Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019

Đăng ngày 30 - 12 - 2019
100%

Thanh Hóa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới giảm. Xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi về địa chính trị cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Trong nước, nền kinh tế năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp nhưng cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra và lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn gặp không ít những khó khăn riêng như: Tiến độ một số dự án lớn, trọng điểm còn chậm; thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp và gây thiệt hại nặng nề ở một số địa phương, ảnh hưởng bất lợi đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra từ đầu năm nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư; tạo môi trường thuận lợi cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực. Kết quả thực hiện các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 17,15% so với năm 2018; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,92%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 21,87%; các ngành dịch vụ tăng 7,71%; thuế sản phẩm tăng 61,26%. Trong 17,15% tăng trưởng của năm 2019, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 9,98 điểm phần trăm; các ngành dịch vụ đóng góp 2,56 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 4,34 điểm phần trăm.

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng 10,96%, giảm 1,46%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 47,08%, tăng 1,64%; các ngành dịch vụ chiếm 33,17%, giảm 2,69%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,80%, tăng 2,50% so với năm 2018.

GRDP bình quân đầu người năm 2019 theo giá hiện hành ước đạt 53,7 triệu đồng, tương đương với 2.325 đô la Mỹ.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

a1) Cây hàng năm

Vụ đông năm 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết cơ bản thuận lợi, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành; cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời, có hiệu quả của tỉnh và các địa phương, nên đạt kết quả khá toàn diện; diện tích gieo trồng, năng suất thu hoạch của hầu hết các loại cây trồng đều cao hơn so với vụ đông năm trước. Vụ chiêm xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Riêng đối với cây lúa, thời tiết và sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường; từ đầu vụ gieo trồng đến khi thu hoạch số ngày nắng ít, trời âm u, độ ẩm cao, nên năng suất lúa vụ chiêm xuân năm nay tuy đạt khá, nhưng thấp hơn vụ chiêm xuân năm 2018. Vụ thu mùa, chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường; đầu vụ gieo trồng thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, nắng nóng gay gắt và kéo dài liên tục đã làm khô hạn, gây khó khăn cho việc gieo trồng một số loại cây trồng trong khung thời vụ cũng như quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng; mặt khác, mưa lớn kèm theo lũ ống, lũ quét trong các ngày từ 30/7 đến 04/8 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, nhiều diện tích lúa, hoa mầu bị mất trắng và ngập úng.

Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 414,3 nghìn ha, đạt 97,9% kế hoạch, giảm 1,6% so với năm 2018; trong đó, vụ đông 48,7 nghìn ha, vượt 1,5% và tăng 5,9%; vụ chiêm xuân 206,3 nghìn ha, đạt 98,7% và giảm 1,8%; vụ thu mùa 159,3 nghìn ha, đạt 96,0% kế hoạch, giảm 3,4% so với cùng kỳ.

Năng suất một số cây trồng chính cả năm 2019 như sau: Lúa 58,9 tạ/ha, vượt 0,2% kế hoạch, tăng 1,9% so với cùng kỳ (tăng 1,1 tạ/ha); trong đó, vụ chiêm xuân 65,3 tạ/ha, vượt 2,0% kế hoạch, giảm 2,1% so với cùng kỳ, vụ thu mùa 52,6 tạ/ha, đạt 98,0% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ; ngô 46,0 tạ/ha, vượt 1,5% kế hoạch, tăng 5,4%; lạc 21,8 tạ/ha, vượt 5,6%, tăng 2,6%; đậu tương 14,9 tạ/ha, đạt 93,4%, tăng 9,3%; mía 608 tạ/ha, vượt 1,3% kế hoạch, giảm 0,4% so với cùng kỳ… Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm 2019 dự kiến 1.613,7 nghìn tấn, vượt 0,4% kế hoạch và tăng 0,2% so cùng kỳ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/12/2019, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2019 - 2020. Tổng diện tích gieo trồng đạt 48,9 nghìn ha, tăng 0,4% so với vụ đông năm 2018 - 2019; trong đó, cây ngô 14.452 ha, giảm 10,5%; cây lạc 1.322 ha, giảm 4,1%; cây khoai lang 2.847 ha, giảm 14,7%; cây đậu tương 384 ha, giảm 34,1%; cây ớt cay 2.494 ha, tăng 6,4%; rau mầu và các cây trồng khác 26.613 ha, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

a2. Cây lâu năm

Năm 2019, tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt được đẩy mạnh. Diện tích cây lâu năm, nhất là cây ăn quả phát triển nhanh ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do kém hiệu quả và thị trường đầu ra khó khăn, nên diện tích cây công nghiệp có xu hướng giảm. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chính ước tính cả năm 2019 như sau: Chè 223 ha, giảm 6,3% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 222 ha, giảm 6,7% so cùng kỳ), năng suất 59,7 tạ/ha, tăng 8,5% so cùng kỳ, sản lượng 1.326 tấn, tăng 1,2% so cùng kỳ; cao su 12.519 ha, giảm 12,1% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 9.047 ha, tăng 9,6% so cùng kỳ), năng suất 5,8 tạ/ha, giảm 21,2% so cùng kỳ, sản lượng 5.288 tấn, giảm 13,7% so cùng kỳ; cam 901 ha, tăng 14,8% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 551 ha, tăng 17,5% so cùng kỳ), năng suất 91,3 tạ/ha, tăng 11,4% so cùng kỳ, sản lượng 5.028 tấn, tăng 30,8% so cùng kỳ; xoài 216 ha, tăng 9,1% so cùng kỳ (diện tích thu hoạch 184 ha, tăng 4,5% so cùng kỳ), năng suất 28,0 tạ/ha, giảm 48,1% so cùng kỳ, sản lượng 516 tấn, giảm 45,7% so cùng kỳ.      

b) Chăn nuôi

Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo thường xuyên. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết bất thường; bên cạnh đó là tập quán chăn nuôi của người dân và chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng lớn, một bộ phận người chăn nuôi nhận thức kém trong công tác phòng, chống dịch bệnh; vì vậy, trong năm 2019 tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh lở mồm, long móng trên đàn lợn. Nghiêm trọng hơn, từ ngày 23/02/2019 đến ngày 15/12/2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 25.538 hộ của 2.213 thôn, 457 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy 212.251 con lợn, trọng lượng 14.302 tấn.

Ước tính tại thời điểm 01/01/2020, số lượng đàn gia súc gia cầm toàn tỉnh như sau: Đàn trâu 197,9 nghìn con; đàn bò 261,3 nghìn con (bao gồm cả bò sữa); đàn lợn (bao gồm cả lợn con) 933,5 nghìn con; gia cầm 21,1 triệu con. So với thời điểm 01/01/2019, đàn trâu giảm 0,2%; đàn bò tăng 2,3%; đàn lợn giảm 14,2%; đàn gia cầm tăng 5,9%.

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019 ước đạt 228,5 nghìn tấn, đạt 96,0% kế hoạch, giảm 4,3% so với năm 2018. Trong đó, thịt trâu hơi 14,6 nghìn tấn, tăng 1,7% (quý III tăng 1,8%, quý IV tăng 1,9%); thịt bò hơi 19,9 nghìn tấn, tăng 7,0% (quý III tăng 7,2%, quý IV tăng 7,3%); thịt lợn hơi 123,3 nghìn tấn, giảm 13,2% (quý III giảm 17,2%, quý IV giảm 16,3%); thịt gia cầm giết bán 56,2 nghìn tấn, tăng 12,3% (quý III tăng 14,8%, quý IV tăng 12,5%).  Sản lượng trứng gia cầm năm 2019 ước đạt 157,6 triệu quả, tăng 6,0% so với năm 2018 (quý III tăng 8,9%, quý IV tăng 9,1%). Sản lượng sữa bò tươi năm 2019 ước đạt 35,2 nghìn lít, tăng 60,4% so với năm 2018 (quý III tăng 72,5%, quý IV tăng 72,7%).

Nguyên nhân chính khiến đàn lợn và sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh so với cùng kỳ là do Thanh Hóa chịu ảnh hưởng khá nặng nề và thiệt hại đáng kể do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi gây ra từ cuối tháng 02/2019 đến nay.

2.2. Lâm nghiệp

Năm 2019, sản xuất lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, song được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và trồng rừng vụ xuân hè năm 2019; bên cạnh đó là sự cố gắng của các hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng so cùng kỳ. Ước tính năm 2019, diện tích trồng rừng tập trung 10.350 ha, vượt 3,5% kế hoạch, giảm 2,0% so với cùng kỳ (quý III tăng 3,1%, quý IV giảm 3,5%); trồng cây phân tán 1,7 triệu cây, giảm 6,2%; diện tích rừng trồng được chăm sóc 42 nghìn ha, đạt 100% kế hoạch, bằng với cùng kỳ... Khai thác lâm sản: Gỗ 667,2 nghìn m3, vượt 15,0% kế hoạch, tăng 8,0% so với cùng kỳ; củi 1.279 nghìn ster, tăng 2,0% so với cùng kỳ; tre luồng 56,4 triệu cây, vượt 6,3% và tăng 9,8%; nứa nguyên liệu 78,2 nghìn tấn, vượt 5,6% và tăng 5,1% so với cùng kỳ…

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 19,1 triệu cây giống lâm nghiệp các loại, trong đó 10 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

2.3. Thuỷ sản

Năm năm 2019, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản; mặt khác, ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới, thay mới và cải hoán nhiều tàu thuyền có công suất lớn, phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ; nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản đạt 181,5 nghìn tấn, vượt 0,8% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ (quý III tăng 6,7%, quý IV tăng 6,1%); trong đó, sản lượng nuôi trồng 58,6 nghìn tấn, vượt 2,3% kế hoạch, tăng 9,4% (quý III tăng 10,0%, quý IV tăng 8,0%); sản lượng khai thác 122,9 nghìn tấn, vượt 0,2%, tăng 5,5% (quý III tăng 5,1%, quý IV tăng 5,3%). 

3. Sản xuất công nghiệp

Năm 2019, ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; bên cạnh đó, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, thuốc lá, đường kết tinh, bia, quần áo may sẵn, giày dép các loại tăng khá so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 12/2019 tăng 36,60% so với tháng trước, giảm 6,24% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 12,32% so với tháng trước, giảm 17,99% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 40,63% so với tháng trước, giảm 6,85% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 0,35% so với tháng trước, tăng 3,14% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,07% so với tháng trước, tăng 1,65% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 16,22% so với năm 2018; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 7,38%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,09%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,32%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,10% so cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp chia theo 4 quý trong năm 2019: Toàn ngành công nghiệp, quý I tăng 39,57%; quý II tăng 33,06%; quý III tăng 14,50%; quý IV giảm 10,15% so với cùng kỳ năm 2018. Công nghiệp khai khoáng, quý I tăng 0,04%; quý II tăng 0,64%; quý III giảm 10,73%; quý IV giảm 20,96% so với cùng kỳ năm 2018. Công nghiệp chế biến, chế tạo, quý I tăng 44,33%; quý II tăng 36,08%; quý III tăng 13,25%; quý IV giảm 10,66% so với cùng kỳ năm 2018. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, quý I giảm 4,47%; quý II tăng 5,69%; quý III tăng 35,88%; quý IV giảm 2,99% so với cùng kỳ năm 2018. Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, quý I tăng 5,95%; quý II tăng 4,50%; quý III tăng 2,96%; quý IV tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2018.  

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, năm 2019 sản lượng sản xuất tăng khá so với năm 2018, gồm: Đường kết tinh 163,8 nghìn tấn, tăng 24,0%; tinh bột sắn 44,2 nghìn tấn, tăng 27,1%; thuốc lá bao 267 triệu bao, tăng 30,0%; quần áo các loại xuất khẩu 165 triệu cái, tăng 1,5%; giày, dép thể thao xuất khẩu 78,6 triệu đôi, tăng 7,8%; xăng động cơ 1.819,4 nghìn tấn, tăng 41,6%; dầu nhiên liệu 2.992,2 nghìn tấn, gấp 2,1 lần; bu tan hóa lỏng (LPG) 28 nghìn tấn, tăng 10,0%; etylen, propylen, butylen, butadien và các loại khí dầu khác 166,8 nghìn tấn, tăng 35,3%; lưu huỳnh dạng hạt 126 nghìn tấn, tăng 25,7%; benzen 124,3 nghìn tấn, tăng 42,1%; gạch xây dựng bằng đất nung 473 triệu viên, tăng 15,4%; xi măng Portland đen 15,2 triệu tấn, tăng 6,3%; điện sản xuất 4.562 triệu kwh, tăng 5,8%; điện thương phẩm 5,1 triệu kwh, tăng 10,9%; nước máy 40,3 triệu m3, tăng 3,4%...     

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2019 dự kiến bằng tháng trước, tăng 3,07% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,46% so với năm 2018.

Chỉ số tồn kho tháng 12/2019 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tăng 2,38% so với tháng 11/2019; tăng 18,79% so với tháng 12/2018.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 12 năm 2019 tăng 2,70% so với tháng trước; tăng 40,13% so với tháng cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,13% so với tháng trước; tăng 0,71% so với tháng cùng kỳ; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,89% so với tháng trước; giảm 1,62% so với tháng cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,53% so với tháng trước; tăng 6,84% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 8,10% so với năm 2018; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,41%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,96%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,96% so với năm 2018.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp năm 2019 tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, dự kiến đến hết năm thành lập mới 3.000 doanh nghiệp, đạt kế hoạch và xếp thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới; tổng vốn điều lệ đăng ký mới đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018.

5. Đầu tư và xây dựng

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 từ nguồn cân đối ngân sách tỉnh, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ do tỉnh quản lý đã được Chủ tịch UBND tỉnh giao chi tiết cho các chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Năm 2019, các chủ đầu tư và nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, công trình chuyển tiếp. Ước tính năm 2019, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 96.539 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2018 (quý I tăng 14,3%, quý II tăng 8,8%, quý III tăng 8,8%, quý IV tăng 15,4%); trong đó, vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước 12.604 tỷ đồng, tăng 21,1%; vốn trái phiếu Chính phủ 693 tỷ đồng, giảm 44,9%; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước 5.533 tỷ đồng, tăng 16,0%; vốn vay từ các nguồn khác của khu vực nhà nước 4.289 tỷ đồng, tăng 22,6%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 48.849 tỷ đồng, tăng 3,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 20.289 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2018…

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương năm 2019 ước đạt 7.883 tỷ đồng, vượt 1,0% kế hoạch năm và tăng 23,6% so với năm 2018 (quý I tăng 15,2%, quý II tăng 25,9%, quý III tăng 27,6%, quý IV tăng 24,7%); bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 3.470 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ (quý I tăng 7,8%, quý II tăng 23,2%, quý III tăng 18,2%, quý IV tăng 11,4%); vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 2.329 tỷ đồng, tăng 30,5% so với cùng kỳ (quý I tăng 19,4%, quý II tăng 28,4%, quý III tăng 34,3%, quý IV tăng 37,5%); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 2.084 tỷ đồng, tăng 32,0% so với cùng kỳ (quý I tăng 24,2%, quý II tăng 27,9%, quý III tăng 38,5%, quý IV tăng 35,6%).

Các dự án lớn khởi công đầu tư xây dựng trong năm 2019 gồm: Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống của Công ty TNHH 2 thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng; Dự án Dây chuyền 3 Nhà máy Xi măng Long Sơn của Công ty TNHH Long Sơn, tổng vốn đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng; Dự án Đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư 499 tỷ đồng.

Các dự án lớn hoàn thành đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong năm 2019 gồm: Bệnh viện Ung Bướu tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực (khu vực Nghi Sơn - Tĩnh Gia), tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng; khai trương tuyến dịch vụ vận tải container quốc tế đến Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Năm 2019, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 27.359 tỷ đồng, vượt 2,7% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân thu ngân sách Nhà nước năm 2019 tăng khá so với năm 2018 chủ yếu do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất tương đối ổn định, sản phẩm sản xuất và tiêu thụ tăng cao so với năm 2018. Riêng thu nội địa đạt 17.454 tỷ đồng, vượt 12,3% dự toán, tăng 4,6% so cùng kỳ. Các khoản thu chủ yếu tăng so cùng kỳ như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 43,9%; thu từ doanh nghiệp Nhà nước Trung ương tăng 32,8%; lệ phí trước bạ tăng 16,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 48,6% so với cùng kỳ, thu hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao do nhập khẩu dầu thô.

Chi ngân sách địa phương năm 2019 ước đạt 30.051 tỷ đồng, vượt 9,2% dự toán, tăng 1,4% so với cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển giảm 6,9%; chi thường xuyên tăng 9,4%; chi khác giảm 38,6% so với cùng kỳ.

7. Hoạt động ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 30/11/2019, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 98.618 tỷ đồng, tăng 18,7% so với tháng 12/2018; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 113.147 tỷ đồng, tăng 9,3% so với tháng 12/2018. Cơ cấu dư nợ khối các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 65,7% tổng dư nợ; khối các ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 19,8%; Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 8,2%; tổ chức tài chính vi mô chiếm 0,5%; Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm 5,8%.

8. Thương mại, giá cả, vận tải, du lịch và xuất nhập khẩu

8.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2019 trên địa bàn tỉnh khá sôi động, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ về số lượng và đa dạng về mẫu mã, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả trên địa bàn được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Tháng 12, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 8.024 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước, tăng 15,9% so với tháng cùng kỳ. Tính chung cả năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 91.956 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2018 (quý I tăng 12,9%, quý II tăng 16,2%, quý III tăng 16,1%; quý IV tăng 16,1% ); trong đó ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 18,6%; may mặc tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 17,9%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 22,0%; phương tiện đi lại tăng 6,6%; xăng dầu tăng 9,3% so với cùng kỳ...

8.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Tháng 12, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.043,7 tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 15,7% so với tháng cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú 189,4 tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 9,2%; doanh thu ăn uống 854,3 tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 17,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 1,5% và tăng 15,6%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 435,7 tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 15,4%. Tính chung cả năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 11.723 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2018 (quý I tăng 15,5%, quý II tăng 16,1%, quý III tăng 15,9%, quý IV tăng 15,9%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 2.281 tỷ đồng, tăng 10,4% (quý I tăng 10,0%, quý II tăng 10,3%, quý III tăng 11,5%, quý IV tăng 9,8%); doanh thu ăn uống đạt 9.442 tỷ đồng, tăng 17,2% (quý I tăng 16,9%, quý II tăng 17,6%, quý III tăng 17,1%, quý IV tăng 17,4%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, tăng 15,4% (quý I tăng 12,6%, quý II tăng 15,0%, quý III tăng 17,6%, quý IV tăng 16,1%); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.854 tỷ đồng, tăng 11,2% (quý I tăng 9,6%, quý II tăng 10,0%, quý III tăng 10,6%, quý IV tăng 14,5%).  

8.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng 12, giá bán thịt lợn tiếp tục tăng do nguồn cung giảm, giá xăng dầu sau 2 lần tăng liên tiếp đã điều chỉnh giảm vào ngày 16/12; một số mặt hàng thực phẩm như: thịt bò, thịt gia cầm, rau củ quả tươi... tăng nhẹ so với tháng trước đã tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2019 tăng 1,77% so với tháng trước. Trong 11 nhóm có Hai nhóm hàng hóa chỉ số giá giảm là: nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,10%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD giảm 0,10%. Bốn nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,32% (lương thực tăng 0,71%, thực phẩm tăng 4,40%, ăn uống ngoài gia đình tăng 6,76%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,38%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%; nhóm giao thông tăng 0,63%. Năm nhóm hàng hóa giá cả ổn định, chỉ số giá không tăng là: nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2019 tăng 6,31% so với tháng 12 năm 2018.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 tăng 2,60% so với bình quân năm 2018 (quý I tăng 2,58%, quý II tăng  2,22%, quý III tăng 1,48%, quý IV tăng 1,36%), một số nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao là: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 4,25%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,91% (dịch vụ y tế tăng 5,36%); nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,79% (lương thực tăng 1,29%, thực phẩm tăng 5,21%, ăn uống ngoài gia đình tăng 1,33%); nhóm giáo dục tăng 3,49% (dịch vụ giáo dục tăng 3,42%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 2,22%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 tăng cao hơn bình quân năm 2017, 2018; nhưng thấp hơn bình quân các năm 2015, 2016, 2017 (năm 2015 tăng 0,44%; năm 2016 tăng 2,19%; năm 2017 tăng 2,84%; năm 2018 tăng 3,90%).

Chỉ số giá vàng tháng 12/2019 giảm 0,43% so với tháng trước, tăng 17,34% so với tháng 12/218; chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,10% tháng trước, giảm 0,51% so với tháng 12/2018. Bình quân năm 2019, chỉ số giá vàng tăng 8,02% so với năm 2018 (bình quân quý IV giảm 0,27%), chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,06% so với năm 2018 (bình quân quý IV giảm 0,04%). 

8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Tháng 12, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 952,1 tỷ đồng, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 11,3% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.085 nghìn tấn, tăng 2,3% so với tháng trước, tăng 4,0% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển 235,3 triệu tấn.km tăng 1,9% so với tháng trước, tăng 0,8% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hành khách vận chuyển đạt 4.482 nghìn người, tăng 2,0% so với tháng trước, tăng 16,7% so với tháng cùng kỳ; khối lượng hành khách luân chuyển đạt 268,7 triệu người.km, tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 17,4% so với tháng cùng kỳ.

Tính chung cả năm 2019, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt 10.761 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2018 (quý I tăng 11,6%, quý II tăng 11,8%, quý III tăng 11,2%, quý IV tăng 11,1%), trong đó doanh thu vận tải hàng hóa đạt 6.411 tỷ đồng, tăng 5,2%, doanh thu vận tải hành khách đạt 3.790 tỷ đồng, tăng 21,5%, doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 559 tỷ đồng, tăng 26,5%. Khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 58 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.738 triệu tấn.km, tăng 4,1% về hàng hoá vận chuyển (quý I tăng 5,2%, quý II tăng 3,8%, quý III tăng 5,5%, quý IV tăng 3,7%), tăng 1,2% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 1,8%, quý II tăng 1,6%, quý III tăng 2,4%, quý IV tăng 0,6%). Vận chuyển hành khách đạt 51,4 triệu người, luân chuyển hành khách đạt 3.070 triệu người.km, tăng 17,0% về hành khách vận chuyển (quý I tăng 19,0%, quý II tăng 16,4%, quý III tăng 17,6%, quý IV tăng 16,7%), tăng 17,8% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 20,2%, quý II tăng 16,7%, quý III tăng 18,6%, quý IV tăng 17,4%).

8.5. Xuất, nhập khẩu

Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu năm 2019 ước đạt 3.509 triệu USD, tăng 26,8% so với năm 2018. Trong đó, giá trị hàng hóa xuất khẩu chính ngạch 3.450 triệu USD, tăng 23,2%; giá trị hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch 59 triệu USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Mặt hàng xuất khẩu chính ngạch tăng khá so với cùng kỳ gồm: Dưa chuột đóng hộp 363 tấn, tăng 19,8%; tinh bột sắn 57 nghìn tấn, tăng 31,6%; thịt súc sản đông lạnh 1.792 tấn, tăng 70,7%; thuốc lá bao 7,3 triệu bao, tăng 28,4%; dăm gỗ 487 nghìn m3, tăng 32,2%; đá ốp lát 1,56 triệu m2, tăng 55,4%; hàng may mặc 243 triệu sản phẩm, tăng 4,7%; giầy dép các loại 120 triệu đôi, tăng 16,6%; xi măng 632 nghìn tấn, tăng 22,0%; xăng máy bay 103 nghìn thùng, tăng 32,9%; lưu huỳnh dạng hạt 185 nghìn tấn, gấp 2,1 lần; Polypropylen 454 nghìn tấn, tăng 81,8%; Benzen 144 nghìn tấn, tăng 75,4%.

Tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu năm 2019 ước đạt 4.992 triệu USD, tăng 31,0% so với năm 2018. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Dầu thô 7,34 triệu tấn, tăng 53,8% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu sản xuất thuốc tân dược 7,97 triệu USD, tăng 53,8% so với cùng kỳ; vải may mặc 602,8 triệu USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ; phụ liệu hàng may mặc 105,8 triệu USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ; phụ liệu giầy dép 420,2 triệu USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ; máy móc thiết bị và phương tiện khác 321,2 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ.

9. Một số vấn đề xã hội

9.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Năm 2019, đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh có nhiều cải thiện về mặt tinh thần và vật chất; văn hoá, giáo dục phát triển toàn diện; các chính sách xã hội được chú trọng; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, mưa trái mùa, nắng nóng kéo dài, thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi… đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của một bộ phận dân cư.  

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm; các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và công nhân lao động được triển khai thực hiện chu đáo, kịp thời, nhất là trong các dịp lễ Tết, kỷ niệm... Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho trên 203,6 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ 1.486 tấn gạo cho gần 20 nghìn hộ dân trong dịp tết Nguyên đán và thời kỳ giáp hạt; thực hiện tốt các hoạt động tri ân người có công với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (trong đợt cao điểm tri ân nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ đã có 98.037 người có công với cách mạng được nhận quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh, tổng kinh phí thực hiện trên 34,7 tỷ đồng). Quan tâm xử lý, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân theo đúng quy định. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão, lũ lụt; tích cực theo dõi, rà soát, nắm chắc tình hình về nhu cầu hỗ trợ lương thực của người dân để hỗ trợ hoặc tham mưu phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không để người dân nào bị đói, bị khát hoặc không có nơi cư trú.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 (theo chuẩn mới nghèo đa chiều) ước còn 3,27%, giảm 2,57% so với năm 2018 (tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 5,84%), vượt mục tiêu đề ra 0,07%.

9.2. Dân số, lao động, việc làm

Dân số trung bình năm 2019 ước đạt 3.645,8 nghìn người, tăng 14,5 nghìn người so với năm 2018, tốc độ tăng dân số 0,40%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 ước đạt 2.305,5 nghìn người, tăng 0,4% so với năm 2018; trong đó, số lao động đang làm việc là 2.301,1 nghìn người, chiếm 99,81% lực lượng lao động, tăng 0,35% so với năm 2018. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của năm 2019, lao động ngành nông nghiệp chiếm 46,06%, tăng 0,25% so với năm 2018; lao động ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 27,24%, tăng 0,51% so với năm 2018; lao động làm việc trong các ngành dịch vụ chiếm 26,70%, tăng 0,35% so với năm 2018.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 67.250 lao động, đạt 98,8% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, lao động đi làm việc cho nước ngoài theo hợp đồng lao động là 8.730 người, đạt 87,3% kế hoạch, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến cả năm 2019, sắp xếp được khoảng 69 nghìn lao động có việc làm mới, vượt 1,5% kế hoạch, tăng 0,3% so với năm 2018; trong đó, lao động đi làm việc cho nước ngoài theo hợp đồng lao động khoảng 10 nghìn người, đạt kế hoạch và bằng năm 2018. Công tác giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 71.580 học sinh (trình độ cao đẳng là 1.457 người; trình độ trung cấp là 5.483 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 64.580 người), đạt 86,2% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018; ước thực hiện cả năm 2019, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho hơn 83 nghìn học sinh, đạt chỉ tiêu kế hoạch và tăng 4,9% so với năm 2018.

9.3. Y tế

Năm 2019, ngành Y tế đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; công tác y tế dự phòng được tăng cường, vật tư, hoá chất được cung cấp đầy đủ cho các đơn vị để chủ động phòng, chống, khoanh vùng và có biện pháp xử lý, chữa trị kịp thời; trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn phát sinh một số bệnh thông thường: Đến ngày 11/11/2019 toàn tỉnh ghi nhận 641 ca sốt xuất huyết, 408 ca sởi, 552 ca tay chân miệng, 154 ca ho gà, 68 ca viêm gan B, 10 ca viêm não Nhật Bản, 22 ca viêm não do virut khác, 13 ca nghi bại liệt, 4 ca nghi mắc liên cầu lợn (tử vong 1 người), 1 ca dại đã tử vong, 1 ca uốn ván sơ sinh đã tử vong. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng, không xảy ra dịch lớn.

Công tác phòng chống HIV/AIDS được đẩy mạnh. Lũy kế số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện đến hết tháng 10/2019 là 8.322 người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống được quản lý là 4.191 người. Hiện có 3.830 người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV tại 34 cơ sở điều trị. Toàn tỉnh đã triển khai cung cấp dịch vụ điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 27 cơ sở điều trị và 17 điểm cấp phát thuốc tại 24 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Số bệnh nhân hiện đang điều trị bằng thuốc Methadone là 2.555 bệnh nhân.

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, ngành Y tế tham mưu cho Ban chỉ đạo Quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.   

Dự kiến năm 2019, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế (tiêu chí mới giai đoạn 2011 - 2020) đạt 87,7%, vượt kế hoạch 2,5% và tăng 2,2% so với năm 2018.

9.4. Giáo dục - Đào tạo

Năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, kết quả giáo dục được nâng lên. Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; kết quả có 31.457/34.049 thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 92,39% (hệ THPT đạt tỷ lệ 94,39%; hệ GDTX đạt tỷ lệ 64,04%); toàn tỉnh Thanh Hóa có 35 bài thi đạt điểm 10; 107 học sinh đạt 27 điểm trở lên ở 3 môn xét tuyển đại học, cao đẳng. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì và có bước đột phá cả về số lượng và chất lượng; kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế, Thanh Hóa liên tục trong tốp đầu của cả nước. Trong kỳ thi học sinh giỏi THPT Quốc gia, Thanh Hóa đạt 65 giải, trong đó có 7 giải nhất; tham gia dự thi Olympic quốc tế, đạt 04 huy chương (01 huy chương Vàng môn Vật lý; 01 huy chương Vàng môn Hóa học; 01 huy chương Vàng môn Tin học và 01 huy chương Bạc môn Sinh học); dự thi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đạt 01 huy chương Đồng môn Vật lý. Kết quả trên đưa học sinh Thanh Hóa dẫn đầu toàn quốc khi tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2019 và là năm thứ 4 liên tiếp, Thanh Hóa có học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế.

Sáng ngày 05/9, gần 851 nghìn học sinh các cấp học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh bước vào khai giảng năm học mới 2019 - 2020. So với các năm học trước, quy mô học sinh các cấp học đều tăng, trong đó cấp tiểu học tăng nhiều nhất với khoảng hơn 26 nghìn học sinh. Để chuẩn bị cho cán bộ, giáo viên và học sinh bước vào năm học mới với tâm thế tốt nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố, hiệu trưởng các trường chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, vệ sinh trường lớp, tạo cảnh quan khu vực nhà trường sạch, đẹp, văn minh phục vụ năm học  mới.

Dự kiến đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.462/2.076 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,4%, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Số lượng trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia dự kiến đến hết năm 2019 là 1.462 trường, tăng 3,7% so với cùng kỳ (tăng 52 trường); trong đó: Mầm non 446 trường, tăng 8,5% so với cùng kỳ (tăng 35 trường); Tiểu học 570 trường, tăng 0,9% so với cùng kỳ (tăng 5 trường); THCS 390 trường, tăng 1,3% so cùng kỳ (tăng 5 trường); Tiểu học - THCS 23 trường, tăng 21,1% (tăng 4 trường) và THPT 33 trường, tăng 10,0% so cùng kỳ(tăng 3 trường).

Năm 2019, Trường Đại học Hồng Đức tuyển sinh đào tạo 31 ngành Đại học, 5 ngành Cao đẳng với tổng số 1.530 chỉ tiêu; Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch là 1.100 chỉ tiêu tuyển sinh ở 17 chuyên ngành; CaoY tế Thanh Hóa là 920 chỉ tiêu ở 8 chuyên ngành đạo. Kết quả, Đại học Hồng Đức xét tuyển được 900 thí sinh, đạt 58,82% so với kế hoạch, giảm 25% so với năm trước; Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch xét tuyển được 700 thí sinh, đạt 63,36% so với kế hoạch, tăng so với cùng kỳ năm trước 395 thí sinh (1,3 lần); Cao đẳng Y tế Thanh Hoá xét tuyển được 370 thí sinh, đạt 40,2% so với kế hoạch, giảm 164 thí sinh so với năm trước.

9.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Năm 2019, ngành Văn hoá thông tin, Truyền thông đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm, lễ, tết và các nhiệm vụ chính trị của địa phương; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước và các sự kiện chính trị của địa phương, nổi bật như: các hoạt động mừng Đảng - mừng Xuân Kỷ Hợi 2019; Chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa; tham gia Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2019; Hội thảo khoa học, trưng bày chuyên đề Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của “Chủ tịch Hồ Chí Minh"; phim tuyên truyền kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2019)..., góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được đẩy mạnh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được quan tâm thực hiện, trong đó chú trọng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào và lồng ghép với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thi. Dự kiến đến hết tháng 11/2019, toàn tỉnh có 3.257 làng, bản, khu phố đăng ký xây dựng văn hóa, vượt 22,6% kế hoạch; 221 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa, vượt 67,4% kế hoạch; 41 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, gấp 2,05 lần kế hoạch; 4 phường đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị, vượt 33,3% kế hoạch năm 2019.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Tính từ đầu năm đến nay, đã tổ chức thành công 14 giải thể thao và sự kiện TDTT quần chúng cấp tỉnh; 150 giải thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố và 1.100 giải cấp xã/phường. Toàn tỉnh có khoảng 1,51 triệu người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, đạt tỷ lệ 41,4% dân số; 279 nghìn hộ gia đình thể thao, đạt 29% số hộ; tỷ lệ trường học đảm bảo chương trình giáo dục thể chất đạt 100%; tỷ lệ cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt 100%.

Thể thao thành tích cao được tăng cường luyện tập, chuẩn bị tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế theo kế hoạch. Tổ chức thành công các giải thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp, như: Giải súng hơi thanh thiếu niên toàn quốc năm 2019; Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2019 tại thành phố Sầm Sơn, giải vô địch Muay toàn quốc 2019, giải vô địch Pencaksilat miền Bắc và bắc Trung Bộ 2019; giải Bơi - Lặn vô địch các CLB quốc gia khu vực I 2019; tham gia thi đấu các giải quốc tế: Boxing, Quần vợt, Pencaksilat, Taekwondo, Karate, Bơi, Lặn, Arnis (võ gậy),... Tính từ đầu năm đến nay, các đoàn thể thao Thanh Hóa thi đấu 96 giải quốc gia, quốc tế đạt 466 huy chương các loại, gồm 130 HCV, 143 HCB, 193 HCĐ. Đội tuyển U15 giành HCB Giải bóng đá U15 toàn quốc; Đội U17 giành chức vô địch Giải bóng đá U17 toàn quốc. Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa tham gia giải bóng đá vô địch quốc gia Wake-up 247 V.League 1-2019, kết thúc mùa giải, đội bóng đã trụ hạng thành công.

9.6. Tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, năm 2019 (tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2019) trên địa bản tỉnh xảy ra 434 vụ tai nạn giao thông, giảm 7,9% so với cùng kỳ, làm chết 149 người, giảm 3,9% so với cùng kỳ; bị thương 379 người, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, quý I xảy ra 174 vụ, làm chết 48 người, bị thương 171 người; quý II xảy ra 100 vụ, làm chết 50 người, bị thương 77 người; quý III xảy ra 38 vụ, làm chết 16 người, bị thương 39 người; quý IV xảy ra 122 vụ, làm chết 35 người, bị thương 92 người.   

9.7. Thiệt hại do thiên tai

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 11 đợt thiên tai, làm chết 13 người, mất tích 6 người, bị thương 8 người, thiệt hại về tài sản ước tính sơ bộ khoảng 1.485 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là đợt thiên tai do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, trong các ngày từ 30/7 đến 04/8 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, cộng thêm nước lũ từ thượng nguồn đổ về, đã gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi, đặc biệt là tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; làm 10 người chết, 6 người mất tích, 5 người bị thương; 409 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà và ảnh hưởng đến chỗ ở; 263,98 ha lúa; 48,72 ha cây hàng năm; 20,9 ha hoa màu; 142,01 ha ao cá bị thiệt hại; 1.685 con gia súc; 6.740 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học bị hư hỏng, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 822 tỷ đồng.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”, với tinh thần “Nhường cơm sẻ áo”, đã có rất nhiều các cơ quan, đơn vị, các địa phương, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã quyên góp tiền và vật chất để ủng hộ nhân dân vùng bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngay sau mỗi đợt thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng dân quân cùng với bà con nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; lãnh đạo tỉnh và các địa phương bị thiệt hại đã trực tiếp xuống cơ sở động viên thăm hỏi, trao quà hỗ trợ và chỉ đạo chính quyền xã, thôn, bản khẩn trương giúp đỡ người dân khắc phục nhà cửa bị hư hại, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh.

9.8. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Môi trường: Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/ 2019, phát hiện và xử phạt 146 vụ vi phạm môi trường, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm 2018, phạt tiền vi phạm 2.523 triệu đồng.

Cháy nổ: Tính từ đầu năm đến ngày 30/11/ 2019, toàn tỉnh xảy ra 113 vụ cháy nổ, gấp 2,05 lần cùng kỳ năm 2018; không có người chết, bị thương 4 người, tổng giá trị thiệt hại 11.114 triệu đồng. Chia theo các quý trong năm, quý I xảy ra 24 vụ cháy nổ, không có người chết và bị thương, giá trị thiệt hại 5.822 triệu đồng; quý II xảy ra 48 vụ cháy nổ, không có người chết, bị thương 4 người, giá trị thiệt hại 2.773 triệu đồng; quý III xảy ra 21 vụ cháy nổ, không có người chết và bị thương, giá trị thiệt hại 880 triệu đồng; quý IV xảy ra 20 vụ cháy nổ, không có người chết và bị thương, giá trị thiệt hại 1.639 triệu đồng.

Khái quát lại, năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành; đi kèm với đó là những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các doanh nghiệp cùng toàn thể nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua sản xuất lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; đặc biệt, trong tháng Năm đã tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm và Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019) nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn; giáo dục, khơi dậy và động viên nhân dân phát huy lòng tự hào về truyền thống lịch sử - cách mạng, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu, tỉnh công nghiệp; đây còn là dịp giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh, tiềm năng thế mạnh về kinh tế - du lịch tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước; nên kinh tế tiếp tục phát triển và đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải, xuất khẩu... tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm chậm, bệnh dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại tương đối lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh; mưa, lũ do ảnh hưởng của bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh làm thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Năm 2020 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng, các cấp, các ngành trong tỉnh vừa phải nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020, vừa phải chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo dự báo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế có xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng, cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nước ta ngày càng tham gia sâu và thực chất hơn vào các hiệp định thương mại tự do FTA, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều. Trong tỉnh, bên cạnh những thuận lợi như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau thời gian bảo dưỡng theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động ổn định; một số dự án quy mô lớn hoàn thành đưa vào hoạt động làm gia tăng năng lực sản xuất của các ngành kinh tế; nhiều dự án lớn, trọng điểm, có sức lan tỏa dự kiến sẽ khởi công xây dựng, là những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, thách thức do năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế; công nghệ sản xuất và năng lực quản trị ở nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp lạc hậu; tiến độ thực hiện một số dự án lớn còn chậm so với kế hoạch; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường là những yếu tố tác động bất lợi đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, đòi hỏi các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:   

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phát triển; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến tích cực về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án lớn, trọng điểm, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bốn là, khuyến khích và đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng, mặt hàng là thế mạnh của địa phương, có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Tăng cường và thực hiện tốt xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Năm là, thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Sáu là, tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân./.

File đính kèm: 

<

Tin mới nhất

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 11 năm 2024(04/12/2024 9:41 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2024(03/12/2024 10:34 SA)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 10 năm 2024(07/11/2024 8:38 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng Mười và 10 tháng năm 2024(07/11/2024 8:23 SA)

Quyết định về việc công khai dự toán Thu - Chi ngân sách năm 2024 của Cục Thống kê Thanh Hóa(14/10/2024 3:37 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 năm 2024(03/10/2024 8:44 SA)

    °
    2247 người đang online