Kết quả điều tra chăn nuôi kỳ 01/07/2020

Đăng ngày 29 - 08 - 2020
100%

Thực hiện phương án điều tra chăn nuôi Ban hành theo Quyết định số 570/QĐ-TCTK ngày 25/7/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Kỳ điều tra 01/07/2020, Cục Thống kê Thanh Hóa tiến hành điều tra toàn bộ doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và thôn có chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và vật nuôi khác;

hộ chăn nuôi có quy mô lớn như: (lợn từ 300 con trở lên, gà quy mô từ 4000 con trở lên, vịt quy mô từ 2000 con trở lên, ngan quy mô từ 500 con trở lên). Điều tra chọn mẫu đối với các hộ chăn nuôi lợn, gia cầm có quy mô nhỏ hơn quy mô đã nêu trên, nhằm thu thập thông tin về toàn bộ số lượng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm tại thời điểm điều tra; sản lượng sản phẩm xuất chuồng (giết, bán ) trong kỳ điều tra ở các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tổng hợp kết quả điều tra (tại thời điểm 01/07/2020) như sau:

1. Số lượng đơn vị chăn nuôi:

- Toàn tỉnh có 139.021 đơn vị chăn nuôi lợn, giảm 28% so với cùng kỳ (giảm 54.020 đơn vị); chia ra:  quy mô nuôi 1-29 con là 136.864 hộ, giảm 28,1% (giảm 53.516 hộ); quy mô 30-99 con là 1.720 hộ, giảm 18,3% (giảm 385 hộ); quy mô 100-299 con là 264 hộ, giảm 26,9% (giảm 97 hộ); quy mô 300 con trở lên là 154 hộ, giảm 14,9% (giảm 27 hộ); DN là 19 đơn vị, tăng 35,7% (tăng 05 doanh nghiệp) so với cùng kỳ; Tuy nhiên, so với kỳ 01/01/2020 số đơn vị chăn nuôi (hộ,doanh nghiệp) tăng đáng kể, cụ thể: Nhóm quy mô nuôi 1-29 con, tăng 6,4%; nhóm quy mô nuôi 30-99 con, tăng 6,9%; nhóm quy mô nuôi 100-299 con, tăng 7,3%; nhóm quy mô nuôi 300 con trở lên , tăng 0,7%; đặc biệt nhóm doanh nghiệp tăng 35,7%, với kết quả như vậy phần nào đã phản ánh các đơn vị chăn nuôi lợn đang có xu hướng phát triển trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng Dịch bệnh Tả lợn Châu Phi kéo dài trên một năm qua.

- Toàn tỉnh có 521.762 đơn vị (hộ, DN) chăn nuôi gia cầm, tăng 0,6% so với cùng kỳ (tăng 2.930 đơn vị); chia ra: quy mô gà từ 4.000 con gà trở lên là 298 đơn vị, tăng 38,6% (tăng 83 đơn vị);  quy mô vịt từ 2.000 con trở lên là 159 đơn vị, tăng 76,7% (tăng 69 đơn vị); quy mô ngan từ 500 con trở lên là 29 đơn vị, tăng 7,4% (tăng 02 đơn vị); DN là 9 đơn vị, tăng 28,6% (tăng 02 đơn vị); còn lại 521.267 đơn vị (chiếm 99,9% tổng số đơn vị chăn nuôi gia cầm) chăn nuôi gia cầm với quy mô nhỏ, tăng 0,5% so với cùng kỳ (tăng 2.774 đơn vị).

2. Số lượng đàn vật nuôi:

2.1.Đàn lợn: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tình hình Dịch bệnh Tả lợn Châu Phi đã hoàn toàn chấm dứt trên địa bàn tỉnh; Nhưng ngành chăn nuôi lợn vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do hậu quả của Dịch tả lợn Châu Phi kéo dài (bắt đầu xuất hiện từ ngày 23/2/2019 đến 13/3/2020 mới kết thúc), gây thiệt hại đáng kể cho ngành chăn nuôi lợn. Sau dịch, đàn lợn đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng việc tái đàn rất chậm, do nguồn con giống khan hiếm, giá giống lợn ở mức cao (gấp 03 lần so với bình thường), bên cạnh đó ảnh hưởng của Dịch Covid 19 trên toàn cầu, gây trở ngại cho việc lưu thông hàng hóa, nên giá thức ăn, thuốc phòng bệnh (nhập khẩu) tăng cao... trong khi các đơn vị chăn nuôi vừa và nhỏ nguồn vốn hạn hẹp, đã bị thất thiệt do dịch bệnh, nên chưa thể có điều kiện để đầu tư tái đàn, các đơn vị có đủ điều kiện nhưng tâm lý e ngại Dịch bệnh quay trở lại nên chưa dám mạnh dạn đầu tư, chỉ riêng các doanh nghiệp, trang trại có quy mô lớn, tiềm lực tài chính mạnh, chăn nuôi theo chuối liên kết khép kín là vẫn duy trì và phát triển tốt, tuy nhiên tỷ trọng đàn của nhóm đơn vị này chiếm còn ít so với tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đàn lợn tại thời điểm 01/7/2020 giảm so 8,8% với cùng kỳ, nhưng so với kỳ 01/01/2020, tổng đàn lợn đã tăng đáng kể (tăng 14,5%), cụ thể:

- Quy mô đàn lợn: Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh có 910.125 con lợn, giảm 8,8% so với kỳ 01/07/2019 (giảm 88.149 con ).Trong đó: Đàn lợn quy mô 1-29 con là 564.285 con (chiếm 62% tổng đàn), giảm 14,3% (giảm 93.815 con); quy mô 30-99 con là 89.449 con (chiếm 9,8% tổng đàn), giảm 14,2% (giảm 14.847 con); quy mô 100-299 con là 60.966 con (chiếm 6,7% tổng đàn), giảm 23,2% (giảm 18.450 con); quy mô 300 con trở lên là 155.930 con (chiếm 17,1%), tăng 16,2% (tăng 21.684 con); DN là 39.495 con (chiếm 4,3% tổng đàn), tăng 77,8% so với cùng kỳ (tăng 17.279 con). Như vậy có thể thấy, nhóm quy mô chăn nuôi lớn từ 300 con trở lên và doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển và tăng mạnh, nhưng tỷ trọng đàn mới chỉ chiếm 21,4% tổng đàn toàn tỉnh, trong khi nhóm quy mô vừa và nhỏ chiếm tới 78,6% tổng đàn hiện còn giảm nhiều, vì vậy tổng đàn lợn toàn tỉnh tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra nếu so với kỳ 01/01/2020 tổng đàn lợn đã tăng đáng kể (tăng 14,5%), cụ thể: Nhóm quy mô nuôi 1-29 con, tăng 10,4%; nhóm quy mô nuôi 30-99 con, tăng 16,4%; nhóm quy mô nuôi 100-299 con, tăng 18%; nhóm quy mô nuôi 300 con trở lên , tăng 20%; đặc biệt nhóm doanh nghiệp tăng 54,5%, với kết quả như vậy phần nào cũng phản ánh, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng phát triển trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng Dịch bệnh TLCP kéo dài trên một năm qua.

- Cơ cấu đàn lợn:

+ Theo qui mô của đơn vị chăn nuôi: Tại thời điểm 01/7/2020, toàn tỉnh hiện có 139.021 đơn vị chăn nuôi lợn, giảm 28% so với cùng kỳ (giảm 54.020 đơn vị); Chia ra: Số đơn vị chăn nuôi qui mô 1-29 con là 136.864 đơn vị (chiếm 98,4%  tổng số đơn vị có chăn nuôi lợn toàn tỉnh), giảm 28,1% (giảm 53.516 đơn vị); Số đơn vị chăn nuôi qui mô 30-99 con là 1.720 đơn vị (chiếm 1,24%), giảm  18,3% (giảm 385 đơn vị); Số đơn vị chăn nuôi qui mô 100-299 con là 264 đơn vị (chiếm 0,2%) giảm 26,9% (giảm 97 đơn vị); Số đơn vị chăn nuôi qui mô 300 con trở lên là 154 đơn vị (chiếm 0,11%) giảm 14,9% (giảm 27 đơn vị); Số doanh nghiệp chăn nuôi là 19 đơn vị (chiếm 0,01% tổng số đơn vị có chăn nuôi lợn) tăng 35,7% so với cùng kỳ (tăng 05 doanh nghiệp). Như vậy có thể thấy, đối với ngành chăn nuôi lợn, cơ cấu các đơn vị chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn ( chiếm 98,4% tổng số đơn vị có chăn nuôi lợn), tương đương số đầu con chiếm 62% tổng đàn. Đây cũng chính là hạn chế lớn, vì chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó kiểm soát được chất lượng con giống, các loại bệnh dịch và nhất là vấn đề về môi trường; đồng thời rất dễ gặp rủi ro lớn khi có các biến động bất thường (giá cả thị trường tụt giảm, dịch bệnh bùng phát...); Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu các đơn vị chăn nuôi đang có xu hướng dịch chuyển một cách tích cực, các đơn vị chăn nuôi với qui mô lớn đang ngày càng phát triển, tạo đà cho ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn phát triển vững chắc.    

+ Theo cơ cấu vùng miền: + Khu vực Đồng Bằng: Đàn lợn khu vực đồng bằng 382.015 con (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 42% tổng đàn toàn tỉnh) giảm 10,9 % so với cùng kỳ (giảm 46.904 con);  

+ Khu vực ven Biển : Đàn lợn khu vực miền biển 275.982 con (chiếm 30,3% tổng đàn) giảm 10,9% (giảm 33.789 con);

+ Khu vực miền Núi: Đàn lợn khu vực miền núi 252.128 con (chiếm 27,7 % tổng đàn) giảm 2,9% so với cùng kỳ (giảm 7.456 con);

 Như vậy có thể thấy, đối với ngành chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc phòng...) quá cao, bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn các loại dịch bệnh mới phát sinh, dịch bệnh cũ vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại, gây tâm lý lo ngại cho người chăn nuôi, nhất là đối với các đơn vị chăn nuôi nhỏ, lẻ, vốn hạn hẹp...Thực tế cho thấy, chăn nuôi với quy mô lớn, tập trung sẽ tạo được ưu thế lớn về mặt thị trường; công tác kiểm định chất lượng con giống, chất lượng sản phẩm khi giết mổ, nhất là dễ kiểm soát và khống chế được dịch bệnh khi phát sinh. Vì vậy, đối với đàn lợn nuôi ở quy mô lớn ít bị ảnh hưởng, chủ yếu là đàn lợn các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, lẻ chính là đối tượng bị tác động trực tiếp và bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có dịch bệnh xảy ra.    

2.2.  Đàn gia cầm: Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra, thị trường tiêu thụ ổn định, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô đàn. Tổng đàn gia cầm của tỉnh là 20.931 nghìn con, tăng 5,1% so với kỳ 01/07/2019; Trong đó: Gà 15.035 nghìn con, trong đó chăn nuôi quy mô nhỏ 1-999 con là 11.542  nghìn con, chiếm 76,76 % tổng đàn gà; đàn vịt 4.500 nghìn con, nuôi với quy mô nhỏ 1-499 con là 3.429 nghìn con, chiếm 76,2% tổng đàn vịt; đàn ngan 1.353 nghìn con, nuôi với quy mô nhỏ dưới 500 con là 1.322 nghìn con, chiếm 97,7%  tổng đàn ngan. Như vậy, đối với đàn gia cầm chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ ở các hộ đang có xu hướng giảm, chăn nuôi qui mô lớn đang ngày càng phát triển. Cụ thể: Đàn gia cầm có quy mô nhỏ tốc độ giảm đàn 1,2 % (kỳ 01/07/2019 là 16.491 nghìn con, kỳ 01/07/2020 là 16.293 nghìn con) trong khi đó đàn gia cầm có quy mô lớn, DN có tốc độ tăng đàn là 36 % so với cùng kỳ (kỳ 01/07/2019 là 3.378 nghìn con, kỳ 01/07/2020 là 4.595 nghìn con).

2.3. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 111.967 tấn, tăng 1,3% so với kỳ 1/07/2019 (tăng 1.417 tấn), trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt 59.031 tấn (chiếm 52,7% tổng sản lượng thịt hơi các loại), giảm 2,7 % (giảm 1.653 tấn); thịt gia cầm đạt 30.919 tấn, tăng 9,6% (tăng 2.702 tấn); sản lượng trứng gia cầm 71.278 nghìn quả, tăng 9,4% so với kỳ 01/07/2019 (tăng 6.121 nghìn quả), cơ bản  đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh...

Qua tổng hợp kết quả điều tra cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020 ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, do hệ lụy của bệnh Dịch Tả lợn Châu Phi kéo dài gây mất ổn định thị trường, sức ép về cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, thiếu nguồn giống, thiếu vốn, thiếu lao động, bệnh dịch vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh trở lại. Nhưng với tiềm năng là tỉnh lớn về dân số, có lợi thế về vùng miền, lợi thế về thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, có tiềm năng về đất đai, nguồn thức ăn cho chăn nuôi từ trồng trọt và thuỷ sản  dồi dào. Nên nhìn chung, các đàn vật nuôi trên địa bàn vẫn đang được duy trì và phát triển. Vì vậy, cần phát huy lợi thế, đồng thời phải có những chính sách, giải pháp phù hợp để hỗ trợ ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững:

Một là: Về giải pháp lâu dài cần rà soát và qui hoạch  các đàn vật nuôi để có kế hoạch tổng thể phát triển các con vật nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường và thế mạnh của từng địa phương, từng vùng miền trong tỉnh, đồng thời khuyến khích tổ chức phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Hai là: Xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh, trước hết ưu tiên phát triển  những đàn vật nuôi đang chiếm tỷ trọng lớn, dễ nuôi và có hiệu quả cao. Từ đó có chính sách phù hợp để khuyến khích và bảo hộ vật nuôi trên địa bàn tỉnh đối với từng loại hình kinh tế như: Trang trại, gia trại, hộ, doanh nghiệp.

Ba là: Tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng cung cấp nguồn sản phẩm sạch phục vụ  người tiêu dùng, nhằm duy trì được thị trường tiêu thụ ổn định bền vững.

Bốn là: Đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chăn nuôi để giảm chi phí trong chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, nhất là ở những khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi ở hộ xen lẫn dân cư./.                                            

<

Tin mới nhất

Cục Thống kê Thanh Hóa: Công bố công khai số liệu quyết toán NSNN năm 2023(23/08/2024 3:25 CH)

Cục Thống kê Thanh Hóa quyết định về việc công bố, công khai thực hiện dự toán thu - chi ngân...(22/08/2024 6:16 CH)

Cục Thống kê Thanh Hóa quyết định về việc công bố, công khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2024(20/08/2024 3:41 CH)

Cục Thống kê Thanh hóa dự toán thu - chi ngân sách được giao và phân bổ cho các đơn vị trực thuộc...(31/07/2024 7:05 CH)

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 năm 2024(29/07/2024 9:22 SA)

Tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng đầu năm 2024(29/07/2024 8:20 SA)

    °
    2337 người đang online