Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2018

Đăng ngày 29 - 05 - 2018
100%

Thực hiện phương án điều tra chăn nuôi Ban hành theo Quyết định số 882/QĐ-TCTK ngày 28/8/2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê để thu thập thông tin về toàn bộ số lượng đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi khác tại thời điểm điều tra; sản lượng sản phẩm xuất chuồng (giết, bán ) trong kỳ điều tra ở các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Kỳ điều tra 01/4/2018, Cục Thống kê Thanh Hóa đã tiến hành điều tra toàn bộ: trang trại chăn nuôi lợn và trang trại chăn nuôi gia cầm đủ tiêu chí theo Thông tư 27 ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là trang trại chăn nuôi); Doanh nghiệp và HTX có chăn nuôi lợn và gia cầm; Gia trại chăn nuôi lợn và gia trại chăn nuôi gia cầm ở những huyện có dưới 20 gia trại từng loại (toàn tỉnh có 7 huyện có dưới 20 gia trại lợn; 16 huyện có dưới 20 gia trại gia cầm);  Hộ chăn nuôi lợn và hộ chăn nuôi gia cầm ở những phường, thị trấn có dưới 30 hộ chăn nuôi; thu thập thông tin ở thôn về số lượng đàn trâu, bò và vật nuôi khác. 

Điều tra chọn mẫu: gia trại chăn nuôi lợn và gia trại gia cầm ở những huyện, thị xã, thành phố có trên 20 gia trại từng loại; hộ chăn nuôi lợn và hộ chăn nuôi gia cầm ở khu vực nông thôn và ở những phường, thị trấn có trên 30 hộ chăn nuôi. 

Tổng hợp điều tra (tại thời điểm 01/4/2018) kết quả phản ánh: 
1.Số lượng đơn vị chăn nuôi:

Toàn tỉnh có 193.876 đơn vị chăn nuôi, giảm 10,3% (giảm 22.266 đơn vị) so cùng kỳ. Chia ra: Số trang trại chăn nuôi toàn tỉnh có 665 trang trại (TT) chăn nuôi, giảm 11 TT so với cùng kỳ. Trong đó 442 TT chăn nuôi lợn (giảm 27 TT so với cùng kỳ) và 223 TT chăn nuôi gia cầm  (tăng 16 TT so cùng kỳ). Có 2.704 gia trại (giảm 799 GT), trong đó 2.326 GT chăn nuôi lợn (giảm  888 GT) và 378 GT chăn nuôi gia cầm (tăng 89GT). Có 191,097 nghìn hộ chăn nuôi lợn, trong đó 188,256 nghìn hộ ở khu vực nông thôn; tỷ lệ hộ có chăn nuôi là 23,6%,  giảm 2,3% so với cùng kỳ, bình quân 2,4 con/hộ (giảm 0,08 con/hộ); 504,42 nghìn hộ chăn nuôi gia cầm, trong đó 488,5 nghìn hộ ở khu vực nông thôn; tỷ lệ hộ có chăn nuôi là 63,4%, tăng 2,1% so với cùng kỳ; bình quân 29,5 con/hộ (tăng 1,1 con/hộ); 16 doanh nghiệp và HTX, trong đó 11 DN và HTX chăn nuôi lợn và 5 DN và HTX chăn nuôi gia cầm.

2. Số lượng đàn vật nuôi:

2.1. Đàn lợn:

Toàn tỉnh có 717,36 nghìn con lợn, giảm 13,1% so với kỳ 01/4/2017 (giảm 108,26 nghìn con). Trong đó: Đàn lợn ở hộ gia đình 458,59 nghìn con chiếm  gần 63,93% tổng đàn ( giảm 12,9% cùng kỳ, giảm 67,95 nghìn con); đàn lợn ở gia trại 100,08 nghìn con chiếm xấp xỉ 14%, (giảm 28,3%, giảm 39,4 nghìn con); đàn lợn ở trang trại 141,4 nghìn con chiếm 19,7% ( giảm 2,3%, giảm 3.341 con). Trong tổng đàn lợn (717,36 nghìn con) các huyện miền Núi 226,7 nghìn con chiếm 31,6%, giảm 8,4% (giảm 20.737 con); các huyện miền Biển 250,4 nghìn con chiếm 34,9%, giảm 17,7% (giảm 53.895 con); các huyện đồng bằng còn lại 240,2 nghìn con chiếm 33,5%, giảm 12,3% (giảm 33.623 con).

Một số huyện có đàn lợn giảm mạnh trong kỳ này như: Sầm Sơn, Triệu Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nga Sơn, Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lạc, Thường Xuân...do trong năm 2016 giá bán lợn hơi giữa năm tăng cao (có thời điểm 52-54 nghìn đồng/kg)  nên trong 6 tháng cuối năm,  người dân đầu tư mở rộng đàn,  phát triển thêm nhiều trang trại, gia trại; dẫn đến cung vượt cầu. Vì vậy sang  đầu  năm 2017 giá lợn hơi bất ngờ tụt giảm xuống thấp (giá phổ biến trong năm bình quân trong khoảng 27-35 nghìn đồng/kg, có thời điểm xuống 17-18 nghìn đồng/kg), tuy nhiên ở thời điểm 01/4/2017 do giá mới giảm, thị trường bị ứ đọng, nên số đầu con ở thời điểm này vẫn ở mức cao. Sau một năm với nhiều giải pháp giải cứu đàn lợn (từ Chính phủ đến các địa phương), đến nay dù đã vượt qua khỏi khủng hoảng, nhưng  giá lợn hơi vẫn đang ở mức thấp và không ổn định (thời điểm trước và sau tết nguyên đán Mậu Tuất, giá chỉ dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg; đến sau thời điểm 01/4/2018 có lúc giá tăng lên 44-45 nghìn đồng/kg, sau thời gian ngắn lại giảm xuống dưới 40 nghìn đồng/kg), đến nay lại tăng lên 45-47 nghìn đồng/kg;  với mức giá như vậy, người nuôi vẫn bị thua lỗ, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những hộ trang trại, gia trại ít vốn trong khi giá lợn giống khá cao (bình quân 800 nghìn đến 01 triệu đồng/01 con lợn giống), nên không còn lực để duy trì đàn chờ giá tăng hoặc  tái đàn .

Qua đó cho thấy, đàn lợn giảm nhiều so cùng kỳ chủ yếu là ở khu vực gia trại và hộ (chiếm khoảng 76% tổng đàn), nguyên nhân chính do giá cả và thị trường tiêu thụ tác động trực tiếp đến sự phát triển của ngành chăn nuôi nói chung và riêng đối với chăn nuôi lợn trong thời gian qua. Nguồn cung của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng dồi dào, trong khi sức mua của thị trường về các sản phẩm chăn nuôi thấp. Ngoài ra cũng có những bất cập trong vấn đề điều tiết của khâu lưu thông, phân phối; việc giảm giá lợn hơi là do người chăn nuôi tăng “nóng” đàn lợn trong thời gian qua, cùng với đó là tác động khá lớn từ sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi lâu nay lợn của chúng ta chủ yếu xuất khẩu vào thị trường này...

 

2.2. Đản trâu: 181.885 con, giảm 5,9% ( giảm 11.330 con)  so cùng kỳ; chia ra: khu vực  Đồng Bằng 36.300 con, chiếm 19,9% tổng đàn (giảm 9,2% cùng kỳ); Miền Biển 5.014 con, chiếm 2,8% tổng đàn (giảm 13% so cùng kỳ); Miền Núi 140.571 con, chiếm 77,3% tổng đàn (giảm 4,7% cùng kỳ). Đàn trâu giảm đều ở cả 3 miền.  


2.3. Đàn bò: 237.882 con, giảm 2% so cùng kỳ (giảm 4962 con); đàn bò giảm ở 2 khu vực là Đồng Bằng và Miền Biển do thiếu lao động và nguồn thức ăn, khu vực chăn thả hạn chế; chỉ có khu vực miền núi là đang có tiềm năng về lao động, nguồn thức ăn tự nhiên,  bãi chăn dắt; bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên đàn bò vẫn duy trì xu hướng tăng đàn như:  Lang Chánh, Như Xuân,  Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát...

Đàn trâu, bò giảm bởi hiệu quả chăn nuôi thấp, do thị trường đầu ra hạn chế; So với năm 2016, giá thịt trâu bò nhập khẩu rẻ bằng 1/3 giá thịt nội, vì vậy người nuôi trâu bò lỗ từ 2-4 triệu đồng/con, cá biệt có nơi lỗ 5-7 triệu đồng/con.

2.4.  Đàn gia cầm: 16,8 triệu con, tăng 3,3% so với kỳ 01/4/2017, trong đó: Đàn gia cầm ở trang trại 1.255 nghìn con chiếm 7,4%, tăng 6% (tăng 71 nghìn con); ở gia trại 660 nghìn con chiếm  3,9%, tăng 20,9% (tăng 114 nghìn con); ở hộ gia đình 14,9 triệu con chiếm 88,4% tổng đàn, tăng 2,4%(tăng 345 nghìn con). Như vậy có thể thấy, đối với đàn gia cầm chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ ở các hộ đang có xu hướng giảm, chăn nuôi qui mô lớn (trang trại, gia trại) đang ngày càng phát triển. Đàn gia cầm tăng do giá thịt gia cầm ổn định, dịch bệnh ít, thị trường đầu ra bao tiêu tương đối tốt.

2.5. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đạt 108,53 nghìn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước (tăng 114 tấn), trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt 61,45 nghìn tấn (chiếm 56,62% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại), giảm 4,5 % cùng kỳ (giảm 2928 tấn); thịt gia cầm đạt 26913 tấn, tăng 7,9% (tăng 1965 tấn; sản lượng trứng gia cầm 63041 nghìn quả, tăng 2,7% (tăng 1668 nghìn quả); sản lượng sữa tươi 6844 tấn, tăng  31,7%, (tăng 1647 tấn) nguyên nhân sản phẩm sữa tươi tăng mạnh do: ngoài 2 trang trại Lam Sơn (Sao Vàng); Phú Nhuận (Như Thanh), còn có thêm trang trại Vinamilk (Thống Nhất) qui mô 4 nghìn con, mới được đầu tư tăng đàn  từ cuối năm 2017, hiện có 2450 con bò sữa, trong đó 350 con đã cho vắt sữa,  đã bổ sung vào tổng đàn bò sữa của tỉnh, cơ bản  đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh...

 

Từ kết quả điều tra cho thấy, trong các tháng đầu năm 2018 ngành chăn nuôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng đang còn  ở mức thấp, các hộ chăn nuôi vẫn chịu thua lỗ; giá bán thịt trâu, bò hơi không tăng và tiêu thụ chậm, bên cạnh đó là một số khó khăn như thiếu vốn, thiếu lao động...nên người chăn nuôi không chú trọng đầu tư để tăng đàn. Tuy vậy,  không có dịch bệnh lớn phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm, nên tổng gia cầm vẫn đang duy trì và phát triển ở mức tương đối ổn định...

-Trong thời gian tới, để ngành chăn nuôi phát triển đảm bảo đủ sản lượng sản phẩm thịt phục vụ tiêu dùng trong  và ngoài tỉnh; với tiềm năng là tỉnh lớn về dân số, có lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hơn nữa là tỉnh có tiềm năng về đất đai, nguồn thức ăn cho chăn nuôi từ trồng trọt và thuỷ sản  dồi dào. Do vậy, cần phải có những giải pháp phù hợp để hỗ trợ chăn nuôi phát triển bền vững:

Một là: Về giải pháp lâu dài cần rà soát lại qui hoạch  các đàn vật nuôi để có kế hoạch tổng thể phát triển các con vật nuôi phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền trong tỉnh, đồng thời khuyến khích tổ chức phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

Hai là: Xác định thị trường tiêu thụ sản phẩn chăn nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh, trước hết ưu tiên phát triển  những đàn vật nuôi đang chiếm tỷ trọng lớn trong chăn nuôi, dễ nuôi và có hiệu quả cao, khuyến khích nhân rộng các  mô hình chăn nuôi các con nuôi  đặc sản có giá trị kinh tế cao. Từ đó có chính sách phù hợp để khuyến khích và bảo hộ vật nuôi trên địa bàn tỉnh đối với từng loại hình kinh tế như: Trang trại, gia trại, hộ, doanh nghiệp và HTX chăn nuôi.

Ba là: Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng cung cấp nguồn sản phẩm sạch phục vụ  người tiêu dùng, nhằm duy trì được thị trường tiêu thụ ổn định bền vững.

Bốn là: Đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi để giảm chi phí trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, nhất là ở những khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ở hộ xen lẫn dân cư./.

 

<

Tin mới nhất

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 6 năm 2025; tháng 6, quý II và...(03/07/2025 10:43 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025(03/07/2025 10:34 SA)

Công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2025 của Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa(20/06/2025 10:42 SA)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 5 năm 2025(03/06/2025 8:35 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng năm và 5 tháng đầu năm 2025(03/06/2025 8:17 SA)

Chi cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2025(30/05/2025 10:19 SA)

    °
    5617 người đang online