Từ ngày 1/4/2020, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức điều tra hơn 700.000 doanh nghiệp, hộ sản xuất để làm cơ sở hoạch định chiến lược phát triển của Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/4/2020, các doanh nghiệp sẽ triển khai việc khai báo thông tin điện tử trực tuyến hoặc các hình thức khác về cơ quan thống kê.
Hiện cả nước có hơn 714.000 danh nghiệp đang hoạt động, nếu quy mô mở rộng, việc điều tra doanh nghiệp này sẽ được thực hiện để bổ sung vào Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, các đối tượng của cuộc điều tra này bao gồm: các doanh nghiệp được thành lập và hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã/quỹ tín dụng nhân dân.
Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra như tên doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại, fax, email; Loại hình doanh nghiệp; ngành hoạt động sản xuất kinh doanh, thông tin về lao động và thu nhập của người lao động... Các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, thông tin về các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp...
Ngoài các thống kê thông thường, Tổng cục Thống kê xây dựng phương pháp thống kê doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh; mức độ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0 của doanh nghiệp; doanh nghiệp đánh giá mức độ tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỹ năng của người lao động trong thời đại số.
Một trong những điểm nổi bật trong điều tra doanh nghiệp năm 2020 là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thu thập thông tin. Đây là năm đầu tiên sử dụng phiếu hỏi điện tử trong điều tra trực tuyến.
Theo đó, Điều tra viên sẽ tiếp cận doanh nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, cấp tên truy cập, mật khẩu để doanh nghiệp đăng nhập vào trang điều tra trực tuyến và tự cung cấp thông tin trực tuyến theo mẫu phiếu điện tử (web-form) phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoặc doanh nghiệp truy cập vào trang điều tra trực tuyến doanh nghiệp tải mẫu phiếu điều tra (Excel-Form) về điền đầy đủ thông tin phù hợp với ngành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và gửi lại cho ngành Thống kê trên trang điều tra trực tuyến.
Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng, Vụ thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê, phương án điều tra năm 2020, các doanh nghiệp sẽ phải tự điền thông tin khai trên bảng hỏi trực tuyến.
Để thu thập đầy đủ về số lượng và chất lượng thông tin từ doanh nghiệp theo nội dung của bảng hỏi trực tuyến là thách thức không nhỏ đối với các điều tra viên của ngành Thống kê.
Như vậy, thành công của điều tra doanh nghiệp lần này phụ thuộc khá nhiều vào sự hợp tác, đồng hành thực hiện cung cấp thông tin của doanh nghiệp theo Luật định.
Thực tế, đa phần các doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện cung cấp thông tin cho điều tra viên, song cũng không ít doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ không cung cấp thông tin hoặc cung cấp chiếu lệ, không đầy đủ, không chính xác, kịp thời…
Để xử lý những trường hợp vi phạm này, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (do Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016) đã có những quy định cụ thể về vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê.
Theo quy định của Nghị định 95, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của điều tra viên thống kê theo quy định của phương án điều tra thống kê.
Mức tiền xử phạt vi phạm quy định không cung cấp thông tin sẽ dao động từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê...