1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Nông nghiệp
a. Sản xuất vụ chiêm xuân
Vụ chiêm xuân 2018 - 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên, thời tiết ấm từ đầu vụ sẽ giúp cây trồng phát triển nhưng cũng khiến sâu bệnh xuất hiện sớm và diễn biến phức tạp. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh 206,3 nghìn ha, đạt 96,8% kế hoạch, giảm 1,2% so với cùng kỳ; trong đó: nhóm cây lương thực 133.866 ha, giảm 0,8%; nhóm cây có củ 17.072 ha, tăng 4,2%; nhóm cây thuốc lá, thuốc lào 1.058 ha, giảm 0,5%; nhóm cây có hạt chứa dầu 7.724 ha, giảm 8,7%; nhóm rau, đậu các loại và hoa 13.753 ha, tăng 6,2%; nhóm cây gia vị, dược liệu, hương liệu 3.198 ha, tăng 33,5%; nhóm cây hàng năm khác (chủ yếu là cây làm thức ăn gia súc) 3.794 ha, tăng 9,0%. Diện tích một số cây trồng chính như sau: lúa 118.247 ha, vượt 1,1% kế hoạch, giảm 1,1% so với cùng kỳ, diện tích cấy lúa lai 69.149 ha (chiếm 58,5% tổng diện tích lúa), giảm 0,3%; lúa chất lượng cao 28.039 ha (chiếm 23,7% tổng diện tích lúa), giảm 0,9%; ngô 15.606 ha, vượt 4,0% kế hoạch, tăng 1,0%; lạc 7.419 ha, đạt 92,7% kế hoạch, giảm 7,6%; khoai lang 1.759 ha, giảm 4,7% so với cùng kỳ.
b. Chăn nuôi
Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tiêm phòng đợt 1/2019 cho đàn gia súc, gia cầm; kết quả đến ngày 11/4/2019, vắc xin cúm gia cầm (H5N1) 1.450.750 con, đạt 12,1% diện tiêm; vắc xin dại chó, mèo 305.750 con, đạt 85,7% diện tiêm; vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò 176.125 con, đạt 58,5% diện tiêm; vắc xin lở mồm long móng gia súc 208.607 con, đạt 69,3% diện tiêm; vắc xin dịch tả lợn 187.895 con, đạt 37,8% diện tiêm; vắc xin tụ dấu lợn 132.045 con đạt 26,6% diện tiêm.
Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa: Ngày 16/3/2019, UBND thành phố Thanh Hóa đã công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tại xã Đông Lĩnh; công bố hết vùng bị dịch uy hiếp các phường, xã thuộc thành phố Thanh Hóa gồm Đông Cương, Đông Thọ, Phú Sơn và Đông Tân. Do thành phố Thanh Hóa có 1 ổ dịch xuất hiện nên khi công bố hết dịch, thành phố Thanh Hóa là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa công bố hết dịch. Trước đó, vào ngày 12/4/2019, UBND huyện Thiệu Hóa công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Trung, Thiệu Long và xã Thiệu Vũ. Tiếp theo, các xã thuộc huyện Yên Định như Định Thành (12/4); Định Liên, Thị trấn Quán Lào (14/4) cũng được công bố hết dịch tả lợn Châu Phi. Như vậy, tính đến thời điểm này, tại Thanh Hóa hiện có 8 xã vùng dịch được công bố hết dịch. Một số xã đã qua nhiều ngày không phát sinh ổ dịch mới.
1.2. Lâm nghiệp
Tính từ đầu năm đến ngày 11/4/2019, toàn tỉnh đã trồng được 2.411 ha rừng trồng tập trung, đạt 24,1% kế hoạch năm. Công tác quản lý, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, không xảy ra cháy rừng; an ninh rừng được đảm bảo.
1.3. Thuỷ sản
Tháng Tư, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, nên kết quả sản xuất thuỷ sản tăng so tháng trước và cùng kỳ. Sản lượng thủy sản ước đạt 14.850 tấn, tăng 0,9% so tháng trước, tăng 7,0% so với tháng cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng 4.584 tấn, giảm 2,8% và tăng 7,8%; sản lượng khai thác 10.266 tấn, tăng 2,6% và tăng 6,7%, riêng khai thác xa bờ 5.095 tấn, tăng 2,8% so tháng trước và tăng 6,9% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản ước đạt 58.974 tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ.
Trong tháng 3/2019, nhiều diện tích ngao giống, ngao thương phẩm tại các huyện Hậu Lộc và Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị chết, gây thiệt hại cho ngành thủy sản và người chăn nuôi. Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả phân tích cho thấy ngao giống chết tại huyện Nga Sơn là do sâu biển (hay còn gọi là rết biển) có tên khoa học là Chloeia.sp gây ra. Loại sâu biển này có thể nuốt cả con ngao giống vào bụng và hút hết nước sau đó thải vỏ ra ngoài. Còn đối với diện tích ngao nuôi bị chết tại huyện Hậu Lộc, kết quả kiểm tra hiện trường cho thấy mật độ nuôi vượt quá mức cho phép, điều kiện môi trường biến động đột ngột là nguyên nhân chính khiến ngao chết. Sau khi có kết luận cụ thể về nguyên nhân ngao chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các huyện có diện tích nuôi ngao và cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi theo quy trình kỹ thuật và triển khai các biện pháp khắc phục.
2. Sản xuất công nghiệp
Tháng Tư, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, quần áo may sẵn, giày dép các loại, điện sản xuất tăng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, 3 doanh nghiệp sản xuất chế biến đường kết thúc niên vụ sản xuất 2018 - 2019 (Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan và Nhà máy Đường Nông Cống kết thúc giữa tháng 4, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn kết thúc cuối tháng 4), nên sản lượng đường sản xuất giảm mạnh so với tháng trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 4/2019 tăng 23,34% so với tháng trước, tăng 52,35% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,59% so với tháng trước, tăng 0,52% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,30% so với tháng trước, tăng 58,42% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,34% so với tháng trước, tăng 3,32% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,72% so với tháng trước, tăng 6,33% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 42,81% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,17%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 47,87%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 2,31%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,04% so cùng kỳ.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 04/2019 dự kiến tăng 4,06% so với tháng trước, giảm 7,80% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,56% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 04/2019 dự kiến tăng 52,04% so với tháng trước; tăng 7,05% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 04/2019 dự kiến tăng 2,06% so với tháng trước; tăng 16,40% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước bằng tháng trước; tăng 0,76% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,14% so với tháng trước; tăng 12,17% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,63% so với tháng trước; tăng 19,88% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 12,35% so với cùng kỳ; trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,94%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,06%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,78% so với cùng kỳ năm trước.
3. Đầu tư
Tháng Tư, các chủ đầu tư, đơn vị xây lắp tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm và công trình chuyển tiếp. Ước tính tháng 4/2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 570,4 tỷ đồng, bằng 7,3% kế hoạch năm và tăng 12,6% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 250,9 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 167,9 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 151,7 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 2.190,8 tỷ đồng, bằng 28,1% kế hoạch năm và tăng 14,5% so cùng kỳ; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 958,3 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 648,8 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 583,6 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ.
4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch
4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa
Tháng Tư, thời tiết bắt đầu chuyển mùa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mùa hè của nhân dân đảm bảo nguồn cung, giá cả ổn định. Dự ước doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 4/2019 đạt 7.412 tỷ đồng, tăng 15,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.260 tỷ đồng, tăng 12,1%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 1.053 tỷ đồng, tăng 20,0%; ô tô các loại 261 tỷ đồng, tăng 28,1%; xăng, dầu các loại 1.212 tỷ đồng, tăng 14,5%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 803 tỷ đồng, tăng 15,8%... Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 30.091 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
Tháng Tư, mặt hàng xăng, dầu giá tiếp tục tăng mạnh 2 đợt vào ngày 02/4 và 17/4; từ 20/3/2019, giá bán lẻ điện tăng 8,36%, đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng; trong khi đó giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm (do tác động của dịch tả lợn Châu Phi, giá thịt lợn tiếp tục giảm so với tháng trước). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2019 tăng 0,29% so với tháng trước, có 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giá cả tăng so với tháng trước, gồm: nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,54%; nhóm giao thông tăng 3,59%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,62%. Ba nhóm hàng hóa giá cả giảm, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,30% (lương thực giảm 0,09%; thực phẩm giảm 0,45%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,26%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,02%. Năm nhóm hàng hóa giá cả ổn định không tăng, gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm thuốc, dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm giáo dục và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2019 tăng 0,94% so với tháng12 năm 2018 và tăng 3,01% so với tháng 4/2018. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 (4 tháng đầu năm 2017 tăng 3,51%; 4 tháng đầu năm 2018 tăng 3,13%), nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng cao so với cùng kỳ là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,90% (lương thực tăng 1,05%; thực phẩm tăng 7,35%); nhóm giáo dục tăng 2,98%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,65% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá vàng tháng 4/2019 giảm 0,68% so với tháng trước, giảm 1,22% so với tháng 4/2018. Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 4/2019 giảm 0,01% so với tháng trước, tăng 1,85% so với tháng 4/2018.
4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa
Tháng Tư, người lao động được nghỉ 2 đợt dài ngày vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019) và 133 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2019), nên số lượng người đi lại tăng mạnh; các tuyến xe khách, xe buýt đảm bảo tuyến, chuyến đáp ứng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong các ngày nghỉ lễ.
Dự ước tháng 4/2019, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 509,2 tỷ đồng, tăng 8,2% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4,7 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 221,1 triệu tấn.km; tăng 5,2% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,8% về hàng hoá luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 308,5 tỷ đồng, tăng 16,6% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 4,4 triệu người, hành khách luân chuyển 262,6 triệu người.km; tăng 18,9% về hành khách vận chuyển , tăng 20,0% về hành khách luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước.
Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 45,1 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 1.075 nghìn tấn, tăng 38,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2019, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 2.083 tỷ đồng, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 19,3 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 919,3 triệu tấn.km, tăng 5,2% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,8% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.264 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 16,7 triệu người, hành khách luân chuyển 995,4 triệu người.km, tăng 19,0% về hành khách vận chuyển, tăng 20,1% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 173,5 tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 3.864 nghìn tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống
Ngày 13/4/2019, Thanh Hóa tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019 (năm 2018 khai mạc vào ngày 21/4), nên lượng khách lưu trú tăng đáng kể. Tháng Tư, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 935,2 tỷ đồng, tăng 17,0% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 185,5 tỷ đồng, tăng 9,4%; dịch vụ ăn uống ước đạt 749,7 tỷ đồng, tăng 19,0%. Khách sạn phục vụ 496 nghìn lượt khách, tăng 7,1% so với tháng cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 823 nghìn ngày khách, tăng 8,5% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 3.653,1 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 709,4 tỷ đồng, tăng 9,8%; dịch vụ ăn uống ước đạt 2.943,6 tỷ đồng, tăng 17,4%.
5. Một số tình hình xã hội
5.1. Thiếu đói trong nông dân
Tính đến ngày 10/4 toàn tỉnh có 609 hộ tương ứng với 2.596 nhân khẩu thuộc 2 huyện miền núi Mường Lát và Bá Thước thiếu đói. Tỷ lệ hộ thiếu đói 0,06%, tăng 0,02% so với tháng cùng kỳ năm trước. Hiện nay, đang mùa giáp hạt, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…; có phương án cứu trợ kịp thời, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhân dân thiếu đói.
Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ; trong học kỳ II, năm học 2018 - 2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ gạo cho 20.387 học sinh của 248 trường Tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định; mức 15 kg/học sinh/tháng. Tổng số gạo hỗ trợ là 1.228.305 kg; trong đó, số gạo còn lại của học kỳ I là 44.700 kg; số lượng gạo cấp học kỳ II là 1.183.605 kg. Toàn bộ số gạo trên sẽ được Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa phối hợp với các địa phương, trường học trao tận tay các em học sinh, góp phần tạo điều kiện để các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục bám lớp, bám trường, vươn lên trong học tập.
5.2. Y tế
Tháng Tư, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Công tác phòng chống bệnh cúm và các bệnh dịch mùa xuân hè được tăng cường, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn phát sinh; tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 104 ca bệnh tay chân miệng, 122 ca sởi, 26 ca viêm gan Virut B, 45 ca sốt xuất huyết Dengue, 43 ca ho gà, 6 ca viêm não Virut, 01 ca uốn ván sơ sinh, 01 ca uốn ván khác, 01 ca mắc bệnh dại.
Tháng Tư, Ban Chỉ đạo về Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục đích phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và ý thức, trách nhiệm chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 08/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Thời gian thực hiện từ ngày 15/4/2019 đến ngày 15/5/2019, trên phạm vi toàn tỉnh.
5.3. Giáo dục
Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa khối THCS, THPT, bổ túc THPT năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 5.925 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó: Khối THPT có 3.652 thí sinh; khối THCS có 2.019 thí sinh; khối bổ túc THPT có 254 thí sinh. Kỳ thi diễn ra trong 02 ngày 21 và 22/3, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả, Ban tổ chức đã chọn ra 107 giải nhất, 548 giải nhì, 955 giải ba và 1.254 giải khuyến khích. Cụ thể, khối THCS đạt 993 giải (36 giải nhất, 196 giải nhì, 320 giải ba và 441 giải khuyến khích); khối THPT đạt 1.779 giải (68 giải nhất, 337 giải nhì, 609 giải ba và 765 giải khuyến khích); khối bổ túc THPT đạt 92 giải (3 giải nhất, 15 giải nhì, 26 giải ba và 48 giải khuyến khích).
Ngày 02/4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1154/QĐ-UBND về việc phê duyệt Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 và tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Cụ thể như sau:
- Đối với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019: Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập Hội đồng thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019. Địa điểm thi tại các trường THPT hoặc liên trường.Thời gian tổ chức thi từ ngày 25/6/2019 đến hết ngày 27/6/2019 (theo lịch thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
- Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020: Không tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn riêng mà tổ chức theo cùng ngày thi, lịch thi với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT dân tộc nội trú tỉnh. Thời gian tổ chức thi trong 2 ngày 05 và 06/6/2019. Đề thi thành lập tại Sở Giáo dục và Đào tạo một Hội đồng ra đề thi; đề thi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh chung cho cả thi vào lớp 10 THPT chuyên Lam Sơn và thi vào lớp 10 THPT; riêng thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn, thí sinh phải thi thêm 01 môn chuyên theo đề thi riêng. Năm học 2019 - 2020, tuyển sính vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lam Sơn với quy mô 11 lớp với chỉ tiêu 385 học sinh (mỗi lớp 35 học sinh); gồm: chuyên Toán, chuyên Tiếng Anh: 02 lớp; chuyên Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý: 01 lớp.
Trong đợt thi tuyển chọn học sinh giỏi tham dự các kỳ thi Olympic khu vực Châu Á và quốc tế năm 2019 diễn ra từ ngày 29 đến 31/3, Thanh Hóa có 10 học sinh tham gia. Kết quả có 4 học sinh lọt vào Đội tuyển Quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic khu vực Châu Á và quốc tế năm 2019. Cả 4 em đều là học sinh của Trường THPT chuyên Lam Sơn. Với thành tích trên, Trường THPT chuyên Lam Sơn là một trong những trường dẫn đầu về số lượng học sinh lọt vào đội tuyển so với các tỉnh trong cả nước.
5.4. Văn hoá - Thể dục thể thao
Ngành Văn hóa, Thông tin tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện trọng đại của tỉnh như: Kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; 44 năm chiến thắng Hàm Rồng; 133 năm ngày Quốc tế Lao động; 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật nổi bật diễn ra trong tháng như: Tổ chức thành công Lễ hội Bà Triệu năm 2019, kỷ niệm 1771 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh; Lễ hội Lê Hoàn 2019, Lễ đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Lê Hoàn; công bố Quyết định công nhận Điểm du lịch Đền thờ Lê Hoàn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; tổ chức Triển lãm tư liệu, tài liệu lưu trữ, sách báo, hình ảnh, hiện vật “Thanh Hóa xưa và nay”.
Đặc biệt, tối 13-4, tại sân khấu Bãi B, đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2019 với chủ đề “Sắc màu biển ngọc”. Tại đêm khai mạc lễ hội, sau nghi thức trao Bằng khen và hoa của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho các nhà tài trợ Lễ hội du lịch Sầm Sơn năm 2019 là chương trình ca - múa - nhạc đặc sắc mang chủ đề “Sắc màu biển ngọc” với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên trong nước và quốc tế. Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội du lịch năm nay đã tái hiện bức tranh muôn màu về Sầm Sơn - một đô thị du lịch biển có lịch sử lâu đời đang ngày càng phát triển và khởi sắc. Khép lại chương trình nghệ thuật là màn bắn pháo hoa rực rỡ, lung linh sắc màu, bắt đầu mùa du lịch năm 2019 trong sắc mới của biển ngọc. Một trong những sự kiện mở màn Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn 2019 và khởi động mùa du lịch biển 2019 thu hút sự chú ý của đông đảo của người dân và du khách tại thành phố biển Sầm Sơn là ngày hội Carnival đường phố Sầm Sơn 2019, lần đầu tiên được tổ chức tại Thanh Hóa diễn ra vào ngày 13/4. Chương trình đã tạo nên một dấu ấn đặc sắc, hấp dẫn trong lòng du khách cũng như người dân địa phương và mở ra một mùa du lịch mới thật khác biệt ở TP biển Sầm Sơn.
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", sáng ngày 16/3, tại Quảng trường Lam Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Thanh Hóa tổ chức lễ phát động Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và khai mạc Giải chạy tập thể, việt dã TP Thanh Hóa lần thứ XII - Cup bia Thanh Hoa năm 2019; sáng ngày 24/3, tại huyện Thiệu Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Thanh Hóa, Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với UBND huyện Thiệu Hóa tổ chức Giải việt dã Báo Thanh Hóa lần thứ XXIII - Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng năm 2019. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm; tham dự Giải bơi - lặn vô địch quốc gia tại Thừa Thiên - Huế được tổ chức hàng năm nhằm kỷ niệm ngày thể thao Việt Nam 27-3, kết thúc giải Thanh Hóa đạt 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; đứng ở vị trí thứ 4 toàn đoàn. Tính đến ngày 15/4, đoàn thể thao Thanh Hóa thi đấu 14 giải quốc gia, quốc tế, đạt 87 huy chương các loại, gồm: 20 HCV, 40 HCB, 27 HCĐ.
5.5. Tai nạn giao thông
Công an giao thông, Thanh tra giao thông, phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 3/2019 xảy ra 73 vụ tai nạn, tăng 37,7% so với cùng kỳ; làm chết 18 người, gấp 2 lần so với cùng kỳ; bị thương 68 người, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Ba tháng đầu năm 2019 trên địa bản tỉnh xảy ra 174 vụ tai nạn và va chạm giao thông, tăng 8,8% so với cùng kỳ, làm chết 48 người, tăng 23,1% so với cùng kỳ; bị thương 171 người, tăng 24,8% so với cùng kỳ.
Lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện. Qua kiểm tra vi phạm trật tự an toàn giao thông trong tháng 3/2019: Đường bộ, đã phát hiện, xử phạt 4.938 trường hợp vi phạm, tạm giữ 717 phương tiện các loại, tước kiểm định và giấy phép lái xe 448 trường hợp, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 5.160 triệu đồng ; Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản xử phạt 27 trường hợp xe ô tô vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải, nộp kho bạc Nhà nước 153,6 triệu đồng. Đường thủy, lực lượng cảnh sát kiểm tra, xử lý 15 trường hợp vi phạm hành chính; xử phạt nộp kho bạc Nhà nước gần 44 triệu đồng; Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập biên bản xử phạt 27 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 10 triệu đồng.
5.6. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Môi trường: Tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh xảy 3 vụ vi phạm về môi trường (huyện Thiệu Hóa 02 vụ, huyện Hoằng Hóa 01 vụ), xử phạt hành chính 51,5 triệu đồng.
Cháy nổ: Tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ cháy (TP Thanh Hóa 03 vụ; Tĩnh Gia 02 vụ; Thạch Thành 02 vụ; Triệu Sơn 02 vụ; Thiệu Hóa; Như Xuân, Hậu Lộc, Yên Định mỗi huyện 01 vụ), ước tính thiệt hại 977,3 triệu đồng. Trong tháng, đã kiểm tra an toàn PCCC tại 79 lượt cơ sở, lập 79 biên bản kiểm tra, phát hiện 150 sơ hở thiếu sót; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy 02 trường hợp, phạt tiền 104,2 triệu đồng.
File đính kèm : Tình hình KT-XH tháng 4/2019