Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác và tập huấn phương án Điều tra Doanh nghiệp năm 2020 của Tổng cục Thống kê

Đăng ngày 14 - 01 - 2020
100%

Ngành Thống kê chúng ta không phải là ngành trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng lại là ngành vất vả, là ngành làm cơ sở cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương, các cấp, các ngành hoạch định chính sách. Nên ngành Thống kê xác lập vai trò quan trọng của đất nước. Có số liệu, có hệ thống số liệu thống kê để hoạch định chính sách, đường lối phát triển có cơ sở khoa học, sát thực tiễn và đi vào cuộc sống.

Với vị thế quan trọng như vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúng ta rất quan tâm đến ngành Thống kê. Vì thế tôi làm Thủ tướng 4 năm mà đã 2 lần xuống TCTK trong khi nhiều Tổng cục tôi không xuống được, ngay các Bộ tôi cũng không xuống được. Anh Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bao giờ cũng quan niệm rằng ngành Kế hoạch đầu tư và Thống kê. Ngành Thống kê phải có tên tuổi trong danh mục các cơ quan nhà nước lớn như thế chứ ko phải vì Tổng cục thống kê thuộc Bộ mà chúng ta không coi trọng vai trò ngành Thống kê. Và hệ thống tổ chức của TCTK từ chi cục đến Cục, Tổng cục đã chứng tỏ vị thế của các đồng chí rất lớn trong đời sống kinh tế-xã hội, trong đề xuất những chính sách từ số liệu thống kê, mà số liệu ấy lại khách quan, chặt chẽ, đúng pháp luật. Chưa bao giờ hay bất cứ lãnh đạo nào yêu cầu TCTK phải sửa số liệu này, sửa số liệu khác trong quá trình thống kê kinh tế-xã hội của đất nước. Vì có Luật Thống kê quy định các đồng chí rồi. Chúng ta là người hiểu biết, chúng ta có thể xem xét những vấn đề cụ thể hơn, dự báo những dữ liệu chúng ta bỏ sót để tính toán chính xác hơn, chứ không bao giờ có số liệu mà không có cơ sở khoa học. Nhiều người nói, số liệu này số liệu kia, anh  Nguyễn Chí Dũng hay anh Nguyễn Bích Lâm làm sao dám làm điều đó bởi vì có Luật pháp. Hệ thống thống kê từ cơ sở, huyện, tỉnh, các ngành rất quan trọng trong hệ thống chỉ tiêu của chúng ta khi chúng ta công bố hàng tháng, hàng quý và hàng năm. Hàng tháng, tôi và đồng chí Nguyễn Chí Dũng cũng như Chính phủ sau ngày 25 muốn nghe thống kê họ nói gì, đó là vấn đề thời sự rất nóng hổi. Tôi nói thế để thấy vị thế của các đồng chí.
 
Với sự quan tâm như vậy, tôi thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời thăm hỏi ân cần nhất đến các đồng chí cán bộ ngành Thống kê đã về hưu trong cả nước, mà đặc biệt là các động chí đang làm công tác thống kê trong hệ thống thống kê quốc gia. Các đồng chí đã lập được nhiều thành tích và đóng góp nhiều vào sự phát triển của đất nước chúng ta. Hôm nay rất nhiều Huân chương được tặng thưởng mà anh Nguyễn Bích Lâm có rất nhiều đóng góp mà không thấy có khen thưởng gì, Anh Nguyễn Bích Lâm rất khiêm tốn, sau này các đồng chí thi đua khen thưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê cũng nên xem xét lại.
 
Báo cáo thành tích của các đồng chí, video vừa rồi về 10 sự kiện tôi rất chú ý. Các đồng chí đưa sự kiện đầu tiên là sử dụng công nghệ và 9 sự kiện khác cũng là những kinh nghiệm tốt, những nhiệm vụ lớn của các đồng chí, đã nói lên trách nhiệm, khát vọng của các đồng chí. Đồng chí  Tổng cục trưởng đã báo cáo thêm những nhiệm vụ rất cụ thể, tôi không phải nói lại. Tôi chỉ nói lại ý đầu tiên là công tác thống kê có vai trò quan trọng của đất nước. Dù bất cứ là chế độ xã hội nào, mà đặc biệt là chúng ta đang làm kinh tế-xã hội 5 năm, 10 năm, chiến lược 10 năm mà tôi và anh Nguyễn Chí Dũng trong Tiểu ban kinh tế - xã hội, đặc biệt là đang chuẩn bị công bố trước nhân dân vì Trung ương thông qua rồi, Bộ Chính trị thông qua nhiều rồi, thì số liệu thống kê của các đồng chí có tầm quan trọng như tôi nói từ đầu. Và chúng ta biết, nhờ hệ thống của các đồng chí từ Trung ương đến địa phương, các đồng chí đã làm việc cần cù, chăm chỉ, đúng pháp luật nên vừa qua chúng ta đã công bố những chỉ tiêu của kế hoạch nhà nước năm 2019 hết sức kịp thời. Đó là một kế hoạch thắng lợi toàn diện, nhiều mặt nổi bật mà các đồng chí đã xem trên các phương tiện thông tin đại chúng hay đồng chí Nguyễn Bích Lâm đã họp báo công bố với quốc dân đồng bào. Tôi chỉ nói lại để các đồng chí phấn khởi.
 
Một là, tăng trưởng vượt kế hoạch nhà nước từ 6,6-6,8%, mà chúng ta đạt kế hoạch 7,02% với quy mô của nền kinh tế là 262 tỷ USD, đây là hoàn toàn theo giá cũ, không phải tính bổ sung. Phải nói rõ với dư luận biết như vậy. Nhiều người hỏi là đã áp dụng ngay chưa, tôi nói chưa. Kinh tế bỏ sót mà các đồng chí làm cũng chưa tính. Đó là mức tăng rất cao, nhiều vấn đề rất quan trọng, chất lượng của nền kinh tế rất tốt. Như các đồng chí biết, cán đích xuất nhập khẩu 517 tỷ USD, vừa rồi tôi đi thăm Myanma, cả nền kinh tế của họ chỉ có trên 30 tỷ USD. Con số của chúng ta là rất đáng tự hào. Xuất siêu gần 10 tỷ USD. Đặc biệt thứ hai là thu ngân sách năm nay, cả thu trung ương và địa phương. Lần đầu tiên 63 địa phương trong cả nước đều vượt thu, nhất là thu Trung ương. Rất đáng mừng cho đất nước mình. Và nhiều chỉ tiêu chất lượng quan trọng khác như năng suất lao động tăng, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo rất nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, từ vùng xa, vùng cao, vùng sâu đến vùng bị thiên tai. Như vậy chúng ta toàn diện, không chỉ kinh tế, văn hóa, xã hội mà cả thể thao, quốc phòng. Không chỉ thể thao quần chúng mà đặc biệt là thể thao thành tích cao. Không chỉ bảo vệ toàn vẹn đất nước mà số lượng tội phạm cũng giảm đi.
 
Thống kê chúng ta cho thấy tăng trưởng tín dụng chỉ 12-13% trong khi đó trong tăng trưởng xã hội, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 33-34% GDP. Điều này là rất quan trọng, sức dân của chúng ta đã được phát động. Và thống kê đã tính toán được. Rất nhiều công trình lớn có ý nghĩa không chỉ từ vốn nhà nước mà có thể vốn từ người dân chúng ta, từ doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như thương hiệu xe ô tô Vinfast, điện thoại di động của các nhãn thương hiệu Việt Nam, những vấn đề công nghệ như vậy. Và có thể nói, rất nhiều lĩnh vực từ sức mạnh của người dân chúng ta đã được thống kê, tổng kết và nhận định quan trọng. Từ đó khát vọng của Việt Nam, tinh thần của Việt Nam đã được khơi dậy từ cuộc sống thực tiễn, từ sự lãnh đạo, chỉ đạo mà thống kê số liệu đã đưa ra. Tôi có thể nói về chủ trương nhưng không có số liệu thống kê một cách đầy đủ thì tôi nói chủ trương chưa được thuyết phục. Tôi nói vậy rõ ràng là trong thành quả của đất nước có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của ngành Kế hoạch đầu tư và đặc biệt là ngành Thống kê của chúng ta. Cho nên tôi thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương, đánh giá cao và hoanh nghênh những thành quả nhiều mặt, sự đóng góp trực tiếp của các đồng chí đối với sự phát triển của đất nước thông qua hệ thống số liệu khoa học, chính xác của ngành Thống kê chúng ta. Nhờ thống kê chúng ta thấy được phát triển đất nước toàn diện.
 
Sau đây, tôi có thể nêu ra một số việc cụ thể hơn.
 
Thứ nhất, các đồng chí đã cung cấp kịp thời thông tin thống kê phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương số liệu thống kê hàng quý, hàng năm. Cho nên cập nhật tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, phương án điều chỉnh giá... đều được lắng nghe từ ngành Thống kê. Những số liệu này các đồng chí phản ánh khách quan, nên chủ tịch các tỉnh nhạy cảm thì sẽ luôn luôn lắng nghe thống kê để xem thực trạng kinh tế của địa phương mình như thế nào. Ở Trung ương, tôi nghĩ rằng đồng chí Nguyễn Bích Lâm không chỉ làm việc với Bộ trưởng công bố hàng tháng mà nhiều lần trong năm Tổng cục trưởng đã trực tiếp trao đổi với Thủ tướng về những vấn đề đặt ra của đất nước thông qua số liệu thống kê. Trước đây ít được sang Chính phủ lắm nhưng bây giờ cơ chế thông thoáng hơn. Không chỉ Bộ trưởng báo cáo đánh giá tại Chính phủ mà các đồng chí còn là nơi để Thủ tưởng tham khảo và xem xét nên nhấn mạnh vấn đề gì khi phát biểu tại Hội nghị của Chính phủ. Đây là một thành quả.
 
Thứ hai, thực hiện tốt nhiệm vụ đánh giá lại quy mô GDP. Đây là nhiệm vụ tôi giao cho các đồng chí tại Hội nghị cách đây 2 năm. Các đồng chí đã làm hết sức công phu, trách nhiệm, có cơ sở khoa học. Đây là thông lệ đánh giá chứ không phải đột xuất đánh giá. 5 năm, 10 năm chúng ta phải đánh giá lại, thế giới cũng vậy. Mà đặc biệt đây là những lĩnh vực chúng ta đã bỏ sót, để ra ngoài mà chưa thống kê được. Chúng ta chưa tính đến kinh tế ngầm, kinh tế bên trong mà chúng ta chưa thống kê được. Điều đặc biệt là các đồng chí đã phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như IMF, UNDP để đưa ra số liệu thống kê thuyết phục hơn. Đồng chí Nguyễn Bích Lâm cùng các đồng chí làm thống kê ở đây đã trực tiếp làm việc trao đổi với các nguồn thông tin khác nhau để tính lại quy mô GDP chính xác rất kịp thời, khoa học. Con số thống kê mới này, nền kinh tế bỏ sót cộng vào tương đối được dư luận quan tâm. Một số người nói chưa tốt lắm, chưa đầy đủ lắm, chúng ta bỏ sót quá nhiều, thực ra thì một năm bao nhiêu nhà lầu, xe bạc triệu, ô tô mua bao nhiêu, bao nhiêu thanh toán quan hệ trung gian chúng ta có tính được đâu. Chỉ bỏ sót những cái chúng ta tính được. Cơ sở thuyết phục của ngành Thống kê làm cho chúng ta yên tâm, Đảng và nhà nước yên tâm. Tất cả số liệu mà chúng ta tính 262 tỷ USD năm nay là số cũ. Năm 2020 cũng chưa tính, vẫn là số cũ, chỉ bắt đầu tính vào năm 2021, để mọi người yên tâm. Chứ ko phải vì thành tích của nhiệm kỳ này mà chúng ta tính quy mô GDP mới. Việc tính lại này là căn cứ hoạch định chiến lược 10, kế hoạch 5 năm sắp tới.
 
Thứ ba, tổ chức thành công cuộc Tổng điều tra Dân số và ở năm 2019. Điều này rất đáng mừng, cho số liệu nhanh, chính xác. Việc các đồng chí ứng dụng mạnh mẽ công nghệ đã làm nhiều nước ngạc nhiên. Nền kinh tế số, thống kê số đã được ngành Thống kê Việt Nam áp dụng rất mạnh mẽ. Đó là điểm nổi trội. Những số liệu thống kê này làm nền tảng để chúng ta tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Các đồng chí đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng thống kê, Chiến lược phát triển thống kê, tập trung cải thiện chất lượng của ngành Thống kê. Tôi rất vui mừng là năm 2018 chúng ta xếp hạng 19/145 quốc gia, vùng lãnh thổ, cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xếp thứ 2 khu vực ASEAN, đây là thứ bậc cao vì đây là ngành khoa học. Nếu kinh tế chúng ta xếp thứ 2, thứ 1 thì thống kê đã đạt được con số thứ 2. Đây là điều đáng mừng trong tổ chức thực hiện. Bây giờ chúng ta muốn có vị thế trong khu vực Đông Nam Á thì tất cả các bộ ngành đều phải phấn đấu quyết liệt. Vị thế của ngành thống kê năm nay xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á là một tiến bộ. Họ đánh giá khái quát nhiều mặt lắm.
 
Thứ tư, các đồng chí làm tốt công tác phổ biến thông tin tình hình kinh tế - xã hội như tổ chức họp báo hàng quý, giải trình, đảm bảo tính trung thực khách quan của số liệu thống kê, nên nhận được sự đồng tình cao của xã hội và người dân. Trong nhiều cuộc họp quan trọng của Chính phủ, không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo chính thức mà Thủ tướng còn mời Tổng cục Thống kê phát biểu ý kiến về một số vấn đề xã hội quan tâm, để cho thấy việc phổ biến thông tin rất quan trọng. Đây là nhiệm vụ của các đồng chí, vì số liệu của các đồng chí là số liệu bằng con số rất chặt chẽ. Đặc biệt, trong chiến lược mà Tiểu ban Kinh tế - xã hội trình Trung ương, tôi ghi nhận và biểu dương các đồng chí đã công phu biên soạn và cập nhật số liệu phục vụ Tiểu ban của chúng tôi để trình Bộ Chính trị, Trung ương, nhất là đánh giá tình hình 10 năm qua, xây dựng kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm tới. Việc phối hợp của các đồng chí với các cấp, các ngành rất tốt. Ngành Thống kê không thể tự có số liệu được, mà phải lấy số liệu của các ngành để kiểm soát lại. Tôi thấy sự phối hợp tốt, đồng bộ. Tôi thấy Chính phủ rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của TCTK, nhất là đánh giá trong hợp tác quốc tế. Tổng cục đơn thuần làm công tác thống kê thôi nhưng hợp tác rất mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế. Các đồng chí thấy các cuộc điều tra lớn, vấn đề lớn thì quốc tế đều tham gia hết, tham gia để tiếng nói mình khách quan. Cho nên tôi đánh giá cao sự cố gắng toàn diện của các đồng chí.
 
Tại cuộc họp này với tinh thần cầu thị của ngành Thống kê, các đồng chí đã đưa ra những bất cập tồn tại một cách nghiêm túc. Tôi rất hoan nghênh việc này. Dám nhận khuyết điểm, tinh thần cầu thị là điều rất đáng mừng để các đồng chí có thể mạnh dạn khắc phục tốt hơn trong thời gian tới. Với vị trí của năm 2020, thứ nhất với nhiều việc đảm nhiệm như chủ tịch ASEAN, riêng ASEAN có 300 Hội nghị, trong đó nhiều Hội nghị liên quan đến thống kê; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với nhiều bất cập còn tồn tại thì việc dự báo không hề đơn giản. Thứ hai, tiềm lực của chúng ta đã khẳng định so với trước đây nhưng nội tại của chúng ta còn nhiều bất cập. Tôi đề nghị trong bối cảnh đó, mà trước hết là vấn đề biến đổi khí hậu, biển Đông, vấn đề nội tại của nền kinh tế, để góp phần thành công kế hoạch năm 2020 và đặc biệt là kế hoạch 5 năm, tôi đề nghị”
 
Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó làm tốt 2 nhiệm vụ trọng tâm, đó là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành. Tiếng nói báo động của các đồng chí rất quan trọng cho điều hành kế hoạch năm, hàng quý và kế hoạch 5 năm. Các đồng chí làm được vai trò đó rất quan trọng, chứ không phải vai trò bị động, thụ động.
 
Thứ hai, cung cấp đầy đủ thông tin kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mình thống kê không phải là để thống kê, mà để cho điều hành và đặc biệt là phát triển sản xuất kinh doanh. Ví dụ như, thống kê số lợn mất 8-9% tổng đàn, mà tổng đàn là bao nhiêu con, bao nhiêu tấn, để chúng ta có quyết sách bù đắp sản lượng thịt, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời CPI của chúng ta không tăng. Cái quan trọng là làm sao giữ được tỷ số lạm phát như năm vừa qua, và năm nay ko quá 4% mà Nghị quyết Quốc hội đã nêu. Các đồng chí luôn nhớ rằng, ổn định vĩ mô trong đó chỉ số lạm phát là quan trọng nhất, chỉ số rủi ro luôn luôn là báo động của từng địa phương, đặc biệt là cấp Trung ương. Nếu tăng trưởng mà lạm phát tăng cao tức là nền tảng không tốt và đời sống nhân dân không tốt. Số liệu thống kê để chúng ta điều hành vĩ mô chính là thông tin kịp thời để điều chỉnh chính sác. Ví dụ, công nghiệp chế biến chế tạo là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, nếu lĩnh vực này sụt xuống thì chúng ta phải có giải pháp thế nào để tháo gỡ; Quý I tình hình thế nào để quý II chúng ta có chỉ đạo tốt hơn, sát hơn. Điều này rất quan trọng. Đây là 2 nhiệm vụ quan trọng tôi đề nghị các đồng chí cố gắng hơn. Chính vì vậy tôi nhất trí với 2 ý kiến phát biểu của đồng chí Nguyễn Bích Lâm cũng như những nhiệm vụ mà các đồng chí đã nêu. Tôi đề nghị một số việc:
 
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê, đặc biệt công tác phân tích dự báo. Riêng Thủ tướng cũng như Bộ trưởng cần ngày càng nhiều hơn các báo cáo chuyên đề thông tin tư liệu tình hình quốc tế trong nước phục vụ kịp thời, hiệu quả hơn trong chỉ đạo. Đây là đầu đề tôi đặt ra cho các đồng chí.
 
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam, các đề án lớn của ngành, nhất là Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, tiếp tục tổng hợp công bố việc điều chỉnh quy mô GDP 2018-2020 và số liệu GRDP của các địa phương. Xây dựng bộ số liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội lần thứ XIII của Đảng. Lại nói về vai trò của số liệu, nếu như chúng ta không có một hệ thống số liệu chính xác thì việc đề ra chính sách là sai. Đây là kinh nghiệm cho các địa phương, làm bài toán không trung thực thì làm chính sách cũng sai. Các đồng chí giúp cho việc này, nhất là chiến lược phát triển của các đồng chí.
 
Thứ ba, trong thời gian này cần đổi mới công nghệ cho nên các đồng chí phải đổi mới hơn nữa phương pháp, chế độ thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam. Trong đó tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung nghiên cứu phương pháp thống kê mới hiện đại nhằm giảm thiểu vùng trống thông tin, nhất là những thông tin quan trọng với năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế các khu vực kinh tế chưa được quan sát, các chỉ tiêu giám sát, đánh giá quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ở đây có 2 ý. Một là không bỏ sót. Chúng ta bỏ sót nhiều lắm do chúng ta thụ động trong bộ phận cán bộ chúng ta. Thứ hai, chúng ta không phải chỉ là chỉ tiêu số lượng mà chúng ta phải đi sâu vào chất lượng. Người ta nói, không những tăng trưởng về số lượng và tăng trưởng cả về chất lượng của nền kinh tế. Các đồng chí bám vào vấn đề này rất quan trọng. Chúng tôi chỉ đạo bao giờ cũng nhấn mạnh sự đồng bộ, thống kê phải giúp cho vấn đề này, nhất là đừng để bỏ sót.
 
Thứ tư, tăng cường kết nối và khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu thống kê, dữ liệu hành chính, đặc biệt từ các ngành thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng. Tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu cho xã hội thông qua trục liên thông, hệ thống thông tin quốc gia… Bây giờ hiện đại hóa một bước, các đồng chí cố gắng sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu thống kê số liệu này.
 
Cho nên việc sử dụng có hiệu quả Đề án ứng dụng và phát triển CNTT và truyền thông của nhà nước, Đề án 501 của các đồng chí phải được thực hiện tốt.
 
Thứ năm, thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực thống kê, trong đó ngành Thống kê Việt Nam tiếp tục mở rộng hội nhập để phát huy những kết quả vừa qua. Nhất là chúng ta là chủ tịch ASEAN, hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN, thông tin thống kế là rất quan trọng, cần tiên tiến, hiện đại để họ học tập mình. Trong ASEAN có một số báo cáo chuyên đề về ứng dụng công nghệ đối với thống kê kinh tế Việt Nam, họ cũng đã khẳng định Việt Nam, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm của thống kê Việt Nam đối với các nước ASEAn trong năm khi mà chúng ta làm chủ tịch.
 
Các đồng chí tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác cán bộ, đổi mới phương pháp làm việc; tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có phẩm chất năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng ngành Thống kê Việt Nam. Cho nên đến giai đoạn này, công tác đào tạo lãnh đạo, công tác cán bộ của ngành Thống kê là rất quan trọng để có một đội ngũ xứng tầm với phát triển của đất nước. Tôi cũng muốn nói với các đồng chí đổi mới sắp xếp, tinh giảm biên chế. Mặc dù có đặc thù nhưng không thể không giảm biên chế. Nền tảng quan trọng của cải cách tiền lương là phải giảm biên chế tiết kiệm chi thường xuyên mà đặc biệt là tăng quỹ cho tiền lương mới cải cách được. Tôi thường nói là mình bắt anh em chống tham nhũng quyết liệt nhưng đời sống anh em khó quá, cho nên công cuộc cải cách tiền lương ở Việt Nam đang đặt ra cấp bách cho cả nước, Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, nhà nước chúng ta. Anh em chúng ta đang nghèo, khổ quá, lương thấp quá, đời sống khó quá nên vấn đề giảm biên chế là rất cần. Rồi các đồng chí phải đại hội Đảng ngành Thống kê tốt nhất, từ Trung ương đến địa phương phải tốt. Các đồng chí phải chăm lo tốt hơn đời sống của cán bộ công nhân viên của chúng ta. Ngành Thống kê thường không có bổng lộc gì, chỉ có giấy tờ cho những ai quan tâm đến vấn đề nghiên cứu. Các đồng chí phải tự lo cuộc sống bằng cách tiết kiệm chi thường xuyên và các hình thức khác để từ đó chúng ta có chương trình thu hút nhân tài, nguồn nhân lực cho ngành Thống kê Việt Nam. Những người học giỏi, thông minh ngồi đây hết rồi. Những người học giỏi mới vào ngành Thống kê, nên chúng ta phải có đề xuất chính sách với Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ.
 
Thứ sáu, áp dụng khoa học công nghệ là vấn đề quan trọng của bất cứ ngành nào. Thống kê là ngành quan trọng.
 
Để ngành Thống kê thực hiện tốt các nhiệm vụ, các chức năng nặng nề, các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên các mặt công tác thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau:
 
Một là, tập trung xây dựng hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành, địa phương theo hướng bảo đảm kết nối, cung cấp dữ liệu.
 
Thứ hai, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với TCTK trong việc chia sẻ, cung cấp dữ liệu hành chính và thông tin thống kê, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kho bạc nhà nước Việt Nam.
 
Thứ ba, làm được điều đó các bộ ngành phải thực hiện tốt Luật Thống kê và tuyên truyền phổ biến thông tin thống kê, tình hình kinh tế - xã hội đến các doanh nghiệp và nhân dân. Điều này rất quan trọng, con số biết nói và biến thành hành động cho nên việc tuyên truyền phổ biến sau khi xin ý kiến phổ biến các cấp lãnh đạo để phát huy vai trò truyền thông của thông tấn báo chí. Thủ tướng không cần nói nhưng các đồng chí có thể cung cấp số liệu. Điều này sẽ giúp củng cố thống kê của các bộ ngành theo tinh thần của Nghị định số 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 quy định cơ cấu, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thống kê tập trung và thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ.
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục trưởng có thể có công văn đốc thúc các bộ trong việc hoàn thiện các cơ quan thống kê này.
 
Thứ năm, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định quy đinh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của TCTK ngay trong quý I/2020.
 
Về kiến nghị của các đồng chí, tôi đề nghị các ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trực tiếp báo cáo Thủ tướng, trực tiếp trả lời các vấn đề tôi vừa đặt ra, nhất là sớm trình cơ cấu tổ chức, hệ thống kết nối chia sẻ thông tin quốc gia, để tạo điều kiện cho ngành Thống kê thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, lãnh đạo nhà nước giao.
 
Chúc toàn ngành Thống kê Việt Nam đoàn kết, sắp tới phải có một khát vọng phát triển Ngành, phải có ý chí vươn lên, phải xả thân hết mình và đúng đắn với công việc đất nước, vì sự nghiệp của Đảng và nhân dân đoàn kết và thành công hơn nữa./.

<

Tin mới nhất

Công văn 1484 điều chỉnh thời gian thu thập thông tin các cuộc điều tra năm 2024(29/07/2024 2:04 CH)

Thông báo triệu tập thí sinh dự thi tuyển, xét tuyển công chức Tổng cục Thống kê năm 2023 tại cụm...(10/03/2023 2:52 CH)

Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/5/2022: Về việc tăng cường công tác thống kê Nhà nước(08/06/2022 8:10 SA)

Tổng cục Thống kê thông báo tuyển dụng công chức năm 2022(01/06/2022 9:45 SA)

Tổng cục Thống kê trúng cử vào Hội đồng điều hành Viện Thống kê châu Á – Thái Bình Dương(26/05/2022 8:36 SA)

Thư chúc mừng năm mới của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương(28/01/2021 2:12 CH)

    °
    1419 người đang online