Sáng ngày 11/01/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã khai mạc Hội nghị tập huấn Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Tổng cục trưởng TCTK, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra TW Nguyễn Thị Hương tham dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự hội nghị có các Phó Tổng cục trưởng: Phạm Quang Vinh, Nguyễn Trung Tiến; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK, 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trong cả nước. Hội nghị có sự tham dự của đại biểu là đại diện lãnh đạo của các Bộ, ngành và một số lãnh đạo UBND tỉnh/TP trực thuộc Trung ương là Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế cấp tỉnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến với 200 điểm cầu từ các Cục Thống kê và Chi cục Thống kê tại các địa phương trong cả nước, với trên 1.500 người tham dự.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hương Tổng cục trưởng TCTK, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Tổng điều tra TW cho biết, thực hiện Chương trình Điều tra thống kê quốc gia, năm 2021, TCTK, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực Tổng điều tra kinh tế năm 2021. Đây là một trong 3 cuộc Tổng điều tra lớn của toàn ngành Thống kê (cùng với Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra Nông nghiệp - Nông thôn). Cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 sẽ cung cấp số liệu toàn bộ về khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ; giúp phản ánh quy mô GDP, cơ cấu từng ngành kinh tế trong GDP, làm tiền đề quan trọng cho việc tính toán số liệu GDP của toàn quốc và GRDP của mỗi địa phương. Điều đó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, giúp Đảng và Nhà nước có được bức tranh kinh tế tổng thể của cả nước; nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung và của từng ngành, từng địa phương để từ đó định vị được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển; xác định những tiềm năng, lợi thế cần phải khai thác; nhận diện được những rào cản, thách thức phải vượt qua; và quan trọng nhất là đưa ra được những quyết sách, chỉ đạo, điều hành phù hợp để phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững. Kết quả của cuộc điều tra này cũng sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn của Bộ, ngành và của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cũng cho biết, đây là cuộc Tổng điều tra có quy mô rộng, nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng điều tra khác nhau như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Do vậy, để thực hiện thành công cuộc Tổng điều tra, thay mặt Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế TW, Tổng cục trưởng đề nghị: (1). Ngành Thống kê thực hiện tốt vai trò chủ trì, hướng dẫn phương án, nghiệp vụ, kế hoạch triển khai Tổng điều tra đối với Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Ban Chỉ đạo địa phương, Tổ công tác các Bộ, ngành; tham mưu và lập kế hoạch cho Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo địa phương chỉ đạo Tổng điều tra theo phương án thống nhất, phù hợp với đặc thù của ngành và mỗi địa phương; (2) Các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở, Ban, Ngành phối hợp chặt chẽ với TCTK và cơ quan thống kê các cấp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Tổng điều tra. Tăng cường cung cấp, chia sẻ thông tin từ dữ liệu quản lý hành chính như dữ liệu Thuế, đăng ký kinh doanh, quản lý y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin, truyền thông... cho mục tiêu Tổng điều tra. Các đơn vị điều tra chấp hành yêu cầu cung cấp thông tin thống kê theo bảng hỏi Tổng điều tra; thực hiện nghiêm túc kế hoạch Tổng điều tra đã đề ra, đảm bảo hoàn thành các công việc đúng tiến độ. (3). Thực hiện tốt công tác tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tăng cường công tác tuyên truyền để điều tra viên, người cung cấp thông tin ở các đơn vị điều tra hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp số liệu; cần cung cấp số liệu gì và tính toán như thế nào nhằm đảm bảo chất lượng và tính nhất quán của số liệu; (4). Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát với mọi hình thức để đảm bảo phương án Tổng điều tra được triển khai thống nhất ở các Bộ ngành, địa phương, điều tra viên thực hiện tốt quy định khi thu thập số liệu. Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổng điều tra và Cục trưởng Cục Thống kê tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tất cả điều tra viên phải thu thập thông tin từ các đơn vị điều tra; (5). Công tác kiểm tra, xử lý số liệu Tổng điều tra cần được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ để sớm hoàn thành tổng hợp, phân tích và công bố số liệu. TCTK xây dựng đề cương và thực hiện biên soạn các báo cáo chuyên đề từ thông tin của Tổng điều tra, nhằm cung cấp kịp thời thông tin thống kê chuyên sâu phục vụ cho đánh giá tình hình, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và địa phương, phục vụ công tác tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, của các Bộ, ngành và địa phương nhằm đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp, giúp Đảng và Chính phủ nắm bắt, chỉ đạo tốt chiến lược phát triển đất nước trong tình hình mới.
Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, chúng ta cần phát huy tối đa mọi nguồn lực, sử dụng kinh phí điều tra phải đúng quy định, linh hoạt và thật hiệu quả để thực hiện thành công Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng TCTK, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra TW đã giới thiệu nội dung chính của Phương án và các điểm mới của Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Theo kế hoạch, chương trình Hội nghị tập huấn được tổ chức trong 03 ngày (từ 11-13/01/2021). Nội dung tập huấn bao gồm: Quy trình thu thập thông tin, quy trình chọn mẫu đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; Giải thích nội dung và cách ghi phiếu toàn bộ, ghi phiếu lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và vốn đầu tư; phiếu lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; lĩnh vực tài khoản quốc gia, phiếu Vận tải-Lưu trữ-Lữ hành-Y tế và Giáo dục; phiếu Gia công-FATS-Văn phòng đại diện; Giới thiệu: Quy trình, nội dung, phương pháp thu thập thông tin phiếu cá thể, phiếu tôn giáo, phiếu hiệp hội, tổ chức phi chính phủ...; Phần mềm thu thập thông tin cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thông tin cơ sở tôn giáo, thông tin sự nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ...; Giới thiệu các bảng danh mục trong Tổng điều tra kinh tế; Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; Hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí Tổng điều tra; Giới thiệu trang Web điều hành tác nghiệp./.