Tình hình Kinh tế -Xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2020

Đăng ngày 28 - 04 - 2020
100%

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Sản xuất vụ chiêm xuân

Vụ chiêm xuân 2019 - 2020 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, đầu vụ thời gian nắng ấm nhiều, không có các đợt rét kéo dài, nguồn nước tưới đầy đủ, tạo điều kiện cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển; tuy nhiên, trong thời gian qua, thời tiết có sương mù và mưa phùn rải rác, trưa và chiều trời hửng nắng, phù hợp cho một số loại sâu bệnh phát sinh gây hại trên một số loại cây trồng, nhất là cây lúa. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 200,5 nghìn ha, đạt 98,8% kế hoạch, giảm 2,8% so với vụ chiêm xuân năm ngoái; trong đó: nhóm cây lương thực 131.268 ha, giảm 1,9%; nhóm cây có củ 18.051 ha, tăng 5,7%; nhóm cây thuốc lá, thuốc lào 1.139 ha, tăng 7,7%; nhóm cây có hạt chứa dầu 7.433 ha, giảm 3,8%; nhóm rau, đậu, hoa và cây cảnh 15.458 ha, tăng 12,5%; nhóm cây gia vị, dược liệu, hương liệu 3.563 ha, tăng 11,2%; nhóm cây hàng năm khác (chủ yếu là cây làm thức ăn gia súc) 4.564 ha, tăng 20,2%. Diện tích một số cây trồng chính như sau: lúa 116.191 ha, giảm 1,7% so với cùng kỳ, diện tích cấy lúa lai 70.890 ha (chiếm 60,0% tổng diện tích lúa), tăng 2,5%; ngô 15.069 ha, giảm 3,4%; lạc 7.127 ha, giảm 3,9%; khoai lang 2.082 ha, tăng 18,4% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hiện nay, lúa trà sớm đang trong giai đoạn phơi mầu - chín sữa, trà chính vụ trong giai đoạn ôm đòng - trỗ, trà muộn trong giai đoạn cuối đứng cái - ôm đòng; cây ngô trong giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ - phun râu; cây lạc trong giai đoạn tạo củ - vào chắc. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh cục bộ tại một số địa phương, gây hại nhẹ đến trung bình trên cây lúa; sâu keo mùa thu và bệnh đốm lá nhỏ gây hại nhẹ trên cây ngô. Các ngành, các cấp chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân tập trung các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa và các cây trồng khác vụ chiêm xuân 2019 - 2020.      

b) Chăn nuôi

Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1 năm 2020 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả đến ngày 16/4/2020, vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 10.052.920 con, đạt 85,8% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 295.000 con, đạt 83,6% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 183.000 con, đạt 68,9% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng trâu, bò 199.613 con, đạt 71,1% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 232.851 con, đạt 51,6% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 192.312 con đạt 45,3% diện tiêm. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

1.2. Lâm nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 16/4/2020, toàn tỉnh đã trồng được 2.789 ha rừng trồng tập trung, đạt 27,9% kế hoạch năm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, không xảy ra cháy rừng; an ninh rừng được đảm bảo.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Tư, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so tháng trước và cùng kỳ. Sản lượng thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 15.875 tấn, tăng 0,2% so tháng trước, tăng 7,3% so với tháng cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng 5.639 tấn, bằng tháng trước và tăng 6,7% so tháng cùng kỳ; sản lượng khai thác 10.236 tấn, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 7,6% so tháng cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất thuỷ sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 1.982 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ; sản lượng 63,3 nghìn tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

2. Sản xuất công nghiệp

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, ngành công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến khâu tiêu thụ sản phẩm (cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa), một số doanh nghiệp đã ngừng việc tạm thời, thu hẹp sản xuất, lao động phải nghỉ việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng (xảy ra chủ yếu tại một số doanh nghiệp hoạt động ngành may mặc và sản xuất giày dép thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài); một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ luân phiên và sản xuất cầm chừng. Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ổn định, sản lượng đạt khá; tuy nhiên, giá dầu thô trên thế giới xuống thấp, giá bán xăng, dầu trong nước liên tục điều chỉnh giảm từ đầu năm đến nay, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 4/2020 giảm 7,89% so với tháng trước, tăng 0,09% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 8,01% so với tháng trước, giảm 19,69% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,78% so với tháng trước, giảm 0,17% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 10,06% so với tháng trước, tăng 4,05% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 9,28% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 11,40% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 17,97%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,41%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 13,07%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,83% so cùng kỳ.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 04/2020 dự kiến giảm 16,44% so với tháng trước, giảm 27,74% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,24% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 04/2020 dự kiến tăng 2,05% so với tháng trước; giảm 5,01% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 04/2020 dự kiến giảm 6,79% so với tháng trước; giảm 9,51% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 2,73% so với tháng trước; giảm 6,36% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 0,02% so với tháng trước; giảm 6,33% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 10,14% so với tháng trước; giảm 11,05% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,97% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 2,67%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,08%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,68% so với cùng kỳ năm trước.

3. Đầu tư

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp chủ yếu tập trung thi công các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 4/2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương đạt 727,7 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch năm và tăng 14,9% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 332,5 tỷ đồng, tăng 13,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 210,3 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 184,9 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 2.498,9 tỷ đồng, bằng 24,4% kế hoạch năm và tăng 10,9% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 1.109,7 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 736,4 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 652,8 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giá xăng, dầu giảm mạnh là nguyên nhân chính tác động đến hoạt động bán lẻ hàng hóa tháng 4/2020. Ước tính doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4/2020 đạt 5.150,6 tỷ đồng, giảm 30,5% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.531,4 tỷ đồng, tăng 13,0%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 798,8 tỷ đồng, giảm 28,0%; ô tô các loại 88,4 tỷ đồng, giảm 65,2%; xăng, dầu các loại 392,8 tỷ đồng, giảm 68,2%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 363,4 tỷ đồng, giảm 53,5%... Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 28.989,4 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2019 tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước).

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 1,22% so với tháng trước, chủ yếu do tác động của dịch bệnh Covid-19 làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 và bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,65% và 6,19%) đều ở mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây (tốc độ tăng CPI tháng Tư so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,88%; 3,38%; 2,41%; 3,01%; 4,65%. Tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước các năm 2016 - 2020 lần lượt là: 1,43%; 3,51%; 3,13%; 2,71%; 6,19%).

Trong mức giảm 1,22% của chỉ số giá tiêu dùng tháng 04/2020 so với tháng trước có 5/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,41%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 2,70%;  nhóm giao thông giảm 11,78%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,13%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,03%. Duy nhất chỉ có nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,76% (lương thực tăng 4,46%, thực phẩm tăng 0,37%, ăn uống ngoài gia đình giảm 0,66%). Năm nhóm hàng hóa còn lại giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 6,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 0,63% so với tháng 12/2019 và tăng 4,65% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá vàng tháng 4/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 25,95% so với tháng 4/2019; bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 22,13% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 4/2020 tăng 1,09% so với tháng trước, tăng 1,23% so với tháng 4/2019; bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng 0,38% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Tháng Tư, người lao động được nghỉ 2 đợt vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương và Kỷ niệm 30/4 - 1/5; tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND ngày 15/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 19/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực, ngành nghề; các tuyến vận tải hành khách cố định, xe hợp đồng, xe du lịch nội tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe điện 4 bánh được phép hoạt động trở lại từ 00 giờ ngày 20/4/2020 nhưng các phương tiện phải được khử trùng sau mỗi lần đón, trả khách, không chở quá 50% số ghế quy định (đối với xe dưới 40 chỗ ngồi) và không được chở quá 20 khách đối với xe trên 40 chỗ ngồi. Tiếp tục ngừng hoạt động các tuyến vận tải khách liên tỉnh cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, tháng 4/2020, các chỉ tiêu ngành vận tải, nhất là vận tải hành khách giảm mạnh so với tháng cùng kỳ.

Ước tính tháng 4/2020, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 376,5 tỷ đồng, giảm 23,1% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 2.773 nghìn tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 129.558 nghìn tấn.km; giảm 40,3% về hàng hoá vận chuyển, giảm 41,0% về hàng hoá luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước.

Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 30,6 tỷ đồng, giảm 90,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 348 nghìn người, hành khách luân chuyển 23.190 nghìn người.km; giảm 91,7% về hành khách vận chuyển, giảm 90,7% về hành khách luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 36,9 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 954 nghìn tấn, giảm 5,4% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 1.882,9 tỷ đồng, giảm 12,0% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 15,9 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 732,6 triệu tấn.km, giảm 15,4% về hàng hoá vận chuyển, giảm 18,1% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 805,5 tỷ đồng, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 9,9 triệu người, hành khách luân chuyển 608,5 triệu người.km, giảm 42,3% về hành khách vận chuyển, giảm 39,1% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 184,5 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 4.453 nghìn tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến các hoạt động khách sạn, nhà hàng, du lịch lữ hành. Thực hiện Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND ngày 15/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống không được tổ chức phục vụ khách hàng ăn, uống tại cơ sở (kể cả ăn sáng, uống bia); các dịch vụ tham quan, du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh tiếp tục dừng hoạt động; cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch.

Tháng Tư, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 106,8 tỷ đồng, giảm 88,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2,6 tỷ đồng, giảm 98,6%; dịch vụ ăn uống ước đạt 104,2 tỷ đồng, giảm 86,1%. Khách sạn phục vụ 4,6 nghìn lượt khách, giảm 99,2% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 11 nghìn ngày khách, giảm 98,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 2.203 tỷ đồng, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 334 tỷ đồng, giảm 53,0%; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.869 tỷ đồng, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Đời sống dân cư trên địa tỉnh cơ bản ổn định, Nhân dân và các dân tộc trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 31/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND ngày 15/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện chi trả chế độ trợ cấp thường xuyên 02 tháng (tháng 4 và tháng 5 năm 2020) cho gần 75 nghìn đối tượng người có công với cách mạng; cho hơn 204,6 nghìn đối tượng và hộ gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng. Quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Trong tháng, đã tiếp nhận và giải quyết chế độ, chính sách mới  cho 19.287 người có công với cách mạng và thân nhân; giải quyết chế độ mai táng phí người có công 248 trường hợp. Thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh cho 1.055 đối tượng bảo trợ xã hội.

Nhằm bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sở LĐTBXH đang đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng đang được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ và nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cở sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ khoảng 12,3 tỷ đồng.

5.2. Lao động, việc làm

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, dẫn đến một bộ phận người lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 09/4/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 33.823 lao động; trong đó, số lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động 13.198 người, số lao động ngừng việc 4.374 người, số lao động bị ảnh hưởng khác (tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên v.v…) 16.251 người. Để góp phần hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo và thực hiện kịp thời việc thẩm định, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Trong tháng, đã tiếp nhận 2.358 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.349 lao động theo đúng quy định; đồng thời, quan tâm thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới, miễn phí 100% cho người lao động bị mất việc làm đến nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại cộng đồng, tạm dừng cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài đến từ vùng dịch trong thời gian Việt Nam công bố dịch Covid-19; tăng cường biện pháp khắc phục ảnh hưởng dịch bệnh; triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin thị trường lao động bằng các hình thức gián tiếp trên Trang thông tin điện tử; các ứng dụng trên môi trường mạng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua điện thoại, hộp thư điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm v.v… giúp cung cấp thông tin về thị trường lao động cho 1.600 lượt người; hỗ trợ tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan đến lao động việc làm, hoạt động xuất khẩu cho 3.370 lượt người.

5.3. Y tế

Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh do Covid-19, chủ động giám sát các bệnh dịch phát sinh trong mùa Xuân Hè, chỉ đạo các đơn vị Y tế dự phòng tăng cường giám sát tại khu vực sân bay, cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Tăng cường cơ chế tự chủ, giảm tải ở các bệnh viện công lập. Lũy kế đến ngày 12/4/2020 có 22 ca sốt xuất huyết, 44 ca sởi, 19 ca tay chân miệng, 03 ca dại (tử vong 03), 03 ca ho gà, 05 ca viêm não do virut khác.

Về phòng, chống dịch Covid-19: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh và các văn bản khác có liên quan, ngành Y tế đã triển khai các văn bản về phòng, chống dịch; chủ động tham mưu, tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục làm tốt công tác giám sát, kiểm soát các nguồn nguy cơ ngay từ thôn bản, tổ dân phố, nhất là đối với những trường hợp có liên quan đến các vùng dịch, ổ dịch; ưu tiên xét nghiệm những trường hợp có biểu hiện bệnh về hô hấp, những trường hợp làm việc ở tuyến đầu chống dịch, như y bác sỹ, công an, quân đội, phóng viên báo chí; tăng cường công tác thống kê tổng hợp, đảm bảo nắm chắc tình hình, tiến độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn để báo cáo Ban Chỉ đạo kịp thời; duy trì chế độ trực của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ sở khám chữa bệnh 24/24 giờ và trực đường dây nóng để tiếp nhận, tổng hợp thông tin và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt việc phân luồng, sàng lọc, khai thác dịch tễ ngay từ khi người bệnh đến khám, chữa bệnh. Tính đến đến ngày 13/4/2020 có 01 ca dương tính đã điều trị thành công, xuất viện ngày 03/02/2020; 03 ca dương tính từ Sư đoàn 390 đã chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Hiện tại có 01 ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 đang được cách ly điều trị và chờ kết quả xét nghiệm; số người được cách ly hiện tại là 3.456 người (tuyến huyện: 553, tuyến tỉnh: 155, tại nhà/nơi cư trú: 2.748).

Theo thông báo cập nhật của Sở Y tế, tính đến 15 giờ 30’ ngày 23/4/2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh như sau:

- Điều trị thành công và xuất viện 01 ca dương tính với virut nCoV.

- Số ca nghi ngờ hiện được điều trị và theo dõi tại cơ sở y tế: Số ca nghi mắc 03 ca; lũy kế số người được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2.806 người, trong đó, 2.528 người đã có kết quả xét nghiệm, 278 người đang chờ kết quả xét nghiệm; mẫu bệnh nhân lấy tại các bệnh viện 509, đã có kết quả xét nghiệm âm tính 283; mẫu lấy tại nơi khác 2.297, đã có kết quả xét nghiệm âm tính 2.245. Đã giám sát, lấy mẫu các trường hợp trở về từ Bệnh viện Bạch Mai 1.022 trường hợp; kết quả xét nghiệm 1.020 trường hợp âm tính; trong đó: mẫu lấy của bệnh nhân nội trú, ngoại trú, khám ngoại trú tại Bệnh viện Bạch Mai 418 trường hợp; kết quả xét nghiệm 418 trường hợp âm tính; mẫu lấy của người nhà đi chăm, đi thăm 604 trường hợp; kết quả xét nghiệm 602 trường hợp âm tính.

- Số người hiện đang cách ly tập trung tại tuyến huyện: Lũy kế 1.008 người; trong đó: 987 người đã hết thời gian cách ly; 21 người hiện tại đang được cách ly.

- Số người cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục AN-QP Trường ĐH Hồng Đức: Lũy kế 237 người, đã hết thời gian cách ly.

- Số người cách ly tập trung tại khu cách ly của Sư đoàn 390 - Quân đoàn 1 - Thị xã Bỉm Sơn (là các công dân đến từ vùng dịch, được cách ly tập trung theo quy định): Lũy kế 812 người (03 bệnh nhân đã chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), 809 người đã hết thời gian cách ly.

- Số người từ vùng dịch về được cách ly tại nhà, nơi cư trú: Lũy kế 12.787 người; trong đó: 8.442 người đã hết thời gian cách ly; 4.345 người hiện tại đang được cách ly.

- Số người nước ngoài đến Thanh Hóa được cách ly tại nhà, nơi cư trú: Lũy kế 1.175 người; trong đó: 1.065 người đã hết thời gian cách ly; 110 người hiện tại đang được cách ly.

- Số trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19: Lũy kế số đối tượng tiếp xúc đã được theo dõi 1.104 người; trong đó: 1.087 đối tượng tiếp xúc với người nghi nhiễm có xét nghiệm âm tính với Covid-19, hiện không còn theo dõi sức khỏe; 17 đối tượng tiếp xúc hiện đang theo dõi.

- Bệnh nhân khám, điều trị nội trú có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nghi do vi rút: Lũy kế 917 bệnh nhân.

            - Hoạt động của cơ sở điều trị Covid-19 số 1 tại Bệnh viện Phổi: Lũy kế 33 trường hợp nghi nhiễm Covid-19, 28 trường hợp đã xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Số trường hợp hiện đang cách ly điều trị 04 trường hợp.

5.4. Giáo dục, đào tạo

Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn triển khai thực hiện Công điện khẩn số 09/CĐ-UBND ngày 15/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Công điện khẩn số 10/CĐ-UBND ngày 19/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho phép hoạt động trở lại một số lĩnh vực, ngành nghề; theo đó, học sinh các trường: trung học cơ sở, trung học phổ thông, các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đi học trở lại từ ngày 21/4/2020 nhưng phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế (khử khuẩn phòng học, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn,...). Đối với học sinh tiểu học và mầm non tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Nhằm giúp học sinh học tập theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trên truyền hình của giáo viên; đảm bảo hoàn thành được chương trình giáo dục năm học 2019 - 2020 đối với các khối lớp cuối cấp (lớp 9 và lớp 12), ngày 15/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND về việc tổ chức dạy học trên Truyền hình Thanh Hóa trong thời gian học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19; theo đó, học sinh lớp 9 THCS trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học 03 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; học sinh lớp 12 THPT tổ chức dạy học 9 môn: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Công dân, Tiếng Anh; thời gian tổ chức 08 tuần, từ ngày 20/4 đến ngày 14/6/2020; thời lượng mỗi tiết học 45 phút đối với lớp 12 và 40 phút đối với lớp 9.

5.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa, Thông tin tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trọng tâm là các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm như: Giỗ Tổ Hùng Vương, Chiến thắng Hàm Rồng (03-04/4), Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Quốc tế Lao động 01/5,... Thông qua các hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng và trình duyệt các nội dung kịch bản chương trình nghệ thuật phục vụ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020); kịch bản kịch nói tham dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc lần thứ IV năm 2020 về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân”; xây dựng, tập luyện và ghi hình 12 tiểu phẩm ngắn phục vụ công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa; xây dựng kịch bản chương trình ca múa nhạc tập huấn năm 2020.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, của ngành, Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao tỉnh đã tạm dừng công tác huấn luyện, tập luyện tất cả các bộ môn. Toàn bộ 694 VĐV đã được quán triệt phòng chống dịch và luyện tập tại nhà, kết nối, liên lạc thường xuyên với HLV. Ban huấn luyện của 28 môn có trách nhiệm báo cáo tình hình các VĐV trong tuần, có sự chuẩn bị cho những tình huống phát sinh.

5.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 3/2020 xảy ra 39 vụ tai nạn, làm chết 8 người, bị thương 34 người ; so với tháng cùng kỳ, giảm 34 vụ; giảm 10 người chết; giảm 34 người bị thương. Ba tháng đầu năm 2020 trên địa bản tỉnh xảy ra 132 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, bị thương 124 người; so với cùng kỳ, giảm 42 vụ; giảm 15 người chết; giảm 47 người bị thương. 

Lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông trong tháng 3/2020: Đường bộ, đã phát hiện, xử phạt 6.558 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.038 phương tiện các loại, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 11.514 triệu đồng; Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản xử phạt 34 trường hợp xe ô tô vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, nộp kho bạc Nhà nước 271 triệu đồng. Đường thủy, lực lượng cảnh sát kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm hành chính; xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 196 triệu đồng.

5.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Môi trường: Tháng 3/2020 phát hiện 06 vụ vi phạm (Hậu Lộc 02 vụ, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thạch Thành mỗi địa phương 01 vụ), giảm so với tháng trước 01 vụ, đã xử lý 06 vụ , phạt tiền 244,5 triệu đồng.

Cháy, nổ: Tháng 3/2020 xảy ra 09 vụ cháy (TP Thanh Hóa 05 vụ, Hoằng Hóa 02 vụ, TP Sầm Sơn, Hà Trung mỗi địa phương 01 vụ), không có người bị chết và bị thương, thiệt hại 128 triệu đồng. Đôn đốc, hướng dẫn 228 cơ sở đảm bảo an toàn PCCC, yêu cầu khắc phục 315 sơ hở, thiếu sót. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 03 trường hợp, phạt tiền 41 triệu đồng.

File Download:

1-  Thanh Hoa_BC KT-XH thang 4-2020 (xem)

2-  Thanh Hoa_SL KT-XH thang 4-2020 (xem)

 

<

Tin mới nhất

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác ngành Thống kê Thanh Hóa đã tổ chức...(22/04/2024 3:50 CH)

https://doanhnghiep2024.gso.gov.vn/(09/04/2024 2:39 CH)

Toàn ngành Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2024 vào ngày 1/4/2024(01/04/2024 2:04 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024(29/03/2024 4:19 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 và quý I năm 2024(29/03/2024 4:09 CH)

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

    °
    1270 người đang online