(Chinhphu.vn) - Với các tiện ích của công nghệ thông tin và kết quả thành công của Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 sắp diễn ra trong tháng 4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng, 10 năm tới sẽ không cần phải tổ chức Tổng điều tra lần thứ 6.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Thành Chung
Như tin đã đưa, chiều nay 13/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo việc chuẩn bị để sẵn sàng thu nhập thông tin Tổng điều tra bắt đầu từ ngày 1/4/2019 và kéo dài trong 25 ngày.
Trước đó, các bộ, ngành và địa phương đã có hơn một năm để chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan với tổng kinh phí là 1.100 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết qua giai đoạn 1 chuẩn bị cho Tổng điều tra, Thành phố đã lập bảng kê được 19.445 địa bàn (17.454 địa bàn bình thường và 1.991 địa bàn đặc thù) với tổng số hộ là 2.469.302 hộ địa bàn bình thường, 86.146 nhân khẩu địa bàn đặc thù và dân số của Thành phố đến thời điểm 23/01/2019 là 8.859.688 người.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra thành phố, quận, huyện đã và đang tiến hành công tác tập huấn nghiệp vụ và sử dụng máy tính bảng và điện thoại thông minh (CAPI) cho cán bộ điều tra để chuẩn bị cho Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0h ngày 01/4/2019.
Trong Tổng điều tra này, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 100% thiết bị điện tử di động trong thu thập thông tin tại các địa bàn điều tra và sử dụng phiếu trực tuyến để các hộ dân cư tự cung cấp thông tin thông qua sử dụng internet.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Liêm cho rằng ở giai đoạn rà soát bảng kê cần kết hợp cả in bảng kê để không bỏ sót hộ và nhân khẩu thực tế thường trú ở địa bàn đối với những căn nhà lúc trước chưa có người ở giờ có người ở. Ngoài ra, điều tra viên thống kê lo ngại khi sử dụng thiết bị di động đi điều tra tại địa bàn có thể gặp rủi ro như bị rơi, mất, cướp... dẫn tới mất dữ liệu sau khi đã thực hiện xong một số hộ.
Trong khi đó, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết 100% địa bàn điều tra bằng công nghệ phiếu điện tử, hộ tự đăng ký cung cấp thông tin trên internet là 13.228 hộ, chiếm 0,6% đứng thứ 2 toàn quốc, sau TPHCM do có 30 đơn vị hành chính, địa bàn điều tra có cả vùng núi, nhiều địa bàn nông thôn, sóng 3G, 4G và internet yếu.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh nhìn nhận lần đầu tiên Tổng điều tra dân số và nhà ở ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu công việc. Với tỉnh miền núi như Hà Giang, đòi hỏi phải có sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, qua công tác chuẩn bị và những việc đã triển khai, bà Hạnh cho biết đội ngũ điều tra hướng ứng tích cực việc áp dụng thiết bị điện tử cầm tay trong điều tra. Do đó, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Giang là khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hình thức tự khai (Webfrom) và còn lại là sử dụng phiếu tra điện tử trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Các địa phương và các bộ, ngành (quân đội, công an, ngoại giao) thực hiện tổng điều tra lần này cũng khẳng định đã tổ chức tập huấn đầy đủ cho các điều tra viên và tổ chức nhiều hình thức truyền thông về mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra tới toàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của các bộ, ngành và địa phương, tuy nhiên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải lưu ý với các địa phương vùng núi, có địa hình chia cắt, phức tạp cần sự cần cù chịu khó của điều tra viên và khắc phục rào cản ngôn ngữ với đồng bào dân tộc để có chất lượng thông tin đầy đủ, chính xác nhất.
Đồng tình với báo cáo và góp ý của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định toàn hệ thống cán bộ điều tra đã sẵn sàng để triển khai nhiệm vụ từ ngày 1/4/2019.
Tuy nhiên, với tinh thần không chủ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt mục đích, yêu cầu, quy mô của Tổng điều tra, phát huy các sáng kiến trong truyền thông, nhất là tới các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phục vụ cho việc hoạch định chính sách của cả cấp Trung ương tới tận cấp xã, phường, thị trấn.
“Không có thông tin thì không ra được quyết định, mà thông tin không chính xác thì quyết định sai”, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh và nêu ra ví dụ về số liệu điều tra hộ nghèo của lần Tổng điều tra trước đã “vênh” so với thực tế, ảnh hưởng tới phân bổ nguồn lực của Chính phủ trong công tác giảm nghèo.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ phương châm thực hiện là: “Nhanh gọn, an toàn tuyệt đối (trong thu thập, lưu trữ số liệu - PV), chính xác và hiệu quả”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê bảo đảm đường truyền ổn định để thu thập, lưu trữ số liệu kịp thời. Ngoài ra, tiếp tục thiết kế hệ thống dữ liệu đồng bộ, hoàn chỉnh để cập nhật thông tin hằng năm để có thể 10 năm tới sẽ không phải thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở.
Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương trong cả nước sẽ đồng loạt tổ chức Lễ ra quân Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 vào sáng 1/4/2019.