Tình hình kinh tế - xã hội tháng Chín và 9 tháng năm 2024

Đăng ngày 03 - 10 - 2024
100%

Kinh tế - xã hội chín tháng năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại và xung đột vũ trang ngày càng khó lường; lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, chính sách tiền tệ tại nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục được điều hành thận trọng theo hướng thắt chặt; kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều.

Ở trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi; trong tỉnh, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn rất lớn. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển. Kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực trong chín tháng năm 2024 như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng đầu năm 2024 tăng 12,46% so với cùng kỳ năm trước (sơ bộ quý II tăng 10,97%; sơ bộ 6 tháng đầu năm tăng 11,78%; ước tính quý III tăng 13,80%)[1]; trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 18,85% (công nghiệp tăng 22,70%; xây dựng tăng 8,55%); các ngành dịch vụ tăng 7,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02%.

Về cơ cấu kinh tế 9 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 13,19%, giảm 0,85%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 51,01%, tăng 2,30%; các ngành dịch vụ chiếm 29,78%, giảm 1,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,02%, giảm 0,31% so với cùng kỳ năm trước.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

2.1. Nông nghiệp

a) Sản xuất vụ thu mùa

Sản xuất vụ thu mùa năm nay chịu ảnh hưởng của diễn biến thời tiết phức tạp, đầu vụ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt, gây khó khăn trong việc gieo trồng; cuối vụ chịu ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) và các đợt mưa lũ. Tuy nhiên, các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công tác thủy lợi chủ động, đáp ứng kịp thời và đạt hiệu quả cao; dịch vụ cơ giới hóa ngày càng phát triển và mở rộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để sản xuất vụ thu mùa năm nay đạt kết quả cao nhất. Theo báo cáo tiến độ sản xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển

nông thôn, đến ngày 15/9/2024, toàn tỉnh đã thu hoạch được 63,9 nghìn ha lúa, đạt 56,9% diện tích gieo cấy; 5,0 nghìn ha ngô, đạt 40,9% diện tích gieo trồng; 823 ha khoai lang, đạt 62,7% diện tích gieo trồng; 502 ha lạc, đạt 41,7% diện tích gieo trồng; rau, đậu các loại 9.632 ha, đạt 67,2% diện tích gieo trồng; các cây trồng khác 5.118 ha, đạt 38,5% diện tích gieo trồng.

Tổng diện tích gieo trồng vụ thu mùa năm 2024 toàn tỉnh đạt 154,6 nghìn ha, vượt 1,7% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó: Diện tích lúa 112,2 nghìn ha, đạt 99,4% kế hoạch, tăng 0,2% (tăng 186 ha) so với cùng kỳ (diện tích cấy lúa lai chiếm 29,6% trong tổng diện tích lúa gieo cấy, tăng 1,1% so với vụ thu mùa năm 2023); ngô 12.283 ha, đạt 98,7% kế hoạch, tăng 0,9% so cùng kỳ; lạc 1.202 ha, tăng 7,4%; đậu tương 114 ha, giảm 6,1%; khoai lang 1.312 ha, tăng 0,6%; rau các loại 12.702 ha, tăng 3,4%; cây gia vị, dược liệu, hương liệu 1.213 ha, tăng 6,2%; cây gai xanh 363 ha, giảm 45,0% so với cùng kỳ năm trước… Dự kiến năng suất lúa mùa đạt 55,6 tạ/ha, giảm 0,5% so cùng kỳ (giảm 0,2 tạ/ha); năng suất ngô 47,8 tạ/ha, tăng 1,8% so cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt 681 nghìn tấn, giảm 0,1% so với vụ mùa năm 2023.

Cả năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng được 392,4 nghìn ha cây hàng năm, vượt 1,1% kế hoạch, tăng 0,6% so cùng kỳ[2]. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm dự kiến 1.574 nghìn tấn, vượt 2,2% kế hoạch, tăng 0,2% so cùng kỳ[3].

b) Chăn nuôi

Chín tháng đầu năm 2024, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và động vật. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên ngành chăn nuôi gặp khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, tác động bất lợi đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Ước tính tại thời điểm 01/10/2024, toàn tỉnh có 122,1 nghìn con trâu; 220,6 nghìn con bò; 1.223,1 nghìn con lợn; 26,95 triệu con gia cầm. So với cùng thời điểm năm 2023, đàn trâu giảm 16,3%; đàn bò giảm 8,2%; đàn lợn tăng 6,2%; đàn gia cầm tăng 5,0%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 233,7 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 6,7%; quý III tăng 7,1%); sản lượng trứng gia cầm 221,65 triệu quả, tăng 8,3% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 8,8%; quý III tăng 7,3%); sản lượng sữa bò tươi 47,3 nghìn tấn, tăng 15,8% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 9,6%; quý III tăng 21,4%).

2.2. Lâm nghiệp

Chín tháng đầu năm 2024, được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các ngành chức năng, các đơn vị sản xuất giống lâm nghiệp đã chuẩn bị giống cây các loại, đảm bảo cây con phục vụ Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn năm 2024 và trồng rừng vụ xuân năm 2024; bên cạnh đó là sự cố gắng của các chủ rừng và hộ lâm nghiệp, nên kết quả sản xuất lâm nghiệp tăng so cùng kỳ. Chín tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung 9.250 ha, đạt 92,5% kế hoạch, tăng 7,0% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 7,4%; quý III tăng 6,1%); gỗ khai thác 746 nghìn m3, đạt 73,1% kế hoạch, tăng 7,7% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 7,2%; quý III tăng 8,6%); củi khai thác 733 nghìn ster, tăng 2,0% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 1,6%; quý III tăng 3,6%).

Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững; công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng thường xuyên được quan tâm chỉ đạo; các ngành chức năng luôn phối hợp với các địa phương và ban quản lý dự án tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Chín tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, an ninh rừng được giữ vững.

2.3. Thuỷ sản

Sản xuất thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh trên các con nuôi. Tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm các quy định về chống khai thác IUU đã ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản khai thác biển. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 164 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm tăng 2,4%; quý III tăng 2,1%); trong đó, sản lượng nuôi trồng 59,1 nghìn tấn, tăng 5,1% (6 tháng đầu năm tăng 4,5%; quý III tăng 6,2%); sản lượng khai thác 104,9 nghìn tấn, tăng 0,8% (6 tháng đầu năm tăng 1,3%; quý III giảm 0,3%).

3. Sản xuất công nghiệp

Chín tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển. Các doanh nghiệp ngành may, sản xuất giày, dép có nhiều đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định; Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn[4], Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nghi Sơn II tăng công suất và hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động[5], nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà phát triển tốt.

Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 9/2024 tăng 0,70% so với tháng trước, tăng 46,06% so với tháng cùng kỳ[6]; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 1,12% so với tháng trước, tăng 11,61% so với tháng cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,29% so với tháng trước, tăng 49,62% so với tháng cùng kỳ; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 7,01% so với tháng trước, tăng 10,53% so với tháng cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,52% so với tháng trước, tăng 4,11% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 20,20% so với cùng kỳ (quý I tăng 19,85%, quý II tăng 12,00%, quý III tăng 29,15%); trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,56% (quý I tăng 18,48%, quý II tăng 13,86%, quý III tăng 11,86%); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,75% (quý I tăng 18,60%, quý II tăng 10,50%, quý III tăng 30,68%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 26,92% (quý I tăng 38,54%, quý II tăng 32,81%, quý III tăng 13,15%); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,12% (quý I tăng 6,25%, quý II tăng 5,62%, quý III tăng 3,71%).

Trong toàn ngành công nghiệp, một số ngành có chỉ số sản xuất tính chung 9 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ gồm: Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 103,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 103,28%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 57,98%; sản xuất kim loại tăng 22,78%; sản xuất trang phục tăng 22,75%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 19,94%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,15%; khai khoáng khác tăng 12,09%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,05%;… Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ gồm: Sản xuất xe có động cơ giảm 75,84%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 68,51%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 1,21%;…  

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt như sau: Xăng các loại 2.999 nghìn tấn, tăng 47,8%; dầu diesel 4.941 nghìn tấn, tăng 50,7%; đường kết tinh 61,2 nghìn tấn, tăng 81,1%; bia các loại 27,1 triệu lít, giảm 13,7%; thuốc lá bao 248,2 triệu bao, tăng 36,8%; quần áo các loại 549 triệu cái, tăng 17,0%; giày thể thao 209 triệu đôi, tăng 19,3%; xi măng 14,1 triệu tấn, tăng 7,3%; sắt, thép 3,2 triệu tấn, tăng 15,5%; điện sản xuất 10.118 triệu kwh, tăng 30,3%; nước máy 42,9 triệu m3, tăng 0,7%.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 dự kiến giảm 1,01% so với tháng trước, tăng 8,44% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,21% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2024 dự kiến tăng 8,20% so với tháng trước, tăng 7,91% so với tháng cùng kỳ.

Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp 9 tháng đầu năm 2024 tăng 9,96% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,64%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 2,72%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,10% so với cùng kỳ năm trước.

4. Hoạt động của doanh nghiệp

Công tác phát triển doanh nghiệp tiếp tục đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15/9, trên địa bàn tỉnh có 2.411 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 80,4% kế hoạch, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước[7], vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỷ đồng, tăng 43,5%; có 635 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động, giảm 12%; có 1.160 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20%. Thành lập mới 46 hợp tác xã, vượt 21 hợp tác xã so với kế hoạch.

5. Đầu tư

Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 do tỉnh quản lý đã được giao kế hoạch chi tiết sớm ngay từ đầu năm; Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập và chỉ đạo 05 Tổ công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc, khơi thông các “điểm nghẽn” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; tổ chức các hội nghị giao ban giữa UBND tỉnh với UBND cấp huyện, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, giải phóng mặt bằng và giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị, thi công, hoàn thành hồ sơ, thủ tục để thanh toán ngay phần khối lượng đã hoàn thành theo quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến ngày 17/9/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 8.395 tỷ đồng, bằng 59,4% kế hoạch, tăng 9,7% so với cùng kỳ[8].

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 104.242 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch năm, tăng 7,5% so với cùng kỳ[9] (quý I đạt 30.369 tỷ đồng, tăng 2,7%, quý II đạt 36.679 tỷ đồng, tăng 7,0%, ước tính quý III đạt 37.194 tỷ đồng, tăng 12,3%).

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước địa phương 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9.646 tỷ đồng, đạt 72,6% kế hoạch, tăng 23,7% so cùng kỳ năm trước[10] (quý I đạt 1.888 tỷ đồng, tăng 11,5%, quý II đạt 3.384 tỷ đồng, tăng 31,9%, ước tính quý III đạt 4.374 tỷ đồng, tăng 23,5%).

Trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 94 dự án (trong đó có 17 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 12.432,9 tỷ đồng và 367,8 triệu USD, so với cùng kỳ gấp 1,8 lần về số dự án và tăng 26% về số vốn đăng ký.

6. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 (dự kiến đến ngày 30/9/2024) ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20,0% dự toán tỉnh giao, tăng 44,7% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 26.194 tỷ đồng, vượt 19,0% dự toán, tăng 45,7% so cùng kỳ[11]; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16.501 tỷ đồng, vượt 21,8% dự toán, tăng 43,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2024 (tính đến ngày 15/9/2024) ước đạt 30.354 tỷ đồng, đạt 70,4% dự toán, tăng 13,6% so cùng kỳ; trong đó, chi đầu tư phát triển 7.822 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán, tăng 4,6%; chi thường xuyên 21.194 tỷ đồng, đạt 74,1% dự toán, tăng 13,1% so cùng kỳ.

7. Tín dụng, ngân hàng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa, ước tính đến 30/9/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 181.301 tỷ đồng, tăng 6,4% so với 01/01/2024, trong đó nguồn vốn huy động bằng đồng Việt Nam chiếm 98,5%; tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 208.368 tỷ đồng, tăng 7,2% so với 01/01/2024, trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 58% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bằng đồng Việt Nam chiếm 98,8% tổng dư nợ.

8. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thương mại nội địa hoạt động sôi động, nguồn cung hàng hóa dồi dào; không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được tăng cường. Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh. Hoạt động du lịch khởi sắc ngay từ đầu năm; đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố có lợi thế phát triển du lịch; tổ chức thành công các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, du lịch, đưa vào khai thác các dịch vụ vui chơi giải trí tại Công viên nước Sun World Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến, góp phần thu hút đông đảo du khách.

8.1. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

Tháng Chín, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.941 tỷ đồng, tăng 12,5% so với tháng cùng kỳ. Chín tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 111.931 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ (quý I tăng 10,5%, quý II tăng 14,3%, quý III tăng 13,4%); trong đó, lương thực, thực phẩm ước đạt 51.190 tỷ đồng, tăng 14,2% (quý I tăng 12,8%, quý II tăng 14,5%, quý III tăng 15,3%); hàng may mặc ước đạt 6.044 tỷ đồng tăng 10,7% (quý I tăng 10,8%, quý II tăng 15,2%, quý III tăng 6,5%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 10.854 tỷ đồng tăng 5,9% (quý I tăng 12,1%, quý II tăng 4,3%, quý III tăng 1,2%); vật phẩm văn hoá, giáo dục ước đạt 1.052 tỷ đồng tăng 11,5% (quý I tăng 5,5%, quý II tăng 10,9%, quý III tăng 18,1%); ô tô các loại ước đạt 3.890 tỷ đồng, tăng 1,4% (quý I giảm 13,5%, quý II tăng 8,4%, quý III tăng 13,8%); xăng, dầu ước đạt 14.955 tỷ đồng, tăng 19,7% (quý I tăng 14,0%, quý II tăng 24,9%, quý III tăng 20,2%)...

8.2. Hoạt động lưu trú và ăn uống

Chín tháng năm 2024, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2024 được tổ chức; dịch vụ vui chơi giải trí tại Công viên nước Sun World Sầm Sơn và Flamingo Ibiza Hải Tiến thu hút du khách đến với tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 9/2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 1.991 tỷ đồng, tăng 26,9% so tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 376 tỷ đồng, tăng 18,2%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 29,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 24,7 tỷ đồng, tăng 22,6%; doanh thu dịch vụ khác 1.945 tỷ đồng, tăng 17,9% so tháng cùng kỳ năm trước.

Chín tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 16.401 tỷ đồng, tăng 21,7% so cùng kỳ (quý I tăng 8,1%, quý II tăng 21,8%, quý III tăng 31,6%); trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 3.627 tỷ đồng, tăng 26,0% (quý I tăng 6,3%, quý II tăng 31,5%, quý III tăng 34,5%), doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 12.774 tỷ đồng, tăng 20,6% (quý I tăng 8,6%, quý II tăng 19,1%, quý III tăng 30,9%); doanh thu du lịch lữ hành 215 tỷ đồng, tăng 21,1% (quý I tăng 14,3%, quý II tăng 21,5%, quý III tăng 24,7%); doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác 16.861 tỷ đồng, tăng 15,6% (quý I tăng 6,4%, quý II tăng 21,4%, quý III tăng 19,9%).

8.3. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 1,90% so với tháng 12/2023 và tăng 2,23% so với tháng 9/2023. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 2,85% so với cùng kỳ năm trước (bình quân quý I tăng 2,29%; bình quân quý II tăng 3,43%; bình quân quý III tăng 2,77%).

Trong mức tăng 0,16% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92% (lương thực giảm 0,26%, thực phẩm tăng 0,65%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,49%); nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,30%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,90%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,14%; nhóm giáo dục tăng 0,08%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,55%. 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, gồm: Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,21%; nhóm nhóm giao thông giảm 2,94%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,64%.  

Chỉ số giá vàng tháng 9/2024 tăng 2,17% so với tháng trước, tăng 37,48% so với tháng 9/2023; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 29,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 (bình quân quý I tăng 19,87%; bình quân quý II tăng 33,37%; bình quân quý III tăng 35,69%). Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2024 giảm 1,70% so với tháng trước, tăng 2,57% so với tháng 9/2023; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 5,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 (bình quân quý I tăng 3,90%; bình quân quý II tăng 7,51%; bình quân quý III tăng 5,18%).

8.4. Vận tải hành khách và hàng hóa

Tháng Chín, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.718 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước, tăng 12,0% so với tháng cùng kỳ; trong đó, doanh thu vận tải hành khách 343,6 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tháng trước, tăng 14,5% so tháng cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa 881,7 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tháng trước, tăng 15,2% so với tháng cùng kỳ. Hành khách vận chuyển đạt 2.207 nghìn người, giảm 1,6% so với tháng trước, tăng 9,8% so tháng cùng kỳ; hành khách luân chuyển đạt 239.753 nghìn người.km, giảm 0,9% so với tháng trước, tăng 13,4% so tháng cùng kỳ; hàng hóa vận chuyển đạt 4.767 nghìn tấn, giảm 3,8% so với tháng trước, tăng 12,0% so với tháng cùng kỳ; hàng hóa luân chuyển 288.912 nghìn tấn.km, giảm 3,6% so với tháng trước, tăng 12,8% so với tháng cùng kỳ.

Chín tháng năm 2024, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 15.033 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ (quý I tăng 14,1%, quý II tăng 13,9%, quý III tăng 14,8%); trong đó, doanh thu vận tải hành khách 2.895 tỷ đồng, tăng 15,5% (quý I tăng 13,3%, quý II tăng 16,2%, quý III tăng 16,8%); doanh thu vận tải hàng hóa 7.799 tỷ đồng, tăng 17,4% (quý I tăng 15,7%, quý II tăng 17,7%, quý III tăng 18,6%). Vận chuyển hành khách 19,0 triệu người, luân chuyển hành khách 2.035 triệu người.km, tăng 12,0% về hành khách vận chuyển (quý I tăng 11,3%, quý II tăng 12,2%, quý III tăng 12,5%), tăng 14,7% về hành khách luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 12,7%, quý II tăng 15,2%, quý III tăng 15,8%); vận chuyển hàng hoá đạt 42,6 triệu tấn, luân chuyển hàng hoá đạt 2.565 triệu tấn.km, tăng 12,8% về hàng hóa vận chuyển (quý I tăng 10,1%, quý II tăng 13,2%, quý III tăng 14,9%), tăng 13,8% về hàng hóa luân chuyển so với cùng kỳ (quý I tăng 11,2%, quý II tăng 14,3%, quý III tăng 15,7%).

9. Một số tình hình xã hội

9.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

Chín tháng đầu năm 2024, đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 188.316 lượt người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện gần 57 tỷ đồng[12].

Tháng Chín, các huyện, thị xã, thành phố tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi đối với 66.350 đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng, kinh phí thực hiện hơn 156,5 tỷ đồng; 187.561 đối tượng và hộ gia đình[13] chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng.

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà đối với 115 đối tượng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tổng kinh phí thực hiện 161 triệu đồng. UBND tỉnh ban hành các quyết định thăm, tặng quà đối với 2.551 đối tượng chính sách người có công với cách mạng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với tổng kinh phí thực hiện 2,551 tỷ đồng. Dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước và quà của tỉnh đối với 182.536 lượt người có công với cách mạng và thân nhân với tổng kinh phí thực hiện trên 55,2 tỷ đồng. Các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh tổ chức đi thăm, tặng quà cho 81 người có công với cách mạng và viếng nghĩa trang liệt sĩ tại 27 huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí thực hiện 121,5 triệu đồng.

9.2. Lao động, việc làm

Công tác theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm được thực hiện thường xuyên để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đảm bảo quyền lợi cho người lao động[14]; trong 9 tháng đầu năm, đã giải quyết việc làm cho 48,8 nghìn lao động, bằng 84,1% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó có 9,5 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 58,6% kế hoạch; giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 20.433 lao động.

9.3. Y tế

Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tăng cường; đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các biện pháp dập dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, không để lây lan ra diện rộng; các khó khăn, vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập được tập trung giải quyết; ứng dụng kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh được quan tâm[15]. Quản lý hành nghề y, dược tư nhân được kiểm soát chặt chẽ[16]; công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường[17], không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Từ 01/01 - 01/9/2024, toàn tỉnh có 119 ca sốt xuất huyết (cùng kỳ 248 ca), tử vong 1 người; 64 ca sởi (cùng kỳ 29 ca); 154 ca tay chân miệng (cùng kỳ 200 ca); 02 ca viêm màng não do NMC (cùng kỳ 0); 01 ca dại, tử vong 01 người (bằng với cùng kỳ); 55 ca ho gà (cùng kỳ 0); 03 ca bạch hầu (cùng kỳ 0); 20 ca liệt mềm cấp nghi bại liệt (cùng kỳ 07 ca); 15 ca viêm gan vi rút B,C (cùng kỳ 05 ca); 25 ca viêm não do vi rút khác (cùng kỳ 18 ca); 03 ca bệnh do liên cầu lợn ở người, tử vong 02 người (cùng kỳ 0); 118 ca Covid - 19 (cùng kỳ 4.427 ca).

9.4. Giáo dục - Đào tạo

Hoạt động giáo dục và đào tạo đạt kết quả tích cực; các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được giữ vững; tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 84/90 học sinh dự thi đoạt giải[18], dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải (93%) và xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng thí sinh đạt giải nhất; có 01 học sinh giành huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế 2024[19] và 01 học sinh giành huy chương đồng Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58[20]. Giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn tỉnh có 914 điểm 10, là địa phương có số điểm 10 cao nhất cả nước, điểm thi trung bình là 6,82 đứng thứ 18 cả nước, tăng 03 bậc so với năm 2023, có 02 thủ khoa toàn quốc (khối C00 và A08)[21]. Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học tiếp tục thực hiện đúng lộ trình[22]. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 85,31% (kế hoạch 86,67%).

9.5. Văn hoá - Thể dục thể thao

Hoạt động văn hóa thông tin đã tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, sự kiện quan trọng, các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh; những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống bão, lụt và khắc phục hậu quả do mưa lũ sau bão gây ra…; công tác quản lý, theo dõi thông tin báo chí được tăng cường; kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, xử lý những vấn đề báo chí quan tâm, phản ánh. Hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm thực hiện; có thêm 04 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024[23]; phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và thể thao quần chúng[24] được duy trì; trong 9 tháng đầu năm, thể thao thành tích cao đạt 778 huy chương các loại[25]; Câu lạc bộ Bóng đá Đông Á Thanh Hóa bảo vệ thành công danh hiệu vô địch Cúp Quốc gia năm 2024.

9.6. Tai nạn giao thông

Công an giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành, các địa phương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, bố trí lực lượng, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, tháng 9/2024 (tính từ ngày 15/8/2024 đến 14/9/2024), toàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 38 người, bị thương 53 người; so với tháng cùng kỳ năm trước, giảm 02 vụ, tăng 9 người chết, giảm 12 người bị thương. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 694 vụ tai nạn giao thông (quý I xảy ra 267 vụ, quý II xảy ra 211 vụ, quý III xảy ra 216 vụ), làm 291 người chết (quý I chết 97 người, quý II chết 78 người, quý III chết 116 người) và 597 người bị thương (quý I bị thương 257 người, quý II bị thương 190 người, quý III bị thương 150 người); so với cùng kỳ, tăng 11 vụ, giảm 30 người chết, tăng 31 người bị thương.

9.7. Thiệt hại do thiên tai

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã xảy ra 13 đợt thiên tai, gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sơ bộ giá trị thiệt hại khoảng 389 tỷ đồng. Trong đó, 02 đợt thiên tai gây thiệt hại nặng nề gồm:

- Do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi), hoàn lưu bão và dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ, từ ngày 06/9/2024 đến 07 giờ ngày 12/9/2024 khu vực tỉnh Thanh Hoá đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, một số nơi có lượng mưa lớn, như: Trạm khí tượng Nga Sơn 392mm, Trạm khí tượng Bái Thượng 372 mm (Thọ Xuân), Trạm thủy văn Cẩm Thủy 348 mm. Bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh[26]; tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 305 tỷ đồng.

- Do chịu ảnh hưởng của Dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc và Trung Trung Bộ kết hợp với không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng; tính từ ngày 21/9/2024 đến 01 giờ ngày 24/9/2024, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 100 - 160mm. Mưa lớn và lũ từ thượng nguồn gây ra một đợt lũ trên các sông trên địa bàn tỉnh, gây ngập lụt tại các khu vực trũng thấp, sạt lở tại nhiều vị trí; gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, tài sản và sản xuất của Nhân dân trên địa bàn tỉnh[27].

9.8. Phòng chống cháy, nổ

Tháng 9/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ cháy, nổ. Tính chung 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 83 vụ cháy, nổ (quý I xảy ra 41 vụ, quý II xảy ra 23 vụ, quý III xảy ra 19 vụ), tăng 05 vụ so với cùng kỳ năm trước, làm 04 người chết (quý I chết 03 người, quý III chết 01 người) và không có người bị thương, thiệt hại 10,2 tỷ đồng (quý I thiệt hại 2 tỷ đồng, quý II thiệt hại 3,7 tỷ đồng, quý III thiệt hại 4,4 tỷ đồng).

Khái quát lại,

Chín tháng năm 2024, cùng với việc chỉ đạo tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và nghĩa tình; UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tập trung chỉ đạo gieo trồng vụ đông xuân, vụ thu mùa, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nên đời sống Nhân dân cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, nhiều ngành, lĩnh vực có bước phát triển./.

File: Báo cáo: "Tinh hinh KT-XH 9 thang nam 2024"; Báo cáo: "So lieu KT-XH Q III va 9 thang 2024"

 


[1] Số liệu theo thông báo trên phần mềm tính GRDP của Tổng cục Thống kê lúc 21h54’ ngày 01/10/2024.

[2] Vụ đông 47,1 nghìn ha, vượt 4,6% KH, tăng 0,1% so CK; vụ chiêm xuân 190,7 nghìn ha, đạt 99,8% KH, giảm 0,2% so CK; vụ thu mùa 154,6 nghìn ha, vượt 1,7% KH, tăng 1,6% so CK.

[3] Vụ đông 63,7 nghìn tấn, tăng 0,5% so CK; vụ chiêm xuân 829,3 nghìn tấn, tăng 0,4% so CK; vụ thu mùa 681 nghìn tấn, giảm 0,1% so CK.

[4] Năm 2023, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần đầu toàn bộ nhà máy, thời gian bảo dưỡng 55 ngày (bắt đầu từ ngày 25/8/2023).

[5] Nhà máy Công nghiệp SAB Việt Nam tại KCN Bỉm Sơn; nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại huyện Hoằng Hóa; nhà máy giày tại xã Thiệu Phú, Thiệu Hóa; nhà máy giày Thường Xuân…

[6] Nguyên nhân chủ yếu do tháng 9/2023 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất để thực hiện bảo dưỡng tổng thể toàn bộ nhà máy, nên chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9/2024 tăng cao so với cùng kỳ.

[7] Sau các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng.

[8] Trường hợp không tính số vốn bổ sung thì tỉ lệ giải ngân cả tỉnh đạt 63,2%KH.

[9] Vốn đầu tư thuộc NSNN 13.659 tỷ đồng, tăng 19,0% so cùng kỳ; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân 70.832 tỷ đồng, tăng 6,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 9.317 tỷ đồng, tăng 10,7%.

[10] Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 3.974 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện 3.076 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ; vốn ngân sách nhà nước cấp xã 2.596 tỷ đồng, tăng 20,2%.

[11] Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 68,0% dự toán, giảm 8,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,0% dự toán, tăng 18,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 100,9% dự toán, tăng 16,6%; thuế thu nhập cá nhân đạt 87,1% dự toán, tăng 13,3%; thuế bảo vệ môi trường đạt 100,9% dự toán, tăng 32,4%; thu tiền sử dụng đất đạt 137,5% dự toán, gấp 2,05 lần cùng kỳ...

[12] Trong đó: 93.998 người được nhận quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí thực hiện 28,679 tỷ đồng; 94.318 người nhận quà của tỉnh với tổng kinh phí thực hiện trên 28,295 tỷ đồng.

[13] Trong đó: (i) Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng là 605 người; (ii) Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học là 241 người; (iii) Người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo là 352 người; (iv) Người đơn thân nghèo, cận nghèo đang nuôi con là 6.395 người; (v) Người cao tuổi là  61.688 người; (vi) Người khuyết tật là 96.740 người; (vii) Trẻ em dưới 03 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn là 3.502 người; (viii) Hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội: 18.038 người.

[14] Đã nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời 02 cuộc ngừng việc tập thể: (1) Tại Công ty TNHH THN Autoparts Việt Nam - Chi nhánh Thạch Thành (doanh nghiệp FDI, 650 lao động, có trụ sở tại địa bàn huyện Thạch Thành); (2) Tại Công ty TNHH giầy Alena Việt Nam (doanh nghiệp FDI, 10.000 lao động, có trụ sở tại huyện Yên Định).

[15] Trong 9 tháng, bổ sung danh mục kỹ thuật cho 6 đơn vị (BVĐK huyện Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Triệu Sơn và PKĐK Xuân Lai, BV Phụ sản, TTYT thị xã Bỉm Sơn) với 192 kỹ thuật. Tiếp tục triển khai thực hiện Bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới tại các đơn vị tuyến tỉnh, huyện. Triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (VTelehealth).

[16] Cấp mới, cấp lại, điều chỉnh 418 chứng chỉ hành nghề dược, 808 giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

[17] Tổ chức 26 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP tại 653 cơ sở; trong đó phát hiện 6 cơ sở vi phạm và thực hiện xử lý vi phạm hành chính.

[18] Gồm: 9 giải nhất, 22 giải nhì, 23 giải ba, 30 giải khuyến khích; tăng 23 giải so với năm học 2022 - 2023.

[19] Học sinh Hà Duyên Phúc, lớp 12, Trường THPT Chuyên Lam Sơn.

[20] Hoc sinh Lê Thành Đạt, lớp 12, Trường THPT Chuyên Lam Sơn.

[21] Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, toàn tỉnh có 935 điểm 10, xếp thứ ba cả nước; điểm trung bình đạt 6,47 điểm, xếp thứ 21, tăng 06 bậc so với năm 2022; có 01 trong 02 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc (khối B00).

[22] Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 2.004 trường (giảm 02 trường so với năm 2023), trong đó: Mầm non 677 trường; tiểu học: 588 trường (giảm 04 trường so với năm 2023); THCS: 610 trường; THPT: 104 trường (tăng 02 trường so với năm 2023); GDNN - GDTX: 24 Trung tâm và 01 Trung tâm GDTX - Kỹ thuật tổng hợp.

[23] Lễ Hội Đền Quang Trung, phường Hải Thanh và xã Nghi Sơn, Thị xã Nghi Sơn; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát nhà trò Văn Trinh, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương; Nghệ thuật trình diễn dân gian Ru Ún (hát ru) của người Mường, huyện Ngọc Lặc; Lễ Hội Trá Mùn của người Thái, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh.

[24] Tổ chức và phối hợp tổ chức 14 giải thể thao quần chúng cấp tỉnh, 4 giải quần chúng quy mô cấp quốc gia; số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ước đạt 44,5%; số gia đình thể thao ước đạt 30,7%; công tác giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%; lực lượng vũ trang chiến sỹ khỏe đạt 100%.

[25] Trong đó: 237HCV, 205 HCB và 336 HCĐ.

[26] Thiệt hại tính đến 10 giờ ngày 12/9/2024 như sau: Về người: 01 người chết và 02 người bị thương. Về nhà ở: 289 nhà bị thiệt hại, cụ thể: 02 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 01 nhà bị thiệt hại rất nặng (50% - 70%); 13 nhà bị thiệt hại nặng (30% - 50%); 273 nhà bị thiệt hại một phần (dưới 30%); 205 nhà bị ngập. Thiệt hại về nông nghiệp: Mưa bão đã làm 3.107 ha lúa bị ngập, đổ, gãy; 389 ha hoa màu, rau màu bị ngập, đổ; 1.120ha cây trồng hàng năm, 6,95 ha cây ăn quả,  49,4 ha cây lâm nghiệp, 151 cây xanh đô thị bị đổ gãy. Cuốn trôi 01 con bò. Thiệt hại về thuỷ sản: 240kg cá; 25,31 ha diện tích nuôi cá truyền thống và 52 m3 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Thiệt hại về thuỷ lợi: 110m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 02 đập dâng, 04 cống bị hư hỏng; 85 guồng dẫn nước bị cuốn trôi; 1.800m bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Thiệt hại về giao thông: (i) Trên các tuyến Quốc lộ uỷ thác (QL.15, 15C, 16, 217, 217B, 47) bị sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 245 vị tr với chiều dài 810m, khối lượng 19.253m3 đất; 01 cầu bị hư hỏng (cầu Sày, xã ỳ Tân, huyện Bá Thước bị xói lở tứ nón); (ii) Trên các tuyến đường tỉnh (TL.518B, 519B, 521, 521B, 521C, 521D, 521E, 523B, 523E, 530, 530B, 530C, 530D), đường tuần tra biên giới bị sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 267 vị trí với chiều dài 257m, khối lượng 13.956m3 đất; 01 cầu bị hư hỏng (cầu Ka Lọt ĐT.530 hỏng tứ nón); (iii) Trên tuyến đường liên xã, thôn: 60 điểm đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng; 02 ngầm tràn bị hư hỏng. Thiệt hại về công nghiệp: 28 cây cột điện hạ thế bị đổ, gãy. Thiệt hại về thông tin liên lạc: 35 cột đường dây viễn thông bị gãy, nghiêng; 01 cột ăng ten thu - phát sóng và 03 cột cáp quang bị gãy, đổ; 500m dây cáp quang bị vùi lấp. Thiệt hại khác: 04 xe máy bị cuốn trôi; 01 nhà công vụ, nhà làm việc bị ảnh hưởng; 01 công trình cấp nước sinh hoạt bị vùi lấp; 06 bán bình bị hư hỏng, 15m tường rào bị đổ; 01 thuyền sắt bị cuốn trôi.

[27] Tính đến 17 giờ ngày 24/9/2024, mưa, lũ đã gây ra thiệt hại cụ thể như sau: Thiệt hại về nhà ở: 219 nhà bị thiệt hại, 04 nhà di dời khẩn cấp,  323 nhà bị ngập. Thiệt hại về nông nghiệp, lâm nghiệp: Diện tích lúa bị ngập, thiệt hại: 525,11 ha, diện tích hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại: 1.191,65 ha, diện tích cây trồng lâu năm: 11,72 ha bị ngập, thiệt hại; diện tích cây trồng hàng năm: 754,04 ha bị ngập, thiệt hại; 07 con bò và 1.250 con gia cầm bị chết; 394 ha ao cá truyền thống bị ngập, thiệt hại; 525 m3 lồng bè bị cuốn trôi. Thiệt hại về giáo dục: 11 điểm trường bị ảnh hưởng. Thiệt hại về thủy lợi, đê điều: 44m kênh mương bị sạt trôi hư hỏng; 5m kè sông Luồng tại bản Bo Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị xói mòn vào chân bờ kè; 100m bờ sông Mã thôn Ngọc Sinh xã Lương Ngoại huyện Bá Thước bị sạt lở; 02 sự cố đê điều, hiện đã xử lý xong. Thiệt hại về giao thông: Trên các tuyến Quốc lộ uỷ thác: Sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc tại 342 vị trí với khối lượng 158.219 m3; sạt lở taluy âm tại 18 vị trí với chiều dài 464m (QL.15, 15C, 16, 217, 217B, 47). 10 vị trí bị ngập, sạt lở gây tắc đường (QL15/01 vị trí; QL15C/05 vị trí; QL16/03 vị trí; QL217B/01 vị trí). Trên các tuyến đường tỉnh: Sạt lở taluy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc tại 146 vị trí với khối lượng 12.927 m3; sạt lở taluy âm tại 06 vị trí với chiều dài 101m (ĐT.516; ĐT.519; ĐT.519B; ĐT.520B; ĐT.521; ĐT.521B; ĐT.521E; ĐT.522; ĐT.523; ĐT.523E; ĐT.530; ĐT.530B; ĐT.530C; Đường Pù Nhi - Mường Chanh; Đường Tuần tra biên giới). 09 vị trí bị ngập, sạt lở gây tắc đường (ĐT.516; ĐT.519B; ĐT.520B; ĐT.521; ĐT.522; ĐT.523; ĐT.523E). Trên tuyến đường địa phương: Bị sạt lở, hư hỏng tại 97 vị trí với khối lượng sạt lở taluy dương khoảng 5.778 m3, sạt lở taluy âm với chiều dài khoảng 100m. 08 cầu tràn, tràn bị hư hỏng; 02 cầu bị hư hỏng; 02 cống bị hư hỏng; ngầm tràn bị ngập gây tắc đường 05 điểm, gồm: 03 điểm (Lang Chánh), 01 điểm (Quan Sơn), 01 điểm (Ngọc Lặc). Thiệt hại về công nghiệp: Theo Báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hoá: Đường dây 110kV: Tại cột số 51 đường dây 171E9.21 Ngọc Lặc - 172 E9.12 Bá Thước nước suối to chảy siết sói lồng về phía chân cột, đang cách chân cột khoảng 7,0 - 8,0 (m), hiện tại đường dây đang vận hành bình thường. Đường dây trung thế: Có 05 cột bị gãy, đổ; 05 cột bị sạt lở, nghiêng cột; 2450m dây dẫn hư hỏng, 26 sứ các loại hư hỏng; 01 TBA phụ tải bị sạt lở móng cột. Đường dây hạ thế: Có 24 cột bị gãy, đổ; 45 cột bị sạt lở, nghiêng cột; 580m dây dẫn hư hỏng. Thiệt hại về nước sạch và vệ sinh môi trường: 10m đường ống dẫn nước sinh hoạt thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn bị cuốn trôi. Thiệt hại khác: 02 nhà xưởng bị hư hỏng, 02 nhà công vụ bị ảnh hưởng do sạt taluy âm; 80m tường rào bị đổ.

<

Tin mới nhất

Quyết định về việc công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2025(16/01/2025 9:44 SA)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12, bình quân quý IV và năm 2024(07/01/2025 4:06 CH)

Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024(07/01/2025 3:50 CH)

Cục Thống kê Thanh Hóa công bố công khai thực hiện dự toán Thu - Chi ngân sách năm 2024(07/01/2025 9:12 SA)

Cục Thống kê Thanh Hóa công bố công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2024(06/01/2025 9:52 SA)

Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa năm...(30/12/2024 4:07 CH)

    °
    1160 người đang online