Tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng đầu năm 2019

Đăng ngày 29 - 08 - 2019
100%

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

1.1. Nông nghiệp

a) Trồng trọt

Sản xuất vụ thu mùa năm 2019 chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường; đầu vụ gieo trồng thời tiết tương đối thuận lợi; tuy nhiên, nắng nóng gay gắt và kéo dài liên tục từ trung tuần tháng 6 đến nay đã làm khô hạn, gây khó khăn cho việc gieo trồng một số loại cây trồng trong khung thời vụ cũng như quá trình sinh trưởng của nhiều loại cây trồng; mặt khác, mưa lớn kèm theo lũ ống, lũ quét trong các ngày từ 30/7 đến 04/8 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, đã khiến nhiều huyện miền núi thiệt hại nặng nề về người và tài sản; trong đó, nhiều diện tích lúa, hoa mầu bị mất trắng và ngập úng. Theo kết quả điều tra diện tích gieo trồng cây hàng năm, vụ thu mùa năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng được 159,3 nghìn ha, đạt 96,0% kế hoạch, giảm 3,4% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 119,7 nghìn ha, đạt 99,3% kế hoạch, giảm 4,2% so với cùng kỳ (diện tích cấy lúa lai 32,3 nghìn ha, chiếm 27,0% trong tổng diện tích gieo cấy, giảm 19,8% so với vụ thu mùa năm 2018; diện tích cấy lúa chất lượng cao 33,4 nghìn ha, chiếm 27,9% trong tổng diện tích gieo cấy, giảm 8,0% so với vụ thu mùa năm 2018); ngô 14.104 ha, vượt 0,7% kế hoạch, giảm 4,0% so cùng kỳ; lạc 1.115 ha, vượt 11,5% và giảm 6,0%; đậu tương 316 ha, đạt 31,6% và giảm 30,7%; khoai lang 1.534 ha, tăng 0,5%; rau các loại 11.694 ha, tăng 6,1%; cây gia vị, dược liệu, hương liệu 1.189 ha, tăng 59,6%…

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay lúa trà sớm trong giai đoạn trỗ - phơi màu, trà chính vụ trong giai đoạn ôm đòng - trỗ báo; cây ngô trong giai đoạn từ 9 lá đến chín sáp; cây lạc trong giai đoạn  đâm tia - hình thành củ…; diện tích lúa trỗ (tính đến ngày 22/8) 78 nghìn ha, đạt 65,2% diện tích đã gieo trồng. Sâu bệnh gây hại trên cây trồng cũng đã xuất hiện như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu keo mùa thu; bệnh lùn sọc đen phương Nam đang gây hại nhẹ và rải rác tại một số huyện.  

b) Chăn nuôi

Điều tra chăn nuôi kỳ 01/7/2019 được tiến hành điều tra toàn bộ doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm; thôn có chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và vật nuôi khác; hộ chăn nuôi có quy mô lớn; kết hợp với điều tra chọn mẫu đối với các hộ chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô nhỏ của 27/27 huyện, thị xã, thành phố. Kết quả tổng hợp suy rộng như sau: Tại thời điểm 01/7/2019, toàn tỉnh có 180,7 nghìn con trâu, giảm 4,6% so với thời điểm 01/7/2018; 249,5 nghìn con bò (bao gồm cả bò sữa), tăng 1,6% so với thời điểm 01/7/2018; 998,3 nghìn con lợn (bao gồm cả lợn con), giảm 5,3% so với thời điểm 01/7/2018; 19,9 triệu con gia cầm, tăng 3,5% so với thời điểm 01/7/2018.  

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh: Từ ngày 23/02/2019 đến 16 giờ ngày 21/8/2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 7.303 hộ thuộc 1.416 thôn, 392 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố; buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 69.067 con, trọng lượng 4.761 tấn. Đến ngày 21/8/2019, có 05 huyện, thị xã (huyện Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa và thị xã Bỉm Sơn) và 215 xã đã công bố hết dịch; 854 thôn, 177 xã của 22 huyện, thị xã, thành phố đang còn dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày.

1.2. Lâm nghiệp

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 4.532 ha rừng trồng tập trung, đạt 45,3% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được quan tâm thường xuân và tăng cường; không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

1.3. Thuỷ sản

Tháng Tám, sản lượng thủy sản ước đạt 15,4 nghìn tấn, giảm 0,8% tháng trước và tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng nuôi trồng 5,2 nghìn tấn, giảm 5,4% và tăng 8,5%; sản lượng khai thác 10,2 nghìn tấn, tăng 1,8% và tăng 5,8%. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản ước đạt 120,2 nghìn tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng nuôi trồng 39,5 nghìn tấn, tăng 8,5%; sản lượng khai thác 80,7 nghìn tấn, tăng 6,3%.

2. Sản xuất công nghiệp

Tháng Tám, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất ổn định, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực như: xi măng, thuốc lá, bia, quần áo may sẵn, giày dép các loại, điện sản xuất tăng khá so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng so với tháng trước và tăng khá cao so với tháng cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 8/2019 tăng 2,68% so với tháng trước, tăng 16,80% so với tháng cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 12,94% so với tháng trước, giảm 0,17% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,89% so với tháng trước, tăng 15,83% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,25% so với tháng trước, tăng 31,53% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,28% so với tháng trước, tăng 1,72% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 28,70% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,01%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,93%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,37%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,52%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2019 dự kiến tăng 4,27% so với tháng trước, tăng 7,99% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,58% so với cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2019 dự kiến giảm 2,18% so với tháng trước; tăng 25,58% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 7/2019 dự kiến tăng 2,14% so với tháng trước; tăng 8,08% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,11% so với tháng trước; giảm 0,40% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 1,69% so với tháng trước; tăng 3,44% so với tháng cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,53% so với tháng trước; tăng 10,86% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 10,67% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,53%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 3,23%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,00%.

3. Đầu tư

Ước tính tháng 8/2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương đạt 663 tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 28,1% so cùng kỳ năm 2018; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 294,7 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 190,2 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 178,1 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương ước đạt 4.896 tỷ đồng, bằng 62,7% kế hoạch năm và tăng 22,8% so cùng kỳ năm 2018; bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.200 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.421 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 1.275 tỷ đồng, tăng 29,6% so với cùng kỳ.

4. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

4.1. Hoạt động bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hoá tháng 8/2019 ước đạt 7.512 tỷ đồng, tăng 15,2% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm ước đạt 2.585 tỷ đồng, tăng 19,3%; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình 998 tỷ đồng, tăng 20,0%; ô tô các loại 145 tỷ đồng, giảm 8,8%; xăng, dầu các loại 1.167 tỷ đồng, tăng 9,0%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm hàng hóa khác 769 tỷ đồng, tăng 8,1%... Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 60.581 tỷ đồng, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác quản lý thị trường luôn được các cấp, các ngành phối hợp quan tâm, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quản lý thị trường cho phù hợp từng thời kỳ, thời điểm, tình hình thị trường và điều kiện đặc thù của từng địa phương. Tháng 7/2019, Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra 369 vụ, xử lý 309 vụ, trong đó 12 vụ vi phạm kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm; 93 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 44 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm..., tổng số tiền thu nộp phạt là 765 triệu đồng.

4.2. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Tháng Tám, một số mặt hàng nhóm lương thực thực phẩm (gạo, thịt lợn, trứng gia cầm) giá tiếp tục tăng; giá học phí hệ cao đẳng, đại học công lập tăng theo lộ trình; giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế điều chỉnh tăng từ ngày 20/8/2019, đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước; trong khi đó, một số mặt hàng như: xăng dầu, hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, rau xanh giá giảm đã tác động làm giảm chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng 0,75% so với tháng trước. Năm nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng là: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,89% (lương thực tăng 2,18%, thực phẩm tăng 0,88%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 1,55%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,59%; nhóm giáo dục tăng 2,33%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,03%. Ba nhóm hàng hóa giá cả ổn định chỉ số giá không tăng là: nhóm đồ uống thuốc lá; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; nhóm bưu chính viễn thông. Ba nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm là: nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,06%; nhóm giao thông giảm 0,38%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng 1,70% so với tháng 12 năm 2018 và tăng 1,35% so với tháng cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 2,14% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Chỉ số giá vàng tháng 8/2019 tăng 3,89% so với tháng trước, tăng 14,38% so với tháng 12/2018, tăng 14,96% so với tháng cùng kỳ; bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 2,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,14% tháng trước, giảm 0,36% so với tháng 12/2018, giảm 0,13% so với tháng cùng kỳ; bình quân 8 tháng đầu năm 2019 tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

4.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

Dự ước tháng 8/2019, doanh thu vận tải hàng hóa đạt 541,3 tỷ đồng, tăng 14,9% so với tháng cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4,8 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 225,6 triệu tấn.km; tăng 4,2% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,3% về hàng hoá luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 311 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng cùng kỳ năm trước; số lượng hành khách vận chuyển 4,3 triệu người, hành khách luân chuyển 255,6 triệu người.km; tăng 16,6% về hành khách vận chuyển, tăng 17,0% về hành khách luân chuyển so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 47 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng ước đạt 1.105 nghìn tấn, tăng 34,8% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu vận tải hàng hoá ước đạt 4.141 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa vận chuyển 38,2 triệu tấn, hàng hoá luân chuyển 1.817,4 triệu tấn.km, tăng 4,4% về hàng hoá vận chuyển, tăng 1,6% về hàng hoá luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.566 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước; hành khách vận chuyển 33,8 triệu người, hành khách luân chuyển 2.017,5 triệu người.km, tăng 17,4% về hành khách vận chuyển, tăng 18,0% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 358 tỷ đồng, tăng 26,0% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng bốc xếp qua cảng đạt 8,2 triệu tấn, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.

4.4. Hoạt động lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành

Tháng 8/2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 972 tỷ đồng, tăng 13,7% so với tháng cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 193,6 tỷ đồng, tăng 9,9%; dịch vụ ăn uống ước đạt 778,4 tỷ đồng, tăng 14,7%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 608,8 nghìn lượt khách, tăng 6,8% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 992,3 nghìn ngày khách, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 7.705 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.541 tỷ đồng, tăng 10,9%; dịch vụ ăn uống ước đạt 6.164 tỷ đồng, tăng 17,7%; số lượt khách khách sạn phục vụ ước đạt 4.628 nghìn lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ; ngày khách phục vụ đạt 7.512 nghìn ngày khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Du lịch lữ hành với lượt khách du lịch theo tour tháng 8/2019 ước đạt 5.541 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 17.325 ngày khách, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2019, lượt khách du lịch theo tour đạt 41.905 lượt khách, tăng 11,3% so với cùng kỳ; ngày khách du lịch theo tour đạt 130.662 ngày khách, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018.

5. Một số tình hình xã hội

5.1. Thiếu đói trong nông dân và an sinh xã hội

Tình hình đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tính đến ngày 13/8 toàn tỉnh không phát sinh hộ thiếu đói. Trong tháng không có huyện nào phát sinh thiếu đói. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới đã gây ra mưa lớn và lũ ống ở một số huyện miền núi, nhất là 02 huyện Mường Lát và Quan Sơn, khiến một số hộ gia đình gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm và nhà ở. Với phương châm không để hộ dân nào phải màn trời chiếu đất, thiếu đói, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ra lời kêu gọi về vận động quyên góp ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; tính đến 16 giờ ngày 12/8/2019, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận được 3,9 tỷ đồng; 10 nghìn đô la Mỹ; 05 tấn gạo hỗ trợ của các tổ chức cá nhân; tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình có người chết, mất tích 10 triệu đồng/người; bị thương 2 triệu đồng/người; hỗ trợ, động viên gia đình anh Thao Văn Súa - Trưởng Công an xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (tử vong trong khi làm nhiệm vụ phòng chống bão lũ) 30 triệu đồng; hỗ trợ 5 tấn gạo cho 02 huyện Mường Lát và Quan Sơn. Cũng theo MTTQ tỉnh, ngoài số tiền, hàng cứu trợ đã thống kê trên, còn có hàng chục tỷ đồng được các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân chuyển trực tiếp đến người dân vùng lũ, không thông qua MTTQ. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 100 thùng hàng, 126 triệu đồng cho các hộ có người chết, mất tích, nhà bị sập, trôi hoàn toàn tại huyện Quan Sơn; hỗ trợ 100 suất quà trị giá 120 triệu đồng cho các hộ dân bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, Mường Lát. Ngoài ra, cùng với các hoạt động cứu trợ trong nhân dân, ngay trong những ngày mưa lũ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra thiệt hại do mưa lũ gây ra và công tác triển khai tìm kiếm, cứu nạn cũng như chia sẻ với những mất mát về người và tài sản của nhân dân 02 huyện Quan Sơn, Mường Lát do hậu quả lũ lụt gây ra.

5.2. Y tế

Ngành Y tế đã tập trung đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động giám sát các dịch bệnh phát sinh trong thời điểm giao mùa, nhất là dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng; phối hợp với các đơn vị liên quan phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi; chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ mùa du lịch biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Do vậy, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, vẫn còn một số dịch bệnh xuất hiện rải rác với quy mô nhỏ, song đã được phát hiện và khống chế kịp thời. Tính từ đầu năm đến ngày 10/8/2019 toàn tỉnh có 266 ca mắc bệnh tay chân miệng, 366 ca sởi, 60 ca viêm gan Virut B, 157 ca sốt xuất huyết Dengue, 128 ca ho gà, 18 ca viêm não Virut, 01 ca uốn ván sơ sinh, 03 ca uốn ván khác, 06 ca nghi bại liệt, 01 ca mắc bệnh dại. Công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa bão, lũ lụt được chú trọng.

5.3. Giáo dục

Ngành Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019 - 2020; tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020; vinh danh học sinh và giáo viên có học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, đạt điểm cao xét tuyển vào đại học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện về thiết bị trường học, cơ sở vật chất cho năm học mới 2019 - 2020; tổ chức tốt ngày tựu trường vào ngày 19/8/2019 đối với giáo dục mần non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; lễ khai giảng năm học và ngày toàn dân đưa trẻ tới trường vào ngày 05/9/2019. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh dự kiến huy động 850.817 học sinh các cấp mầm non, phổ thông và bổ túc đến trường, bao gồm: 223.522 trẻ trong độ tuổi đi học mầm non; 618.739 học sinh vào học phổ thông (320.742 học sinh tiểu học, 194.713 học sinh trung học cơ sở, 103.284 học sinh trung học phổ thông); 8.556 học sinh vào học bổ túc.

Năm 2019, Trường Đại học Hồng Đức tuyển sinh đào tạo 1.760 chỉ tiêu; trong đó 1.530 chỉ tiêu hệ đại học, 110 chỉ tiêu hệ cao đẳng sư phạm; 70 chỉ tiêu hệ cao đẳng và 50 chỉ tiêu trung cấp sư phạm. Trường Đại học Hồng Đức đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy đợt 1 năm 2019, mức điểm chuẩn vào trường dao động từ 14 - 24 điểm (tổng điểm 3 môn thi). Trường Đại học Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 và theo phương thức khác; trong đó, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 458 chỉ tiêu, theo phương thức khác 562 chỉ tiêu; điểm chuẩn xét trúng tuyển vào trường ở 17 ngành học với mức điểm từ 13 - 18 điểm. Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa thông báo trúng tuyển cho 124 thí sinh trúng tuyển ngành Y khoa dự phòng và Y khoa phân hiệu Thanh Hóa; hình thức tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019 gồm tổ hợp 03 bài thi/môn thi Toán, Hóa học, Sinh học (B00) để xét tuyển.

5.4. Văn hoá - Thể dục thể thao

Ngành Văn hóa - Thông tin tập trung tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tổ chức các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn quan trọng của đất nước, của tỉnh, như: Kỷ niệm 74 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2019) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2019); kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2019);... Thông qua các hoạt động này, đã góp phần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai nhiệm vụ.

Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện, lễ hội, xây dựng nông thôn mới và công chúng tại các địa phương trong tỉnh, nổi bật là biểu diễn các chương trình nghệ thuật chào mừng chuỗi các sự kiện quan trọng của tỉnh: Hội thảo khoa học, trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Hội nghị 50 năm Thanh Hóa thực hiện Di chúc của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019); tổ chức chiếu phim phục vụ trưng bày triển lãm “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác” tại Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, thành phố Thanh Hóa...

 Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh; tổ chức thành công Giải Bơi lặn vô địch các CLB mạnh quốc gia khu vực I năm 2019 tại bể bơi Sunsports Complex; chuẩn bị kế hoạch tuyển chọn VĐV tham gia thi đấu Giải Vô địch môn bóng bàn, cầu lông, cử tạ, cờ vua, bocia người khuyết tật toàn quốc năm 2019 tại Thái Nguyên và tổ chức Giải đua xe đạp VTV Cup Tôn Hoa Sen năm 2019 tại thành phố Sầm Sơn. Thể thao thành tích cao tiếp tục được quan tâm; chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tổ chức Giải Vô địch Muay năm 2019 tại nhà thi đấu tỉnh Thanh Hóa. Tính từ đầu năm đến tháng 8/2019, các đoàn thể thao Thanh Hóa thi đấu 26 giải quốc gia, quốc tế; đạt 108 huy chương các loại (23 HCV, 27 HCB, 58 HCĐ). Câu lạc bộ Bóng đá Thanh Hóa tham gia Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia năm 2019 (Wake-up 247 V.League 1-2019), sau 21 trận đấu, giành được 25 điểm, xếp thứ 12/14 đội tham dự.

5.5. Tai nạn giao thông

Công an, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tháng Bảy, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, xảy ra 18 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 8 người, bị thương 21 người; so với tháng cùng kỳ, giảm 52,6% về số vụ, giảm 52,9% về số người chết, giảm 27,6% về số người bị thương. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 292 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm 106 người chết và 269 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước, tăng 7,4% về số vụ, tăng 29,3% về số người chết, tăng 16,5% về số người bị thương.

Tháng 7/2019, lực lượng Cảnh sát giao thông, trật tự và cơ động đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng đua xe trái phép, không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người qui định, kiểm tra trọng tải phương tiện, kiểm tra nồng độ cồn. Qua kiểm lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 7.338 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tạm giữ 1.206 phương tiện các loại, tước kiểm định và giấy phép lái xe 538 trường hợp, xử lý 358 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổng số tiền phạt vi phạm nộp Kho bạc Nhà nước 9.823,3 triệu đồng. Lực lượng Thanh tra giao thông đã lập biên bản vi phạm hành chính 53 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 631,6 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 15 trường hợp và 01 phù hiệu.

5.6. Thiệt hại do thiên tai

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, trong các ngày từ 30/7 đến 04/8 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to, cộng thêm nước lũ từ thượng nguồn đổ về, đã gây ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi, đặc biệt là tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn và bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát; làm thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Để chủ động ứng phó với bão số 3 và mưa, lũ, UNBD tỉnh đã ban hành 2 công điện khẩn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành 7 công điện khẩn để triển khai đến các cấp, các ngành chủ động các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, không để xảy ra thiệt hại do chủ quan. Trước diễn biến phức tạp của bão và mưa, lũ, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã trực tiếp xuống các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó với bão và mưa lũ, UBND các huyện đã tổ chức sơ tán 1.538 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn (Mường Lát 169 hộ, Quan Hóa 82 hộ, Quan Sơn 76 hộ, Bá Thước 186 hộ, Cẩm Thủy 692 hộ, Thạch Thành 26 hộ...); di dời khẩn cấp 33 hộ của 03 huyện Mường Lát, Quan Hóa và Quan Sơn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 15 giờ, ngày 12/8/2019 toàn tỉnh có 10 người chết, 6 người mất tích, 5 người bị thương; 80 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%), 10 ngôi nhà bị thiệt hại rất nặng (50-70%), 24 ngôi nhà bị thiệt hại nặng (30-50%), 295 ngôi nhà bị thiệt hại một phần (dưới 30%); 263,98 ha lúa; 48,72 ha cây hàng năm; 20,9 ha hoa màu; 142,01 ha ao cá bị thiệt hại; 1.685 gia súc; 6.740 gia cầm bị chết, cuốn trôi. Ngoài ra, các tuyến đường quốc lộ (15C, 217, 16, 47, 15) bị sạt lở ta luy dương 620 điểm; đường tỉnh lộ bị sạt lở ta luy dương 230 điểm, khối lượng sạt lở khoảng 64 nghìn m3; đường liên huyện bị sạt lở 1 điểm; đường giao thông liên thôn bị sạt lở 100 điểm, 7.655 m và 8.700 m³; đập tràn 4 cái bị trôi, 7 cái bị sạt lở, hư hỏng; cầu bị sạt lở 1 cái… Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 822 tỷ đồng. Để sớm khắc phục những thiệt do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các huyện bị thiệt hại đã tập trung cao nhất lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo chức năng và nhiệm vụ. Thực hiện thông báo số 293-TB/VPTU ngày 12/8/2019 kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh và cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại, cụ thể như: Tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu,…đảm bảo đời sống cho người dân đến khi các hộ dân chủ động được lương thực, tuyệt đối không được để người dân nào bị thiếu đói; khẩn trương khảo sát, xác định vị trí xây dựng khu tái định cư và tập trung cao huy động tổng lực các lực lượng để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, làm nhà mới cho các hộ dân, đảm bảo hoàn thành việc xây dựng nhà cho các hộ dân ở khu tái định cư trước ngày 30/11/2019; khôi phục các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại; hỗ trợ về nhà ở: Hỗ trợ 300 triệu đồng đối với hộ có nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 200 triệu đồng với hộ có nhà ở bị hư hỏng rất nặng, 100 triệu đồng đối với hộ có nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ có nhà ở phải di dời khẩn cấp được hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà đối với nhà sàn và 70 triệu đồng/nhà đối với nhà kiên cố. Uỷ ban MTTQ tỉnh, các huyện bị thiệt hại tổ chức tốt việc tiếp nhận các nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại.

5.7. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Môi trường: Tháng 7/2019, phát hiện 20 vụ vi phạm môi trường, xử lý phạt vi phạm 18 vụ (TP Thanh Hóa 02 vụ ; Bá Thước 02 vụ; Như Thanh 02 vụ; Tĩnh Gia 02 vụ; TP Sầm Sơn, Hà Trung, Yên Định, Như Thanh, Bá Thước, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống mỗi địa phương 01 vụ); xử phạt hành chính 366,9 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 95 vụ vi phạm môi trường, xử phạt hành chính 89 vụ với tổng số tiền phạt 1.817 triệu đồng.

Cháy, nổ: Tháng 7/2019, xảy 12 vụ cháy (TP Thanh Hóa 04 vụ; TP Sầm Sơn 02 vụ ; TX Bỉm Sơn 02 vụ; Quảng Xương, Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Như Xuân mỗi địa phương 01 vụ ); thiệt hại ước tính khoảng 768 triệu đồng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 83 vụ cháy và 1 vụ nổ, thiệt hại 9.363,3 triệu đồng.

File đính kèm : BC SL KT- XH tháng 8 năm 2019

<

Tin mới nhất

Tình hình kinh tế - xã hội Quý I năm 2024(29/03/2024 4:19 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3 và quý I năm 2024(29/03/2024 4:09 CH)

Tập huấn điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024(19/03/2024 9:03 CH)

Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ 01/4/2024(19/03/2024 1:37 SA)

Công đoàn Cục Thống kê Thanh Hóa tổ chức tọa đàm kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, 1984...(11/03/2024 3:06 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02 năm 2024(27/02/2024 2:34 CH)

    °
    0 người đang online