Tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng đầu năm 2020

Đăng ngày 29 - 10 - 2020
100%

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 15/10/2020, các loại cây trồng vụ thu mùa năm 2020 đã cơ bản thu hoạch xong. Kết quả gieo trồng vụ đông năm 2020 - 2021 đến cùng thời điểm nói trên như sau: Tổng diện tích đã gieo trồng 31.945 ha, giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước; trong đó, ngô 12.931 ha, giảm 9,2%; lạc 1.359 ha, tăng 0,5%; đậu tương 216 ha, giảm 32,9%; rau màu các loại và cây trồng khác 15.608 ha, tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.      

b) Chăn nuôi

Kết quả tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2020 tính đến ngày 15/10/2020 như sau: vắc xin cúm gia cầm H5N1 được 3.325.000 con, đạt 52,95% diện tiêm; vắc xin dại cho chó mèo được 277.150 con, đạt 73,46% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 170.365 con, đạt 56,55% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc được 184.692 con, đạt 61,31% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn được 219.140 con, đạt 48,16% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn được 219.375 con, đạt 48,17% diện tiêm.

1.2. Lâm nghiệp

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến ngày 15/10/2020, toàn tỉnh đã trồng được 1.702 nghìn cây phân tán các loại; diện tích trồng rừng tập trung 8.650 ha, đạt 86,5% kế hoạch năm.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Mười, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 15.749 tấn, giảm 0,5% so tháng trước, tăng 2,6% so tháng cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 10.723 tấn, giảm 0,3% và tăng 0,5%; sản lượng nuôi trồng 5.026 tấn, giảm 1,0% và tăng 7,1%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 160,3 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 107,1 nghìn tấn, tăng 6,1%, sản lượng nuôi trồng 53,2 nghìn tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Mười, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sản xuất kinh doanh cơ bản ổn định, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đẩy mạnh sản xuất, đạt đến công suất thiết kế, nên sản lượng sản phẩm sản xuất tăng khá cao so với tháng cùng kỳ; nhiều sản phẩm tăng so với tháng trước và tháng cùng kỳ; tuy nhiên, một số sản phẩm chủ yếu như: bia, thuốc lá, ô tô giảm so với tháng trước và giảm so với tháng cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 10/2020 tăng 4,64% so với tháng trước, tăng 6,70% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,83% so với tháng trước, giảm 7,55% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,64% so với tháng trước, tăng 6,13% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 5,14% so với tháng trước, tăng 18,80% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,24% so với tháng trước, giảm 5,45% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,63% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 20,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,69%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,12%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,66% so cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2020 dự kiến giảm 2,85% so với tháng trước, giảm 16,29% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,98% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2020 dự kiến tăng 10,63% so với tháng trước, tăng 11,63% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2020 dự kiến tăng 2,69% so với tháng trước; tăng 8,79% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,07% so với tháng trước; giảm 9,97% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,30% so với tháng trước; giảm 0,49% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,34% so với tháng trước; tăng 13,95% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,65% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 7,89%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4,65%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3,52% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Tháng Mười, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm; chuẩn bị khởi công các công trình, dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ước tính tháng 10/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 977 tỷ đồng, tăng 6,9% so với tháng trước; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 375,8 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 303,9 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 297,3 tỷ đồng, tăng 10,9% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 8.246,5 tỷ đồng, bằng 80,4% kế hoạch năm và tăng 30,9% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.526,6 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 2.500,7 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 2.219,3 tỷ đồng, tăng 34,0% so với cùng kỳ.

Các dự án dự kiến tổ chức Lễ khánh thành chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm: (1) Đường từ quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi Cảng Nghi Sơn thuộc tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi sơn và các khu công nghiệp làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 1.479 tỷ đồng, tổ chức ngày 22/10; (2) Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp với phát triển vùng nguyên liệu cây gai tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy do Công ty CP đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước đầu tư, với tổng mức đầu tư 634 tỷ đồng, tổ chức ngày 17/10; (3) Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn do Công ty CP gang thép Nghi Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 4.980 tỷ đồng, tổ chức ngày 23/10; (4) Nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư 206 tỷ đồng, tổ chức ngày 20/10; (5) Nhà máy chế biến nước dinh dưỡng tế bào mía tại thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) do Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư với với tổng mức đầu tư 145 tỷ đồng, tổ chức ngày 20/10.

Có 3 dự án tổ chức Lễ khởi công chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm: (1) Đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng hành không Thọ Xuân do Sở Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 3.068 tỷ đồng, tổ chức ngày 20/10; (2) Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn do Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.473 tỷ đồng (kết hợp tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn), tổ chức ngày 26/10; (3) Dây chuyền 1- Nhà máy xi măng Đại Dương do Công ty Xi măng Đại Dương làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng, tổ chức ngày 23/10.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 10/2020 ước đạt 8.619,4 tỷ đồng, tăng 11,0% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.964,4 tỷ đồng, tăng 10,9%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.350,5 tỷ đồng, tăng 32,8%; ô tô các loại 290,3 tỷ đồng, tăng 47,9%; xăng, dầu các loại 1.292,3 tỷ đồng, tăng 11,8%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 767,6 tỷ đồng, giảm 2,7%...

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 79.075 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 28.881 tỷ đồng, tăng 15,2%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 11.543 tỷ đồng, tăng 9,3%; ô tô các loại 2.445 tỷ đồng, tăng 5,5%; xăng, dầu các loại 11.419 tỷ đồng, giảm 2,3%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 6.868 tỷ đồng, giảm 11,1%...

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Mười và bình quân 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 3,69% và 5,32%) đều ở mức tăng cao trong 5 năm gần đây (tốc độ tăng CPI tháng Mười so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 2,23%; 3,53%; 4,31%; 2,05%; 3,69%. Tốc độ tăng CPI bình quân 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 2,01%; 2,78%; 3,93%; 2,10%; 5,32%).

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 giảm 0,25% so với tháng trước. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,30%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,17%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,10%; nhóm giáo dục tăng 0,02%. Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,70% (lương thực giảm 0,44%, thực phẩm giảm 0,95%, ăn uống ngoài gia đình giảm 0,07%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,21%; nhóm giao thông giảm 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%. Ba nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng, không giảm là: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng đầu năm 2020 tăng 5,32% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2020 tăng 0,16% so với tháng 12/2019 và tăng 3,69% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 10/2020 giảm 0,72% so với tháng trước, tăng 28,11% so với tháng 10/2019; bình quân 10 tháng đầu năm 2020 tăng 26,30% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10/2020 tăng 0,04% so với tháng trước, tăng 0,07% so với tháng 10/2019; bình quân 10 tháng đầu năm 2020 tăng 0,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Ước tính tháng 10/2020, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 517,7 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước, giảm 0,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.863 nghìn tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 227.386 nghìn tấn.km; so với tháng trước, tăng 1,3% về hàng hóa vận chuyển, tăng 1,0% về hàng hóa luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 1,7% về hàng hoá vận chuyển, giảm 2,6% về hàng hoá luân chuyển. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 322,6 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và bằng tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 2.975 nghìn người, hành khách luân chuyển 180.048 nghìn người.km; so với tháng trước, tăng 1,7% về hành khách vận chuyển, tăng 1,8% về hành khách luân chuyển; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 9,5% về hành khách vận chuyển, giảm 9,1% về hành khách luân chuyển. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 41,9 tỷ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước, giảm 15,1% so với tháng cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 1.073 nghìn tấn, tăng 2,5% so với tháng trước, giảm 5,0% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 8.386,4 tỷ đồng, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 46 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 2.137 triệu tấn.km, giảm 4,0% về hàng hoá vận chuyển, giảm 6,3% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.784,4 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 31,2 triệu người, hành khách luân chuyển 1.918 triệu người.km, giảm 24,6% về hành khách vận chuyển, giảm 22,6% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 433,4 tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 10,6 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 10/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.047,5 tỷ đồng, tăng 4,5% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 141,4 tỷ đồng, giảm 23,1%; dịch vụ ăn uống ước đạt 906,1 tỷ đồng, tăng 10,7%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 420,2 nghìn lượt khách, giảm 25,0% so với tháng cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 723,8 nghìn ngày khách, giảm 23,2% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 8.272,6 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.279,9 tỷ đồng, giảm 32,8%; dịch vụ ăn uống ước đạt 6.992,7 tỷ đồng, giảm 9,8%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 3.708 nghìn lượt khách, giảm 35,3% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 6.145 nghìn ngày khách, giảm 34,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 10/2020 ước đạt 7,25 tỷ đồng, giảm 32,6% so với tháng cùng kỳ, lượt khách du lịch theo tour ước đạt 2,8 nghìn lượt khách, giảm 43,8% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 9,8 nghìn ngày khách, giảm 40,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 67,2 tỷ đồng, giảm 39,2% so với cùng kỳ; lượt khách du lịch theo tour đạt 28,8 nghìn lượt khách, giảm 44,3% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 94,1 nghìn ngày khách, giảm 41,9% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ khác tháng 10/2020 ước đạt 379,7 tỷ đồng, giảm 9,4% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 3.525,3 tỷ đồng, giảm 11,6% so với tháng cùng kỳ năm trước.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Tháng 10/2020, đời sống nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định. Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên cho gần 75 nghìn đối tượng người có công với cách mạng; 204,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trong tháng đã tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới cho 81 trường hợp người có công với cách mạng và thân nhân; quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 1.634 trường hợp; giải quyết chế độ mai táng phí người có công cho 311 trường hợp; tiếp nhận, di chuyển, sao lục hồ sơ người có công và cấp lại thẻ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ cho 87 trường hợp; báo tin mộ, cung cấp thông tin, sửa đổi thông tin mộ liệt sĩ 33 trường hợp; hỗ trợ kinh phí di chuyển mộ liệt sĩ 5 trường hợp. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho 1.068 đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội thông qua tổng đài điện thoại và trực tiếp tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh…

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19; theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 23/9/2020 toàn tỉnh có 703.657 đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được kinh phí hỗ trợ (đợt 1), tổng số tiền đã cấp phát trên 705.807 triệu đồng. Đối với nhóm đối tượng người lao động, người sử dụng lao động và hộ kinh doanh toàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ (đợt 2) cho 24.593 đối tượng, tổng số tiền đã cấp phát là 25.697 triệu đồng. Nhóm đối tượng vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác, hiện đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, toàn tỉnh đã có 17 huyện, thị xã, thành phố (Yên Định, Nông Cống, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Bá Thước, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thạch Thành, Quảng Xương, Như Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Triệu Sơn, Quan Sơn, TP. Sầm Sơn, TX. Nghi Sơn và TX. Bỉm Sơn) đã hoàn thành chi trả kinh phí hỗ trợ, tổng số đối tượng đã được nhận kinh phí hỗ trợ là 1.236 người, tổng số tiền đã cấp phát là 1.741 triệu đồng.

5.2. Lao động, việc làm

Trong tháng Mười, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị đã tổ chức 09 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và 01 phiên giao dịch việc làm lưu động tại Trường Trung cấp nghề Miền núi, thu hút 76 lượt đơn vị tham gia tuyển dụng; giới thiệu 04 doanh nghiệp xuất khẩu lao động và 01 doanh nghiệp trong nước về các huyện, thị xã, thành phố tuyển chọn lao động; tổ chức 29 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm tại cộng đồng cho 2.030 người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước... Kết quả trong tháng 10/2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 7.830 lao động, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài 283 người. Lũy kế 10 tháng đầu năm, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 39.650 lao động, trong đó đưa đi làm việc ở nước ngoài 4.093 người. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong tháng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phấn đấu thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Kết quả, trong tháng Mười các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 17.494 người (trình độ cao đẳng 2.302 người; trình độ trung cấp 5.675 người; trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 03 tháng 9.517 người).

5.3. Y tế

Ngành Y tế Thanh Hóa tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Vì vậy trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vẫn phát sinh một số bệnh thông thường, tính đến ngày 04/10/2020 toàn tỉnh ghi nhận 1.034 ca mắc bệnh tay chân miệng, 49 ca sởi, 60 ca viêm gan Virut B, 186 ca sốt xuất huyết Dengue, 5 ca ho gà, 43 ca viêm não Virut, 3 ca viêm não Nhật Bản, 4 ca viên gan B, 1 ca viêm gan C, 1 ca uốn ván khác, 10 ca nghi bại liệt, 4 ca mắc bệnh dại.

Về phòng chống dịch bệnh Covid-19: Tình hình dịch trong nước và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản được kiểm soát, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Để tiếp tục duy trì vững chắc kết quả phòng, chống dịch đã đạt được, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-UBND ngày 6/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; ngành Y tế tiếp tục chủ động tham mưu, tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chú trọng tổ chức chặt chẽ việc phân luồng khi người dân đến khám, chữa bệnh, thăm nuôi; bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại các cơ sở y tế; từng khoa, phòng và cơ sở y tế đều phải tự kiểm tra, đánh giá hàng ngày về mức độ bảo đảm an toàn của khoa, phòng, cơ sở y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các sở, ngành, các địa phương; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch tại các khu vực, sự kiện có nguy cơ cao như: điểm lễ hội, du lịch, các sự kiện chính trị, văn hóa, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên có tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly… theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định. Tổ chức thực hiện tốt việc vận chuyển, cách ly, lưu trú, làm việc của các chuyên gia, người nước ngoài vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Y tế; duy trì nghiêm hoạt động giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, nhất là hoạt động của tổ giám sát ở cơ sở (khu phố, thôn, bản).

5.4. Giáo dục - Đào tạo

Tháng Mười, công tác dạy và học trong ngành Giáo dục và Đào tạo được duy trì ổn định và đi vào nề nếp, thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học mới 2020 - 2021; tổ chức khai giảng Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; tuần lễ “Học tập suốt đời”; Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc Tiểu học; thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa lớp 12 năm học 2020 - 2021; hoàn thiện các đề án, dự án được UBND tỉnh giao năm 2020 và tiếp tục thực hiện các đề án đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Các trường học trong tỉnh đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp và đạt kết quả cao trong việc huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp ở các cấp học, bậc học, cụ thể: Tỷ lệ huy động các cháu nhà trẻ ra lớp đạt trên 26%; mẫu giáo ra lớp đạt trên 96%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 100%; học sinh vào lớp 1  đạt 100% so với độ tuổi; học sinh vào lớp 6 đạt 99,8% so với độ tuổi; học sinh vào học lớp 10 (hệ công lập) đạt 99,58% so với chỉ tiêu giao (so với năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh tăng hơn 25.000 học sinh).

Theo báo cáo của các trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Hồng Đức đã tuyển sinh đợt 1 được 1.529/1.760 chỉ tiêu với 34 chuyên ngành, nhà trường đang tiếp nhận tuyển sinh đợt 2 năm 2020; Trường Đại học Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tuyển sinh đợt 1 được 350/970 chỉ tiêu; Trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá tuyển sinh đợt 1 năm 2020 được 175/170 chỉ tiêu với 2 chuyên ngành; Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hoá mới tuyển sinh được 9/210 chỉ tiêu. Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại các trường Cao đẳng đóng trên địa bàn đã tuyển sinh được 1.220 chỉ tiêu.

Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; ngày 18/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4206/QĐ-UBND về việc cấp gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ I năm học 2020 - 2021. Đối tượng được hỗ trợ gạo là những học sinh đang học học kỳ I năm học 2020 - 2021 tại các trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Số lượng học sinh được hưởng là 21.905 học sinh của 242 trường; số lượng gạo hỗ trợ học kỳ I năm học 2020 - 2021 là 1.642.875 kg, với mức hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh. Số tháng hỗ trợ học kỳ I năm học 2020 - 2021 là 05 tháng.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hoá - Thông tin tập trung tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; tập trung tuyên truyền Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025; tuyên truyền Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10; Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp Đất và Người xứ Thanh; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ngành trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trong tháng, các hoạt động chiếu phim, luân chuyển sách, báo, phát hành tạp chí văn hóa và biểu diễn nghệ thuật được thực hiện nghiêm túc, chất lượng; phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, biểu diễn Chương trình nghệ thuật chào mừng “Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X”; biểu diễn Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ tôn vinh Doanh nhân và sản phẩm hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2020; Chương trình nghệ thuật chào mừng “Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020)”; tham gia cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên múa toàn quốc năm 2020”...; từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ điện ảnh của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao  tiếp tục được duy trì sau dịch bệnh Covid-19; tổ chức thành công các giải: Quần vợt đồng đội cúp Agribank lần thứ IX năm 2020; Bơi - Lặn Vô địch các CLB quốc gia khu vực I năm 2020 tại Thanh Hóa; Bóng chuyền Bông lúa vàng năm 2020; Bóng bàn, Cầu lông, Quần vợt chào mừng Đại hội Đảng các cấp năm 2020; giải Bóng đá 7 người tỉnh Thanh Hóa năm 2020 - Cup Halida; phối hợp với các đơn vị chuẩn bị các điều kiện liên quan, triển khai công tác tổ chức giải Vovinam các CLB tỉnh Thanh Hóa - Cúp Tiến Nông; giải Võ thuật cổ truyền các CLB tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - Cúp Vinaphone năm 2020; phối hợp với Tổng cục TDTT tổ chức giải Xe đạp VTV Cup năm 2020; cử HLV, VĐV Thể thao thành tích cao tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao theo kế hoạch. Tính đến ngày 12/10 các VĐV thi đấu 41 giải đạt 284 Huy chương các loại, trong đó có 83 HCV, 74 HCB, 127 HCĐ; các VĐV môn Bóng đá tham gia vòng loại giải U11 quốc gia, U17 quốc gia; Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa tham dự V-League 2020, thi đấu 13 trận, được 15 điểm, tạm xếp thứ 11/14 đội.

5.6. Tai nạn giao thông

Tháng Chín, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng Mười (tính từ ngày 15/9/2020 đến hết ngày 14/10/2020) xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 19 người; so với tháng cùng kỳ, tăng 8,0% về số vụ, tăng 66,7% về số người chết, giảm 17,4% về số người bị thương. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 336 vụ tai nạn giao thông, làm 120 người chết và 288 người bị thương; giảm 12,7% về số vụ, giảm 10,4% về số người chết và giảm 17,2% về số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019.

5.7. Thiệt hại do thiên tai

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với bão số 7 và không khí lạnh nên từ ngày 14 đến 16/10, khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300 mm/đợt, khu vực đồng bằng ven biển và phía Nam, Tây Nam có nơi trên 300 mm; nguy cơ cao xảy ra lốc và gió giật mạnh; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”. Các địa phương đã chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa lũ, cùng với sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven sông, suối, bãi sông, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình bị sự cố, đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, hồ đập nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống xảy ra; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết… Qua thống kê sơ bộ từ các huyện, đến ngày 16/10 có khoảng 272,6 ha cây trồng bị đổ, ngập (cây hoa màu ngập, đổ 190,3 ha, lúa 82,3 ha); gần 80 ha mía; hơn 50 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản; ngập lụt 68 nhà dân; nhiều tuyến đường bị tràn liên thôn; kênh mương có nhiều đoạn bị gãy, vỡ và thủng đáy…, tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thường Xuân, Như Thanh, Thạch Thành.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các xã khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng của thiên tai; tổ chức thăm hỏi gia đình có người bị chết, bị thương; chỉ đạo các thôn, đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, dọn dẹp, tu sửa nhà cửa bị hư hỏng, đồng thời hướng dẫn nhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại; khẩn trương thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

5.8. Cháy, nổ

Tháng 9/2020, xảy 05 vụ cháy (TP. Thanh Hóa 02 vụ; Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa mỗi nơi 01 vụ), thiệt hại 727 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 114 vụ cháy, số người chết 02 người, số người bị thương 13 người, thiệt hại 4.394 triệu đồng. Tháng Chín, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn PCCC 106 lượt cơ sở, lập 106 biên bản kiểm tra, phát hiện 307 sơ hở, thiếu sót. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 08 trường hợp, phạt tiền 41,8 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy tăng 16 vụ, số người chết tăng 02 người, số người bị thương tăng 09 người.

 

File Download:   BC KT-XH thang 10-2020 (xem);   SL KT-XH thang 10-2020 (xem)

 

<

Tin mới nhất

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 01/4/2024(19/03/2024 1:37 SA)

Công đoàn Cục Thống kê Thanh Hóa tổ chức tọa đàm kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1984...(11/03/2024 3:06 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02 năm 2024(27/02/2024 2:34 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng Hai và 2 tháng đầu năm 2024(27/02/2024 2:20 CH)

Quyết định ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền kiến thức...(30/01/2024 3:14 CH)

    °
    894 người đang online