, tăng 18,8% so tháng cùng kỳ; dầu diesel 338,6 nghìn tấn, tăng 76,3% so tháng trước, tăng 10,3% so tháng cùng kỳ; bia các loại 2,8 triệu lít, giảm 9,7% so tháng trước, tăng 15,6% so tháng cùng kỳ; thuốc lá bao 20,4 triệu bao, tăng 10,4% so tháng trước, tăng 18,9% so tháng cùng kỳ; quần áo các loại 17,5 triệu cái, tăng 1,7% so tháng trước, tăng 47,5% so tháng cùng kỳ; giày thể thao 18,8 triệu đôi, tăng 8,6% so tháng trước, tăng 42,8% so tháng cùng kỳ; xi măng 1,63 triệu tấn, tăng 4,3% so tháng trước, tăng 23,6% so tháng cùng kỳ; sắt thép 177,2 nghìn tấn, tăng 15,0% so tháng trước, tăng 31,7% so tháng cùng kỳ; điện sản xuất 388 triệu kwh, tăng 12,4% so tháng trước, tăng 1,9% so tháng cùng kỳ; nước máy 3,67 triệu m3, tăng 1,2% so tháng trước, tăng 37,1% so tháng cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2021 dự kiến tăng 4,48% so với tháng trước, tăng 32,98% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,79% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2021 dự kiến tăng 8,08% so với tháng trước, tăng 28,03% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2021 dự kiến tăng 1,71% so với tháng trước, tăng 15,99% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,13% so với tháng trước, giảm 3,64% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 10,34% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,07% so với tháng trước, tăng 18,42% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 18,08% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 4,85%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,64%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,98% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Tháng 11, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Ước tính tháng 11/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 967,7 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước[1]. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 9.137,7 tỷ đồng, bằng 88,8% kế hoạch năm và giảm 0,8% so cùng kỳ[2].

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Trên địa bàn tỉnh, dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát tốt, nên kinh doanh thương nghiệp và cung cấp các dịch vụ thiết yếu vẫn hoạt động ổn định. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11/2021 ước đạt 12.207 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước, tăng 24,5% so với tháng cùng kỳ năm trước[3]. Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 105.281 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước[4].

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Giá vật liệu xây dựng (sắt thép) tăng; giá bán lẻ xăng, dầu liên tiếp điều chỉnh tăng và hiện đang ở mức cao trong 7 năm gần đây là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,43% so với tháng trước, tăng 2,09% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 11 tăng 2,19%. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[5].

 Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2021 tăng 0,43% so với tháng trước. Có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,16% (lương thực tăng 0,81%, thực phẩm tăng 0,09%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,03%); nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,24%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,39%; nhóm giao thông tăng 3,22%; nhóm giáo dục tăng 0,01%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,35%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%. Duy nhất nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,17%. Hai nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm bưu chính viễn thông.

Chỉ số giá vàng tháng 11/2021 tăng 2,45% so với tháng trước, giảm 2,95% so với tháng 11/2020; bình quân 11 tháng đầu năm 2021 tăng 8,30% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2021 giảm 0,28% so với tháng trước, giảm 2,04% so với tháng 11/2020; bình quân 11 tháng đầu năm 2021 giảm 1,18% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Thực hiện Công điện số 1322/CĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; các Quyết định của Bộ Giao thông vận tải; Công văn số 16025/UBND-CN, ngày 13/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn; theo đó, đối với các tỉnh, thành phố/khu vực có nguy cơ thấp (vùng xanh, vùng vàng theo thông báo của Bộ Y tế): Đồng ý chủ trương mở tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh có tuyến hành khách cố định để thống nhất lịch trình, tần suất, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định trước khi thực hiện. Đối với các tỉnh, thành phố vùng có dịch (vùng đỏ, vùng cam theo thông báo của Bộ Y tế): Cho phép thí điểm tổ chức vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến Thanh Hóa theo Quyết định số 1777/QĐBGTVT ngày 10/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải để vận chuyển công dân có nhu cầu, nguyện vọng về quê và đón người lao động trở lại làm việc. Vì vậy, tháng 11/2021, doanh thu và sản lượng vận tải hành khách đường bộ tăng khá cao so với tháng trước, nhưng vẫn giảm mạnh so với tháng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 11/2021 ước đạt 125,3 tỷ đồng, tăng 74,7% so tháng trước, giảm 61,1% so với tháng cùng kỳ, hành khách vận chuyển 828 nghìn người, hành khách luân chuyển 45.796 nghìn người.km; so với tháng trước, tăng 56,8% về hành khách vận chuyển, tăng 57,5% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 79,8% về hành khách vận chuyển, giảm 81,6% về hành khách luân chuyển. Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.343 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ, hành khách vận chuyển 23,2 triệu người, hành khách luân chuyển 1.504 triệu người.km; giảm 31,1% về hành khách vận chuyển, giảm 32,1% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tải hàng hóa tháng 11/2021 ước đạt 827,1 tỷ đồng, tăng 17,2% so với tháng trước, tăng 20,2% so tháng cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 4.461 nghìn tấn, hàng hóa luân chuyển 185.530 nghìn tấn.km; so với tháng trước, tăng 10,8% về hàng hóa vận chuyển, tăng 10,6% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 0,8% về hàng hóa vận chuyển, giảm 9,5% về hàng hóa luân chuyển. Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 7.126 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ; hàng hoá vận chuyển 47,4 triệu tấn, hàng hóa luân chuyển 2.221,6 triệu tấn.km; tăng 3,7% về hàng hóa vận chuyển, giảm 2,2% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Thanh Hóa đã từng bước khôi phục lại các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trong trạng thái bình thường mới.   

Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 11/2021 ước đạt 804,2 tỷ đồng, tăng 26,8% so tháng trước, giảm 18,3% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 6.943 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 11/2021 ước đạt 28,5 tỷ đồng, tăng 19,6% so tháng trước, giảm 72,4% so với tháng cùng kỳ; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 46,5 nghìn lượt khách, tăng 14,9% so tháng trước, giảm 77,0% so với tháng cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 148,1 nghìn ngày khách, tăng 24,9% so với tháng trước, giảm 65,4% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.007 tỷ đồng, giảm 28,1% so với cùng kỳ năm trước; số lượt khách phục vụ của khách sạn ước đạt 2.701 nghìn lượt khách, giảm 37,1% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 4.706 nghìn ngày khách, giảm 34,7% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành 11 tháng đầu năm 2021 ước đạt 28,85 tỷ đồng, giảm 63,3% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour ước đạt 12,5 nghìn lượt khách, giảm 68,0% so cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 38,8 nghìn ngày khách, giảm 69,4% so cùng kỳ.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Tháng 11/2021, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi hằng tháng đối với 71.900 người có công với cách mạng và thân nhân, kinh phí thực hiện là hơn 142,5 tỷ đồng; đồng thời, quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND thị xã Nghi Sơn triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 có nhu cầu trở về quê hương; tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội; hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả trợ cấp hằng tháng cho trên 203.000 đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, tổng kinh phí thực hiện là gần 84 tỷ đồng/tháng; chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị tập trung cho 1.125 đối tượng đảm bảo theo quy định.  

5.2. Lao động, việc làm

Đến tháng 11/2021, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 56.230 lao động, đạt 95,3% kế hoạch năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 4.260 lao động, đạt 71,0% kế hoạch năm, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Công tác quản lý lao động là người nước ngoài đến làm việc tại tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã cấp mới giấy phép cho 866 lao động, cấp lại giấy phép cho 104 lao động, gia hạn giấy phép cho 195 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh, chủ yếu là chuyên gia, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm quản lý tại các doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế; thường xuyên củng cố và kiện toàn hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 61.241 người, đạt 72,6% kế hoạch năm.

Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; kết quả thực hiện đến ngày 12/11/2021 cụ thể như sau:

- Có 6.384 doanh nghiệp với 286.562 lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tổng số tiền giảm mức đóng 05 tháng (tháng 7, 8, 9, 10 và 11/2021) gần 31,7 tỷ đồng. 03 doanh nghiệp với 143 lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, tổng số tiền tạm dừng đóng là gần 566,2 triệu đồng. 06 doanh nghiệp được hỗ trợ vay 2.950.250.000 đồng để trả lương ngừng việc cho 896 lao động và 02 doanh nghiệp được hỗ trợ vay 782.885.000 đồng để trả lương phục hồi sản xuất cho 317 lao động. 5.965 đơn vị, doanh nghiệp với 276.115 lao động được hỗ trợ giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (tháng 10, 11/2021), tổng số tiền được giảm mức đóng là 24,7 tỷ đồng; số người lao động được duyệt hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 234.746 người với tổng số tiền là 540,5 tỷ đồng.

- Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 796 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 2.161.675.000 đồng (bao gồm chính sách hỗ trợ bổ sung cho 473 trẻ em và 44 lao động mang thai). Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 154 người lao động, tổng kinh phí đã chi trả là 506.985.000 đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 1.371 lao động ngừng việc, kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 2.055.000.000 đồng (bao gồm chính sách hỗ trợ bổ sung cho 639 trẻ em và 45 lao động đang mang thai). Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 149 lao động, tổng kinh phí đã chi trả là 225.000.000 đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 661 trường hợp F0, F1 (gồm: 56 F0 và 605 F1), trong đó có 81 trẻ em (07 F0 và 74 F1), tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ là 982.920.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 193 trường hợp, tổng kinh phí đã chi trả là 329.900.000 đồng. Phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ đối với 89 viên chức hoạt động nghệ thuật và 81 hướng dẫn viên du lịch, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 300.510.000 đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ đối với 67 hướng dẫn viên du lịch, tổng số tiền đã chi trả là 248.570.000 đồng.

- Ban hành Quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 908 hộ kinh doanh, kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 2.724.000.000 đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đối với 565 hộ kinh doanh, tổng kinh phí đã chi trả là 1.695.000.000 đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 979 lao động không có giao kết hợp đồng lao động, tổng kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 871.700.000 đồng. Đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 240 lao động, tổng kinh phí đã chi trả là 172.950.000 đồng. Phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 02 lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 01 người có con nhỏ dưới 06 tuổi), kinh phí hỗ trợ phê duyệt là 8.120.000 đồng.

5.3. Y tế

Ngành Y tế tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo các kịch bản đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát; đồng thời tiếp tục giám sát các bệnh dịch khác phát sinh trong mùa Thu - Đông, chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại khu vực cửa khẩu, sân bay và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ của ngành Y tế năm 2021.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Thanh Hóa kể từ ngày 27/4/2021 đến 12 giờ 00 ngày 23/11/2021:

Tính đến 12 giờ 00 ngày 23/11/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.976 ca dương tính, 154 ca tái dương tính; đã điều trị khỏi, ra viện 1.095 người; số bệnh nhân hiện đang cách ly, điều trị 869 người (số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch 02 người); số bệnh nhân tử vong 12 người. Toàn tỉnh hiện tại có 106 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 11.066 người. Tổng số trường hợp cách ly tập trung 33.999 người, hiện đang cách ly 2.326 người. Số trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú 225.369 người, hiện đang cách ly 10.625 người. Đã xét nghiệm 586.970 mẫu đối với 171.354 người. Từ ngày 27/4/2021 đến nay, đã thực hiện giám sát, truy vết tổng số 13.953 đối tượng F1 và các đối liên quan đến các chuyến bay, chuyến xe có bệnh nhân dương tính; 55.201 đối tượng F2 và các trường hợp liên quan khác.

Công tác điều trị: Tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 số 1, tổng số bệnh nhân dương tính vào điều trị 1.031 người, số bệnh nhân điều trị khỏi, ra viện, chuyển viện 896 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị 125 người, số bệnh nhân tử vong 10 người. Bệnh viện Ung bướu, tổng số bệnh nhân dương tính vào điều trị 167 người, số bệnh nhân điều trị khỏi, ra viện, chuyển viện 166 người, số bệnh nhân tử vong 01 người. Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, tổng số bệnh nhân dương tính vào điều trị 468 người, số bệnh nhân điều trị khỏi, ra viện, chuyển viện 33 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị 435 người, chưa có bệnh nhân tử vong.

Triển khai chiến dịch tiêm chủng Vắc xin phòng Covid-19: Tính đến 18 giờ ngày 22/11/2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 3.440.340 liều vắc xin phòng Covid-19, đã triển khai tiêm chủng 2.047.507 liều vắc xin, tiêm 2.180.782 mũi tiêm, trong đó có 553.398 người tiêm đủ 2 mũi (đạt tỷ lệ 20,23%), 1.627.384 người tiêm ít nhất 1 mũi (đạt tỷ lệ 62,45%).

5.4. Giáo dục - Đào tạo

Ngành Giáo dục - Đào tạo tích cực tuyên truyền, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2021 - 2022; kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo cho công tác dạy và học thích ứng, an toàn trong tình hình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành có liên quan; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, bắt buộc đeo khẩu trang và khai báo y tế khi đi ra ngoài. Nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, kịp thời phát hiện sớm nhất các nguy cơ có thể làm lây lan dịch bệnh tại đơn vị để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời. Thường xuyên cập nhật diễn biến tình hình tại đơn vị, nắm chắc các đối tượng F0, F1, F2 là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của đơn vị để kịp 2 thời phối hợp với ngành y tế địa phương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hạn chế việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động ngoại khóa,… không thật sự cần thiết, nếu tổ chức phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa, Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tuyên truyền kết quả Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các nghị quyết, kết luận của Hội nghị; tuyên truyền kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Kỳ họp thứ ba Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII; tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện và cụ thể hóa các quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh...; kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ, 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam...; tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng sang trạng thái bình thường mới.

Thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp tiếp tục được quan tâm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo và phát triển bóng đá năm 2021; chuẩn bị lực lượng tham gia và đăng cai vòng chung kết giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2021.

5.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 11/2021 (tính từ ngày 15/10/2021 đến ngày 14/11/2021), toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người, bị thương 27 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 04 vụ, tăng 02 người chết, bằng về số người bị thương. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do vi phạm tốc độ, không chú ý quan sát, vi phạm phần đường và làn đường, không giữ khoảng cách, vượt sai quy định. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021 trên địa bản tỉnh xảy ra 306 vụ tai nạn giao thông, làm chết 120 người, bị thương 248 người; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 64 vụ, giảm 14 người chết, giảm 67 người bị thương.

5.7. Thiệt hại do thiên tai

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai (thuộc Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2021, tỉnh Thanh Hóa đã phải hứng chịu 28 trận thiên tai, gồm: 06 đợt nắng nóng; 03 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt mưa lớn, giông, lốc, sét; 02 trận sạt lở đất; 03 cơn bão (bão số 2, số 7 và số 8) và 01 áp thấp nhiệt đới. Thiên tai đã làm chết 03 người, 01 người bị thương và gây thiệt hại tài sản khoảng 61,5 tỷ đồng.

5.8. Cháy, nổ

Tháng 10/2021, xảy 10 vụ cháy, thiệt hại 02 triệu đồng (05 vụ thiệt hại không đáng kể và 02 vụ đang thống kê); trong tháng, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 507 lượt cơ sở, lập 507 biên bản kiểm tra, phát hiện, kiến nghị khắc phục 1.373 sơ hở, thiếu sót ; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 36 trường hợp, phạt tiền 171 triệu đồng.. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 60 vụ cháy, không có người chết và bị thương, thiệt hại gần 3,3 tỷ đồng.

File Download :  Tinh hinh KT-XH thang 11-2021 (xem) ; So lieu KT-XH thang 11-2021 (xem)                                            


[1] Tháng 11/2021: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 401,4 tỷ đồng, tăng 15,6% so với tháng trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 313 tỷ đồng, tăng 13,0% so với tháng trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 253,3 tỷ đồng, tăng 6,9% so với tháng trước.

[2] Lũy kế 11 tháng năm 2021: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.901,4 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 2.837,4 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 2.398,9 tỷ đồng, giảm 4,0% so với cùng kỳ.

[3] Tháng 11/2021: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 6.528 tỷ đồng, tăng 4,2% so tháng trước, tăng 33,8% so tháng cùng kỳ; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.133 tỷ đồng, tăng 2,7% so tháng trước, tăng 17,9% so tháng cùng kỳ; vật phẩm văn hóa giáo dục 117 tỷ đồng, tăng 1,6% so tháng trước, tăng 13,4% so tháng cùng kỳ; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 225 tỷ đồng, tăng 4,8% so tháng trước, tăng 7,6% so tháng cùng kỳ; xăng, dầu các loại 855 tỷ đồng, tăng 6,4% so tháng trước, tăng 27,9% so tháng cùng kỳ...

[4] Lũy kế 11 tháng năm 2021: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 46.473 tỷ đồng, tăng 19,5%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 12.455 tỷ đồng, tăng 7,6%; ô tô con các loại (dưới 9 chỗ ngồi) 2.788 tỷ đồng, tăng 8,8%; xăng, dầu các loại 11.701 tỷ đồng, tăng 9,0%...

[5] Tốc độ tăng CPI bình quân 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm từ 2016 - 2021 lần lượt là: 2,05%; 2,87%; 3,97%; 2,27%; 4,98%; 1,54%.

<

Tin mới nhất

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2025; tháng 6, quý II và...(03/07/2025 10:43 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025(03/07/2025 10:34 SA)

Công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2025 của Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa(20/06/2025 10:42 SA)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5 năm 2025(03/06/2025 8:35 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng năm và 5 tháng đầu năm 2025(03/06/2025 8:17 SA)

Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2025(30/05/2025 10:19 SA)

    °
    1446 người đang online